Những sự kiện khoa học nổi bật năm 2008

Những sự kiện khoa học nổi bật năm 2008

Mặc dù năm 2008 thế giới gặp nhiều khó khăn về tài chính, kinh tế, nhiều cuộc chiến, cuộc xung đột kéo dài dai dẳng, nhưng các nhà khoa học vẫn miệt mài làm việc, khám phá và phát minh nhiều thành tựu khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau, bổ sung vào kho tàng trí tuệ nhân loại. Tạp chí Time và Newscientist (Mỹ) đã bình chọn một số công trình tiêu biểu sau:

Hành tinh nóng nhất

Những sự kiện khoa học nổi bật năm 2008 ảnh 1

Ảnh 1

Tháng 10-2008, các nhà thiên văn quốc tế phát hiện một hành tinh có tên WASP-12b (ảnh 1), nặng gấp khoảng 1,5 lần sao Mộc và chỉ mất hơn một ngày để xoay quanh ngôi sao riêng. Khoảng cách từ WASP-12b tới sao riêng của nó bằng 1/40 khoảng cách từ Mặt trời tới Trái đất.

Theo tính toán của các chuyên gia, nhiệt độ trên WASP-12b vào khoảng 2.250oC, tương đương 1/2 nhiệt độ tại bề mặt của Mặt trời. Do đó, đây là hành tinh nóng nhất mà con người từng phát hiện, đồng thời cũng là hành tinh có thời gian di chuyển trên quỹ đạo ngắn nhất.


Máy gia tốc hạt lớn (LHC)

Những sự kiện khoa học nổi bật năm 2008 ảnh 2

Ảnh 2

Cỗ máy LHC mạnh và hiện đại nhất thế giới với chiều dài 27km được vận hành lần đầu tiên dưới độ sâu 100 mét tại biên giới Pháp - Thụy Sĩ vào tháng 9 vừa qua.

Cơ quan nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) sở hữu cỗ máy trị giá hơn 4 tỷ USD này hy vọng sẽ tái tạo vụ nổ Big Bang, xác định sự tồn tại của hạt Higgs có vai trò quan trọng trong mô hình chuẩn của vật lý hạt, để từ đó giải thích quá trình hình thành vũ trụ.

Nhiều người lo ngại cỗ máy trên hoạt động có thể tạo ra các lỗ đen nuốt chửng cả thế giới. Ban đầu mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch sau khi máy LHC khởi động trước sự chú ý của giới khoa học toàn cầu. Chùm tia thí nghiệm đầu tiên đã hoàn thành quãng đường tuần hoàn 27 km của máy LHC.

Nhưng 10 ngày sau thì sự cố xảy ra, khi một lượng lớn heli lỏng bị rò rỉ vào đường hầm khiến nó phải ngừng hoạt động. Công việc sửa chữa đang được tiến hành và cỗ máy LHC có thể vận hành trở lại từ tháng 6 năm tới, trước sự chờ đón của giới khoa học xung quanh cỗ máy “tiền tỷ” này (ảnh 2).

Khám phá Bắc cực của sao Hỏa

Trước tàu Phoenix, tất cả các robot thăm dò sao Hỏa đều chưa từng tới được vùng cực phía Bắc của hành tinh đỏ, nơi có thể tìm thấy sự tập trung lớn nhất của băng và nước, những bằng chứng về sự tồn tại sự sống.

Bước ngoặt đã xảy ra vào tháng 5 vừa qua khi tàu Phoenix của NASA đáp xuống khu vực gần cực Bắc của sao Hỏa và bắt đầu xem xét và lấy mẫu tại đây.

Tàu Phoenix không tìm thấy bất cứ thứ gì đột phá có thể thay đổi hình ảnh sao Hỏa vốn được nhìn nhận như một hành tinh chết, nhưng những gì nó thu thập được đã củng cố giả thuyết rằng hành tinh đỏ đã từng có thời ẩm ướt và tồn tại sự sống.

Nhưng do điều kiện khí hậu và địa hình khắc nghiệt đã không cho Phoenix cống hiến lâu và nó gửi về trái đất những tín hiệu cuối cùng hồi tháng 11 vừa qua, trước khi chấm dứt sứ mệnh trên hành tinh đỏ.

Gia đình cổ xưa nhất hành tinh

Phát hiện mới tại khu vực bang Saxony-Anhalt ở miền Trung nước Đức có thể là hình ảnh cổ xưa nhất trên thế giới về một gia đình hạt nhân (hình thái gia đình gồm cha mẹ và các con). Các nhà khảo cổ tại đây đã khai quật khu mộ tập thể 4.600 tuổi của một nhóm người thời đồ đá, có dấu hiệu bị giết cùng nhau trong một vụ đột kích.

Trong số những di cốt được tìm thấy có một nhóm 4 người chôn cùng nhau, gồm một người nam và một người nữ trưởng thành cùng hai bé trai. Hai di cốt trẻ em này được xác định gồm một ở độ tuổi từ 8 đến 9 và bé còn lại độ tuổi từ 4 đến 5.

Phân tích các bằng chứng phân tử ADN, các nhà khoa học nhận định đây là một gia đình và có thể là gia đình cổ xưa nhất trên thế giới từng được phát hiện.

Áo tàng hình

Các nhà khoa học tại Đại học California, Mỹ, công bố họ đã phát minh ra chiếc áo tàng hình và sẽ cho ra mắt trong tương lai, nhờ hai loại vật liệu mới siêu mỏng có khả năng bẻ cong đường đi của ánh sáng, khiến sóng ánh sáng đi vòng quanh vật thể rồi hội tụ ở phía sau giống như dòng nước chảy quanh một tảng đá.

Tuy nhiên khả năng tàng hình vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và giá thành chế tạo quá lớn sẽ rất khó ứng dụng rộng rãi công nghệ này trong thực tế. Trong khi đó các nhà khoa học của Đại học California vẫn còn một chặng đường dài, trước khi có thể làm tàng hình những vật thể có kích thước lớn hơn cấp độ nano.

Cây gần 1 vạn tuổi

Những sự kiện khoa học nổi bật năm 2008 ảnh 3
Ảnh 3

Trong năm qua, các nhà khoa học tìm thấy một cây vân sam còn sống có tới 9.555 năm tuổi tại tỉnh Dalarna, Thụy Điển (ảnh 3). Đây là cây còn sống có tuổi thọ lớn nhất hành tinh và cũng có thể là sinh vật sống có niên đại vô địch địa cầu.

Trước đó, các chuyên gia cũng tìm thấy những chiếc rễ của một cây dương lá rung có niên đại tới 80.000 ở bang Utah, Mỹ. Nhưng cây này không được coi là “nhà vô địch” về tuổi thọ trong thế giới sinh vật sống bởi nó đã chết từ rất lâu.

Hố đen lớn và nhỏ nhất trong vũ trụ

Các chuyên gia tại trạm thiên văn Tuorla của Phần Lan tìm thấy một hố đen có khối lượng gấp 18 tỷ lần Mặt trời. Với khối lượng ấy, nó trở thành hố đen lớn nhất trong vũ trụ.

Trong khi đó, một số nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã tìm thấy hố đen nhỏ nhất vũ trụ trong một hệ thống sao mang tên XTE J1650. Với khối lượng gấp 3,8 lần Mặt trời, hố đen này giúp giới khoa học có thêm thông tin về giới hạn dưới đối với khối lượng của hố đen. 

VIỆT ANH
(Tổng hợp từ Time, NewScientist, NASA)

Tin cùng chuyên mục