Thế giới đấu tranh chống lại các thiên đường thuế

Thế giới đấu tranh chống lại các thiên đường thuế

Chính phủ nhiều nước trên thế giới bắt đầu tập trung nhiều nỗ lực công kích với mục đích dần loại bỏ những “thiên đường thuế” trên khắp trái đất. Thực ra, các cường quốc hàng đầu tế giới đã tuyên chiến với các “ốc đảo thuế” từ vài thập niên gần đây, tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cùng với cuộc chiến chống lại những sơ đồ cung cấp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố đã làm cho vấn đề này trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.

Hiện cả Mỹ và châu Âu đều cho biết, đã đến lúc không cho phép làm ngơ trong quan hệ với những quốc gia cung cấp offshore (chính sách miễn thuế hoặc có ưu đãi đặc biệt về thuế với các công ty nước ngoài). Trong khi bản thân những nước trên cũng không dễ dàng từ bỏ một nguồn lợi béo bở của mình…

Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại London vừa thông qua một loạt các quyết định kêu gọi củng cố hệ thống tài chính thế giới và vượt qua các hậu quả của cuộc khủng hoảng – trong đó có các giải pháp từ việc điều chỉnh những khoản tiền thưởng cho giới lãnh đạo các công ty và ngân hàng cho tới cuộc chiến chống offshore.

Ngay sau khi thông qua tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) – có trách nhiệm theo dõi và điều hành những sai phạm về chính sách kinh tế chung – đã cho công bố một loạt những danh sách “đen”, “xám” và “trắng”, theo đó các quốc gia trên thế giới được sắp xếp theo nhóm tùy thuộc vào việc đáp ứng các tiêu chuẩn thuế quốc tế, khả năng chống gian lận tài chính cũng như “độ mở” của các thông tin liên quan đến những tài khoản ngân hàng.

Ngân hàng tại Thụy Sĩ vẫn được coi là phương tiện lý tưởng để các công ty nước ngoài trốn thuế

Ngân hàng tại Thụy Sĩ vẫn được coi là phương tiện lý tưởng để các công ty nước ngoài trốn thuế

Theo những tiêu chí này, danh sách đen của OECD bao gồm những nước không ký thỏa thuận về trao đổi thuế, cũng như không tham gia vào cuộc chiến chung của cộng đồng quốc tế chống lại những gian lận về thuế. Còn danh sách “xám” có mặt những quốc gia về mặt hình thức có tham gia vào các thỏa thuận cung cấp thông tin, nhưng trên thực tế lại không chịu thực thi. Danh sách trắng tất nhiên là gồm những nước tuân thủ vô điều kiện mọi thỏa thuận quốc tế về tài chính đã ký, cũng như đáp ứng mọi yêu cầu của OECD.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng hiện nay cùng với những quyết tâm ngăn chặn nguồn cung cấp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố, cả Mỹ và châu Âu đều đang quyết tâm không thể làm ngơ trước danh sách những quốc gia cung cấp offshore. Tất cả đều hiểu rõ rằng, việc xóa bỏ các hình thức offshore cũng đồng nghĩa với việc mở rộng hơn khả năng giám sát và tính chất công khai của các dòng lưu thông tiền tệ.

Một khi các thiên đường thuế dành cho các nguồn tài chính lớn bị xóa sổ, một phần lớn nguồn vốn sẽ buộc phải quay trở lại các khuôn khổ đóng thuế thông thường tại những quốc gia mà những công ty nắm số vốn đó đang thực sự kinh doanh. Kết quả là nguồn thu của ngân sách quốc gia cũng được tăng lên đáng kể, giúp các nước có nhiều tiền hơn để chống lại cuộc khủng hoảng tài chính.

Các quốc gia trong G-20 đều thống nhất rằng, để có thể đạt được những mục tiêu trên, cần phải kiểm soát chặt chẽ các nguồn vốn và quỹ đầu tư, siết chặt quy định về chế độ báo cáo tại các nhà băng. Cơ quan có tên gọi Ủy ban ổn định tài chính (FSB - Financial Stability Board) sẽ đứng ra đảm trách việc phối hợp các thông tin về đạo luật thuế của các nước và các giao dịch của ngân hàng, đồng thời giám sát để các thiên đường thuế không được sử dụng cho các mục đích rửa tiền hay trốn thuế.

Đối tượng được quan tâm đầu tiên trong danh sách đen là hệ thống ngân hàng của Thụy Sĩ với những chính sách bảo vệ và giữ bí mật thông tin cho các tài khoản – từng được coi là một biểu tượng và “uy tín kinh doanh” của quốc gia này. Chính quyền Mỹ cho biết đã bắt đầu tổ chức đàm phán với Thụy Sĩ nhằm đạt được một số thay đổi trong thỏa thuận chống trốn thuế chung. Theo ước tính của BBC, ngân sách nước Mỹ mỗi năm phải thất thoát tới 100 tỷ USD vì “những lỗ hổng thuế” tương tự như tại Thụy Sĩ.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner, ông hy vọng Mỹ và Thụy Sĩ cuối cùng sẽ đạt được thỏa thuận về việc trao đổi thông tin thuế giữa hai bên. Trước đó, Mỹ từng yêu cầu ngân hàng UBS của Thụy Sĩ tiết lộ tên tuổi của tất cả những khách hàng là người Mỹ mà họ đã giúp che giấu những tài khoản ngân hàng tại đây. Kết quả là hồi tháng 2-2009 vừa qua, UBS đã cung cấp cho phía Mỹ dữ liệu về 300 khách hàng người Mỹ của mình, cho dù họ đã bác bỏ tới 52.000 yêu cầu tương tự với lý do không đủ bằng chứng.

Nhưng tiến bộ đáng chú ý nhất phải thuộc về quốc đảo Sip, một nơi mà từ “offshore” cùng với tên hòn đảo này được nhiều người mệnh danh là “đồng nghĩa”. Từ việc được coi là một “thiên đường thuế”, Sip mới đây đã được liệt kê vào danh sách trắng của OECD, sau khi đã triển khai các đạo luật về ngân hàng của mình phù hợp với yêu cầu của tổ chức trên. Theo lời bộ trưởng tài chính nước này, Sip trong thời gian qua đã triển khai một loạt các biện pháp “minh bạch hóa” nền kinh tế, trong đó đáng chú ý là gỡ bỏ dần dần những bí mật về các tài khoản ngân hàng.

Nhưng bất chấp việc G-20 đang đẩy mạnh cuộc chiến chống lại các thiên đường thuế, những kế hoạch nhằm chuyển đổi thành một hệ thống thuế thống nhất toàn cầu theo như các nước thành viên dự tính vẫn còn là chuyện quá xa vời. Đơn giản là để thực hiện được mục tiêu trên, tất cả các nước cần phải đảm bảo được độ minh bạch và những nguyên tắc hợp tác trong lĩnh vực tài chính – những tiêu chí còn đòi hỏi một quỹ thời gian dài trước khi trở thành sự thực.

NHƯ QUỲNH
(SGGP-12G)

Tin cùng chuyên mục