NASA và cuộc khủng hoảng

Sau 3 thập niên tung hoành vũ trụ, chương trình Tàu con thoi của Cơ quan Quản trị hàng không - không gian Hoa Kỳ (NASA) sắp đóng cửa. Ngày 7-11-2010 là cột mốc lên không gian lần cuối của tàu Discovery. Thiếu tiền là lý do chính khiến nhiều dự án NASA bị hủy, trong đó có sự khép màn của chương trình Tàu con thoi, và không chỉ chuyện tiền…
NASA và cuộc khủng hoảng

Sau 3 thập niên tung hoành vũ trụ, chương trình Tàu con thoi của Cơ quan Quản trị hàng không - không gian Hoa Kỳ (NASA) sắp đóng cửa. Ngày 7-11-2010 là cột mốc lên không gian lần cuối của tàu Discovery. Thiếu tiền là lý do chính khiến nhiều dự án NASA bị hủy, trong đó có sự khép màn của chương trình Tàu con thoi, và không chỉ chuyện tiền…

Không gian đìu hiu

Mới 9 giờ sáng, 100 nhân viên của Trung tâm Không gian Kennedy đã xếp hàng để có cơ hội được lên màn bạc. Đạo diễn Michael Bay chuẩn bị quay bộ phim viễn tưởng Transformers 3 với bối cảnh tại trạm điều khiển không gian này; và nhiều nhân viên Trung tâm Không gian Kennedy đang sẵn lòng làm diễn viên phụ. Nếu nói hơi quá thì ngoài việc đóng phim cho Michael Bay, dàn nhân viên kỹ thuật Trung tâm Không gian Kennedy gần như chẳng có việc gì làm.

Là trạm chỉ huy chính điều khiển các chương trình tàu con thoi, Trung tâm Không gian Kennedy sắp đóng cửa. 8.000 kỹ sư, kỹ thuật viên và nhân viên sắp mất việc. Nhiều thị trấn gần đó được dựng lên để phục vụ các chương trình NASA - như Cape Canaveral, Cocoa Beach, Titusville - đang vắng ngắt buồn tanh.

Vài ngày trước buổi thi chọn diễn viên cho Transformers 3, viên chức NASA thậm chí nới lỏng an ninh khi cho phép gia đình nhân viên được vào bên trong chứng kiến buổi chuẩn bị phóng lần cuối tàu Discovery. Trong buổi lễ tổ chức long trọng, tàu Discovery được chuyển từ tòa nhà lắp ráp 52 tầng đến bãi phóng. Ngập trong ánh đèn xenon, con tàu trắng với hai tên lửa cùng thùng nhiên liệu màu cam được đặt trên chiếc xe kéo khổng lồ. Xa xa chân trời là chiếc trực thăng có vũ trang và vầng trăng lơ lửng. Gia đình nhân viên đứng trong bãi đỗ xe. Vài người vỗ tay và huýt sáo. Vài người khác bật khóc…

NASA và cuộc khủng hoảng ảnh 1

Công tác chuẩn bị cho chuyến bay cuối cùng của tàu Atlantis trước khi chương trình Tàu con thoi vĩnh viễn khép lại năm 2011

Tháng 2-2010, Nhà Trắng đột ngột loan bố hủy chương trình Constellation (Chòm sao) vốn ngốn mạnh ngân sách (được thiết kế đưa người Mỹ trở lại Mặt Trăng lần đầu tiên từ năm 1972; rồi sau đó đưa người lên Sao Hỏa). Trong 30 năm, NASA đã thực hiện nhiều chuyến bay con thoi; lắp ráp và duy trì Trạm không gian quốc tế (ISS); cũng như thực hiện vô số cuộc thăm dò vũ trụ.

Tuy nhiên, chẳng ai có thể biết chắc người Mỹ sẽ làm tiếp những gì trong lĩnh vực nghiên cứu không gian. Đó là lý do khiến người ta tin rằng nguồn nhân lực của NASA sẽ thất thoát khi họ đầu quân cho các công ty tư nhân. Cố bảo vệ nhân lực NASA cũng như các hợp đồng dang dở, Quốc hội Hoa Kỳ đã trì hoãn chương trình cải tổ NASA của Tổng thống Barack Obama, khiến NASA rơi vào tình trạng u ám mà James E. Ball (viên chức quản lý NASA tại Florida) miêu tả là “một giai đoạn mơ hồ lơ lửng”.

Ngoài vụ phóng Discovery trong tháng 11 này, NASA còn phóng hai chuyến con thoi cuối cùng vào năm 2011. Rồi trong 5 năm sau đó hoặc hơn, bất kỳ phi hành gia Mỹ nào muốn lên không gian phải… thuê một ghế trong khoang tàu Soyuz của Nga hoặc một tàu vũ trụ tư nhân nào đó! Chẳng phải tự nhiên tinh thần những người làm việc cho ngành không gian Mỹ nói chung đang ủ dột. Các cộng đồng dọc bờ biển không gian Florida được dựng lên với sự lạc quan và hứng khởi từ tham vọng chinh phục không gian của Mỹ, nay trong tình trạng eo sèo bởi ảnh hưởng suy thoái.

Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực trên hiện là 12% - cao hơn 2% so với tỷ lệ trung bình quốc gia - và có thể tăng lên 15% trong năm 2011, chủ yếu bởi sự teo tóp công nghiệp không gian. Chỉ riêng Trung tâm không gian Kennedy, số người lâu nay sống nhờ công nghiệp không gian (trong đó có nhà thầu) sẽ giảm từ 15.000 người (năm 2009) còn 7.000 người hoặc ít hơn - theo BusinessWeek (1-11-2010).

Với ngân sách hàng năm 19 tỷ USD, NASA được kỳ vọng phải mang lại kỳ tích nhưng điều này gần như không xuất hiện nhiều thập niên qua. Năm 2004, NASA ủy nhiệm Trung tâm Phân tích và nghiên cứu văn hóa tại Philadelphia tiến hành khảo sát. Kết quả cho thấy, “nhiều thành tựu NASA kể từ sau chương trình Apollo đã không mang lại tiếng vang đối với công chúng”.

Với sự xói mòn “thương hiệu NASA”, năm 2004, chính phủ George W. Bush tuyên bố chương trình Con thoi sẽ kết thúc vào cuối thập niên đầu của thế kỷ 21; và nó được thay bằng chương trình Constellation với tham vọng đưa người lên Sao Hỏa. Tuy nhiên, chính phủ Bush đã hoang tưởng với kế hoạch trên. Chỉ riêng với chương trình Con thoi, NASA đã tốn khoảng 3 tỷ USD/năm. Và với chương trình Constellation, ngân sách sẽ là nửa ngàn tỷ đôla!

Đến năm 2009, Constellation đã cho thấy nó quá tốn kém và tiến độ chậm hơn dự kiến. Chính phủ Barack Obama quyết định cắt chi phí khoảng 10 tỷ USD; và thế là một trong những công trình được thiết kế riêng cho Constellation – tòa tháp bằng thép khổng lồ cao 108m với chi phí 300 triệu USD dùng để phóng tên lửa Constellation – bây giờ nằm trơ gan cùng tuế nguyệt tại Trung tâm Kennedy. Ngoài việc cắt ngân sách, NASA cũng dần tư nhân hóa (cho phép công ty tư nhân thực hiện những hợp đồng riêng rẽ cho NASA)…

Không chỉ vấn đề tiền

Trong thực tế, những khó khăn mà NASA đối mặt, hiện tại cũng như tương lai, không chỉ có chuyện tiền. Lỗ hổng trong quản lý tại NASA mới thật sự là vấn đề. Đáng nói hơn, hầu hết sai lầm đó có thể tránh được. Thử nhìn lại sự cố vài năm gần đây… Nhóm khoa học gia chịu trách nhiệm phóng tàu Mars Polar Lander (MPL) rất lạc quan vào ngày 3-12-1999 khi tàu chuẩn bị đáp xuống Sao Hỏa. Trên tường, một đồng hồ đếm ngược từng giây đang hoạt động. Đến đúng giờ như tính toán, chiếc máy liên lạc vẫn lặng thinh. Gương mặt những người trong phòng điều khiển sứ mạng MPL tại Phòng thí nghiệm động cơ đẩy (JPL) thuộc NASA bắt đầu ỉu xìu.

Ở phòng báo chí, nơi nhiều phóng viên đang ngóng đợi tin, không khí cũng nặng nề không kém. Và tại phòng điều khiển, giám đốc NASA Daniel Goldin đang chống cằm lo lắng. Một phụ nữ đứng gần ông chắp tay vái. Có ai đó đột nhiên thở dài… Suốt buổi chiều, các khoa học gia NASA cố thuyết phục giới báo chí và cũng tự trấn an mình, rằng đó có thể do hỏng hóc thiết bị vô tuyến, rằng tàu MPL có thể bị nghiêng và không lâu nữa sẽ xoay đúng hướng ăng ten về phía Trái Đất…

Robert Cabana, Giám đốc Trung tâm không gian Kennedy, với con tàu Discovery cùng sứ mạng không gian lần cuối

Robert Cabana, Giám đốc Trung tâm không gian Kennedy, với con tàu Discovery cùng sứ mạng không gian lần cuối

Phải mất nhiều tuần sau NASA mới thừa nhận thất bại. MPL (đáng lý) là tàu thứ tư đáp xuống Sao Hỏa và là tàu đầu tiên hạ cánh ở cực Nam hành tinh này. Con tàu trị giá 165 triệu USD mang theo hai máy dò, sẽ phóng ra khi tàu chuẩn bị đáp ở khoảng cách cách bề mặt sao Hỏa chừng 100km, để thực hiện các nghiên cứu địa hình riêng…

Thất bại của sứ mạng MPL xảy ra đúng thời điểm NASA liên tiếp đối phó nhiều sự cố. Chỉ 10 tuần trước đó, tháng 9-1999, một lỗi liên quan đến tính toán đã khiến tàu Mars Climate Orbiter hạ cánh xuống Sao Hỏa không đúng vị trí dự kiến. Chưa hết. Từ giữa năm 1998 đến cuối năm 1999, vô số sai lầm và sơ suất đã làm gián đoạn các chương trình không gian dân sự cũng như quân sự của Mỹ. Một tàu thăm dò không gian bị hỏng đã không thể lọt vào quỹ đạo một thiên thạch. Một sứ mạng vệ tinh thiên văn kết thúc giữa chừng khi bộ phận làm lạnh rò rỉ vào ngày đầu tiên trong quỹ đạo. Một vệ tinh quan sát Mặt Trời đột nhiên “lăn đùng ra chết”. Một vệ tinh quan sát Trái Đất trị giá 1,3 tỷ USD cũng gặp rắc rối vào ngày đầu tiên làm việc trong không gian, rồi 5 trong số những tên lửa lớn nhất của Mỹ đã nổ tan tành ngay sau khi phóng…

Nói tóm lại, trong 18 tháng thảm họa, Mỹ mất số tên lửa và vệ tinh nhiều hơn bất cứ giai đoạn nào kể từ những ngày đầu tiên của lịch sử thám hiểm không gian. Tuy một số sứ mạng hỏng được hiệu chỉnh kịp thời nhưng hàng tỷ đôla cũng đã mất trắng. Trong vài trường hợp, sai lầm không hoàn toàn thuộc về NASA. Chính lỗi trong một động cơ của hãng Lockheed đã phá hỏng một tên lửa Titan IVB và vệ tinh thăm dò Milstar đắt tiền của nó vào ngày 30-4-1999…

Cần nói thêm, lỗi phần mềm không phải là chuyện mới ở NASA. Các sự cố của sứ mạng Near-Earth Asteroid Rendezvous (Điểm hẹn thiên thạch cận Trái Đất) và với sứ mạng Deep Space 1 đều dính dáng lỗi phần mềm. Cả hai sự cố - một trạm quan sát Mặt Trời bị hỏng vào giữa năm 1999 và tàu Terra quan sát Trái Đất gặp trục trặc khi phóng vào cuối năm 1999 – đều có thể khắc phục bằng cách chữa lỗi phần mềm qua cầu nối vô tuyến.

Tại sao xuất hiện liên tục các lỗi phần mềm? Các sứ mạng trước đây của NASA đều áp dụng quá trình Independent Validation and Verification (IV&V – Kiểm tra và phê chuẩn độc lập) trong đó các chuyên gia không trực tiếp dàn dựng sứ mạng sẽ được thuê để kiểm định và chữa lỗi phần mềm. Tuy nhiên, IV&V tỏ ra tốn kém. Sai lầm còn thể hiện ở nhiều điểm khác. Ba chương trình nghiên cứu tên lửa chính của Chính phủ Mỹ – Atlas, Delta và Titan – đều bị thay đổi xoành xoạch. Trong khi đó, các nhà thầu và không quân Mỹ lại thuyên chuyển nhiều người có tài sang cho các chương trình riêng của mình, khiến những người bị bỏ rơi lại trở nên chán nản. Khoảng hơn 30 tên lửa hiện bỏ xó “mốc meo” trong kho mà đáng lý được phóng từ lâu (mang theo vệ tinh) trong một chương trình trị giá 20 tỷ USD...

Discovery là tàu con thoi già nua bay nhiều hơn bất kỳ tàu con thoi nào, với 38 chuyến và 352 ngày trong quỹ đạo. Tổng cộng, Discovery du hành hơn 230 triệu km và quay vòng quanh Trái Đất 5.628 lần, kể từ lần đầu tiên được phóng năm 1984. Discovery cũng có nhiều dấu ấn: Đưa người phụ nữ đầu tiên vào không gian; đưa phi hành gia già nhất vào không gian; đưa phi hành gia Mỹ da đen đầu tiên thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian, đưa một thành viên Quốc hội tại chức đầu tiên vào không gian; và trong chuyến bay cuối cùng, nó cũng đưa “robot phi hành gia” đầu tiên (Robonaut2) vào không gian…

LÊ THẢO CHI

Tin cùng chuyên mục