Điều tra của Washington Post về hệ thống tình báo Mỹ: Đặc quyền dành cho công ty tình báo tư nhân

Trong bài 2 của loạt bài điều tra 3 kỳ trên báo Washington Post về hoạt động tình báo của Mỹ, một chi tiết được tờ báo ghi nhận rất đáng chú ý: 8 trong số 22 người thiệt mạng khi làm nhiệm vụ tình báo thời kỳ hậu 11-9 không phải nhân viên CIA mà là nhân viên của các nhà thầu tư nhân.
Điều tra của Washington Post về hệ thống tình báo Mỹ: Đặc quyền dành cho công ty tình báo tư nhân

Trong bài 2 của loạt bài điều tra 3 kỳ trên báo Washington Post về hoạt động tình báo của Mỹ, một chi tiết được tờ báo ghi nhận rất đáng chú ý: 8 trong số 22 người thiệt mạng khi làm nhiệm vụ tình báo thời kỳ hậu 11-9 không phải nhân viên CIA mà là nhân viên của các nhà thầu tư nhân.

“Bao việc” của CIA

Để đảm bảo rằng các nhiệm vụ nhạy cảm nhất của Mỹ chỉ do những người trung thành với đất nước thực hiện, luật liên bang Mỹ cấm các nhà thầu nhận những nhiệm vụ như vậy. Nhưng từ ngày 11-9 đến nay, những nhà thầu tư nhân đã làm nhiệm vụ đó mọi lúc mọi nơi trong các cơ quan tình báo và cả trong cơ quan chống khủng bố. Vấn đề giờ đây, liệu Chính phủ Mỹ còn khả năng kiểm soát những hoạt động nhảy cảm nhất này hay không? Trong cuộc trả lời phỏng vấn tuần rồi, cả Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và Giám đốc CIA Leon Panetta cho rằng họ chia sẻ các mối quan ngại này.

Điều tra của Washington Post về hệ thống tình báo Mỹ: Đặc quyền dành cho công ty tình báo tư nhân ảnh 1

Hành động tra khảo tù nhân dã man tại nhà tù Abu Ghraib ở Iraq do một công ty tình báo tư nhân của Mỹ thực hiện. Ảnh: AP

Theo Washington Post, trong tổng số 854.000 người hoạt động tình báo tối mật, có đến 265.000 người thuộc các công ty tư nhân. Đó là ví dụ rõ nhất về sự phụ thuộc của Chính phủ Mỹ vào các công ty tình báo tư nhân hơn là CIA - nơi có đặc quyền duy nhất làm công việc tình báo ở nước ngoài. Những nhà thầu tư nhân làm việc cho CIA đã tuyển điệp viên tại Iraq, trả tiền đút lót cho các thông tin thu thập tại Afghanistan và lo bảo vệ các giám đốc CIA khi họ thăm nhiều thủ đô trên thế giới. Nhân viên tình báo tư nhân cũng tham gia vào việc bắt giữ nghi can khủng bố, thẩm vấn những người bị giam giữ tại các nhà tù bí mật ở nước ngoài và theo dõi những kẻ đào ngũ ở ngoại ô Washington. Ngay tại trụ sở CIA, họ còn tham gia vào việc phân tích mạng lưới khủng bố. Tại cơ sở huấn luyện của CIA ở Virginia, họ còn giúp đào tạo một thế hệ điệp viên mới của Mỹ.

9 năm sau sự kiện 11-9, Chính phủ của Tổng thống Obama đã bắt đầu phản bác lập luận cho rằng thuê nhà thầu tư nhân sẽ giảm chi phí. Washington bước đầu đạt được một số thành công khi giảm 7% số nhà thầu tư nhân làm việc cho tình báo Mỹ trong vòng 2 năm. Tuy vậy, hiện vẫn còn 30% lực lượng của các cơ quan tình báo đến từ các công ty tư nhân. Giám đốc CIA Panetta nói: “Từ quá lâu, chúng ta phụ thuộc vào các nhà thầu để làm các công việc mà lẽ ra do các nhân viên CIA làm. Nhưng thay thế họ không thể diễn ra một sớm một chiều vì cần thời gian để xây dựng lại lực lượng”. Quan ngại thứ hai của ông Panetta là xử lý các nhà thầu, tức chạm đến nồi cơm của họ chắc chắn sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Bộ trưởng Quốc phòng Gates nói: “Nước Mỹ cần người thực sự làm tình báo như một nghề nghiệp vì họ yêu nước chứ không phải chỉ để kiếm tiền”.

Và cạnh tranh với cả CIA

Sự thật là các nhà thầu có thể trả lương cho nhân viên cao gấp đôi những nhân viên làm cho chính phủ. Vì cuộc cạnh tranh giữa các công ty tìm người làm việc trong ngành tình báo quá lớn nên họ sẵn sàng trả cao kèm với xe hơi xịn cỡ BMW cùng tiền thưởng 15.000 USD. Đó là trường hợp của Công ty Raytheon trả cho các chuyên viên phần mềm với kỹ năng xử lý thông tin mật hàng đầu. Nếu nói rằng, thuê nhân viên của các nhà thầu tư nhân sẽ tiết kiệm ngân sách là một sai lầm.

Theo báo cáo của Văn phòng Giám đốc tình báo Quốc gia vào năm 2008, nhân viên của các nhà thầu này chiếm 29% lực lượng lao động trong các cơ quan tình báo nhưng đã ngốn hết 49% ngân sách về nhân sự của các cơ quan này. Bộ trưởng Quốc phòng Gates cho rằng, các nhân viên liên bang sẽ tiêu tốn ngân sách của chính phủ ít hơn các nhân viên của nhà thầu 25%.

Điều đáng chú ý là phần lớn các công ty tư nhân tham gia ngành tình báo Mỹ do các cựu nhân viên tình báo làm chủ. Công ty Abraxas do cựu nhân viên CIA đứng đầu đã trở thành một trong những đối tác chính của CIA sau sự kiện 11-9. Thậm chí, các nhân viên của Abraxas vốn là những nhà quản lý cấp trung của CIA. Hầu hết các công ty tư nhân không đóng góp những sáng kiến hay phát minh mới gì cho ngành tình báo Mỹ mà chỉ đơn giản là sao chép những gì đã có sẵn. Vấn đề là họ cạnh tranh hợp đồng với cả CIA và làm giàu cho riêng mình. Công ty SGIS, được thành lập sau sự kiện 11-9, là một ví dụ.

Vào tháng 6-2002, Hany Girgis, 30 tuổi, đã tập hợp nhóm công nghệ thông tin của mình. 4 tháng sau, họ đã giành được hợp đồng đầu tiên của Bộ Quốc phòng. Đến cuối năm 2002, SGIS mở văn phòng tại Tampa, gần Bộ Tư lệnh trung ương của Mỹ và gần Cơ quan chỉ huy các chiến dịch đặc biệt. SGIS bán cho Chính phủ các dịch vụ về con người với các kỹ năng đặc biệt như kỹ sư, nhà phân tích, chuyên gia an ninh mạng quân sự, chuyên gia về tình báo và không gian. Đến năm 2003, doanh thu của công ty này đạt từ 3 đến 7 triệu USD. 3 năm sau, doanh thu của SGIS đã đạt 30,6 triệu USD nhờ đội ngũ chuyên gia chuyên thương thảo hợp đồng với chính phủ nhằm đem về nhiều hợp đồng béo bở. Đến nay, SGIS có doanh thu 101 triệu USD với 14 văn phòng và 675 nhân viên, trong đó nhiều người làm trong 11 cơ quan tối mật về an ninh của chính phủ, nhúng tay vào rất nhiều các điệp vụ chưa từng do tư nhân nắm giữ.

Nhưng chiếm số đông nhất trong các công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực tình báo của Mỹ là các công ty về công nghệ thông tin (IT), với khoảng 800 công ty chuyên về IT, từ xây dựng phần mềm, phân tích dữ liệu, kết nối mạng… Chính phủ Mỹ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các công ty này. Điển hình trong số các công ty IT tham gia tích cực vào công tác tình báo là SRA International. Công ty có một nhân viên, tên Erik Saar, được gọi là “kỹ sư tinh thông”.

Tại một trong những nơi tối mật nhất của Mỹ, anh ta là người duy nhất biết cách làm thế nào để chuyển nhanh các dữ liệu từ nơi xa xôi nhất về nước Mỹ. Họ chỉ bảo cho các quan chức tình báo cấp cao của Mỹ cách làm việc với trình duyệt Web 2.0. Họ thúc đẩy các lãnh đạo tình báo Mỹ làm việc thông qua phương tiện kỹ thuật số. Đơn giản hơn, đôi khi họ được các sếp yêu cầu giúp đỡ khi phòng chát tập thể có vấn đề hoặc chỉ trao đổi về các trang web được chia sẻ bên ngoài hệ thống máy tính quân đội.

Hậu quả nhãn tiền

Do các công ty săn lùng nhiều tài năng trong ngành tình báo ở các cơ quan của Chính phủ Mỹ, nên các cơ quan này chỉ còn lại những người trẻ, ít kinh nghiệm. Đây là sự thật, tại CIA, nơi mà các nhân viên đến từ 114 công ty tư nhân chiếm 1/3 lực lượng lao động, tương đương 10.000 chỗ làm. Nhiều người trong số họ được thuê ngắn hạn, đa số là cựu nhân viên tình báo hoặc cựu binh, những người muốn làm ít hưởng nhiều nhưng vẫn được ăn lương hưu.

Điều ngạc nhiên là họ được trọng dụng ngay cả trong những cơ quan được cho là tối mật. Những nhân viên của các nhà thầu tư nhân có thể cầm súng chiến đấu, có thể thu thập tình báo từ nước ngoài và thậm chí nghe lén các mạng lưới khủng bố, lên kế hoạch chiến tranh, thu thập thông tin về các giáo phái ở địa phương có chiến tranh… Họ cũng có thể là các nhà sử học, kiến trúc sư, các nhà tuyển chọn trong các cơ quan tình báo hàng đầu của Mỹ.

Hiện có hơn 300 công ty tư nhân với biệt danh “các cửa hàng nhân lực” (body shop) với quy trình chuyên nghiệp trong khâu tìm ứng viên với mức giá có thể lên tới 50.000 USD/người. Nhiều công ty tình báo tư nhân như “nấm mọc sau mưa” tham gia vào các công việc tình báo của Mỹ. Thế mà mới tuần rồi, khi gõ từ “tối mật” (top secret) trên các trang tìm kiếm trên internet đã cho kết quả 1.951 công việc chưa tìm được người ở khu vực Washington và tới 19.759 việc trên toàn nước Mỹ, từ vị trí “phân tích mục tiêu” của công ty Reston cho tới “chuyên viên chính về cơ sở hạ tầng”, “thành viên đội liên minh viễn chinh” của Công ty Arlington.

Những sai lầm của các công ty tình báo tư nhân đã khiến Chính phủ Mỹ trả giá đắt. Chính vụ ngược đãi tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib ở Iraq là do các nhà thầu tư nhân thực hiện. Hậu quả là làn sóng kêu gọi trả thù nước Mỹ kéo dài tới nay và hình ảnh nước Mỹ trong lòng thế giới Hồi giáo bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hay vụ các nhân viên bảo vệ của công ty Blackwater hống hách, bắn chết 17 thường dân ở quảng trường Nisour, Baghdad vào tháng 9-2007, hối lộ quan chức Iraq… Điều này như đổ thêm dầu vào “lửa”, làm bùng phát bạo động ở nước này và đẩy thái độ căm thù Mỹ dâng cao. Một nhà thầu quốc phòng từng có tên gọi MZM hối lộ cho các hợp đồng của CIA đã khiến ông nghị bang California Randy “Duke” Cunningham phải vào tù.

Một nghị sĩ tại Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Mỹ mô tả hoạt động của các công ty tư nhân trong lĩnh vực tình báo: “Một cơ quan đang thở và sống nhưng không thể kiểm soát hay rút gọn”. Những sĩ quan quân đội Mỹ đã tỏ ra lo ngại một khi các hệ thống vũ khí, thông tin liên lạc, phần mềm của tình báo bị rò rỉ ra bên ngoài, thậm chí lọt vào tay các tổ chức khủng bố. Hậu quả khi ấy sẽ không thể nào lường hết.

VŨ MINH-ĐỖ VĂN

>> Washington Post tiết lộ thông tin chấn động về tình báo Mỹ

Tin cùng chuyên mục