Những năm tháng không thể nào quên

Bài 1: Gặp lại nữ anh hùng đầu tiên trên dải Trường Sơn
Những năm tháng không thể nào quên

Bài 1: Gặp lại nữ anh hùng đầu tiên trên dải Trường Sơn

(SGGP-12G).- Chiến tranh đã lùi xa, những người lính “đi qua” cuộc chiến – những người đã đổ máu xương để tô thắm lá cờ tổ quốc, dù người còn người mất, nhưng kỷ niệm “Những tháng năm không thể nào quên” thì còn mãi với hậu thế. Nhân kỷ niệm 34 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, SGGP xin giới thiệu với độc giả những câu chuyện cảm động, những tấm gương anh dũng của những người lính – những con người bình dị đã làm nên chiến thắng lẫy lừng của dân tộc.

Ngày 30-4-1975 đã đi vào lịch sử nhưng những con người “xuyên qua” cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vẫn còn đó với thời gian, với lòng người thế hệ hôm nay và mai sau… Và trong chuyến đi công tác miền Trung vừa qua, chúng tôi đã đến thị trấn A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) gặp nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) đầu tiên trên dải Trường Sơn hùng vĩ Hồ Kan Lịch, sinh năm 1943, người dân tộc Pa Kô. Trong căn nhà nhỏ, bà hồi tưởng về những năm tháng hào hùng…

Bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường

Nữ AHLLVTND Hồ Kan Lịch

Nữ AHLLVTND Hồ Kan Lịch

Hồ Kan Lịch tham gia cách mạng từ năm 1958, lúc đầu làm liên lạc với nhiệm vụ chuyển công văn, thư từ cho cán bộ, du kích trong xã. “Đi liên lạc, tận mắt chứng kiến cảnh tượng dã man khi quân thù mặc sức đàn áp, bắn giết đồng bào nên mình quyết định trốn nhà tham gia du kích Hồng Bắc vào năm 1961 với mong muốn được góp phần giết giặc, giải phóng quê hương” - nữ AHLLVTND Hồ Kan Lịch hồi tưởng.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hồ Kan Lịch đã lãnh đạo đội du kích Hồng Bắc gồm 160 người trực tiếp đánh 49 trận lớn nhỏ, trong đó, bà nhớ nhất kỷ niệm về lần đột kích bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường của Pháp.

Năm 1964, Hồ Kan Lịch được Quân khu Trị Thiên giao nhiệm vụ bằng mọi cách phải tổ chức đội du kích Hồng Bắc bắn rơi máy bay Mỹ. Làm thế nào để bắn rơi máy bay bằng súng trường của Pháp? Hằng tháng trời trăn trở, cuối cùng chị quyết định: “Muốn bắn rơi được máy bay địch thì phải vào tận sân bay A Lưới tập ngắm và bắn”.

Triển khai kế hoạch, Hồ Kan Lịch cùng 4 chiến sĩ trong đội du kích Hồng Bắc tổ chức vào phục sát sân bay A Lưới. Ba ngày nhịn đói, nhịn khát giữa đồi tranh nắng cháy, kiên trì mai phục, cuối cùng khi máy bay của địch cất cánh tại sân bay A Lưới chở quân lính đi càn, Hồ Kan Lịch đã dùng súng trường bắn trúng két xăng khiến máy bay bốc cháy cách nơi xuất phát khoảng 1km, 60 tên lính và một đại tá Mỹ đi trên máy bay bị tiêu diệt.

 Cùng với chiến công bắn rơi máy bay địch bằng súng trường của Pháp, chỉ tính riêng từ năm 1961-1965, Hồ Kan Lịch đã trực tiếp tiêu diệt 150 lính Mỹ - ngụy, trong đó có một đại tá Mỹ, thu giữ nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Với những thành tích xuất sắc trên, Đảng và Nhà nước đã tặng bà Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và danh hiệu AHLLVTND vào tháng 7-1967.

Từ cõi chết trở về để gặp Bác

Bác Hồ và 5 chiến sĩ anh hùng - Kan Lịch (đội nón tai bèo bên phải). Ảnh: Tư Liệu

Bác Hồ và 5 chiến sĩ anh hùng - Kan Lịch (đội nón tai bèo bên phải). Ảnh: Tư Liệu

Trung tuần tháng 5-1968, để thỏa ước mong gặp nữ anh hùng người dân tộc Pa Kô đầu tiên bắn rơi máy bay địch bằng súng trường trên dải Trường Sơn của Bác Hồ kính yêu, Quân khu Trị Thiên đã tổ chức đưa Hồ Kan Lịch ra Hà Nội.

Trên chiến trường khốc liệt không hề bị một viên đạn nhưng chuyến ra Bắc lần đầu tiên của nữ AHLLVTND Hồ Kan Lịch phải tạm hoãn giữa đường vì căn bệnh sốt rét ác tính.

“Nhận được tin mình đã chết vì căn bệnh sốt rét ác tính, Bộ Chính trị cử đồng chí Hoàng Văn Thái đến Bộ Tư lệnh 559 tổ chức làm lễ khâm liệm. Nhưng thật may mắn, khi đồng chí Thái đến nơi thì các bác sĩ phát hiện mạch đập của mình hoạt động trở lại sau 4 tiếng đồng hồ… Nhận được điện của đồng chí Hoàng Văn Thái báo Kan Lịch vẫn còn sống, Bác Hồ yêu cầu phải đưa ngay mình về Viện 108 điều trị”.

Nữ AHLLVTND Hồ Kan Lịch bồi hồi nhớ lại và tiếp tục câu chuyện trong ngấn lệ - “Sau một tháng điều trị, mình đã được gặp Bác. Lần này, Bác mời mình ăn cơm cùng với Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị. Trong bữa ăn, Bác nói: “Món ăn xứ Huế do đồng chí Tố Hữu nấu đấy, cháu Kan Lịch ăn nhiều vào, ăn no cho khỏe để mà đánh Mỹ”. Quá sung sướng và cảm động, mình trả lời Bác: “Bác ơi! Cháu ngắm Bác đã no rồi”.

Sau bữa cơm, mọi người quây quần quanh Bác uống nước, ăn bánh kẹo và nói chuyện. “Bác còn tặng cho mình bút viết, đài radio và ân cần dạy bảo mình từ việc chung cho đến việc riêng. Ngay cả chuyện tình cảm của mình, Bác cũng biết nên khuyên: “Cháu hãy viết thư ngay cho chú Lích (tức Hồ Văn Chiến, sau nay là chồng của AHLLVTND Hồ Kan Lịch) báo cho chú ấy và gia đình biết đã ra đây được gặp Bác, ăn cơm với Bác. Đã hứa với ai thì cháu phải chung thủy, giữ lời hứa cho trọn vẹn”, AHLLVTND Hồ Kan Lịch bồi hồi nhớ lại.

Bây giờ, nữ AHLLVTND Hồ Kan Lịch đã về nghỉ hưu sau khi trải qua nhiều cương vị nhưng khắc ghi lời Bác dạy, bà luôn nỗ lực để không chỉ trở thành một người vợ tháo vát, người mẹ, người bà tốt mà còn sống chan hòa, giúp đỡ chị em trong vùng mỗi khi họ gặp khó khăn. “Từ sau ngày được gặp Bác, đi đâu, làm gì mình cũng khắc ghi lời Bác dạy: Cháu Lịch đã làm ra anh hùng đã khó mà giữ anh hùng lại càng khó hơn. Cháu phải cố gắng làm tốt mọi công việc của mình để phát huy tác dụng của một nữ anh hùng, đừng thỏa mãn và dừng tại chỗ”, AHLLVTND Hồ Kan Lịch tâm niệm.

Bài 2: 11 cô gái sông Hương huyền thoại

Vũ Văn Thắng

Tin cùng chuyên mục