Hiểm họa chiến tranh không gian ảo

Hiểm họa chiến tranh không gian ảo

(SGGP-12G).- Mạng gián điệp điện tử Ghostnet đã xâm nhập 1.295 máy tính khắp thế giới. Khoảng 1/3 số máy tính này đặt tại các trụ sở bộ ngoại giao, đại sứ quán, tổ chức quốc tế, hãng thông tấn... và một số máy tính này chứa thông tin mật. Theo một báo cáo của 3 nhóm chuyên gia cố vấn an ninh mạng Canada, một số máy tính không chứa dữ liệu mật tại trụ sở NATO ở Mons (Bỉ) cũng là nạn nhân của Ghostnet.

Từ cố vấn an ninh mạng...

Vụ “thu thập các dữ liệu một cách dễ dàng” đó của Ghostnet đã gây sốc cho liên minh quân sự lớn nhất thế giới. NATO nhận ra Internet là một chiến trường mới và họ cần phải tìm ra giải pháp đối phó hiểm họa chiến tranh không gian ảo.

Khi kinh tế ngày càng phụ thuộc vào Internet, nguy cơ các nhóm nhỏ hacker tấn công nền kinh tế thế giới cũng tăng.

Để đối phó những mối đe dọa như vậy, năm ngoái, một số thành viên NATO, gồm cả Mỹ và Đức, đã lập một nhóm cố vấn an ninh mạng nội bộ, đóng tại một tòa nhà chính phủ cũ ở Tallinn (Estonia). Với 30 nhân viên, Trung tâm Hợp tác tài năng bảo mật mạng (CCD CoE) này có nhiệm vụ phân tích các loại virus mới xuất hiện cũng như những nguy cơ khác và truyền đi cảnh báo tới các chính phủ tài trợ thuộc NATO.

Họ cũng đang tích cực gắn kết các thành viên NATO về những vấn đề từng bị né tránh nhưng đang làm tăng nguy cơ chiến tranh không gian ảo.

Trong Trung tâm An ninh mạng tại Lầu Năm Góc

Trong Trung tâm An ninh mạng tại Lầu Năm Góc

Việc chọn Estonia làm nơi gửi gắm sự ủy thác của NATO trong cuộc chiến tranh không gian ảo mới không phải ngẫu nhiên.

Năm 2007, Estonia đã đối mặt một làn sóng tấn công qua mạng. Trong những mục tiêu bị tấn công có 2 ngân hàng lớn nhất Estonia, nơi các hệ thống giao dịch trực tuyến gần như bị tê liệt hẳn trong nhiều giờ. Mức độ thiệt hại về kinh tế vẫn được Estonia coi là một “bí mật quốc gia”. Tuy nhiên, sự cố xảy ra ở một đất nước luôn tự hào rằng ngay cả các máy thu tiền đậu xe trên đường phố cũng nhận thanh toán qua tin nhắn đã gây sửng sốt.

Hillar Aarelaid – một quản lý tại nhóm ứng phó khẩn cấp sự cố máy tính của Estonia – cho hay, trong sự cố trên, các hacker đã sử dụng một vũ khí nguy hiểm có tên DDOS, một kiểu tấn công từ chối dịch vụ. Với chi phí thiết lập thấp nhưng độ phá hủy cao, DDOS cho phép một nhóm hacker xâm nhập và nắm quyền điều khiển hàng loạt máy tính để “gây lụt” cho các website của một ngân hàng hoặc một tổ chức bằng những yêu cầu có vẻ hợp lệ.

Những kẻ tấn công có thể “đầu độc” và nắm quyền kiểm soát hàng ngàn máy tính, gần giống như mạng gián điệp điện tử đã làm, sau đó lần theo các ngân hàng khắp châu Âu, dẫn tới một sự hỗn loạn trong thế giới số. Hoạt động ngân hàng trực tuyến sẽ suy sụp, việc mua bán qua thẻ tín dụng có thể không được thẩm tra, tiếp đó là sự nhiễu loạn các đường điện, hệ thống điều khiển sân bay, đập nước... có kết nối Internet.

...đến đối phó bằng chiến lược quân sự?

Theo quan điểm của NATO, bí quyết đối phó là xác định xem khi nào một vụ tấn công là trò tinh quái của hacker và khi nào nó thực chất là một vấn đề quân sự. Hiện Mỹ đang dựa vào một chiến lược quân sự. Hồi tháng 3, Thượng viện Mỹ đã nhận được một dự luật có nội dung đặt công tác an ninh mạng tại Cục An ninh quốc gia (NSA), Không quân, Bộ An ninh nội địa và hàng chục cơ quan khác dưới sự điều phối của một “vua an ninh mạng”, người cũng có thể trở thành “cố vấn an ninh mạng quốc gia”.

Dự luật trang bị cho “vua” đó những quyền hạn chưa từng có, kể cả quyền được đóng cửa các mạng lưới liên bang khi phát hiện chúng có nguy cơ bị tác động... Nếu được thông qua, dự luật thậm chí có thể mang tới sự quân phiệt hóa không gian ảo.

Hiện nay, hầu hết nhà thầu an ninh lớn, từ Lockheed Martin tới Boeing, đã lập các phòng ban an ninh mạng, cạnh tranh giành nguồn quỹ hỗ trợ của Washington. Chi tiêu của Chính phủ Mỹ vào các hệ thống máy tính bảo mật dự kiến sẽ tăng từ 7,4 tỷ USD năm 2008 lên 10,7 tỷ USD năm 2013. Hầu hết thành viên lớn của NATO, cả Anh, Pháp và Đức, dường như cũng đang noi gương Mỹ.

VIỆT LÊ (theo Newsweek)

Tin cùng chuyên mục