Sẽ có thư viện số hóa toàn cầu đầu tiên

Sẽ có thư viện số hóa toàn cầu đầu tiên

(SGGP-12G).- Năm 2005, James Billington, Giám đốc Thư viện Quốc hội Mỹ - hiện là nơi lưu trữ lớn nhất thế giới các ấn phẩm in trên giấy - đã đề xuất về ý tưởng thành lập một thư viện số hóa giúp cho tất cả những người có nhu cầu đều có thể truy cập và khai thác tài liệu tại đây thông qua Internet. Sáng kiến của Billington đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các thư viện quốc gia tại nhiều nước từ Ai Cập tới Brazil, cũng như các tập đoàn lớn như Google và Microsoft, các nhà đầu tư tư nhân… Với sự hưởng ứng nhiệt tình này, trong tháng 4-2009, phiên bản thư viện số hóa toàn cầu đầu tiên đã được chính thức thử nghiệm trên Internet…

Sáng kiến của James Billington

Mô phỏng hình thức giới thiệu một cuốn sách trên Thư viện số hóa toàn cầu

Mô phỏng hình thức giới thiệu một cuốn sách trên Thư viện số hóa toàn cầu

James Billington từng xuất thân là một chuyên gia sử học, đã tham gia tư vấn cho vài chính phủ của các tổng thống Mỹ, là một trong những nhân vật có uy tín nhất trong lĩnh vực thư viện trên toàn cầu. Nhờ có những nỗ lực của ông, Thư viện Quốc hội Mỹ vào năm 1994 đã khởi động một chương trình giáo dục quy mô có tên “Thư viện số hóa quốc gia” (National digital library program), về sau được đổi tên thành “Ký ức của nước Mỹ” (American Memory).

Tính đến năm 2009, đã có hơn 9 triệu tài liệu khác nhau - hình ảnh, sách, bút tích, bản đồ, băng ghi âm… có liên quan tới lịch sử nước Mỹ - có thể được tiếp cận đối với bất cứ một người dùng Internet nào trên khắp thế giới.

Trên thực tế cho đến năm 2005, “American Memory” không phải là dự án thành công duy nhất trong lĩnh vực này. Có thể kể ra không ít những chương trình hay dự án tương tự như các cổng truy cập thư viện hay kho lưu trữ của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục LHQ (UNESCO), dự án OAIster của Đại học Tổng hợp Michigan (chủ yếu là công trình của các viện sĩ hàn lâm) hay dự án tìm kiếm sách toàn cầu của Google (Google Book Search). Các thư viện số quốc gia cũng lần lượt xuất hiện tại châu Âu, châu Mỹ Latin (chẳng hạn như “Biblioteca Digital Iberoamericana y Caribena”).

Nhưng theo ý kiến của Billington, tất cả những dự án tuyệt vời trên đều có một số thiếu sót về căn bản: Đầu tiên là chúng “số hóa” được quá ít các tài liệu; thứ hai là chúng được trình bày và giới thiệu dưới quá nhiều hình thức khác nhau (đó là chưa nói về nhiều ngôn ngữ khác nhau) gây nhiều khó khăn cho người có nhu cầu khai thác; cuối cùng các thư viện số trên không có liên kết với nhau khiến cho người sử dụng gặp nhiều trở ngại phức tạp trong việc tra cứu.

Với những lý do nêu trên, Billington đã đề xuất sáng kiến thành lập một Thư viện số hóa toàn cầu, đồng thời phác thảo ra 5 nhiệm vụ chính của nó: Thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc và các nền văn hóa, thúc đẩy việc nghiên cứu ngoại ngữ, giúp đỡ các chuyên gia sư phạm, giúp đỡ hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng cường các tài liệu ngoài tiếng Anh và những nội dung không phải có nguồn gốc từ phương Tây.

Lời kêu gọi của giám đốc Thư viện Quốc hội Mỹ đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều phía, thậm chí phiên bản soạn thảo đầu tiên có quy mô còn vượt quá cả sự mong đợi. Chẳng hạn như nếu theo dự tính ban đầu, thư viện sẽ hoạt động với 6 ngôn ngữ chính của LHQ (tiếng Anh, Pháp, Arab, Trung Quốc, Nga và Tây Ban Nha), thì giờ đây đã có thêm ngôn ngữ thứ 7 là Bồ Đào Nha, sau khi Thư viện Quốc gia Brazil đồng ý tham gia vào dự án.

Đến năm 2009 này, đã có tổng cộng 32 đối tác khác nhau cùng tham gia vào dự án trên, trong đó nước Nga đóng góp tới 3 thư viện (mới nhất là thư viện của Tổng thống Boris Eltsin mới được thành lập cách đây không lâu).

Những đối thủ cạnh tranh

Để chuẩn bị cho việc khởi động phiên bản đầu tiên của thư viện số toàn cầu, các nhà tổ chức đã quyết định bước đầu chỉ hạn chế một số lượng nhất định với từng chủ đề hay thể loại riêng được giao cho từng đối tác. Chẳng hạn như Thư viện Alexandrina sẽ cung cấp các văn bản và minh họa công trình tập thể của các nhà bác học Pháp trong giai đoạn 1809-1829.

Thư viện Quốc gia và Cơ quan Lưu trữ quốc gia Iraq sẽ chịu trách nhiệm số hóa các báo và tạp chí xuất bản trong giai đoạn giữa các thế kỷ XIX-XX bằng các ngôn ngữ Arab, Anh, Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ. Người Pháp sẽ chuẩn bị các đoạn video từ những bộ phim ban đầu của anh em nhà Lummer, dữ liệu âm thanh từ thế kỷ XIX. Thư viện y khoa London sẽ cung cấp các bộ sưu tập hình giải phẫu, cũng như các văn bản liên quan đến lĩnh vực y tế.

Cần biết là trong lúc Thư viện số toàn cầu chuẩn bị được “khánh thành” trên mạng, thì một trong những đối thủ cạnh tranh của nó cũng đã được triển khai. Đó chính là dự án Europeana, dự kiến sẽ là một kho tư liệu khổng lồ trên mạng từ hàng trăm các cơ quan lưu trữ, viện bảo tàng, thư viện và trường đại học tại châu Âu.

Thời điểm khởi động Europeana vẫn còn khiến nhiều người không quên với sự cố khi trang web này bị “sập” chỉ sau vài giờ khai trương do có quá đông người truy cập. Việc khôi phục lại hoạt động của dự án đã phải mất tới cả tháng và cho tới giờ Europeana vẫn đang hoạt động ở chế độ thử nghiệm.

Được biết là hình thức cũng như giao diện cụ thể của Thư viện số hóa toàn cầu vẫn đang còn một bí mật. Đó cũng là một lý do khiến rất nhiều người trên thế giới đang háo hức chờ đợi thời điểm khai trương thư viện trên mạng toàn cầu, khi mà thời gian chỉ còn tính từng ngày...

LINH NGA

Tin cùng chuyên mục