Mở đường tác chiến

LTS:
Mở đường tác chiến

LTS: Kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành nhiệm vụ mở đường Hồ Chí Minh đoạn từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam bộ (30-10-1960 – 30-10-2010), Báo SGGP giới thiệu bài viết của Thiếu tướng Phùng Đình Ấm, nguyên Phó đoàn B90, Trưởng ban liên lạc truyền thông Đoàn B90 và C200 (những đơn vị khai thông tuyến đường từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam bộ) về ý nghĩa và chiến công khi mở tuyến đường này.

Mỹ - Diệm phá hoại Hiệp định Genève hòng chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam ta thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Chúng ra sức đánh phá cách mạng miền Nam, giết hại những người kháng chiến cũ và nhân dân yêu nước vô tội, gây bao cảnh núi xương sông máu.

Đường Trường Sơn cheo leo hiểm trở (1960).

Đường Trường Sơn cheo leo hiểm trở (1960).

Phối hợp liên hoàn

Trước tình hình đó, để sự chi viện có hiệu quả, một trong những nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ là mở con đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, thông suốt từ Trung ương đến chiến trường Nam bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho miền Nam tiếp thu sự chi viện nhân, tài, vật lực của miền Bắc. Được sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 559 (sau là Bộ đội Trường Sơn) để đảm đương nhiệm vụ mở tuyến đường hành lang vận tải 559 (sau là đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh).

Nhưng con đường Trường Sơn lúc đầu chỉ lưu thông từ vĩ tuyến 17 vào đến Tây Nguyên, còn đoạn từ Nam Tây Nguyên vào đến Đông Nam bộ lúc bấy giờ vẫn còn bị chia cắt bởi một vùng trắng, chưa có cơ sở cách mạng trong quần chúng dân tộc, Mỹ - ngụy coi là vùng bất khả xâm phạm của chúng.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, từ Nam bộ ra Trung ương và ngược lại, con đường giao liên phải đi vòng từ Bà Rịa, qua Xuyên Mộc, Hàm Tân và miền núi các tỉnh cực Nam Trung bộ, vượt đèo Dốc Mỏ để ra vùng tự do Liên khu 5, là con đường núi non hiểm trở, bị địch uy hiếp từng chặng rất gian nan. Riêng đoạn từ Nam Tây Nguyên vào Đông Nam bộ, các lực lượng kháng chiến đã nỗ lực mở vào vùng này nhưng khó thực hiện. Một số đội vũ trang tuyên truyền ở Ninh Thuận, Bình Thuận vào, khoa quốc dân thiểu số Quân khu 7 của Đông Nam bộ ra, đều bị tổn thất nặng nề, có đội chỉ còn vài chiến sĩ trở về, không gây được cơ sở trong quần chúng.

Sau Hiệp định Genève, Tỉnh ủy Đắc Lắc có bố trí trở lại Nam Đắc Lắc một đội vũ trang công tác nhưng cũng chỉ bám giữ một số buôn ở phía Bắc, khu vực tiếp giáp Đông Nam bộ vẫn là một vùng trống, bị chia cắt. Nên để việc chi viện sức người sức của miền Bắc đến với chiến trường Nam bộ được nhanh chóng và hiệu quả, đòi hỏi việc xây dựng cơ sở và mở thông hành lang ở vùng này là yêu cầu cấp thiết. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói: “Muốn đánh thắng giặc Mỹ, phải mở ra được đoạn hành lang này (tức đoạn Nam Tây Nguyên vào Đông Nam bộ)”.

Do đó, tiếp theo Đoàn 559 được thành lập (19-5-1959), ngày 25-5-1959, Bộ Quốc phòng và Ban Thống nhất Trung ương đã quyết định thành lập Đoàn B90, gồm 25 đồng chí cán bộ người Kinh - Thượng, ở khu vực Nam bộ và Liên khu 5 tập kết, do đồng chí Trần Quang Sang làm trưởng đoàn, đồng chí Phùng Đình Ấm và Phạm Văn Lạc làm phó đoàn, có nhiệm vụ về miền Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Đắc Lắc xây dựng cơ sở vùng Nam Tây Nguyên, xóa vùng trắng của địch và mở đường vào Đông Nam bộ.

Ngày 20-6-1959, Đoàn B90 lên đường, sau 4 tháng hành quân dọc Trường Sơn vào đến Nam Tây Nguyên, hợp nhất đoàn vũ trang Nam Đắc Lắc và đặt dưới sự lãnh đạo chung của Ban cán sự B4 (Đắc Lắc). Cuối 1959, Đoàn B90 bắt đầu triển khai công tác.

Trong khi đó, sau cuộc họp quán triệt Nghị quyết 15 ở Trãng Chiên (Tây Ninh), Xứ ủy Nam bộ do đồng chí Nguyễn Văn Linh chủ trì, cũng chủ trương tổ chức lực lượng mở đường từ phía Nam ra để bắt liên lạc với Đoàn B90 mở vào. Tháng 6-1960, Khu ủy miền Đông Nam bộ giao nhiệm vụ cho Đoàn C200 từ chiến khu Mã Đà, vừa xây dựng cơ sở vừa mở đường ra, tìm bắt liên lạc với cánh mở đường phía Đông của B90.

Trước đó, Đoàn C300 được lệnh mở đường lên phía Tây quốc lộ 14, móc nối liên lạc với cánh mở đường phía Tây B90. Sau đó giao lại nhiệm vụ cho C270 của tỉnh Phước Long tiếp tục.

Tay bắt mặt mừng

Sau gần 1 năm, Đoàn B90 mở đường phía Bắc vào, các đơn vị C300, C270 và C200 mở đường phía Nam ra, đã vượt qua biết bao khó khăn chiến trường mới lạ, không cơ sở trong dân, ngôn ngữ bất đồng, đói cơm lạt muối, địch ra sức kiểm soát buôn làng, biệt kích lùng sục, ngăn cản, treo giải thưởng cao cho người nào, buôn nào giết chết hoặc bắt sống Việt cộng.

Nhưng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đều khắc phục mọi khó khăn trở ngại, kiên trì vận động, bám sát dân, liên lạc từng người, xây dựng từng cơ sở, dần mở rộng ra toàn vùng, xây dựng bàn đạp và từng bước mở đường tìm bắt liên lạc nhau.

Đến 16 giờ 30 ngày 30-10-1960, cánh mở đường phía Đông của B90 bắt được liên lạc với bộ phận C200 tại vàm sông Đah R’Tih (giáp ranh Quảng Đức) và lúc 20 giờ ngày 4-11-1960, cánh mở đường phía Tây của B90 bắt được liên lạc với một bộ phận của C270 tại cây số 4 đường Đắc Song - Gia Nghĩa. Hai bên gặp nhau tay bắt mặt mừng, tiếng cười xen nước mắt, hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao cho.

Từ đó, con đường hành lang cuối dãy Trường Sơn được khai thông, nối liền hai chiến trường Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Tiếp sau đó, con đường được nối liền với cực Nam Trung bộ.

Đường hành lang chiến lược Bắc - Nam - đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được thông suốt từ Trung ương về đến chiến trường Nam bộ và cực Nam Trung bộ (gọi tắt B2). Qua đoạn đường này, nhân dân Nam bộ và cực Nam Trung bộ đã đón hàng vạn con em tập kết về lại chiến trường và từng binh đoàn cán bộ, chiến sĩ miền Bắc chi viện, cùng hàng trăm tấn vũ khí, vật chất phục vụ cho cuộc chiến đấu.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tại hội thảo về đường Hồ Chí Minh đoạn từ Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ, trong tham luận của mình, tiến sĩ Trần Thị Nhung, Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ, cho biết: Từ 1961 đến 1975, qua con đường này, chiến trường Nam Trung bộ và cực Nam Trung bộ đã tiếp nhận 362.523 cán bộ, chiến sĩ và 119.781 tấn vũ khí và vật chất khác của miền Bắc chi viện vào.

Trừ một vài tháng đầu, quân đi lẻ tẻ, càng về sau quân đi từng đoàn, có những đoàn lớn như đoàn Phương Đông và Dân Tiến, mỗi đoàn đến 600 người, hầu hết là cán bộ khung xây dựng Bộ Chỉ huy quân sự Miền, Bộ Chỉ huy quân sự các khu 6, 7, 8, 9, Sài Gòn - Gia Định. Có những đoàn cán bộ quan trọng, như đoàn của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, trên đường từ liên khu về Nam bộ giữ chức Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam; đoàn các đồng chí Võ Chí Công, Trần Nam Trung - Phó Bí thư và Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, các đoàn thực binh xây dựng các sư đoàn chủ lực 5, 7, 9 của B2...

Bằng lực lượng dân công người dân tộc và phương tiện thô sơ, voi vận tải đã vận chuyển hết vũ khí, khí tài của miền Bắc chi viện cho Nam bộ và cực Nam Trung bộ còn tồn đọng ở Bắc Tây Nguyên, vì chưa khai thông được tuyến đường. Trong đó có những vật tư quý, như vật tư xây dựng đài phát thanh, bệnh viện... đã góp phần quan trọng đối với chiến trường B2.

Lịch sử vinh quang

Trong cuộc Hội thảo “Đường Hồ Chí Minh từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam bộ” do Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức, ngày 29-5-2009 tại Bình Phước, Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCNVN, đã nói: “Khi nói đến đường Hồ Chí Minh mà chỉ nói đường Trường Sơn với Đoàn 559 là chưa đầy đủ”. Theo Đại tướng, “đoạn đường từ Nam Tây Nguyên đến miền Đông Nam bộ là bộ phận cuối cùng đặc biệt quan trọng hợp thành con đường Hồ Chí Minh”.

Đại tướng chỉ rõ: “Chính tuyến đường vận tải chiến lược Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh, đoạn từ Nam Tây Nguyên đến miền Đông Nam bộ đã góp phần chấm dứt tình trạng chiến trường bị chia cắt, tạo điều kiện thuận lợi để quân và dân B2 nói chung, quân và dân miền Đông Nam bộ nói riêng xây dựng căn cứ địa, xây dựng hậu phương tại chỗ vững chắc, tạo cơ sở tiếp nhận có hiệu quả sự chi viện của miền Bắc XHCN…, đủ sức góp phần lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ - ngụy, làm nên trận quyết chiến cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam”(*).

Cũng trong hội thảo nói trên, hơn 90 bản tham luận, trong đó có Đại tướng Lê Văn Dũng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Thượng tướng Phan Trung Kiên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Triệu Xuân Hòa; Trung tướng Nguyễn Thành Cung - Bộ Tư lệnh Quân khu 7, các vị tướng lĩnh là Tư lệnh, Phó Tư lệnh Quân khu 5, 9, sĩ quan cấp tá của các viện lịch sử quân đội, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, các nhà khoa học... có sự đánh giá cao và tầm quan trọng lịch sử của con đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh nói chung và đặc biệt đối với đoạn đường Nam Tây Nguyên đến Đông Nam bộ nói riêng.

Viết đến đây, người viết bồi hồi xúc động nhớ đến đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam bộ và Bí thư Trung ương Cục miền Nam, và đồng chí Mai Chí Thọ, nguyên Bí thư Khu ủy miền Đông Nam bộ, là những người tâm huyết trong việc mở đoạn đường hành lang chiến lược Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Lúc còn sống, hai đồng chí thường nói “mở đoạn đường Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ thành công là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử, góp phần tạo bước ngoặt đem lại thế mới, lực mới cho phong trào cách mạng B2 bước sang giai đoạn mới”.

Riêng đồng chí Nguyễn Văn Linh, lúc làm cố vấn BCH Trung ương Đảng, trong một cuộc họp mặt truyền thống của Đoàn B90 và C200 tại TPHCM, đã huấn thị cho Ban liên lạc của hai đoàn phối hợp nhau viết lại lịch sử mở đường Hồ Chí Minh đoạn từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam bộ cho đúng tầm vóc lịch sử của nó. Tôn trọng ý kiến của đồng chí, cuốn sử đó đã được hoàn thành và ra mắt trong dịp hội thảo ở Bình Phước.

Nay đã 50 năm, kể từ ngày Đoàn B90 mở đường từ Nam Tây Nguyên vào, Đoàn 200 và 270 ở phía Đông Nam bộ mở đường ra, bắt liên lạc với nhau, hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao cho (30-10-1960 và 4-11-1960 - 30-10-2010 và 4-11-2010). Kỷ niệm ngày lịch sử vinh quang đó, 16 trong số 43 thành viên của các đoàn hai phía còn sống, tuổi đã trên dưới bát tuần, thay mặt cho số anh em đồng đội đã mất rất đỗi tự hào, đã góp phần vào công cuộc mở đoạn cuối con đường Hồ Chí Minh, đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam bộ, tạo bước ngoặt lịch sử cho công cuộc đấu tranh của chiến trường B2, góp phần vào thắng lợi chung của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

——————
(*) “Đường Hồ Chí Minh đoạn từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam bộ” NXB Chính trị Quốc gia, 2009, trang 25.

Thiếu tướng Phùng Đình Ấm

Tin cùng chuyên mục