10 năm đồng tiền chung châu Âu ra đời

Bài 1: “Thế lực” mới trên thị trường tài chính
10 năm đồng tiền chung châu Âu ra đời

Bài 1: “Thế lực” mới trên thị trường tài chính

Thời khắc bước sang năm mới 2009 vừa qua cũng là thời điểm Liên minh châu Âu kỷ niệm 10 năm ngày chính thức lưu hành đồng tiền chung của mình – đồng euro. Dù đã gặp không ít khó khăn kể từ khi được thai nghén về ý tưởng cũng như từ khi ra đời, đồng euro đã dần vượt qua được mọi thử thách để trở thành một trong những đồng tiền có ảnh hưởng nhất thế giới, một đối thủ cạnh tranh thực sự của đồng đô la Mỹ đã một thời gian dài làm mưa làm gió.

Đồng euro trong thời khủng hoảng

10 năm đồng tiền chung châu Âu ra đời ảnh 1

Dù gặp phải nhiều khó khăn từ khi ra đời, euro hiện đã khẳng định được vị thế là đồng tiền hàng đầu trên thế giới

Đúng 0g ngày đầu tiên của năm mới 2009, đồng euro chính thức kỷ niệm 10 năm ngày ra đời. Thập niên tồn tại đầu tiên của đồng euro cho thấy, các nước Liên minh châu Âu (EU) với đồng tiền mới đã chống đỡ tốt hơn nhiều trước làn sóng khủng hoảng tiền tệ-chứng khoán so với các đối thủ cạnh tranh hàng đầu của họ ở bên kia bờ đại dương.

Hệ thống tiền tệ châu Âu tất nhiên không thể hoàn toàn vô hiệu hóa được những hiện tượng khủng hoảng nhưng đã có khả năng giảm bớt đáng kể những tiến trình bất lợi này. “Nếu như chúng ta không có đồng euro, hậu quả của cuộc khủng hoảng tại châu Âu sẽ có quy mô lớn hơn nhiều” - đó là nhận xét của Christian Noyer, quan chức điều hành Ngân hàng Quốc gia Pháp.

Điều lý thú là ở chỗ, phát biểu trên của ông Noyer diễn ra ngay tại nước Mỹ, quê hương của đồng đô la - một khẳng định chắc chắn cho thấy: Đồng euro đã trở thành một loại tiền tệ tầm cỡ thế giới.

Nói một cách khác, đồng tiền chung châu Âu đã giúp cho hệ thống tài chính của khu vực này có được sức mạnh và sự ổn định mà những người sáng lập ra EU mơ ước và phấn đấu cả nửa thế kỷ.

Đồng euro cũng giúp cho châu Âu thống nhất có thể đưa ra lời thách thức đối với sự thống trị về tài chính của Mỹ từ nhiều năm qua. Thời kỳ cao điểm của khủng hoảng tài chính như hiện nay càng chứng minh cho thấy sự vượt trội rõ rệt của đồng euro so với đồng đô la.

“Con rắn tiền tệ”

Khởi nguồn của đồng euro trên thực tế đã bắt nguồn từ vài thập niên đầu tiên sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Những cái bắt tay chặt chẽ khi đó giữa Tổng thống Pháp Charles de Gaulle với Thủ tướng CHLB Đức Conrad Adenauer đã gieo niềm hy vọng vào trái tim của người dân châu Âu rằng, hòa bình sẽ ngự trị lâu dài trên lục địa này.

Một “Châu Âu thống nhất” - nảy sinh từ hiệp ước hợp tác đầu tiên về những lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn như than và thép giữa Đức và Pháp - đã khiến mọi người đều hiểu rằng, sớm hay muộn cũng cần phải có một chính sách tài chính chung cho châu Âu. Yêu cầu này được nhắc tới một cách nghiêm túc ngay từ đầu những năm 1960.

Chính vào thời điểm đó đã nảy sinh ra ý tưởng “Con rắn trong đường hầm” - một cách gọi đầy hình tượng của hệ thống thỏa thuận tỷ giá giữa các quốc gia châu Âu, bắt đầu có hiệu lực từ năm 1972.

Theo đó, đơn vị tiền tệ của những nước này sẽ dao động đồng bộ với tiền tệ của các nước khác ngoài khu vực - một biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất mức độ biến đổi tỷ giá tương quan giữa những đồng tiền của châu Âu.

Đây có thể coi là bước đi đầu tiên hướng tới mục tiêu thống nhất khu vực tiền tệ của châu Âu, ẩn chứa tham vọng lớn của các nguyên thủ tại châu Âu khi đó, những người đặt ra mục đích thời hạn cuối cùng là đến năm 1980 phải thành lập được một liên minh tiền tệ. Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được nếu không có những thời điểm sụt giảm khó lường của nền kinh tế toàn thế giới.

Cũng chính vì vậy, các kế hoạch khai sinh ra đồng tiền chung châu Âu bắt buộc phải hiệu chỉnh lại. Tồi tệ hơn, công thức “con rắn tiền tệ” đã nói ở trên lại có những thời điểm làm cho châu Âu phải khốn đốn.

Hệ thống này đã trải qua những thử thách nghiêm trọng nhất bắt nguồn từ những khác biệt trong mức độ phát triển kinh tế giữa các nước châu Âu. Người Pháp với đà tăng tốc tốt hơn đã hai lần rút khỏi tầm ảnh hưởng của “con rắn” này, dù sau đó vẫn quyết định quay trở lại quỹ đạo chung.

Người Anh, Ireland và Italia cũng từng từ chối kiểu “bơi tập thể” này do sự không ổn định của nền kinh tế của chính mình khiến họ không thể tuân theo những yêu cầu nghiêm ngặt chung của cả hệ thống. 

Dù sao, con tàu châu Âu thống nhất vẫn từ từ tiến gần tới cái đích đã đặt ra. Các kiểu mẫu của nó trên thực tế đã phần nào xuất hiện, với các liên minh tiền tệ vùng Scandinavia hay ở châu Mỹ Latin.

Định hướng cho đồng tiền chung châu Âu cũng bắt nguồn từ logic hoàn toàn hợp lý: Một khi các đường biên giới đã bị xóa nhòa, thuế quan bị dỡ bỏ, lực lượng lao động tự do di chuyển từ nước này sang nước khác thì tại sao các nước EU lại phải tốn nhiều công sức và tiền bạc để vật lộn với chuyện tỷ giá trong một không gian thương mại đã trở nên chật hẹp? Chẳng hạn như chỉ riêng cho các giao dịch trao đổi tiền tệ, các công ty châu Âu đã “đốt” tới 60 tỷ USD mỗi năm.

Chặng tiếp theo trên con đường dẫn tới một liên minh tiền tệ chính là việc xây dựng một hệ thống tiền tệ châu Âu như một cơ cấu điều hành các tỷ giá trao đổi. Các nước tham gia vào hệ thống này có trách nhiệm phải kìm giữ dao động của các tỷ giá trong các giới hạn tương đối hẹp - trên thực tế là một bước tiếp tục và phát triển của các nguyên tắc “con rắn tiền tệ”.

Khi tỷ giá bất cứ đồng tiền nào tại châu Âu biến đổi tới ngưỡng báo động, các ngân hàng trung ương phải cùng nhau vét mua loại tiền tệ này để điều chỉnh. Đó có thể coi là một kiểu mẫu của đơn vị thanh toán thống nhất đầu tiên của châu Âu.

Bài 2:  Cuộc chiến giành ảnh hưởng với đồng đô la Mỹ

Ban đầu, đơn vị thanh toán thống nhất tại châu Âu được gọi là ECU (European Currency Unit). Bản thân cái tên này đã gây ra không ít ý kiến khác nhau. Người Anh và người Đức cho rằng cái tên ECU đọc nghe có vẻ “quá giống tiếng Pháp”. Nhưng khi người Đức đề xuất gọi là “euromark”, thì đến lượt Pháp phản đối thẳng thừng.

“Kế hoạch Delors”

Nhưng điều quan trọng hơn cả là nhờ cơ cấu này, người ta đã xây dựng được một khu vực ổn định về tiền tệ tại châu Âu, một thành công đã được ghi nhận trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Hannover vào tháng 6-1988. Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban châu Âu khi đó là Jacques Delors, một nhóm quan chức đại diện các Ngân hàng trung ương châu Âu cùng một số chuyên gia độc lập đã đề xuất một kế hoạch thành lập một Liên minh tiền tệ châu Âu, còn gọi là “Kế hoạch Delors”, trong đó trình bày một chương trình chi tiết gồm 3 giai đoạn chuyển đổi các quốc gia EU vào hệ thống sử dụng đồng tiền chung.

10 năm đồng tiền chung châu Âu ra đời ảnh 2

Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Wim Duisenberg giới thiệu các mẫu tiền euro vào năm 2002

Theo đó, giai đoạn đầu tiên (từ 1-7-1990 đến 31-12-1993) sẽ tập trung vào tự do hóa lưu thông các nguồn vốn trong nội bộ EU và thống nhất các tiêu chuẩn kinh tế. Tất cả các nước EU thuộc hệ thống này cần thiết lập một hành lang dao động của các tỷ giá.

Giai đoạn hai (từ 1-1-1994 đến 31-12-1998) sẽ tập trung xây dựng các cơ cấu mới để điều hành hoạt động của đồng tiền châu Âu, trong đó đáng chú ý có việc thành lập Viện Tiền tệ châu Âu để trực tiếp lãnh đạo dự án xây dựng đồng tiền chung.

Trong giai đoạn ba (từ 1-1-1999 đến 30-6-2002), Viện Tiền tệ châu Âu được chuyển đổi thành Ngân hàng trung ương châu Âu với chức năng chính là chỉ đạo toàn bộ hệ thống tiền tệ của các nước EU. Giờ đây, giai đoạn chuẩn bị cuối cùng là cố định tỷ giá tiền tệ của tất cả các quốc gia thành viên theo đồng tiền chung trong tương lai. Quay trở lại chuyện tên gọi, Hội đồng châu Âu trong phiên họp tại Madrid vào tháng 12-1995 đã chính thức thông qua tên gọi của đồng tiền chung là euro. 

Những bước “kết duyên” mới

Khỏi phải nói đồng euro đã được kỳ vọng như thế nào khi vừa mới ra đời. Ngay từ đầu, phạm vi ảnh hưởng của nó đã vượt qua Mỹ về số lượng cư dân, cho dù về tổng số GDP chỉ gấp đôi của Nhật và kém Mỹ một chút. Chính vì vậy mà ngay từ những ngày ra đời đầu tiên, người ta đã ghi nhận một cuộc chiến giành ảnh hưởng thực sự giữa đồng euro và đồng đô la, mà phần lép vế ban đầu thuộc về kẻ chân ướt chân ráo có mặt trên thị trường.

Tỷ giá ấn định ban đầu - 1 euro đổi được 1,17 USD - về sau được chính các quan chức hàng đầu châu Âu thừa nhận là “đã cố tình nâng lên”. Nhưng từ tháng giêng năm 1999 đến tháng 10-2000, đồng tiền chung châu Âu đã mất giá tới 30% so với đồng đô la. Theo điều tra của hãng tin BBC vào giữa tháng giêng năm 2001, tỷ lệ số người ngay tại các nước EU phản đối đồng euro đã tăng từ 36% lên tới 52% kể từ năm 2000.

Cần phải thừa nhận, số phận long đong ban đầu của đồng euro không chỉ chịu tác động bởi những nguyên nhân kinh tế khách quan mà còn ảnh hưởng đáng kể bởi tình hình chính trị. Quyết định từ chức bất ngờ của toàn bộ Ủy ban châu Âu (EC), cuộc chiến tại Nam Tư, khủng hoảng tại Trung Đông, tình hình phức tạp tại Áo - tất cả đều tạo ra những điều kiện đáng kể có lợi cho đồng euro. Đó là chưa kể những nỗ lực chủ quan của Washington nhằm giảm bớt uy tín của đồng euro. Kết quả là vào giai đoạn khó khăn nhất, một euro chỉ đổi được 0,8 USD ngay tại Paris.

Tuy nhiên kể từ năm 2001, đồng euro bắt đầu chậm rãi nhưng vững chắc nhích lên, trong khi vụ khủng bố 11-9 đã làm cho đồng đô la bị suy yếu đáng kể. Sang nửa cuối 2003, euro bắt đầu quay trở lại được tỷ giá ấn định ban đầu và tiếp tục giữ xu thế nhích lên so với đồng đô la.

Đến thời điểm giữa 2004-2005, tỷ giá giữa đồng euro so với đô la đã lên tới giới hạn 1,30-1,35. Thật ra, mức tỷ giá này hoàn toàn có thể cao hơn nếu EU không cố tình kìm giữ lại: Đơn giản là sự mất giá quá nhanh của đồng đô la sẽ gây thiệt hại không nhỏ đối với bản thân châu Âu, gây khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu của châu lục này.

Kết quả cuộc chiến giành ảnh hưởng euro-đô la phụ thuộc đáng kể không chỉ vào các yếu tố cạnh tranh kinh tế giữa châu Âu và Mỹ mà còn từ sự ủng hộ của một số lượng lớn các nước thứ ba, những quốc gia đã quyết định coi đồng euro như một loại tiền tệ dự trữ hàng đầu trên thế giới.

Những bước “kết duyên” mới của đồng euro với nhiều quốc gia vẫn đang trên đà phát triển, với nhịp độ thậm chí còn nhanh hơn khi cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng. Đầu tiên trong xu hướng này phải kể tới nhiều quốc gia Đông Âu, dù họ chưa có mặt trong gia đình “châu Âu thống nhất”. Từ 1-1-2009 này, đồng euro chính thức trở thành đồng tiền chính của Slovakia. Tiếp theo sẽ là CH Czech, Ba Lan và Hungary.

Vào thời điểm đầu năm 2009 này, nhiều dự báo kinh tế (nhất là tại Mỹ) đang khẳng định đồng euro sẽ gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng từ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng. Đó có thể là những rắc rối từ các “mắt xích yếu” trong khu vực đồng tiền chung như Italia và Hy Lạp, hay từ những vấn đề phức tạp ngày càng tăng trong kinh tế của các nước Đông Âu.

Nhưng theo các chuyên gia độc lập, đây chỉ là những đánh giá mang tính chủ quan một chiều, đơn giản là đồng đô la cũng đang gặp những khó khăn tương tự. Tương lai của đồng euro theo họ sẽ phụ thuộc chính vào bản thân “châu Âu thống nhất”, vào những chính sách kinh tế và chính trị tại khu vực này.

NHƯ QUỲNH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục