Mexico: Những thành công ban đầu trong nỗ lực cải thiện môi trường

Kiểu mẫu thành công về cải thiện môi trường
Mexico: Những thành công ban đầu trong nỗ lực cải thiện môi trường

Từ một thành phố được xếp vào loại ô nhiễm nhất thế giới, thủ đô Mexico City của Mexico đã có được những thành công quan trọng trong nỗ lực cải thiện điều kiện môi trường đô thị. Những kinh nghiệm của chính quyền thành phố Mexico chắc chắn sẽ là bài học tốt cho nhiều đô thị lớn trên thế giới…

Kiểu mẫu thành công về cải thiện môi trường

Gabriela Escalante đi dọc theo các con phố của Mexico City, chăm chú nhìn vào những chiếc ống xả của xe hơi. Đây chính là nhiệm vụ hằng ngày của Gabriela, một thành viên của đơn vị gọi là “Ecoguarda”, tên gọi của lực lượng cảnh sát môi trường tại Mexico City. Công việc của cô cùng với khoảng 50 đồng nghiệp khác là ghi nhận những luồng khí thải độc hại vượt quá tiêu chuẩn của các xe hơi, chặn giữ hàng trăm tài xế mỗi ngày, ghi những biên bản phạt trị giá 100 USD hay nặng hơn là tịch thu bằng lái.

“Ecoguarda” hiện đang là một trong những đội quân tiên phong điển hình trong cuộc chiến chống lại nạn ô nhiễm không khí của thủ đô Mexico.

Mexico: Những thành công ban đầu trong nỗ lực cải thiện môi trường ảnh 1

Một thiết bị giám sát chất lượng không khí tại Mexico City.

Chỉ mới một thời gian không lâu trước đó, bầu không khí tại thủ đô náo nhiệt này của Mexico tồi tệ đến nỗi, ngay cả những người đi xe đạp cũng phải đeo khẩu trang. Trong nhiều ngày của năm, lượng khí ozone tại đây còn vượt quá mức độ an toàn tới 97%.

Nhưng giờ đây, thành phố từng được xếp vào loại ô nhiễm nhất thế giới này trong một báo cáo hồi năm 1992 của Liên Hợp Quốc đã thành công trong việc cắt giảm tới 3/4 lượng khí thải độc hại và trở thành một kiểu mẫu cho các hoạt động cải thiện không khí của đô thị.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) thì so với Mexico City hiện nay, nhiều thủ đô khác trên thế giới như Bắc Kinh, Cairo, New Delhi và Lima đang có bầu không khí bị ô nhiễm nặng nề hơn. Đó là chưa kể ít nhất khoảng 30 thành phố khác được cảnh báo vì phát hiện nhiều hợp chất độc hại trong không khí, trong đó đáng chú ý là Barcelona và Praha.

Khi các nguyên thủ Mỹ Latin gặp nhau vào tháng trước để bàn về vấn đề môi trường, nhiều người đã nhắc tới Mexico City như một ví dụ thành công của chính sách cải thiện môi trường.

Vấn đề tiếp theo của Mexico City sau khi giảm bớt được đáng kể các chất ô nhiễm trong không khí sẽ là phải loại bỏ dần các đám mây ozone. Ngay từ đầu mùa đông này - cũng là thời điểm nguy cơ ô nhiễm cao nhất trong năm - Mexico City đã xây dựng kế hoạch đầu tư khoảng 3 tỷ USD cho mạng lưới vận tải công cộng cũng như cắt giảm sâu hơn nữa lượng khí thải độc hại.

“Đã có được một bước cải thiện lớn nhưng điều quan trọng là chúng ta phải nhìn nhận được, đây là sứ mạng phải thực thi một cách triệt để - đó là đánh giá của Mario Molina, một chuyên gia hóa học của Mexico từng đoạt giải Nobel, hiện đang là cố vấn cho nhóm phụ trách các vấn đề môi trường trong chính phủ của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Barack Obama - Vẫn còn một chặng đường dài phải đi trước khi chúng ta thực sự có được một bầu không khí trong lành theo ý”.

Bất lợi từ điều kiện tự nhiên

Theo Adrian Fernandez, người đứng đầu Viện Sinh thái quốc gia Mexico, bản thân thủ đô của nước này - với đặc thù riêng về mật độ dân số lớn và địa hình cao, lại còn bị bao vây bởi một vành đai núi lửa - ẩn chứa những nguy cơ dễ bị ô nhiễm hơn so với nhiều thành phố khác trên thế giới. Chẳng hạn như do điều kiện không khí loãng ở độ cao hơn 2.200m so với mặt biển, nhiên liệu trong các động cơ sẽ được đốt cháy với hiệu suất thấp hơn, thải ra nhiều thành phần chất thải độc hại hơn.

Về phần con người do phải hít thở sâu hơn vì không khí loãng, cơ thể cũng sẽ hấp thụ nhiều hơn các thành phần độc hại trong không khí. Chưa hết, ánh nắng mặt trời ở trên cao lại thúc đẩy nhiều hơn các phản ứng hóa học, biến đổi khí thải thành những lớp khói sương ngột ngạt. Những đám mây màu nâu này bao trùm khắp thành phố, làm nhiệt độ giảm xuống trước khi trút những chất ô nhiễm xuống mặt đất.   

Về mặt dân số, Mexico City - từ 3 triệu dân vào năm 1950 đã tăng lên 20 triệu như hiện nay - đã trở thành đô thị lớn thứ hai thế giới sau Tokyo. Sự tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế cùng với mật độ dân lớn đã khiến các tuyến đường của Mexico City phải chịu một lượng xe cộ lớn với hơn 4 triệu phương tiện các loại.

Ngay cả khi các loại xe lưu hành đã được giám sát đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn môi trường hơn, các chuyên gia vẫn cho rằng, vẫn có từ 70%-80% tỷ lệ khí thải có nguồn gốc từ các phương tiện giao thông. Tất cả đã khiến cho tỷ lệ bệnh tật của cư dân Mexico City tăng lên đáng lo ngại.

Nỗ lực đáng ghi nhận

Mexico thực ra đã có những nỗ lực về môi trường từ vài thập kỷ trước, khi chính phủ nước này phê chuẩn dự luật chống ô nhiễm đầu tiên vào năm 1971. Tuy nhiên, những nỗ lực thực sự bắt đầu được triển khai từ đầu những năm 1990, với những bước thay đổi về công nghệ và luật pháp.

Có thể kể ra nhiều giải pháp như chuyển đổi sang xăng không pha chì, yêu cầu lắp đặt các bộ chuyển đổi chất xúc tác trên xe ô tô mới, đóng cửa nhà máy lọc dầu, các nhà máy điện chuyển sang dùng khí đốt tự nhiên thay cho dầu, di dời nhà máy ra khỏi trung tâm… 

Ngoài việc sử dụng yếu tố con người như cảnh sát môi trường, thành phố còn triển khai một mạng lưới 36 trạm giám sát chất lượng không khí tại khắp nơi.

Những số liệu thu thập được từ các trạm này cho thấy, tỷ lệ chì trong không khí đã giảm tới 95% kể từ năm 1990, khí sulfur dioxide giảm 86%, carbon monoxide giảm 74% và khí ozone giảm 57% kể từ năm 1991. 

Chính phủ liên bang Mexico đang triển khai chính sách chuyển đổi dần xăng dầu sang các loại nhiên liệu an toàn môi trường hơn. Tuy nhiên, giải pháp trước mắt vẫn chủ yếu dựa vào yếu tố tự giác của con người.

Linh Nga (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục