Mafia tại Italia: Cuộc chiến không hồi kết?

Việc Thượng nghị sĩ Nicola Di Girolamo thuộc đảng Nhân dân tự do (Pdl) do Thủ tướng Silvio Berlusconi đứng đầu đệ đơn từ chức sau khi có tên trong danh sách điều tra một vụ rửa tiền trị giá 2,4 tỷ EUR của một tập đoàn viễn thông hàng đầu nước này bị buộc tội có liên quan đến mafia đã làm chấn động Italia. Đằng sau vụ việc vừa bị bóc trần này là sự lo lắng của chính phủ và người dân Italia với sự phát triển ngày một lớn mạnh của các tổ chức mafia tại quốc gia Địa Trung Hải này.
Mafia tại Italia: Cuộc chiến không hồi kết?

Việc Thượng nghị sĩ Nicola Di Girolamo thuộc đảng Nhân dân tự do (Pdl) do Thủ tướng Silvio Berlusconi đứng đầu đệ đơn từ chức sau khi có tên trong danh sách điều tra một vụ rửa tiền trị giá 2,4 tỷ EUR của một tập đoàn viễn thông hàng đầu nước này bị buộc tội có liên quan đến mafia đã làm chấn động Italia. Đằng sau vụ việc vừa bị bóc trần này là sự lo lắng của chính phủ và người dân Italia với sự phát triển ngày một lớn mạnh của các tổ chức mafia tại quốc gia Địa Trung Hải này.

Những đại gia đình tội phạm

Tên gọi mafia chính thức xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 19. Đặc trưng của mafia Italia đó là mỗi tổ chức được cấu thành bởi nhiều gia đình chứ không phải là một nhóm nhỏ lẻ; là nhóm tội phạm được tổ chức có hệ thống; có tôn ti, trật tự rõ ràng. Mỗi một “gia đình mafia” đều có một cấu trúc giống nhau. Người đứng đầu gia đình là ông trùm (boss). Đây là người nắm toàn quyền quyết định, có trách nhiệm giải quyết những tranh chấp và giữ cho mọi người theo “nếp” của gia đình. Đứng dưới ngay ông trùm là “trùm phó” (underboss). Nhân vật “dưới một người, trên vạn người” này được quyền giải quyết các tranh chấp không liên quan đến ông trùm và trong trường hợp ông trùm già hoặc bị phải ngồi tù, “trùm phó” sẽ là người thay thế.

Hỗ trợ đắc lực trong việc tham mưu các kế hoạch cho trùm lớn, trùm bé là quân sư (consigliere). Những kẻ kém “trùm phó” một bậc là các chỉ huy (capo). Số lượng chỉ huy nhiều hay ít phụ thuộc vào quy mô của mỗi gia đình. Mỗi một chỉ huy phụ trách một mảng riêng trong gia đình mafia. Một chỉ huy được đánh giá cao bởi khả năng kiếm tiền của hắn. Còn những kẻ trực tiếp nhúng tay làm các phi vụ bẩn thỉu, thực hiện những hành vi tội ác là tay sai (soldier).

Trong một gia đình mafia, đây là những kẻ nắm giữ rất ít quyền lực cũng như tiền bạc. Số lượng tay sai phụ thuộc vào tính chất công việc mà các chỉ huy thực hiện. Tay sai thường có sự “giúp đỡ” của những tên ăn trộm, ma cô dắt gái, thậm chí là nhân viên cảnh sát hoặc chính trị gia - để thực hiện các hành vi phạm tội.

Theo ước tính, hiện nay có 4 hoặc 5 đại gia đình mafia ở Italia với con số thành viên của mỗi đại gia đình lên đến vài ngàn người. Đầu tiên phải kể đến mafia Sicily. Sicily, một hòn đảo nổi tiếng về du lịch, nằm ở Địa Trung Hải, khu tự trị thuộc Italia, chính là nơi chôn nhau cắt rốn của mafia Italia. Mafia Sicily hoạt động theo nguyên tắc riêng của mình. Những người gia nhập đại gia đình Sicily được tuyển chọn kỹ lưỡng, phải tham dự các nghi lễ bí mật để sau đó họ gần như gắn bó cả cuộc đời với tổ chức. Tên tuổi của mafia Italia đã vượt ra khỏi ranh giới quốc gia nằm bên bờ Địa Trung Hải khi dòng người di cư từ Sicily ào ạt đổ sang Mỹ vào cuối thế kỷ 19 và rồi thành lập các chi nhánh tội phạm tại quê hương mới.

Tại Italia, tổ chức tội phạm này nổi tiếng với các vụ ám sát các nhân vật có tiếng nói trong xã hội như những người đứng đầu lực lượng cảnh sát, thẩm phán và chính trị gia. Tại Nam Italia, tổ chức mafia khét tiếng nhất tại khu vực này đó là mafia Napoli hay còn được biết đến với tên gọi khác là Camorra. Tổ chức tội phạm này ra đời vào thế kỷ thứ 19 với các “sáng lập viên” là một nhóm tù nhân. Với khoảng 7.000 thành viên, mafia Napoli chủ yếu tham gia các hoạt động buôn bán ma túy, thuốc lá.

Cũng góp mặt từ những ngày đầu trong lịch sử hình thành mafia Italia, một tổ chức khác tại miền Nam Italia đã gây ra nhiều nỗi kinh hoàng, sợ hãi cho dân chúng là Ndranghetta. Những kẻ khai sáng ra tổ chức này là cư dân bị trục xuất khỏi Sicily, phải dạt về Calabria để trú thân. 6.000 thành viên của mafia Calabria kiếm khoảng 50 tỷ USD/năm từ việc buôn lậu ma túy. Puglia Mafia hay Sacra Corona Unita, được hình thành vào năm 1980 và chuyên kiếm tiền bằng hoạt động buôn lậu hàng hóa và buôn người từ các quốc gia Đông Âu.

Gần 15 năm lẩn trốn, Domenico Raccuglia, trùm một băng mafia khét tiếng tại Sicily bị bắt năm 2009.

Gần 15 năm lẩn trốn, Domenico Raccuglia, trùm một băng mafia khét tiếng tại Sicily bị bắt năm 2009.

Không từ thủ đoạn

Trải qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển, giờ đây, mafia Italia đã trở thành một thế lực thực sự có thể gây ảnh hưởng đến cả Chính phủ Italia, tòa án và cả hệ thống chính trị của đất nước hình chiếc ủng. Để thực hiện thành công các phi vụ làm ăn bẩn thỉu, các tổ chức mafia không từ bất cứ một thủ đoạn nào từ lôi kéo, mua chuộc đến đe dọa, thủ tiêu.

Thượng nghị sĩ Nicola Di Girolamo phải từ chức đã cho thấy sự can thiệp ghê gớm vào đời sống chính trị Italia của mafia. Trong số những kẻ dính líu còn có Silvio Scaglia, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn truyền thông Fastweb. Các lực lượng chống mafia của Italia từ lâu đã phát hiện những dấu hiệu đáng ngờ trong hoạt động của các công ty này cho đến khi có những bằng chứng rõ ràng về việc Scaglia cùng nhiều doanh nhân khác đã thiết lập một hệ thống rửa tiền trị giá 2,4 tỷ EUR cho mafia miền Nam Italia thông qua việc mua bán dịch vụ điện thoại quốc tế giả mạo.

Một phần lớn số tiền này đến từ một gia đình mafia khét tiếng ở vùng Calabria, miền Nam Italia. Đây là gia đình đã chi tiền để mua phiếu bầu từ các cử tri người gốc Italia ở Đức, giúp Nghị sĩ Di Girolamo thắng cử với tư cách là người đại diện cho các kiều dân Italia trong cuộc tổng tuyển cử ở vùng Calabria. Vụ bê bối mới nhất này đã làm rung chuyển Italia vì mức độ nghiêm trọng của nó, cũng như sự dính líu của một thượng nghị sĩ.

Tháng 12-2009, sau 3 năm điều tra, cảnh sát Bari, miền Nam Italia cũng đã ra lệnh bắt khẩn cấp 83 người vì tội móc nối với băng đảng mafia tại Bari do Savino Parisi, 48 tuổi, cầm đầu để rửa tiền, buôn lậu ma túy, cho vay nặng lãi, giết người… Rất nhiều chính khách và thương nhân tại Bari liên quan đến vụ án này. Tuy nhiên, để tiện cho việc điều tra, tên tuổi của những chính khách trên vẫn được giữ kín.

Tháng 9-2007, một quan chức Lãnh sự quán Italia tại Kiev (Ukraine) (hiện tên tuổi chưa được tiết lộ)  đã bị bắt vì tội cấu kết với mafia trong một đường dây buôn bán các cô gái trẻ để đưa những cô gái này vào các vũ trường, các câu lạc bộ bán dâm. Theo một tổ chức phi chính phủ đóng tại Genoa (Italia), Italia là một điểm đến và quá cảnh của nhiều phụ nữ, nam giới bị buôn bán nhằm mục đích thương mại, mại dâm và cưỡng bức lao động. Đa phần những người bị buôn bán ở các nước thuộc khu vực Đông Âu như Romania, Bulgaria, Moldova, Albania và Ukraine. Tổ chức phi chính phủ trên cho biết 90% lao động theo thời vụ đều không được đăng ký nhập cư và 2/3 số lao động trên đến Italia bất hợp pháp và các băng nhóm mafia sẽ dễ dàng mua đi bán lại “hàng hóa” này.

Năm 2008, Chính phủ Italia đã tiến hành hơn 2.200 vụ điều tra, truy tố 480 nghi phạm và kết án tội buôn bán người đối 225 can phạm (năm 2007 là 163 người). Số người bị buộc tội tăng dần theo từng năm cho thấy chính quyền Italia đang thiếu những biện pháp tích cực để ngăn chặn bọn tội phạm buôn người.

Nhưng mafia không đơn giản chỉ sử dụng một chiêu bài mua chuộc trong việc làm ăn. Đối với những đối tượng được các tổ chức mafia cho là cản đường làm ăn hoặc ăn chặn tiền, chúng sẵn sàng ra tay giết chết ngay. Tháng 10-2009,  cảnh sát Italia đã công bố một đoạn băng ghi hình cảnh giết người trắng trợn của mafia ở Napoli. Vào một ngày tháng 5-2009, Mario Bacio Terracino, làm việc cho một băng buôn bán ma túy, đã bị một sát thủ của băng khác có mối thù hận với Terracino giết ngay trước cửa một quán bar giữa thanh thiên bạch nhật. Đoạn băng kéo dài 26 giây, quay cảnh Terracino đang đứng bên ngoài quán bar hút thuốc trong khi tên sát thủ tiến lại gần Terracino và bắn Terracino 3 phát. Sau khi Terracino gục xuống, tên sát thủ bồi phát cuối cùng vào đầu Terracino rồi bước đi bình thản với khẩu súng gây án trên tay. Đoạn băng video một lần nữa cho thấy sự lộng hành, coi thường luật pháp ngày càng tăng của các băng đảng mafia tại Italia.

Kiếm tiền như mafia

Thuở ban đầu, mafia Italia chủ yếu kiếm tiền bằng các hình thức tống tiền và bảo kê. Tuy nhiên, cùng với sự lớn mạnh không ngừng, danh mục các hoạt động tội ác của mafia cũng dài thêm với buôn bán ma túy, buôn lậu, bắt cóc, buôn người, kinh doanh mại dâm, hối lộ các thẩm phán và chính khách của Italia. Theo một số báo cáo mới đây, thế hệ các trùm mafia mới còn tham gia vào hàng ngũ của “tội phạm cổ cồn trắng” (white collar crime)- những kẻ thuộc giới thượng lưu có học tham gia các hoạt động làm ăn phi pháp trong lĩnh vực kinh tế, tài chính - để kiếm được nhiều tiền hơn.

Những đồng tiền bẩn thường được mafia hợp pháp hóa bằng cách tái đầu tư vào các doanh nghiệp kinh doanh sạch. Theo một báo cáo năm 2009 của Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Italia (Confesercenti) vừa công bố, hoạt động mafia có thu nhập cao nhất, ổn định nhất và lãi nhất, hơn bất cứ doanh nghiệp nào ở Italia trong năm 2009, và nếu coi mafia là một doanh nghiệp, thì không có tập đoàn lớn nào của Italia vượt mặt nổi chúng. Bất chấp nền kinh tế Italia rơi vào suy thoái, thu nhập của các băng nhóm mafia ở nước này trong năm rồi vẫn tăng 12%, đạt 135 tỷ EUR, tương đương 10% GDP của Italia.

Theo đánh giá của cảnh sát Italia, tận dụng thời điểm kinh tế khủng hoảng, mafia đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh bẩn thỉu bằng cách tăng cường cho vay nặng lãi, thúc đẩy kinh doanh hàng nhái, thu tiền bảo kê của các doanh nghiệp, thâm nhập vào các dự án xây dựng lớn và mua lại các công ty phá sản.

Trong năm 2009, gần 1 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn kinh doanh do khủng hoảng, Italia đã trở thành nạn nhân của chính sách xiết nợ của mafia, tăng 20% so với năm trước đó, khi các băng nhóm tội phạm cho vay với lãi suất lên tới 10% một ngày. Trong khi đó, gần 200.000 doanh nghiệp nhỏ vẫn phải hàng tháng nộp tiền bảo kê cho mafia.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh bẩn béo bở nhất của mafia là nhảy vào các dự án xây dựng lớn và can thiệp vào các gói thầu y tế, đem lại cho chúng mỗi năm 40 tỷ EUR. Ngoài ra, mafia Italia tiếp tục làm giàu từ các hoạt động “truyền thống” là kinh doanh rác, rửa tiền, buôn người nhập cư trái phép và buôn lậu ma túy. Hiện tại, băng Ndranghetta ở vùng Calabria, miền Nam Italia, đang kiểm soát hơn 20% thị phần ma túy châu Âu và khống chế 85% các dòng ma túy trung chuyển từ Afghanistan sang châu Âu và châu Mỹ.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tuần báo “L’Express” của Pháp gần đây, 2 nhà báo người Italia là Laura Aprati và Enrico Fierro đã nhận định rằng Chính phủ Italia dường như thất bại trong cuộc chiến chống mafia. Điều này được chứng minh bằng một sự kiện tổ chức mafia Ndranghetta đã tấn công một tòa án của vùng này bằng bom hồi đầu tháng 1-2010. Mặc dù vụ tấn công này không gây ra bất kỳ thiệt hại nào về người, nhưng cũng khiến chính quyền Italia hết sức hoang mang: tấn công nhằm vào một cơ quan quan trọng nhất ở Italia.

Vấn đề càng trở nên nhạy cảm hơn khi vụ tấn công này lại được thực hiện bởi một nhóm mafia nguy hiểm nhất ở châu Âu, đó là Ndranghetta. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tội phạm của mafia, Ndranghetta đã tấn công trực tiếp vào các trụ sở ngành tư pháp Italia.

ANH VĂN (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục