Italia và bài toán khó về người nhập cư lậu

Bắt đầu từ ngày 15-5 tới, hải quân Italia sẽ phối hợp cùng hải quân Libya khởi động chiến dịch ngăn chặn người nhập cư lậu từ châu Phi “hành quân” đến đảo Lampedusa, nơi mà nhiều người dự đoán sẽ xảy ra khủng hoảng nhân đạo nếu không có những biện pháp kịp thời.

Giấu mình sau những bờ đá của hòn đảo du lịch Lampedusa (Italia) đầy nắng gió, hàng chục chiếc thuyền chở hàng ngàn người nhập cư lậu từ Bắc Phi đang sẵn sàng cập bến đỗ cuối cùng trên con đường tìm cuộc sống mới tại châu Âu. Hành trang của những người nhập cư đến từ châu Phi chỉ là vài chai nước và bộ quần áo mặc trên người chẳng còn lành lặn.

Năm 2008, khoảng 33.000 người nhập cư lậu đổ về hòn đảo nhỏ có 6.000 dân sinh sống đã tăng 75% so với năm 2007. Người nhập cư lậu đến với châu Âu chỉ với mong muốn duy nhất là “đổi đời” nhưng họ không lường trước được rằng “các chuyến đi bão táp” nhiều khi không giúp họ thực hiện được giấc mơ mà còn “gửi” xác họ vào miệng cá.

Tháng 3-2009, một chiếc thuyền chở hơn 250 người khởi hành từ Libya (Bắc Phi) bị lật, chỉ còn 23 người sống sót. Những cư dân Lampedusa cho biết ngoài việc đánh bắt cá, lưới của họ còn thường xuyên “bắt” được xác của những người nhập cư xấu số. Theo thống kê của Tổ chức di cư quốc tế, khoảng 13.000 người nhập cư lậu đã bỏ mạng trong 10 năm qua.

Bất chấp những nguy hiểm cận kề, gần 1 triệu người nhập cư ở Libya vẫn chờ đợi cơ hội “vượt biển đổi đời”. Vấn nạn nhập cư sẽ còn căng thẳng hơn ở thời điểm hiện tại khi nền kinh tế thế giới suy thoái. Fabio Giardina, nghiên cứu sinh về sinh vật học đại dương tại Lampedusa, nhận định rằng trong thời gian tới có rất nhiều người sẽ liều chết để đến đảo và cuộc sống cư dân đảo Lampedusa bị ảnh hưởng không nhỏ.

Những người nhập cư sẽ tạm thời ở Lampedusa trong khi chờ đợi xem có được chấp nhận cư trú tại Italia hay bị trục xuất về nước. Thời gian xem xét đơn xin tị nạn là 60 ngày. Tuy nhiên, Thủ tướng Italia - Silvio Berlusconi hiện đang muốn tăng thời hạn này lên thành 6 tháng và dự định chuyển đổi một căn cứ quân sự cũ của Mỹ ở Italia thành trại tị nạn cho những người nhập cư đang chờ xét duyệt thủ tục cư trú.

Động thái này đã gây ra lo lắng cho người dân đảo Lampedusa bởi những bất ổn về xã hội mà người nhập cư sẽ gây ra. Cả hòn đảo chỉ có hơn 500 nhân viên cảnh sát, quân đội, bảo vệ bờ biển tuần tra. Số lượng nhân viên an ninh ít ỏi không thể kiểm soát được hết các hoạt động của người nhập cư.

Khu trung tâm của Lampedusa chỉ cho phép khoảng 800 người nhập cư lậu sinh sống. Tuy nhiên, đầu năm nay, hơn 1.800 người đã tập trung ở khu vực này, sống vạ vật dưới những tấm nhựa che chắn tạm bợ để chống chọi với nắng mưa. Và, tình trạng mất an ninh ở đảo Lampedusa là điều không thể tránh khỏi.

Tháng 2 vừa qua, một nhóm người Tunisia nhập cư lậu đã gây rối, đốt phá một căn nhà và xô xát với cảnh sát khiến 60 người bị thương. Sergio De Rubeis, Thị trưởng Lampedusa bày tỏ sự quan ngại bằng cách ví von rằng, hòn đảo này sẽ trở thành một “Alcatraz” tại Lampedusa. (Alcatraz là nhà tù giam giữ tội phạm nguy hiểm của Mỹ ở San Francisco).

Trong khi đó, Claudia Monti - chủ một cửa hàng hoa - thì cho rằng Lampedusa là nơi đón tiếp khách du lịch và “không sẵn sàng để đối phó, giải quyết các vấn đề về khủng hoảng nhân đạo”.

Lampedusa là một hòn đảo nhỏ ở phía Nam Italia, gần sát với Tunisia. Đây được coi là cầu nối để những người nhập cư lậu tìm kiếm việc làm ở các nước châu Âu.

ANH VĂN (Theo CSM)

Tin cùng chuyên mục