Thực trạng nhân công ở các tập đoàn tư bản - Bài 2: Máu, mồ hôi và nước mắt

Từ đồ thể thao...
Thực trạng nhân công ở các tập đoàn tư bản - Bài 2: Máu, mồ hôi và nước mắt

Từ đồ thể thao...

Nhiều chiếc áo thun của các cầu thủ bóng đá, những chiếc áo vest và trang phục tập luyện thể thao đang bán tại Anh được sản xuất từ các phân xưởng bóc lột công nhân trong điều kiện khắc nghiệt. 2 ngày trước Đại hội thể thao Khối Thịnh vượng chung khai mạc tại Ấn Độ, nhật báo Independent của Anh đã có bài điều tra về thực trạng lao động tại các tập đoàn Nike, Puma và Adidas, những nhãn hiệu trang phục thể thao hàng đầu thế giới. Theo bài điều tra này, có 281 nhà máy bóc lột công nhân với những điều kiện khác nhau. Lương thấp và kéo dài giờ làm việc phổ biến nhất, nhiều nơi sử dụng cả tù nhân, đe dọa và quấy rối tình dục... Những công nhân nào làm kém năng suất sẽ bị sa thải.

Điều tra của Independent diễn ra 10 năm sau khi các cửa hiệu tẩy chay nhãn hiệu Nike, tập đoàn có doanh thu 134 tỷ bảng Anh/năm. Công nhân ở Nike chỉ được trả mức lương tối thiểu, không đủ chi phí để mua thực phẩm, trang trải chi phí chỗ ở, y tế và giáo dục cho một gia đình nhỏ. Bản báo cáo trách nhiệm của Nike giai đoạn 2007-2009 mô tả bức tranh sống động về điều kiện làm việc của 1 triệu công nhân của họ ở châu Á trong các công đoạn may khâu và dán keo giày thể thao cùng các trang phục thể thao.

Công nhân tại Pakistan đình công đòi cải thiện điều kiện làm việc.
Công nhân tại Pakistan đình công đòi cải thiện điều kiện làm việc.

Tình trạng lạm dụng công nhân lên đến 35% tổng số công nhân của Nike, tức khoảng 280.000 công nhân. Trong số 479 nhà máy được kiểm tra trong năm 2009, có 168 không đạt tiêu chuẩn của Nike. 1/5 cơ sở không có hợp đồng lao động, kể cả sử dụng lao động trẻ em hoặc buộc công nhân làm suốt 7 ngày/tuần và không có giờ nghỉ giải lao. 1/20 cơ sở sử dụng lao động tù nhân, đội ngũ quản lý thô bạo và thường kiểm tra phụ nữ có thai hay không.

Với 362 nhà máy, Puma có 75 nhà máy không được kiểm toán trong 2 năm. 3/4 số nhà máy này vi phạm giờ lao động và tiền phụ cấp cho công nhân trong giờ làm thêm, 3/4 không có quy định an toàn đối với công nhân tiếp xúc với hóa chất. Puma cho biết họ đã cam kết những điều khoản với liên đoàn lao động nhưng một số nơi, liên đoàn không có quyền hạn bảo vệ công nhân. Trong báo cáo của mình, Puma thừa nhận: “Đây là những hạn chế, những rào cản xã hội đã hạn chế quyền của các hội đoàn công nhân, gây khó khăn cho công nhân tại các nhà máy cung cấp sản phẩm cho chúng tôi”.

Adidas vốn được đánh giá cao với chiến dịch Playfair vào năm 2008. Năm 2009, Adidas tiến hành xếp hạng 60% trong tổng số 1.200 nhà cung cấp sản phẩm Adidas. Cũng trong năm này Adidas của Đức đã cảnh báo 38 nhà cung cấp sản phẩm của họ có thể phải chấm dứt hợp đồng do vi phạm các điều lệ trong hợp đồng.

Trong một bản báo cáo về Olympic 2008, Playfair lưu ý rằng nhiều vụ vi phạm đáng kể quyền lợi của công nhân vẫn được xem “bình thường nhằm giữ vững sản lượng” ở các nước mà vai trò của công đoàn bị xem nhẹ.

Tới chocolate

Làn sóng chỉ trích sử dụng lao động trẻ em trong ngành công nghiệp chế tạo chocolate đang ngày càng lớn và tập đoàn nổi tiếng trong lĩnh vực này, Hershey cũng không thoát khỏi tai tiếng này. Lao động cưỡng bức và sử dụng trẻ em trở thành đặc trưng của công nghiệp sản xuất ca cao ở Tây Phi. Rất nhiều nhà chính trị biết điều đó, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và cả các công ty mua ca cao làm nguyên liệu sản xuất chocolate cũng biết từ lâu nhưng hiện trạng vẫn tiếp diễn. Các NGO tại Mỹ cáo buộc Hershey chơi nước đôi bằng cách lơ là với các tiêu chuẩn về lao động trong sản xuất chocolate nhưng lại ủng hộ vào các quỹ từ thiện dành cho trẻ em ở Mỹ.

Theo báo cáo của các tổ chức Trao đổi toàn cầu (Global Exchange), Nước Mỹ Xanh (Green America) và Diễn đàn quyền lợi lao động quốc tế và Oasis USA,  một lượng đáng kể công nhân của Hershey tại Bờ Biển Ngà và Ghana là nạn nhân của tình trạng buôn người, ngược đãi thường xuyên…

Cây ca cao được trồng nhiều ở Tây Phi do điều kiện phù hợp về khí hậu và thổ nhưỡng. Bờ Biển Ngà cung cấp khoảng 50% nhu cầu chocolate của thế giới, một số nước láng giềng như Mali và các nước còn lại cung cấp 30%. Sau khi thu hoạch, hạt ca cao được bán qua khâu trung gian, sau đó xuất khẩu cho các công ty sản xuất chocolate như Hershey và Mars.

Trẻ em bị bóc lột sức lao động tại trang trại trồng ca cao ở châu Phi.
Trẻ em bị bóc lột sức lao động tại trang trại trồng ca cao ở châu Phi.

Để cắt giảm chi phí sản xuất, các chủ nông trại thường sử dụng lao động trẻ em, trong đó có hàng ngàn trẻ em dưới 15 tuổi. Các em này bị bắt cóc hoặc bị cha mẹ ruồng bỏ. Hầu hết các em đến từ các nước như Mali, Burkina Faso và Togo. Những tên buôn người chỉ mất 100 USD và hứa hẹn với bố mẹ các em rằng sẽ dạy buôn bán và tìm việc cho các em.

Thực tế, những trẻ em này không được trả lương, luôn bị đói, bị đánh đập thường xuyên, buộc phải làm việc từ 60 giờ đến 100 giờ/tuần, làm cả đêm lẫn ngày. Nhiều trẻ thường xuyên bị giới chủ tra tấn, hành hạ. Chúng sẽ nhận hậu quả lớn hơn nếu tìm đường trốn thoát. Có gần 300.000 trẻ em, đa số dưới 14 tuổi, đang lao động tại các nông trại ca cao ở Tây Phi trong điều kiện rất nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng. Riêng ở Bờ Biển Ngà, nước sản xuất ca cao lớn nhất thế giới, có ít nhất 6.000 trẻ em là nô lệ lao động tại một số nông trại ca cao. Chúng do chủ trại mua về, có khi với giá chỉ 28USD/trẻ và lao động không công.

Từ những cáo buộc trên, Mỹ đã vận động Hiệp hội các nhà sản xuất chocolate ký Nghị định thư Harkin-Engel nhằm xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em trong ngành công nghiệp này. Trung tuần tháng 9-2010, Bộ Lao động Mỹ cũng đưa ra một chương trình xóa bỏ lao động trẻ em tại các khu vực trồng cây ca cao ở Ghana và Bờ Biển Ngà.

Theo chương trình này, những nông dân sẽ được giúp vốn để khỏi phải sử dụng lao động trẻ em nhằm giảm chi phí. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thật khó có thể kiểm tra hoạt động tại các đồn điền ca cao ở các khu vực hẻo lánh, thiếu sự giám sát của pháp luật.  Mặc dù đã có một số tiến bộ nhưng tình trạng trẻ em làm việc như nô lệ vẫn còn tồn tại ở Tây Phi, ước tính hiện còn 12.000 trẻ em làm việc tại các nông trại trồng cây ca cao ở Tây Phi. Chính phủ Mỹ thừa nhận, mọi nỗ lực hợp tác giữa Mỹ với Ghana và Bờ Biển Ngà sẽ mất tác dụng nếu các tập đoàn làm ngơ trước thực trạng sử dụng lao động trẻ em.

Hershey và Mars kiểm soát 2/3 thị trường chocolate thế giới với 13 tỷ USD doanh thu hàng năm. Hàng loạt đại gia khác về chocolate cũng nhập nguyên liệu từ các nước có nô lệ lao động trẻ em gồm: Ben & Jerry’s, Cadbury, Nestle, Godiva, Kraft, See’s Candies và Toblerone.

Mars, Hershey, Nestle và nhiều hãng khác phủ nhận trách nhiệm đối với tình trạng nô lệ trẻ em ở Tây Phi vì cho rằng họ không thể kiểm soát công việc tại các nước khác. Thực ra, với thế mạnh về kinh tế, họ hoàn toàn có thể gây áp lực với các nông trại vi phạm luật lao động. Thế nhưng, các tập đoàn này muốn duy trì lợi nhuận cao nên làm ngơ để có thể mua nguyên liệu với giá rẻ hơn so với những lao động hợp pháp cung cấp.

THỤY VŨ tổng hợp

>>Thực trạng nhân công ở các tập đoàn tư bản - Bài 1: Chuyện từ Trung Quốc

Tin cùng chuyên mục