Cuộc chiến giữa người và virus

Cuộc chiến giữa người và virus

Mỗi năm trên thế giới không biết bao nhiêu người trở thành nạn nhân của virus và con số bao nhiêu loại virus hiện vẫn chưa được thống kê một cách chính xác. Hiện cả thế giới đang nhốn nháo vì virus cúm A/H1N1 đang tăng dần cấp độ. Ngày 28-4-2009, Bộ trưởng Y tế Mexico Jose Angel Cordova cho biết dịch cúm A/H1N1 tại Mexico đã bước vào giai đoạn “cực kỳ nghiêm trọng” và Tổ chức y tế thế giới (WHO) cũng nâng cấp độ báo động từ mức 4 (có nghĩa khả năng lây nhiễm từ người sang người có thể bùng nổ diện rộng tại ít nhất một quốc gia) lên cấp 5 .

Nhận dạng thủ phạm

Virus có mặt trên Trái đất vào lúc nào? Theo “chuyên án virus” của Harvard Medical Review, virus hiện diện trên Trái đất từ thời cổ đại. Một bức tranh tường Ai Cập khoảng năm 1.500 TCN vẽ một nhà tu với cái chân bị teo lại như khúc củi khô cho thấy đó là di chứng của bệnh bại liệt do virus cùng tên gây ra.

Quân đội cũng tham gia phát khẩu trang và thuốc Tamiflu cho dân chúng ở Mexico. Ảnh: M.K.

Quân đội cũng tham gia phát khẩu trang và thuốc Tamiflu cho dân chúng ở Mexico. Ảnh: M.K.

Một bản viết tay Arab thế kỷ 13 cũng kể lại chuyện một con chó điên, lưỡi thè nước giãi và cắn một nạn nhân nam. Bản viết tay - một lần nữa  - giúp các nhà khoa học ngày nay có thể khẳng định rằng con chó vừa kể đã hóa điên vì bị virus dại xâm nhập. Thế giới cổ đại từng nhiều lần hứng chịu nhiều dạng bệnh lây truyền nhanh, cướp đi mạng sống hàng loạt nạn nhân. Ít ai biết rằng virus là tác nhân chủ yếu.

Đầu thế kỷ 17, các nhà khoa học chế được kính hiển vi thô sơ, có thể giúp nhìn thấy những sinh vật đơn bào nhỏ xíu - gọi là vi khuẩn - tác nhân trực tiếp gây ra dịch hạch và dịch tả. Tuy nhiên, thủ phạm gây ra bệnh đậu mùa và bại liệt thì phải mất thời gian dài mới tìm ra được.

Đến thập niên 1930, kính hiển vi điện tử ra đời, có khả năng phóng đại một vật thể gấp 7.000 lần hoặc hơn và lúc đó bộ mặt virus mới xuất hiện.

Hầu hết chúng là sinh vật hình cầu, nhỏ hơn tế bào sống đến vài trăm lần. Mỗi virus đều có cấu trúc hình thể bề mặt hoàn toàn riêng biệt, không giống nhau. Bề mặt chúng là những phân tử lồi lên, đóng vai trò như cái chìa khóa, mở cánh cửa bảo vệ của hệ thống miễn dịch trong cơ thể người (hoặc các vật thể lây nhiễm khác) và bám vào màng nhầy tế bào cơ thể.

Chúng nằm yên, trông chẳng khác gì vết bụi đen xỉn trên màng nhầy tế bào. Một lúc thích hợp nào đó, virus xâm nhập vào bên trong tế bào sống. Phân tử gene của nó bung ra và len lỏi vào chất dịch tế bào. Lúc đó, virus thật sự mở chiến dịch tấn công: nắm bắt những chỉ thị hoạt động của tế bào và sai khiến bộ máy sản sinh tế bào tạo ra những bản sao từ một nguyên bản virus. Rồi đám virus tìm đường thoát ra ngoài tế bào.

Ở một số virus, chúng thoát ra bằng lối đã vào, để lại một tế bào trở nên vô dụng. Ở vài virus khác, chúng sinh sôi nảy nở ngay bên trong tế bào cho đến lúc làm tế bào vỡ bung...

Đối với virus bại liệt, nó có thể gây nhiều tác hại nghiêm trọng. Từ đường ruột, nó len đến hệ thần kinh trung ương, đánh phá các tế bào thần kinh và làm cơ thể người trở nên tê liệt - bán hay toàn thân tùy mức độ chiến dịch tấn công.

Virus xâm nhập vào bất kỳ hình thể sống nào trên hành tinh chúng ta, từ khỉ đột đến cây nấm hiền lành, từ cá heo đến chó... Chúng còn xuất hiện trong nhiều thực vật như thân cây thuốc lá, nhánh hoa uất kim hương và không phải chưa từng có mặt ở cây cà chua. Virus hung hãn thường xơi luôn cả vi khuẩn.

Cuối thập niên 1980, các nhà sinh vật học phát hiện một muỗng nhỏ nước biển có thể chứa đến hơn một tỷ virus! Con đường lây lan của virus rất đa dạng. Với virus gây sốt rét vàng da, chúng được truyền từ muỗi. Những loại khác, chẳng hạn virus cảm sốt, đi vào cơ thể theo đường hô hấp bởi chúng có mặt khắp nơi trong không khí. Virus gây sốt lở mồm long móng có thể du hành rất xa nhờ gió. Trong các bệnh truyền nhiễm đối với cơ thể người, virus cúm được xếp vào loại có tốc độ kỷ lục về lây lan.

Virus truyền kỳ!

Cơ quan phòng vệ của cơ thể người (hệ miễn dịch), về lý thuyết, có thể chống lại bất kỳ virus nào. Những phân tử lồi trên bề mặt virus gọi là antigent, và tế bào bạch huyết cầu (còn được gọi là tế bào T-giúp đỡ) có thể nhận dạng antigent rồi sau đó thông báo cho binh đoàn phòng vệ của hệ miễn dịch chuẩn bị tác chiến.

Có hàng chục ngàn đạo quân gồm binh tướng tế bào T-giúp đỡ thường trực tuần hành trong mạch máu và mỗi đạo quân có khả năng nhận biết một antigent riêng biệt. Hệ thống phòng vệ của hệ miễn dịch gồm tế bào B và tế bào T-chiến sĩ. T- chiến sĩ, khi được T-giúp đỡ thông báo, lập tức đi tìm các tế bào bị virus xâm nhập, tiết ra hóa chất làm vô hiệu hóa sức công phá của virus.

Trong lúc đó, tế bào B cũng kịp đến và sinh ra phân tử gọi là chất kháng thể, bao bọc virus như thể tống chúng vào trại giam, rồi thực hiện chiến dịch tiêu diệt trọn ổ. Sau trận chiến lần đầu thành công tốt đẹp, đội quân tế bào B và tế bào T- chiến sĩ (còn gọi là thành phần tế bào ký ức vì chúng lưu trong bộ nhớ của mình các trận chiến) sẽ trở về hậu tuyến, chuẩn bị ra trận vào bất cứ khi nào được thông báo, chiến đấu thành thục hơn và đặc biệt khi ứng phó với loại virus quen thuộc. Hoạt động hữu hiệu của thành phần tế bào ký ức cho biết tại sao cơ thể có sức đề kháng mạnh hơn đối với một loại bệnh (từng bị trước đó). Virus sởi và quai bị tiêm phòng cho trẻ em chính là nhằm giúp cho cơ thể trẻ tăng cường chất kháng thể.

Nhưng hệ miễn dịch không phải lúc nào cũng khỏe và chống đỡ được tất cả đợt tấn công virus. Với virus cảm lạnh chẳng hạn, cơ thể hầu như không có cách tống khứ vĩnh viễn. Đơn giản do virus cảm lạnh có quá nhiều trong không khí, dễ thâm nhập vào cơ thể qua hô hấp hoặc đường miệng khi ăn uống không vệ sinh.

Với virus cảm sốt, nó nguy hiểm hơn vì có thể làm mất tính mạng bệnh nhân. Virus này khá tinh quái, biết cách thay đổi hình thù antigent, làm cho tế bào T và B không nhận dạng được nhanh để ứng phó kịp thời.

Một khám phá mới khiến giới khoa học lo lắng: hai loại virus một khi xâm nhập vào cùng một tế bào thì chúng pha trộn với nhau theo 256 đơn vị thành lập; trong con số 256 này, sẽ có một loại virus mới được tạo thành. Loại mới luôn có khả năng chịu đựng cao hơn và trở nên láu cá hơn.

Ví dụ virus mụn rộp loại I, nó tấn công tế bào vùng miệng và môi. Khi hệ miễn dịch “tung ra lính đặc nhiệm” tấn công, chúng lập tức chạy đến trung khu thần kinh để xâm nhập vào vùng an toàn, nằm yên và không có hoạt động phá phách tế bào thần kinh. Đến một lúc nào đó, khi cơ thể bị cảm sốt hoặc thần kinh suy nhược do stress, chúng bắt đầu nhảy ra khỏi tế bào thần kinh, lại tấn công những tế bào trước đó (vùng miệng).

Virus bệnh dại lại khác: chúng tấn công trực tiếp tế bào thần kinh khiến bệnh nhân hóa rồ và muốn cắn người khác. Không như hầu hết virus khác, virus HIV (human immunodeficiency virus) mang mầm bệnh AIDS lại chậm rãi trong cung cách hoạt động. Nó phát triển âm ỉ trong cơ thể và gần như không gây ra triệu chứng nguy hiểm gì cho người đang bị nó xâm nhập trong thời gian rất dài. Tuy nhiên, một khi khởi động, sức tàn phá của nó rất khốc liệt. HIV là tên du côn cực khỏe, thường đủ sức giết gọn tế bào T...

Còn nhiều điều chưa hiểu hết

Tại Philadelphia (Mỹ), xác người chết chất đống nhiều ngày không ai thu dọn; ở Cape Town (Nam Phi), người ta không còn quan tài và buộc phải quấn thi thể nạn nhân vào chăn rồi quẳng xuống hố chôn tập thể; hàng ngàn lính Mỹ đã bỏ mạng ngoài biển trên đường chuyển quân (xác được quẳng xuống Đại Tây Dương để tránh lây nhiễm cho người sống)…

Đó là bức tranh kinh hoàng của trận dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, khiến ảnh hưởng khoảng 30% dân số thế giới (!) và làm thiệt mạng chừng 100 triệu người. Chỉ trong 24 tuần, nó đã cướp mạng sống nhiều hơn so với nạn nhân tử vong vì AIDS trong 24 năm.

Người ta tin rằng dòng virus kinh khủng năm 1918 đang bắt đầu trở lại. Từ châu Á, H5N1 đến châu Âu rồi châu Mỹ. H5N1 là dòng virus cúm H5 (thuộc một trong ba nhóm chính gồm H7 và H9). Trong khi đó, các loài di trú – đặc biệt vịt trời – có thể chứa 15 dòng virus cúm gia cầm.

Trong thế kỷ 20, dịch cúm diện rộng từng bùng nổ vào năm 1918, 1957 và 1968. Thế kỷ 19 cũng từng chứng kiến dịch cúm diện rộng (1833, 1836, 1847 và 1889).

Virus gây cúm thường ẩn mặt trong thời gian dài, có khi 30-40 năm trước khi xuất quân tấn công đồng loạt. Virus H5N1 từng xuất hiện tại Đông Á vào năm 1996 (gây chết vô số gà tại Hong Kong). Nó gây nhiều triệu chứng co thắt ở gà nhưng không thể hiện ở nhiều trường hợp vịt. Đó là lý do giúp nó âm thầm lan rộng trong thời gian dài trước khi bị nhận biết.

Virus được phân loại chủ yếu dựa vào hai protein trên bề mặt – haemagglutinin (H) và neuraminidase (N1). Có 15 biến thể của haemagglutinin (từ H1 đến H15) và 9 biến thể của neuraminidase (từ N1 đến N9).

Một trong những khó khăn trong cuộc chiến H5N1 và người anh em H1N1 của nó là người ta chưa hiểu hết bản chất của chúng, đặc biệt cách thức chúng tấn công và giết chết người. Ở gà và gia cầm nói chung, H5N1 có thể tấn công gần như mọi cơ quan, từ phổi, ruột, cơ đến não.

Ở người, như dòng virus cúm Tây Ban Nha 1918, nó thường nhắm vào phổi. Các nhà nghiên cứu tại Hong Kong cho biết hệ miễn nhiễm – thật không may – lại là nơi tạo điều kiện cho hoạt động tung hoàng của H5N1.

Hệ miễn nhiễm phản ứng với sự thâm nhập H5N1 bằng cách tạo ra chuỗi thông điệp yêu cầu đưa tế bào bạch cầu vào phổi, càng khiến phổi dễ bị thương tổn. Cơ chế hệ miễn nhiễm trong trường hợp này “chẳng khác nào mời một đoàn xe tải thuốc nổ ùn ùn kéo đến phổi!” – theo Malik Peiris, trưởng nhóm nghiên cứu tại Hong Kong. Hậu quả, loạt tế bào khỏe bị chết, mạch máu bị vỡ và phổi bị ngập dịch.

Vấn đề hiện thời là cần có một loại vaccine cực kỳ hiệu quả để dập chết ổ bệnh. Vaccine được xem tốt nhất thời điểm hiện tại là oseltamivir, được bán dưới thương hiệu Tamiflu và được sản xuất từ hãng dược phẩm Thụy Sĩ Roche. Tuy nhiên, quá trình sản xuất oseltamivir mất đến 8 tháng.

Trong công trình nghiên cứu ấn hành năm 2004, Ira M. Longini Jr thuộc Đại học Emory từng dựng mô hình từ máy tính để ước định mức độ ảnh hưởng khi dịch cúm gia cầm lan rộng tại Mỹ. Nếu mức độ lây truyền tương tự trường hợp dịch cúm gia cầm 1957 (khi không có vaccine), sẽ có 93 triệu trường hợp nhiễm bệnh và 164.000 người chết.

Nếu tiêm vaccine cho 80% người ở độ tuổi nhỏ hơn 19 (nhóm đối tượng dễ lan truyền virus bệnh), số trường hợp nhiễm bệnh chỉ khoảng 6 triệu và 15.000 ca tử vong. Rõ ràng vaccine là vũ khí “tối thượng” trong cuộc chiến ngăn chặn dịch cúm diện rộng; với  cúm A/H1N1 thì phải chờ từ 3-5 tháng nữa mới có vaccine.

Còn bây giờ, đành phải “dựa” vào thuốc Tamiflu và sự cẩn trọng trong tiếp xúc nơi đông người của mỗi người.

LÊ THẢO CHI

Tin cùng chuyên mục