Không gian mạng - Cuộc chiến mới

Không gian mạng - Cuộc chiến mới

Trang bị vũ khí hiện đại, quân đội hùng mạnh, như thế vẫn chưa đủ để lá chắn an ninh của một quốc gia vững vàng. Thế giới đã bắt đầu chú ý đến một khái niệm tuy không quá xa lạ nhưng vẫn còn rất mới trong việc xây dựng một chiến lược hoàn hảo - đó chính là chiến tranh công nghệ, bao gồm chiến tranh không gian mạng và chiến tranh điện tử. Các nhà phân tích trên toàn cầu nhận thức rằng, trong tương lai, bất kỳ cuộc xung đột quy mô lớn nào cũng sẽ bao gồm các cuộc chiến tranh không gian mạng như một phần của một nỗ lực kết hợp vũ khí.

Những cuộc tập kích quy mô lớn

Trong quyển sách “Chiến tranh mạng: Những mối đe dọa an ninh quốc gia và những điều cần làm”, hai tác giả người Mỹ là Clarke và Knake lập luận rằng, ngày nay, các nhà lãnh đạo mặc dù hiểu biết máy tính hơn trước rất nhiều nhưng vẫn có thể thiếu hiểu biết về những mối đe dọa từ internet đang thách thức an ninh quốc gia. Trên chiến trường ngày nay, máy tính đóng một vai trò quan trọng, kiểm soát hệ thống mục tiêu, chuyển tiếp các thông tin tình báo quan trọng và quản lý hậu cần. Và vì vậy máy tính quốc phòng là mục tiêu dễ bị tấn công nhất. Trong những vụ tấn công mạng nổi đình đám nhất gần đây, mục tiêu vẫn là hệ thống máy tính quốc phòng của các quốc gia.

Lực lượng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) trong một buổi tập huấn về an ninh mạng.

Lực lượng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) trong một buổi tập huấn về an ninh mạng.

Một trong những cuộc tấn công không gian mạng được biết đến đầu tiên chống lại một quốc gia là cuộc chiến của hacker đối với hệ thống máy tính ở Estonia. Nhóm hacker Nga tấn công dưới hình thức “từ chối cung cấp dịch vụ” (DDoS), tức là làm quá tải một trang web từ hàng loạt máy tính bị nhiễm malware (phầm mềm mã độc), hay còn gọi là “botnet”, để chủ máy không thể truy cập được. Vì phương pháp này khó có thể bị truy tận gốc nên DDoS đã trở thành một hình thức tấn công trên mạng phổ biến hiện nay ở mọi quốc gia khác.

Mới năm ngoái, mạng máy tính Chính phủ Hàn Quốc trong đó có Bộ Quốc phòng đã bị đánh sập. Vụ tấn công mạng nghiêm trọng tới mức chính quyền Hàn Quốc ngày 8-7 đã phải ban bố tình trạng báo động an ninh mạng sau khi hàng loạt trang web quan trọng của nước này bị đánh sập. Theo cơ quan An ninh thông tin Hàn Quốc (ISA), 11 trang web quan trọng của Văn phòng Tổng thống, Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy lực lượng quân sự phối hợp Mỹ - Hàn, một số ngân hàng… đã bị vô hiệu hóa trong nhiều giờ. Các trang web ở Hàn Quốc bị tấn công dưới cùng hình thức “từ chối cung cấp dịch vụ” (DDoS). Ngay trước đó, vụ tấn công mạng với thủ đoạn tương tự cũng đã làm tê liệt 14 trang web ở Mỹ.

Trong cuộc họp báo ngày 8-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ian Kelly xác nhận, nhiều trang web quan trọng hàng đầu của Chính phủ Mỹ đã bị các hacker nước ngoài tấn công. Ngay sau hai vụ này, các chuyên gia nghi ngờ đối tượng thực hiện các vụ tấn công này là các hackers của CHDCND Triều Tiên vì hai “nạn nhân” đều cùng là kẻ thù của CHDCND Triều Tiên. Trong thực tế các chuyên gia không truy được ai đã gây ra vụ này, vì cuộc tấn công được thực hiện theo phương pháp DDoS. Mới tháng trước, Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC) cho biết vụ việc lại diễn ra lần nữa. Lần này, ngoài trang web chính phủ còn có hàng loạt trang web cá nhân ở Hàn Quốc cũng bị tấn công.

Tháng 9-2007, các chiến binh không gian mạng của Israel đã “làm mù” hệ thống phòng không của Syria, tạo điều kiện cho máy bay Israel ném bom một cơ sở bị nghi ngờ sản xuất vũ khí hạt nhân của nước này. Chiến thuật của Israel là tái lập trình hệ thống máy tính phòng không của Syria và để hiển thị một bầu trời trống.

Hay mới đây nhất có một trường hợp “dở khóc dở cười” nhưng nó đã dấy lên mối lo ngại trong Chính phủ Indonesia. Đó là màn hình lớn dùng để phát các tin tức chính trị, xã hội trong cơ quan này bỗng xuất hiện những bức hình khiêu dâm được tải về từ internet. Vụ việc xảy ra hôm 2-8. Các nghị sĩ Quốc hội và kỹ thuật viên đã hết sức lúng túng và mãi đến 15 phút sau, sự cố này mới được khắc phục bằng cách… ngắt nguồn điện.

Năm ngoái Chính phủ Ấn Độ cho rằng đã bị một nhóm gián điệp mạng ở khu vực Tây Nam Trung Quốc tấn công hệ thống máy tính nước này. Những tài liệu bị cho là đánh cắp này chứa thông tin nhạy cảm, những đánh giá bí mật về tình hình an ninh tại nhiều bang của Ấn Độ và tình hình hoạt động của lực lượng phiến quân. Hơn nữa, các hệ thống tên lửa và vũ khí chủ chốt của Ấn Độ cũng bị tin tặc Trung Quốc xâm nhập. Tin tặc Trung Quốc còn xâm nhập vào các tập tin dữ liệu lưu trữ các thông tin tuyệt mật của Bộ Quốc phòng và các đại sứ quán Ấn Độ ở nước ngoài.

Đỡ và ra đòn

Nhiều quốc gia đã và đang chuẩn bị đối phó với những cuộc tập kích quy mô trên không gian mạng. Tháng 7 năm ngoái Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định thành lập Cục An ninh internet nằm dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ. Gần đây Mỹ đang triển khai hệ thống phòng thủ gọi là Einstein. Hệ thống này có khả năng phát hiện những cuộc xâm nhập từ xa, có nghĩa là từ khi chúng chưa thể vào đến “cổng” của nước Mỹ. Hệ thống Einstein sẽ “tung chưởng” phản công xâm nhập vào hệ thống máy tính của hacker và phá hủy toàn bộ phần mềm của nó. Nhưng đó chỉ là tiết lộ nhỏ của Bộ Quốc phòng Mỹ về “đỡ đòn”. Còn những “chiêu ra đòn” của hệ thống an ninh mạng của Mỹ hiện được xếp vào loại tuyệt mật và chưa có ai “hack” nổi. Chỉ có câu chuyện rỉ tai nhau là công nghệ mới của Mỹ có thể gây nhiễu sóng bất cứ mạng internet nào và từng được áp dụng trong dẫn đường cho máy bay không người lái.

Binh sĩ Mỹ tại một trạm kiểm soát không quân điện tử.

Binh sĩ Mỹ tại một trạm kiểm soát không quân điện tử.

Vào tháng 5 năm nay, Lầu Năm góc đã lập ra Cybercom, một bộ chỉ huy quân sự mới giữ nhiệm vụ bảo vệ mạng lưới thông tin quân sự của Mỹ và phát triển khả năng phòng vệ, dưới sự chỉ huy của tướng Keith Alexander, Giám đốc của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Còn nước Anh cũng thiết lập một “Trung tâm tác chiến” điện tử ngay tại tổng hành dinh của liên quân. Về phần mình, Trung Quốc cũng không giấu tham vọng của mình trong lĩnh vực chiến tranh điện tử, đây là mục tiêu được đưa ra trong sách trắng về chính sách quốc phòng mà nước này vừa công bố hồi năm 2006.

Trung tuần tháng 7 này, Trung Quốc đã thành lập “Trung tâm chiến tranh mạng” dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Trung Quốc. Chi tiết hoạt động của trung tâm này chưa được Trung Quốc công bố, nhưng theo báo La Croix của Pháp, trong số 2 triệu nhân viên ở đây, có khoảng 20.000 hackers làm việc thường xuyên hoặc thời vụ trong cơ quan tình báo Trung Quốc. Trung tâm này vừa thực thi học thuyết “can thiệp đối xứng” vừa phát triển khả năng tấn công thông qua một vài kỹ thuật mũi nhọn. Hiện nay, nhiều nước khác cũng tự chuẩn bị cho chiến tranh không gian mạng, đặc biệt là Nga, Israel, Bắc Triều Tiên và Iran. Mặt khác, do không gian mạng không có biên giới nên một sự hợp tác các nỗ lực quốc tế sẽ được triển khai trong khối NATO và Liên minh châu Âu.

Trong cuộc họp an ninh cấp cao của Ấn Độ vào hôm 29-7, Chính phủ Ấn Độ đang thảo luận việc chuẩn bị thành lập một đội quân chuyên nghiệp nhằm tiến hành chiến tranh điện tử để tăng cường công tác bảo vệ an ninh mạng của nước này. Ngoài ra, đội quân này sẽ còn được giao nhiệm vụ tấn công các hệ thống máy tính đối phương nhằm thu thập thông tin tình báo. Lần này, Ấn Độ đã thể hiện quyết tâm rất lớn khi các cơ quan, tổ chức liên quan đều nhất trí bắt tay phối hợp để vừa “đỡ”, lại có thể vừa “đánh”.

Cuộc chiến tranh không gian mạng chỉ là một phần của chiến tranh điện tử. Khái niệm chiến tranh điện tử đang trở nên ngày càng phổ biến. Các hệ thống chiến tranh điện tử có thể làm thay đổi đường bay của tên lửa đối phương, đánh lừa các cơ quan kiểm soát và điều hành quân lực của đối phương cũng như làm tê liệt hoàn toàn nhiều phương diện quân.

Khái niệm chiến tranh trên không gian mạng được đưa ra lần đầu tiên vào mùa xuân năm 2007, sau những đợt tấn công nhằm vào các máy chủ của Bộ Quốc phòng Mỹ và Estonia. Các cơ sở vật chất trọng yếu hay chiến lược (trung tâm hạt nhân và hóa học, hệ thống tài chính, lương thực, năng lượng và sức khỏe, mạng lưới giao thông, chính phủ, cảnh sát, quân đội), hệ thống kiểm tra thông tin liên lạc (Scada) chính là những mục tiêu tiềm năng của chiến tranh trên không gian mạng vì nó đảm bảo cho cuộc sống hàng ngày và nền kinh tế vận hành trôi chảy.

Trong thực tế, một số lượng lớn các lực lượng đe dọa và tấn công tiềm năng luôn rình rập trên không gian mạng. Động cơ, chiến thuật và mục tiêu cũng rất khác nhau tùy theo đó là một tổ chức phi chính phủ (tội phạm, khủng bố), là quốc gia đang có nội chiến, các hacker độc lập hay chọn lọc. Ngày nay, an toàn của hệ thống thông tin và truyền thông là một phần trong chiến lược phòng vệ của chính phủ. Đối với các nhà quân sự, không gian mạng là một chiến trường thứ năm trong chiến tranh, sau đất liền, biển, không trung và không gian vũ trụ. 

KHÁNH VY (Theo La Croix)

NHƯ QUỲNH (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục