5 cánh quân giải phóng Sài Gòn - Bài 5: Lực lượng nội đô khởi nghĩa

Chuyện ngày xưa
5 cánh quân giải phóng Sài Gòn - Bài 5: Lực lượng nội đô khởi nghĩa

Cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân và thanh niên thành phố trong giai đoạn chống Mỹ hết sức vĩ đại, phong phú và đa dạng. Mỗi thời điểm đấu tranh, mỗi sự kiện phong trào đều là những nét tiêu biểu của truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân và thanh niên thành phố. Trong cuộc chiến giành độc lập, tuổi trẻ Sài Gòn - Gia Định đã góp phần không nhỏ làm nên những chiến thắng vẻ vang cho đất nước. Chiến thắng 30-4-1975 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy ấy đã có sự đóng góp của lực lượng nội đô do Thành đoàn phát động và lãnh đạo. Đội quân đặc biệt ấy có nhiệm vụ cũng đặc biệt và không kém phần quan trọng trong giải phóng Sài Gòn. Tiến công quân sự kết hợp với nổi dậy của quần chúng đã tạo nên sức mạnh to lớn dẫn đến chiến thắng lịch sử 30-4-1975.

Chuyện ngày xưa

Chúng tôi gặp chị Trương Mỹ Lệ (bí danh Tư Liêm) trong thời khắc cả nước đang nôn nao chờ đón ngày lễ lớn 30-4 và 1-5. Và câu chuyện về ngày xưa đã được chị kể lại:

Khoảng cuối tháng 3-1975, đồng chí Mai Chí Thọ triệu tập tôi lên làm việc và hỏi: “Nếu khởi nghĩa nổ ra, liệu lực lượng, sinh viên học sinh (SV-HS) trong nội thành có khả năng phát động khởi nghĩa ở những nơi nào?”.

Tôi trả lời: “Thưa, lực lượng SV-HS tại các trường đại học, những tổ chức công khai và bán công khai có thể phát động khởi nghĩa ở 5 khu vực: Khu 1 gồm: Ngã bảy, Bàn Cờ, Vườn Chuối (thuộc quận 3) sẽ do lực lượng SV-HS ở các trường: Kỹ thuật Cao thắng, Trường Pétrus Ký, Trường nữ Trung học Gia Long, Đại học Vạn Hạnh phụ trách.

Khu vực 2 gồm: Cầu Khánh Hội, Xóm Chiếu thuộc quận 4, sẽ do lực lượng tại các trường Đại học Y, Nha, Dược và Trường Trung học Nguyễn Trãi phụ trách. Còn khu cầu Kiệu và các địa bàn ở Phú Nhuận (khu vực 3) sẽ do đoàn Công tác Xã hội SV-HS Sài Gòn phụ trách. Riêng khu Tân Phú, Tân Sơn, Bà Điểm thuộc quận Tân Bình (khu vực 5) là khu quy tụ nhiều đồng bào công giáo sẽ do một số sơ và cha xứ cùng với cơ sở cách mạng của ta phụ trách.

Bà Trương Mỹ Lệ (đứng thứ 2, hàng trước, từ phải sang) cùng các cán bộ Thành đoàn trở lại thăm cơ sở cũ trong nội thành. Ảnh: M.L.
Bà Trương Mỹ Lệ (đứng thứ 2, hàng trước, từ phải sang) cùng các cán bộ Thành đoàn trở lại thăm cơ sở cũ trong nội thành. Ảnh: M.L.

Nghe tôi trình bày xong, đồng chí Mai Chí Thọ có vẻ yên tâm. Nhiệm vụ của cấp trên đề ra là: Khi nổ ra khởi nghĩa, lực lượng cán bộ, HS-SV trong nội đô phải trở về các khu dân cư để làm nhiệm vụ phát động quần chúng cùng đứng lên khởi nghĩa. Rút kinh nghiệm xương máu từ cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, các đồng chí lãnh đạo yêu cầu lực lượng nội thành của ta phải có khả năng gần gũi và gắn kết được với quần chúng nhân dân ở từng khu vực để trong trường hợp khởi nghĩa không thể giành thắng lợi nhanh chóng, quân ta không bị đánh bật ra ngoài và dễ dàng bị tiêu diệt. Do vậy, 5 cánh quân của Thành đoàn phải được chọn lọc rất kỹ. Thời gian này, Thành đoàn “cài cắm” lại trong nội đô 5 người là các anh: Nguyễn Chơn Trung, Lê Công Giàu và các chị: Nguyễn Thị Nghĩa, Trần Thị Ngọc Hảo và Trương Mỹ Lệ (Thường vụ Thành đoàn, chỉ huy cánh quân bám trụ nội đô).

3 đồng chí nữ nhận nhiệm vụ bám trụ nội thành để chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa với rất nhiều thứ, dự phòng cho mọi trường hợp có thể xảy ra, từ truyền đơn, lương thực, thực phẩm như khô, gạo, mắm, muối, dụng cụ y tế, thuốc men… Để có cờ giải phóng, chúng tôi phải chuẩn bị sẵn vải đỏ, vải xanh, vải vàng và mua mỗi nơi một màu, để tránh giặc nghi ngờ mỗi nhà chỉ trữ 1 màu vải. Ngoài ra, mỗi khu vực cũng được chuẩn bị sẵn một máy ghi âm để thu lời kêu gọi binh lính và thu sẵn chính sách của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Và, theo lệnh cấp trên chỉ đạo - khi khởi nghĩa nổ ra, chúng tôi phải phát băng kêu gọi ngay để yên dân. Sở chỉ huy của lực lượng nội đô đặt tại nhà số 115 đường Bàn Cờ gọi là “điểm nút” bởi đó là nơi giao liên sẽ nhận và truyền đạt mệnh lệnh từ cấp trên và chuyển về các khu vực khác thuận tiện nhất.

Lực lượng nội đô chưa biết bao giờ chiến dịch bắt đầu, thời điểm nào khởi nghĩa, nhưng qua thông tin từ nút giao liên, chỉ huy các cánh quân đều hiểu: ngày tổng tiến công và nổi dậy đang rất gần.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, phụ trách khu vực 5 (khu vực Tân Bình), cho biết: “Khu vực của tôi là phía Đông Bắc Sài Gòn. Nơi đây có khá nhiều đơn vị quan trọng, đồn bót của lính ngụy. Ở đây phần đông bà con lao động nghèo, cùng với việc vận động bà con chuẩn bị nổi dậy khởi nghĩa thì chúng tôi còn nhận được sự hỗ trợ của bà con giáo dân, một số quân nhân có cảm tình với cách mạng nên công tác chuẩn bị cũng thuận lợi”.

Một ngày bằng 20 năm

Trong thời gian từ 27 đến 29-4, tình hình trong nội thành rất căng thẳng. Hôm phi công Nguyễn Thành Trung ném bom dinh Độc Lập, chính quyền Sài Gòn ban bố khẩn cấp lệnh giới nghiêm, khiến nhiều cán bộ đi công tác không thể trở về Sở chỉ huy. Để đảm bảo cho hoạt động thông suốt, lực lượng nội đô có một tổ giao liên mà hầu hết là các chị. Và, thông tin liên lạc khi ấy chỉ là truyền khẩu, tuyệt không ai mang mảnh giấy thông tin nào trong người để tránh mọi bất trắc khi lỡ bị địch bắt.

Những ngày giữa tháng 4, lực lượng nội đô của Thành đoàn tích cực may cờ, vẽ khẩu hiệu tuyên truyền, in truyền đơn, đêm thì đi rải truyền đơn, la cà đến các nhà dân qua đó thăm dò tình hình của địch và tìm cách giải thích các chính sách của chính quyền cách mạng đối với vùng mới giải phóng.

Thông tin chiến thắng của 5 cánh quân chủ lực từ 5 hướng tiến rùng rùng về Sài Gòn đã khiến lực lượng nổi dậy của Thành đoàn càng hăng hái làm việc với tinh thần “1 ngày bằng 20 năm”. Để che mắt địch, những túi truyền đơn, những xấp vải may cờ được xuất phát từ khu vực Khánh Hội - Xóm Chiếu do các sinh viên trường Y, Nha, Dược phụ trách. Các sinh viên ngành y, dược và các túi tài liệu đã thoát qua sự kiểm soát của địch khá dễ dàng do trước đó, anh em sinh viên đã tham gia công tác xã hội rồi, nên đêm đêm chúng tôi chộn rộn đi lại chuyển tài liệu thì quân lính cứ nghĩ là anh em sinh viên làm công tác xã hội.

Sáng 30-4, lúc gần 10 giờ, cô Út Phượng, giao liên, thông báo lệnh của anh Phạm Chánh Trực (Năm Nghị) cho chị Trương Mỹ Lệ: “Anh Năm Nghị chỉ đạo chị Tư phải cho khởi nghĩa ngay”. Nhận lệnh, chị Tư Liêm lập tức triển khai khởi nghĩa tại khu vực 1 ở Bàn Cờ. Ngay lập tức, lệnh khởi nghĩa được truyền đi. Chị Tư Liêm chỉ đạo cho anh em ráp cờ và treo ngay tại số nhà 115 đường Bàn Cờ. Các băng rôn chào mừng quân giải phóng cũng được căng ra đỏ căn nhà ấy và đỏ các con đường, con hẻm của khu Bàn Cờ. Anh em đeo băng đỏ lực lượng vũ trang nội thành Sài Gòn – Gia Định đi vận động bà con khởi nghĩa. Bà con rất ngạc nhiên, nhưng vẫn hưởng ứng dù khi ấy các cánh quân chủ lực chưa vào đến Dinh Độc Lập, Đài phát thanh vẫn còn phát đi những thông tin của chính quyền cũ.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, nhớ lại: “Đêm 29-4, khi thấy quân giải phóng xuất hiện ở cầu Tham Lương thì chúng tôi đã treo cờ. Các má, các dì, các chị tiểu thương mua bán ở các chợ cũng đồng loạt treo cờ giải phóng. 8 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, chúng tôi mượn loa của Nhà thờ Tân Hương tổ chức phát lời kêu gọi. Cuộc nổi dậy khởi nghĩa đã thành công tốt đẹp, không máu đổ. Đến bây giờ tôi càng thấm thía những bài học về công tác dân vận của ta”. Tại quận 4, cờ giải phóng đã được treo rợp trời trước khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

Căn nhà số 115 Bàn Cờ, nơi lực lượng Thành đoàn treo lá cờ giải phóng đầu tiên.
Căn nhà số 115 Bàn Cờ, nơi lực lượng Thành đoàn treo lá cờ giải phóng đầu tiên.

Bà Trần Thị Ngọc Hảo (phụ trách khu vực 2) không giấu cảm xúc: “Vùng đất quận 4 nổi tiếng là vùng đất dữ. Do vậy, đêm 30-4-1975, chúng tôi rất lo lắng. Bọn du đãng lợi dụng thanh toán nhau thì sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, do vậy, anh em chúng tôi đã chia nhau đi tuần tra để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh tình hình!”.

          ****

Sáng 30-4-1975, anh Phạm Chánh Trực cùng một cánh quân khác của Thành đoàn đã tiếp quản Tòa hành chánh quận 11.

Ngày 30-4-1975, 5 cánh quân khởi nghĩa trong nội thành đã lần lượt tiếp quản các đơn vị hành chánh và chuẩn bị đón đoàn quân Giải phóng từ 5 hướng tiến vào Sài Gòn. 5 cánh quân của Thành đoàn đã thực hiện nhiệm vụ chính quyền lâm thời tại cơ sở trong việc giữ gìn, bảo vệ an ninh trật tự tại chỗ để ngày hôm sau chuyển giao lại cho lực lượng quân quản. Và từ 5 hướng khác nhau, các anh chị trong lực lượng nội đô Sài Gòn - Gia Định đã cùng nhau họp mặt tại “tổng hành dinh” của Thành đoàn - số 4 đường Duy Tân mà nay là Nhà văn hóa Thanh Niên TP Hồ Chí Minh để mừng ngày chiến thắng của toàn dân tộc Việt Nam.

MAI HƯƠNG - ĐOÀN HIỆP

Thông tin liên quan:

>> Bài 4: Những bước chân thần tốc

Tin cùng chuyên mục