Chống mafia ở Italia

Bài 1: Nối dài vòi bạch tuộc
Chống mafia ở Italia

Bài 1: Nối dài vòi bạch tuộc

Thời gian qua, các tổ chức mafia của Italia đã tổ chức lại hoạt động để tránh sự truy đuổi của cảnh sát và “hội nhập” vào quá trình toàn cầu hóa. Bên cạnh các “gia tộc” mafia truyền thống, tại Italia còn xuất hiện những nhóm tội phạm có nguồn gốc nước ngoài.

Miền Nam Italia - cái nôi của mafia

Theo nhà nghiên cứu Fabrizio Maccaglia, miền Nam Italia là nơi sản sinh 4 tổ chức mafia lớn của nước này, gồm Cosa Nostra (đảo Sicilia), Ndrangheta (ở Calabria), Camorra (ở Napoli) và Sacra Corona Unita (vùng Puglia). Tổ chức Cosa Nostra gồm 181 gia tộc với khoảng từ 5.000 - 6.000 thành viên. Sau khi “bố già” Salvatore Riina bị bắt giữ năm 1993, người thay thế là Bernardo Provenzano đã thay đổi hoạt động của tổ chức theo hướng hạn chế các hành động gây tai tiếng, khuyến khích các băng đảng không tham gia các đường dây buôn lậu quốc tế và tăng cường hoạt động ở Sicilia.

Ngày nay, thu nhập của Cosa Nostra bắt nguồn chủ yếu từ tiền bảo kê, cho vay nặng lãi và kiểm soát các hợp đồng xây dựng công cộng. Khả năng xâm nhập đời sống xã hội, kinh tế, chính trị và hành chính ở đảo Sicilia tiếp tục được củng cố, cho dù “bố già” Bernardo Provenzano và nhiều nhân vật cấp cao khác đã bị bắt.

Tổ chức Ndrangheta bắt đầu được coi là một tổ chức mafia thực sự từ cuối những năm 1960. Tổ chức này chuyên bắt cóc con tin để đổi lấy tiền chuộc. Vào giữa những năm 1990, Ndrangheta có khoảng 150 băng đảng với hơn 3.500 thành viên. Ndrangheta chỉ tuyển mộ những người trong họ tộc. Điều này tạo ra sự gắn kết bên trong nội bộ tổ chức bởi vì sự phản bội đối với tổ chức cũng đồng nghĩa với việc phản bội cả họ tộc.

Ndrangheta ngày càng hướng về các hoạt động buôn lậu quốc tế, đặc biệt là buôn ma túy. Khác với Cosa Nostra, Ndrangheta áp dụng chiến lược mở rộng ra nước ngoài, đồng thời vẫn củng cố cơ sở ở trong nước.

Camorra là tổ chức tội phạm hình thành tại khu vực thành thị Napoli từ giữa thế kỷ 19. Khác với mafia ở Sicilia, Camorra được tổ chức theo chiều ngang. Mỗi khu phố ở Napoli có một băng đảng hoạt động độc lập với các băng đảng khác. Không có một “bố già” nào thực sự kiểm soát các băng nhóm tội phạm ở đây và cũng vì thế, thường xuyên xảy ra các cuộc đấu đá đẫm máu giữa các bên.

Các cuộc đụng độ này đã làm hàng trăm người thiệt mạng từ đầu những năm 1970. Hoạt động của Camorra khá rộng: Từ buôn bán ma túy, tác phẩm nghệ thuật, cưỡng đoạt, cho vay nặng lãi đến cá cược… Camorra cũng thống trị lĩnh vực làm giả các loại hàng xa xỉ, hàng may mặc và các mặt hàng tiêu dùng.

Thời gian gần đây, Camorra bắt đầu nhảy vào lĩnh vực ăn cắp bản quyền tin học, điện ảnh và âm nhạc. Các xưởng của Camorra in khoảng 5.000 đĩa CD/ngày bán trên các đường phố Italia với giá trung bình khoảng 5 euro/đĩa. Ngoài ra, Camorra cũng tham gia các đường dây buôn lậu rác thải, không chỉ ở Campania mà còn ở các khu vực khác.

Tổ chức Sacra Corona Unita ra đời đầu những năm 1980, hiện có khoảng 2.000 thành viên. Sacra Corona Unita hoạt động trong lĩnh vực buôn bán ma túy, vũ khí và thuốc lá. Vùng Puglia trở thành cửa nhập ma túy ở Italia do nước này gần Albania và có nhiều tuyến đường hàng hải nối với Hy Lạp. Hai nước này là điểm đến của ma túy xuất phát từ Đông Nam Á và Trung Á.

Những tổ chức mafia mới

Trong thập kỷ qua, nhiều nhóm tội phạm mới có nguồn gốc từ châu Âu, châu Á và châu Phi bắt đầu xuất hiện và tăng cường ảnh hưởng ở Italia. Theo Bộ Nội vụ Italia, các tổ chức tội phạm có nguồn gốc từ Albania là các tổ chức có nguồn gốc nước ngoài lớn nhất hiện diện ở Italia. Tổ chức này tồn tại dưới hai dạng chính. Đầu tiên là các nhóm có cơ cấu ổn định, ngày càng giống với mafia. Các tổ chức này có quan hệ chặt chẽ với các tổ chức ở Albania, có thể cung cấp đầy đủ ma túy cho thị trường Italia và châu Âu.

Một dạng khác là tội phạm ở thành thị. Các băng đảng Albania chuyên trong lĩnh vực mại dâm với phạm vi hoạt động không chỉ ở Italia mà còn ở Tây Âu. Chúng đảm nhận việc đưa vào Italia phụ nữ trẻ tuyển từ Trung và Đông Âu và khai thác họ. Ngoài Italia, gái mại dâm còn được đưa tới Bỉ, Hà Lan hoặc Anh bán cho các băng đảng khác.

Các băng nhóm tội phạm người Hoa cũng hoạt động mạnh. Hoạt động ngày càng phát triển của nhóm này là làm hàng giả, không chỉ trong lĩnh vực may mặc mà còn trong lĩnh vực hàng điện tử. Các loại hàng giả được sản xuất tại chỗ hoặc nhập thẳng từ Trung Quốc. Ngoài hàng giả và tổ chức mại dâm, hoạt động chính của các nhóm tội phạm người Hoa là đưa người nhập cư bất hợp pháp vào Italia. Đây là lĩnh vực thu nhiều lợi nhuận vì mỗi người nhập cư phải trả từ 15.000 - 20.000 euro. Tiền lãi được đầu tư trở lại trong lĩnh vực thương mại hoặc bất động sản để trở thành tiền “sạch”.

Những thay đổi về chính trị ở các nước Trung và Đông Âu đầu những năm 1990 đã làm xáo trộn nền kinh tế và làm xuất hiện nhiều nhóm tội phạm. Italia là điểm đến ưu tiên của chúng khi bức tường ngăn cách giữa châu Âu với các quốc gia này được xóa bỏ. Trong số các nhóm tội phạm đến từ Trung và Đông Âu, phải kể tới các nhóm tội phạm người Nga. Hoạt động chính của các nhóm này là rửa tiền, buôn bán vũ khí và gần đây hơn là tổ chức nhập cư bất hợp pháp, mại dâm và cưỡng đoạt tài sản…

Các tổ chức tội phạm có tổ chức ở Italia tạo thành một mạng lưới phức tạp, khiến đời sống của một bộ phận người dân bị xáo trộn và công tác giữ gìn an ninh trật tự của các lực lượng chức năng trở thành nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Bài 2: Cuộc chiến không đơn độc

Hoạt động của các tổ chức mafia làm xáo trộn đời sống xã hội và khiến không ít doanh nghiệp Italia lao đao. Đã có những cá nhân, tổ chức ở Italia đứng lên chống lại mafia bên cạnh các lực lượng chức năng của chính phủ. Giờ đây, chống mafia ở Italia không còn là cuộc chiến đơn độc.

Từ hành động cá nhân…

Theo báo cáo công bố ngày 11-11-2008 của Hiệp hội Dịch vụ bán lẻ Italia (Confesercenti - tổ chức đại diện cho 270.000 doanh nghiệp), các tổ chức mafia ở nước này vẫn tiếp tục hoạt động mạnh và “làm ăn”… có lãi! Doanh thu của các tổ chức mafia Italia tương đương 6% GDP hàng năm của Italia, đạt 130 tỷ euro/năm.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt với tình trạng khan hiếm vốn do các ngân hàng cắt giảm tín dụng. Chính bối cảnh này đã tạo thêm điều kiện cho các tổ chức mafia lớn mạnh.

Chống mafia ở Italia ảnh 1

Roberto Saviano, tác giả cuốn sách Gomorra nổi tiếng đang bị mafia truy sát

Theo Confesercenti, cuộc khủng hoảng tài chính đã buộc 180.000 cơ sở kinh doanh phải vay tiền từ các tổ chức mafia. Các tổ chức mafia cũng mở rộng tầm hoạt động, kiếm thêm thị phần bằng cách bỏ tiền ra mua cở sở kinh doanh, văn phòng bất động sản đang khốn đốn vì thiếu tiền mặt. Theo ước tính, mỗi ngày các tổ chức mafia Italia thu được 250 triệu euro từ tiền bảo kê và cho vay nặng lãi đối với các doanh nghiệp và các nhà bán lẻ.

Nhưng các tổ chức mafia càng lớn mạnh và gây tai họa cho người dân bao nhiêu thì những tiếng nói và hành động chống mafia lại nhiều thêm bấy nhiêu. Trong năm 2008, cả thế giới đã biết đến Roberto Saviano, nhà báo kiêm nhà văn Italia, 29 tuổi, tác giả cuốn sách “Gomorra” nổi tiếng (bán được 1,2 triệu bản ở Italia và được dịch ra 42 thứ tiếng). Cuốn phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên đã được chọn là ứng viên giải Oscar 2009 cho phim nước ngoài hay nhất, sau khi đã nhận giải Grand Prix tại Liên hoan phim Cannes 2008. Với những mô tả chi tiết về các hoạt động của tổ chức mafia Camorra ở Napoli và vùng lân cận, Saviano trở thành một điển hình về chống băng nhóm tội phạm có tổ chức ở Italia.

Dù phải sống một cuộc sống đơn độc và nguy hiểm dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt 24/24 của cảnh sát từ 2 năm qua, Saviano khẳng định vẫn tiếp tục sống và viết về bọn tội phạm thời hiện đại với lý do hết sức đơn giản, anh không muốn những kẻ muốn sát hại mình là những người có lý. Không ít chính trị gia và người dân Italia đã bày tỏ sự đoàn kết với nhà văn. Cũng như Saviano, họ mong muốn người dân Italia không bị kìm kẹp trong vòng phong tỏa của những vòi bạch tuộc.

Đến nỗ lực tập thể

Bãi đỗ xe ô tô của cảnh sát Italia mới đây lại có thêm một chiếc Ferrari 512 màu vàng lông chim hoàng yến và một chiếc Porsche Cayenne đen tuyền. Những chiếc xe này đều là hàng tịch thu từ các tổ chức mafia. Bộ trưởng Nội vụ Italia Roberto Maroni khẳng định sẽ cho các cảnh sát mặc sắc phục ngồi những chiếc xe này ngay tại những khu phố do mafia kiểm soát để cho chúng thấy rằng giờ đây, mọi thứ đã thay đổi.

Trong năm 2008, cảnh sát Italia đã tịch thu từ các tổ chức mafia tổng giá trị tài sản lên tới 4,1 tỷ euro, gấp 3 lần so với năm 2007. Trong đa số các trường hợp, các tài sản tịch thu được giao cho các tổ chức chống mafia quản lý. Nhiều tổ chức ở Italia ra đời chuyên bán ra thị trường các hàng hóa tịch thu được của bọn mafia. Nhiều hàng hóa được dán mác xuất xứ “sản xuất trên đất của mafia”, như trường hợp loại rượu vang và dầu ô liu của Tổ chức Libera Terra de Don Ciotti - một tổ chức tôn giáo đặt mục tiêu chống các loại hình tội phạm có tổ chức.

Một ví dụ khác: Tại San Sebastiano da Po, một trang trại lớn thuộc gia tộc mafia Belfino đã được giao cho một tổ chức chống mafia quản lý. Tổ chức này đã đặt lại tên cho trang trại là Bruno Caccia - tên của vị tổng kiểm sát trưởng thành phố Turin, người đã bị một băng nhóm tội phạm ám sát năm 1983. Trước đó, hồi tháng 6-2008, khoảng một trăm người tình nguyện đã tập trung ở Sicilia để trồng cây ô liu trên một vùng đất rộng 7ha tịch thu từ một tổ chức mafia. Vùng đất này sau đó được mang tên Pio La Torre - một nghị sĩ Đảng Cộng sản là nạn nhân của bọn tội phạm.

Trong năm 2008, các lực lượng cảnh sát của Italia đã tiến hành nhiều vụ trấn áp tội phạm lớn. Tổng cộng có hơn 2.000 tên bị bắt giữ, nhiều hơn khoảng 400 tên so với năm 2007. Trong một vụ vây ráp mang tính lịch sử  có tên Perseus diễn ra ngày 16-12-2008 ở Sicilia và Toscane, cảnh sát đã bắt được 90 tên mafia. Những tên này có quan hệ với trùm mafia Matteo Messina Denaro đang lẩn trốn và mong muốn xây dựng lại Tổ chức Cosa Nostra vốn đã bị suy yếu từ năm 2006 khi Bernardo Provenzano bị bắt giữ.

Vụ bắt giữ lần này là kết quả của 9 tháng điều tra, với lực lượng 1.200 nhân viên cảnh sát được máy bay trực thăng và chó nghiệp vụ yểm trợ. 

Nhưng những vụ bắt giữ vừa qua chưa đủ làm bọn mafia giảm hoạt động. Tại Palermo, dịp cuối năm 2008, bọn mafia đã quyết định tăng gấp đôi tiền bảo kê (pizzo) mà chúng lấy từ tất cả các hoạt động công nghiệp và thương mại. Những hành động hăm dọa cũng liên tiếp gia tăng. Theo tờ nhật báo La Repubblica, đêm nào bọn tội phạm cũng phá hoại ổ khóa của khoảng 50 doanh nghiệp bằng nhựa hoặc keo dính. Đây là những cảnh báo đầu tiên, trước khi có một hành động lớn hơn như đốt nhà hoặc xe.

Cách làm này hiệu quả tới mức trong năm 2008, chỉ có 64% chủ doanh nghiệp tố cáo những hành động phá hoại này. Đây cũng chính là điều mà những tổ chức chuyên chống mafia như tổ chức Addiopizzo lo ngại. Theo họ, chừng nào những chủ doanh nghiệp không đứng lên chống lại nạn bảo kê, bọn mafia sẽ càng có cơ hội để hoành hành.

Trong một bài báo viết trên tờ La Repubblica, tác giả cuốn “Gomorra” thổ lộ: “Cuộc chiến chống Camorra phải là cuộc chiến của cả châu Âu. Pháp, Phần Lan, Tây Ban Nha, Đức đều có liên quan. Nếu không có sự phối hợp, chúng ta sẽ thua. Mafia không chỉ là một vấn đề mà là toàn bộ vấn đề”.

Hà Vy

Tin cùng chuyên mục