Phụ nữ trong thời đại toàn cầu hóa

Bài 1: Xóa bỏ quan niệm rập khuôn về giới tính
Phụ nữ trong thời đại toàn cầu hóa

Bài 1: Xóa bỏ quan niệm rập khuôn về giới tính

Ngày càng có nhiều phụ nữ trở thành các quản trị viên cao cấp tại châu Âu, thương gia tại châu Á và thợ máy tại châu Phi. Theo nhận định của các chuyên gia, tiến trình toàn cầu hóa thay đổi thế giới càng sâu rộng thì càng có tác dụng giải phóng phụ nữ khỏi những vai trò truyền thống trước đây của họ. Vấn đề quan tâm là phái yếu hiện đang tận dụng cơ hội này của mình như thế nào?

Sáng kiến thợ máy phụ nữ

Phụ nữ trong thời đại toàn cầu hóa ảnh 1

Hình ảnh Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Carme Chacon của Tây Ban Nha dù đang “bụng mang dạ chửa” vẫn hiên ngang đi duyệt đội quân danh dự đã được coi là biểu tượng về vai trò ngày càng tăng của phụ nữ

Sandra Aguebor không biết đã say mê những chiếc máy đầy mùi xăng dầu từ lúc nào, chỉ biết có khi suốt cả tuần cô chỉ mơ tưởng tới việc sửa chữa xe hơi.

Một buổi sáng, cô dậy từ lúc 4g và kể cho cha mẹ nghe về giấc mơ của mình và họ ngay lập tức yêu cầu cô quên ngay chuyện này đi.

Nhưng khi đã bước sang tuổi 14, Sandra vẫn tiếp tục quấy rầy cha mẹ về mong muốn này. Sandra sinh ra và lớn lên tại thành phố Benin (Nigeria), trong một gia đình chưa hề có một thợ máy nào, chuyên sinh sống bằng việc trồng trọt trên một thửa đất nhỏ. 

Giờ đây theo Sandra, cô đã trở thành người phụ nữ đầu tiên làm nghề thợ sửa xe ô tô tại Nigeria.

Cô còn học được cách huấn luyện những người phụ nữ khác làm thợ máy trong một dự án được gọi là “Lady Mechanic Initiative” (Sáng kiến thợ máy phụ nữ). Hiện Sandra đang có mặt tại Deauville để kể về câu chuyện khác thường này.

Sandra - với dáng vẻ của một phụ nữ năng động trong chiếc quần jeans và chiếc áo ngắn tay màu vàng - rất tự tin đứng trước khoảng 1.100 phụ nữ tại Deauville. Hồi cuối năm ngoái, một hội nghị toàn cầu đã kêu gọi tổ chức một Diễn đàn kinh tế và xã hội dành cho phụ nữ tại Deauville, một thị trấn nghỉ mát ở phía Bắc nước Pháp. Các thành viên tham dự diễn đàn lần này có rất đông nữ thương gia và nữ chính trị gia đại diện cho phụ nữ từ 90 quốc gia khác nhau trên khắp thế giới. 

Tất nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã trở thành chủ đề chính của hội nghị lần này. Vấn đề khác biệt là chương trình nghị sự còn bao gồm cả đề tài toàn cầu hóa và sự tiến bộ, vấn đề toàn cầu hóa đang thay đổi người phụ nữ như thế nào, cũng như phụ nữ đang thay đổi thế giới như thế nào.

Những đại biểu được mời tới hội nghị lần này để kể về những câu chuyện của họ có thành phần rất đa dạng. Đó là Sandra Aguebor (34 tuổi, đến từ Nigeria), Sandrine Devillard (38 tuổi, đến từ Pháp), Diane von Furstenberg (63 tuổi, đến từ Mỹ) và Irene Khan (52 tuổi, đến từ Bangladesh) - một người là thợ sửa xe ô tô, một người là quan chức điều hành tại McKinsey & Company, là nhà thiết kế thời trang hay người lãnh đạo tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International)…

Những câu chuyện của họ tới từ 4 châu lục khác nhau đã giúp cho mọi người có được khái niệm phần nào về tương lai của người phụ nữ trong thế giới toàn cầu hóa.

Dù vẫn còn có nhiều cảm giác trái ngược từ những khát vọng, lo ngại, nghi ngờ, thậm chí phẫn nộ nhưng đã có không ít nhận xét chung cho rằng, phụ nữ đang có cơ hội mở rộng vai trò của mình từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay.

Phái yếu trong hàng ngũ những nhân vật đầy quyền lực

Toàn cầu hóa rõ ràng đang phá bỏ nhiều rào cản về văn hóa, truyền tải nhiều hình ảnh, ý tưởng tiến bộ nhờ truyền hình và Internet. Ở một khía cạnh nào đó, nó phản bác lại những quan điểm xã hội cổ hủ cho rằng, có sự bất bình đẳng rõ ràng trong phân chia giới tính để giúp nhìn nhận và đánh giá cao hơn vai trò của người phụ nữ.

Xu hướng chung hiện nay cho thấy, trên toàn thế giới đang xuất hiện ngày càng nhiều những gương mặt phụ nữ đầy quyền lực - đơn cử như Thủ tướng Yulia Tymoshenko tại Ukraine, Thủ tướng Angela Merkel tại Đức, Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Mỹ… Trong một ví dụ đầy ý nghĩa khác, Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Carme Chacon của Tây Ban Nha dù đang “bụng mang dạ chửa” vẫn hiên ngang xuất hiện đi duyệt đội quân danh dự.

Đó còn là Anne Lauvergeon đang điều hành công ty năng lượng hạt nhân Avera tại Pháp, tập đoàn xuyên quốc gia PepsiCo của Mỹ đang có CEO là phụ nữ, hay một quốc gia Arab như UAE cũng có nữ bộ trưởng kinh tế đầu tiên…

Còn tại Iceland, phụ nữ được bổ nhiệm đứng đầu hai ngân hàng đang được quốc hữu hóa để “đứng mũi chịu sào” trong bối cảnh quốc gia này đang lâm vào tình trạng khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.

Với hàng loạt những dẫn chứng như vậy, sự xuất hiện của phái yếu trong hàng ngũ những nhân vật đầy quyền lực không còn mang ý nghĩa “tượng trưng” như nhiều người vẫn nghĩ, mà đó đã là trào lưu tiến bộ thực sự.

Trên thực tế, khó có thể đo lường được mức độ tiến bộ thực sự của phái yếu nếu chỉ dựa vào những con số thống kê đơn thuần.

Từ một thập kỷ gần đây, LHQ đã cho ban hành Chỉ số phát triển liên quan đến giới tính (GDI - Gender-Related Development Index), giúp xác định mức độ bất bình đẳng về giới tính tại một quốc gia nào đó theo thang điểm từ 0 tới 1. Thay cho việc xác định bằng việc phân bổ quyền lực chính trị, chỉ số này so sánh đàn ông và phụ nữ tại một quốc gia dựa trên những yếu tố như tuổi thọ, giáo dục và thu nhập.

Hiện đứng đầu về mức độ bình đẳng nam nữ theo chỉ số này là một số quốc gia như Iceland, Australia, Na Uy, Canada, Thụy Điển, Hà Lan và Pháp…

Những quốc gia đáng chú ý khác là Anh (vị trí thứ 10), Mỹ (thứ 16) và Đức (thứ 20). Trong khi hai quốc gia là Guinea Bissau và Sierra Leone đang “đội sổ” trong danh sách 157 nước được LHQ xếp hạng.

Hai nước đang còn tình trạng nội chiến như Iraq và Afghanistan không có mặt trong danh sách thống kê này.

Bài 2: Những phẩm chất giá trị trong thời khủng hoảng

Phụ nữ đang đảm trách khoảng 2/3 số công việc trên toàn thế giới (nếu tính cả lao động không được trả công) nhưng họ chỉ nhận được khoảng 10% tổng giá trị tiền lương trên toàn thế giới. Tồi tệ hơn, phụ nữ chỉ nắm giữ 1% tổng giá trị tài sản tại tất cả các nước.

Những mặt trái

Phụ nữ trong thời đại toàn cầu hóa ảnh 2

Phụ nữ đang đảm trách khoảng 2/3 số công việc trên toàn thế giới, nhưng chỉ nhận được khoảng 10% tổng giá trị tiền lương

Irene Khan - Giám đốc Amnesty International, là người gốc Bangladesh đang sống tại London - đã có một bài phát biểu đáng chú ý tại hội nghị ở Deauville, trong đó nói về tình trạng nghèo khổ của phụ nữ tại quê hương của bà cũng như tại nhiều quốc gia mới gia nhập tiến trình toàn cầu hóa khác.

Bà Khan cho biết, phụ nữ hiện vẫn đang chiếm tỷ lệ 3/5 trong đội ngũ những người nghèo nhất thế giới và 2/3 trong đội quân mù chữ. Trong một khía cạnh khác, phụ nữ đang đảm trách khoảng 2/3 số công việc trên toàn thế giới (nếu tính cả lao động không được trả công) nhưng họ chỉ nhận được khoảng 10% tổng giá trị tiền lương trên toàn thế giới. Tồi tệ hơn, phụ nữ chỉ nắm giữ 1% tổng giá trị tài sản tại tất cả các nước. 

Toàn cầu hóa vẫn có những mặt trái ngược, tùy thuộc vào từng khu vực với các yếu tố như mức độ thịnh vượng, trình độ giáo dục và sự phát triển… Khi các nước đang phát triển bước chân vào thị trường thế giới, toàn cầu hóa lại có tác động loại trừ những nền kinh tế lạc hậu, cũng như những cơ chế chủ yếu theo kiểu tự sản - tự tiêu tại các vùng nông thôn hẻo lánh, là nơi phụ nữ thường chiếm đa số. Nó đẩy những phụ nữ này vào tình cảnh mất việc, hay công việc không đủ nuôi sống họ. Tình cảnh này càng đặc biệt trầm trọng khi thị trường chung toàn cầu cũng đang trong giai đoạn bất ổn.

Sự bất lực của phụ nữ - theo một báo cáo gần đây nhất của LHQ có nhan đề “State of World Population” (Tình trạng dân số thế giới) - không chỉ thể hiện ở những hình thức áp bức có thể dễ dàng nhìn thấy, mà còn ở trong bản thân quan niệm của rất nhiều phụ nữ khi họ cho rằng, tình trạng bất lực này là không thể thay đổi.

Ngay tại một quốc gia tiên tiến như Đức, nơi có nguyên thủ là một phụ nữ, phụ nữ vẫn chỉ chiếm khoảng 5,5% trong tổng số những vị trí điều hành cao cấp tại những công ty hàng đầu. Lý do ở đây không chỉ là chuyện đặc điểm xã hội hay quan niệm, mà còn ở đặc thù của người phụ nữ. Cụ thể là tại Đức, phụ nữ vẫn phải thường xuyên bận tâm với câu hỏi: Nên có con hay nên dồn sức cho sự nghiệp? Rõ ràng là để có được một đứa con, người phụ nữ thường tự đánh mất cơ hội để cạnh tranh và thăng tiến trong sự nghiệp so với phái mày râu.

“Đắt hàng” trong giới kinh doanh?

Trường hợp của Sandrine Devillard (38 tuổi) từ Pháp lại mang một sắc thái hoàn toàn khác. Sinh ra trong một gia đình trung lưu, người phụ nữ tóc vàng này lại đang là lãnh đạo cao cấp tại McKinsey, một hãng tư vấn về điều hành quản lý. Người mẹ của 3 đứa con này cho rằng, bà không bao giờ cảm thấy giới tính của mình là một điều bất lợi trong thế giới kinh doanh, mà ngược lại còn là một lợi thế.

Devillard là một trong không ít những nữ thương gia tại châu Âu không e ngại khi đòi hỏi những khoản tiền lương cao và là một phụ nữ được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa. Trong bài phát biểu của mình tại hội nghị, Devillard đã vạch ra nhiều ưu thế mà các công ty có thể hưởng lợi bằng cách sắp xếp phụ nữ vào những vị trí lãnh đạo có quyền đưa ra quyết định. Bản thân McKinsey hiện cũng đang rất tích cực tuyển dụng phụ nữ vào biên chế của mình.

Những tổ chức viện trợ tài chính hàng đầu thế giới hiện nay như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đang có những điều chỉnh đáng kể về chính sách, trong đó quan tâm đặc biệt đến phụ nữ nhiều hơn, nhất là tại những quốc gia đang phát triển.

Điển hình như WB đang chuyển hướng “đầu tư” mạnh mẽ hơn vào phụ nữ nhằm “thúc đẩy sự phát triển kinh tế” trên thế giới. Chỉ riêng trong giai đoạn 2007 đến 2010, WB đã đưa ra một chiến lược hành động gọi là “Kế hoạch hành động giới tính”, trong đó phương châm chính được tờ Economist mô tả như sau: “Sự tăng trưởng kinh tế là do phụ nữ quyết định”.

Ngay trong lĩnh vực tài chính ngân hàng này, đàn ông vẫn đang có một tỷ lệ áp đảo. Nhưng tất cả họ đang phải lắng nghe những quy tắc đầu tư an toàn vào thời điểm khủng hoảng này từ một phụ nữ - đó là Blythe Masters, một giám đốc điều hành từ Ngân hàng JP Morgan.

Theo bà Blythe, phụ nữ luôn có xu hướng ít mạo hiểm hơn trong quản lý tiền bạc và đó là lý do họ thường là những nhà đầu tư thận trọng hơn. Dù từng bị cười nhạo về đặc điểm này trong quá khứ nhưng giờ đây sự lựa chọn này được nhìn nhận là sáng suốt hơn - đó là biết chọn lựa những nhà đầu tư có tầm nhìn, đồng thời phải luôn quan tâm tới vấn đề an toàn.

Sự cẩn trọng đặc trưng của phái yếu giờ đây đang trở thành một phẩm chất rất giá trị trong thời kỳ bất ổn của khủng hoảng. Những thực tế trên đã phần nào giải thích sự quan tâm ngày càng tăng của nhiều công ty đối với phụ nữ mà theo như bà Irene Khan, phái yếu cần phải nhanh chóng tận dụng cơ hội này. Nếu tiến trình toàn cầu hóa đang được nhìn nhận là một cơ hội, phụ nữ sẽ đón nhận cơ hội này như thế nào? Hội nghị phụ nữ quốc tế tại Deauville vừa qua là một nỗ lực đáng quan tâm nhằm tìm ra lời giải cho câu hỏi này.

NHƯ QUỲNH
(SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục