Trung Quốc và chiến lược mới về đồng nhân dân tệ

Những năm gần đây Chính phủ Trung Quốc luôn luôn nhấn mạnh chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế và điều chỉnh cơ cấu ngoại thương trong nền kinh tế là những nhiệm vụ quan trọng. Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc của Ngân hàng Liên bang Đức, ông Mã Tuấn cho rằng, việc Trung Quốc đi sâu cải cách tỷ giá đồng NDT sẽ góp phần tiếp tục cải thiện cơ cấu kinh tế nước này. Ông Mã Tuấn nói: “Việc tỷ giá trở nên linh hoạt hơn, xét từ trung và dài hạn, sẽ hỗ trợ sự chuyển đổi loại hình và nâng cấp kết cấu kinh tế Trung Quốc, từng bước giảm thiểu sự phụ thuộc vào xuất khẩu của ngành chế tạo cơ bản, tăng thêm sự hỗ trợ cho tiêu dùng”.
Trung Quốc và chiến lược mới về đồng nhân dân tệ

Những năm gần đây Chính phủ Trung Quốc luôn luôn nhấn mạnh chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế và điều chỉnh cơ cấu ngoại thương trong nền kinh tế là những nhiệm vụ quan trọng. Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc của Ngân hàng Liên bang Đức, ông Mã Tuấn cho rằng, việc Trung Quốc đi sâu cải cách tỷ giá đồng NDT sẽ góp phần tiếp tục cải thiện cơ cấu kinh tế nước này. Ông Mã Tuấn nói: “Việc tỷ giá trở nên linh hoạt hơn, xét từ trung và dài hạn, sẽ hỗ trợ sự chuyển đổi loại hình và nâng cấp kết cấu kinh tế Trung Quốc, từng bước giảm thiểu sự phụ thuộc vào xuất khẩu của ngành chế tạo cơ bản, tăng thêm sự hỗ trợ cho tiêu dùng”.

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế

Ông Vương Khánh, chuyên gia kinh tế trưởng Tập đoàn Morgan Stanley phụ trách Trung Quốc, cho rằng việc tỷ giá đồng NDT có tính linh hoạt hơn hoặc tăng giá nhẹ có ý nghĩa tích cực trong việc góp phần tăng cường sức mua của các doanh nghiệp và người dân Trung Quốc, qua đó kích cầu nội địa. Việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đẩy mạnh cải cách cơ chế hình thành tỷ giá đồng NDT lần này đã đánh dấu chính sách tỷ giá cố định được áp dụng tạm thời do tác động của khủng hoảng tài chính đã chấm dứt, cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái của đồng NDT sẽ trở lại với “Cơ chế thả nổi tỷ giá có điều tiết và quản lý trên cơ sở tham khảo trong rổ tiền tệ lấy sự cung cầu trên thị trường làm nền tảng”.

Trung Quốc và chiến lược mới về đồng nhân dân tệ ảnh 1

Khu vực tự do thương mại Trung Quốc - ASEAN khởi động toàn diện tạo cơ hội làm ăn lớn

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC), trong 5 tháng đầu năm 2010, xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này tăng 33,2%. Các khu vực đang phát triển sẽ tiếp tục tăng trưởng, trong đó tăng trưởng nhập khẩu của ASEAN trong năm 2011 dự kiến đạt 13,2% và Mỹ Latinh là 12%. Trung Quốc nhận thức rõ điều này và trong những năm gần đây đã đẩy mạnh việc thâm nhập vào các thị trường mới và trong đa số các trường hợp, họ đã thành công lớn.

Xuất khẩu của Trung Quốc vào Brazil trong 5 tháng đầu năm 2010 tăng 98,3% so với cùng kỳ năm trước lên 8,1 tỷ USD. Cũng trong khoảng thời gian này, xuất khẩu của Trung Quốc vào ASEAN cũng tăng 46,1%, lên mức 52,7 tỷ USD. Thống kê của GAC cho thấy 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và ASEAN đạt 111,8 tỷ USD, tăng gần 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng trong tháng 6, bất chấp những khó khăn tài chính của Liên minh châu Âu (EU) và đà phục hồi chậm hơn dự kiến của kinh tế Mỹ.

Tăng đầu tư ra nước ngoài

Có thể nói việc tăng giá đồng NDT được thực hiện trên cơ sở lợi ích kinh tế của Trung Quốc, vì hiện nay Trung Quốc đang mở rộng đầu tư ra nước ngoài.

Kết quả điều tra cho thấy, chính sách khuyến khích doanh nghiệp “bước ra ngoài” của Chính phủ Trung Quốc đã có hơn 40% doanh nghiệp được hỏi mong muốn tăng đầu tư ra nước ngoài trong 2 năm tới, song họ còn có thái độ thận trọng đối với việc đầu tư ra nước ngoài do lo ngại phải đối mặt với rủi ro của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế. Có 59% doanh nghiệp có ý định dành trên 20% mức đầu tư trong thời gian tới vào khu vực Đông Á và Đông nam Á; các khu vực như Tây Âu, Bắc Mỹ, Phi Châu, Trung Đông cũng thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc, nhưng chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp có ý định dành trên 20% mức đầu tư vào Châu Đại Dương.

Trong 10 nước (khu vực) có khả năng đầu tư nhất, Việt Nam là nơi mà có nhiều nhà đầu tư của Trung Quốc có ý định muốn đầu tư vào nhiều nhất, điều này vượt ngoài dự kiến của mọi người, có gần 28% doanh nghiệp muốn đầu tư vào đây. 10 nước (khu vực) đứng đầu có khả năng trở thành điểm đến của đầu tư doanh nghiệp Trung Quốc: Việt Nam: 28%, Hongkong/Macau: 21%, Mỹ: 20%, Australia: 15%, Thái Lan: 15%, Canada: 13%, Singapore: 12%, Đức: 12%, Hàn Quốc: 10%, quần đảo Cayman Islans: 6%.

Song quy mô đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc ra nước ngoài vẫn còn tương đối nhỏ, có đến hơn 60% doanh nghiệp được hỏi cho biết, họ dự kiến đầu tư ra nước ngoài trong thời gian từ 3 - 5 năm tới vào khoảng 1 triệu USD trở xuống, có 22% doanh nghiệp dự kiến có mức đầu tư giới hạn trong khoảng từ 1 triệu - 5 triệu USD, chỉ có 18% doanh nghiệp dự kiến quy mô đầu tư trên 5 triệu USD. Sự lựa chọn nguồn vốn dành cho đầu tư ra nước ngoài trong thời gian tới đối với doanh nghiệp Trung Quốc có nhiều thay đổi quan trọng.

Nguồn vốn tự có của doanh nghiệp trở thành nguồn vốn quan trọng nhất và tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn vay từ ngân hàng nhà nước từ 49% giảm xuống còn 45%, tỷ lệ sử dụng nguồn vốn vay của ngân hàng không thuộc nhà nước tăng 5%, nguồn vốn thông qua phát hành cổ phiếu mới tăng 13%. Sự thay đổi về nguồn vốn, đã phản ánh 2 vấn đề, một là doanh thu của doanh nghiệp Trung Quốc trong vài năm tới có khả năng tăng cao, nguồn vốn tự có sẽ gia tăng; hai là thể chế tiền tệ và thị trường vốn của Trung Quốc sắp tới sẽ có thay đổi quan trọng, nguồn vốn sẽ đa dạng hóa, vấn đề khó khăn về vốn trước đây sẽ có thay đổi lớn. Điều này phù hợp với những diễn biến gần đây về tỷ giá linh hoạt của đồng NDT.

Riêng đối với tác động của việc thay đổi cơ chế tỷ giá NDT với Việt Nam, các nhà kinh tế nhận định về lâu dài thì đây là một tiến trình không thể đảo ngược. Theo số liệu thống kê, trong 10 năm qua, tổng trao đổi mậu dịch song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng trung bình 30%/năm. Năm 2009, bất chấp khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu, tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt 21 tỷ USD tăng gần 6% so với tài khóa 2008. Khi đồng NDT tăng giá, thì khả năng đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc sẽ còn lớn hơn so với hiện nay, và Việt Nam sẽ là một trong những thị trường nằm trong chiến lược phát triển của Trung Quốc. Tính đến nay, Trung Quốc đã có hơn 700 dự án đang hoạt động ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng 3 tỷ USD.

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục