Iran tự tin đối đầu với Mỹ

Một cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào Iran vẫn là một khả năng Washington đang bỏ ngỏ. Những năm qua, sau khi Mỹ tấn công Iraq, hẳn Iran đã rút ra được nhiều bài học về khả năng kháng cự. Giờ đây, có thể sức mạnh quốc phòng của nước này có thể tạo cho họ tự tin hơn trước.
Iran tự tin đối đầu với Mỹ

Một cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào Iran vẫn là một khả năng Washington đang bỏ ngỏ. Những năm qua, sau khi Mỹ tấn công Iraq, hẳn Iran đã rút ra được nhiều bài học về khả năng kháng cự. Giờ đây, có thể sức mạnh quốc phòng của nước này có thể tạo cho họ tự tin hơn trước.

Iran tự tin đối đầu với Mỹ ảnh 1

Tổng thống Iran (phải) trong lễ ra mắt máy bay không người lái Karar

Iran đe dọa lực lượng Mỹ?

Trong những ngày gần đây, thông tin về động thái mới của Iran liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Truyền hình nhà nước Iran đưa tin ngày 22-8 nước này đã ra mắt một loại máy bay không người lái tầm xa đầu tiên mang tên Karar, biệt danh của lãnh tụ Hồi giáo đầu tiên của người Siai (Shi’ite), do nước này tự chế tạo. Karar được cho là có thể dội bom các mục tiêu khi đang bay ở tốc độ cao. Truyền hình Iran đã cho phát sóng hình ảnh chiếc máy bay này đang bay.

Trên trang web truyền hình quốc gia Iran đã thông tin về máy bay không người lái Karar: “Có nhiều tính năng, trong đó nó có thể mang bom phá hủy mục tiêu và có thể bay xa với tốc độ cao”. Trang web dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ahmad Vahidi cho rằng đây là một “biểu tượng tiến bộ và năng lực sáng tạo của ngành công nghiệp quốc phòng Iran”. Trong khi đó, phát biểu trước các quan chức nước này, Tổng thống Ahmadinejad gọi Karar là “sứ giả của thần chết đối với các kẻ thù của Iran, kẻ thù của loài người, nhưng lại mang thông điệp hòa bình và hữu nghị”.

Một loại vũ khí khác được cho là hiện đại mà Iran vừa thử nghiệm, đó là tên lửa đất đối đất Qiam. Cảnh quay vụ phóng thử tên lửa Qiam lên không trung từ một sa mạc đã được phát trên truyền hình nhà nước Iran. Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Ahmad Vahidi cho biết tên lửa Qiam “có những tính năng công nghệ mới và khả năng tác chiến đặc biệt”, do chính Iran tự thiết kế và sản xuất.

Dự kiến, tên lửa Fateh 110 thế hệ thứ ba của Iran cũng sắp được thử nghiệm. Ngoài ra, các dây chuyền sản xuất hai loại tàu cao tốc mang tên lửa Seraj và Zolfaqar cũng đã được “trình làng” vào ngày 24-8. Iran khẳng định việc giới thiệu những vũ khí này cho thấy các biện pháp trừng phạt của LHQ  dưới sự vận động của Mỹ và EU “không ảnh hưởng” đến nước CH Hồi giáo này mà chỉ khiến Tehran “có thêm kinh nghiệm và có khả năng tự chủ cao hơn”.

Việc công bố những loại vũ khí hiện đại cũng như phương tiện chiến đấu kỹ thuật cao nói trên diễn ra trong bối cảnh Tehran kỷ niệm Ngày Công nghiệp quốc phòng thường niên (22-8) và một ngày sau khi Iran bắt đầu nạp nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Iran tại Bushehr. Những thông tin trên được tung ra vào thời điểm Mỹ đang rút các đơn vị chiến đấu khỏi Iraq, khiến các quan chức quân sự Mỹ liên tưởng đến những nguy cơ mới.

Cựu chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Richard Myers đồng ý với nhận định rằng - sức mạnh của Iran vẫn còn “hiện diện tại Iraq” và không nghi ngờ gì về việc Iran tạo ra một “mối nguy cho quân đội Mỹ ở Iraq”. Theo ông Meyers, tình trạng chân không quyền lực tại Iraq sau cuộc bầu cử hồi tháng 3 càng tạo khả năng căng thẳng giữa các phe phái. Điều này, càng làm cho Iran có cơ hội gây ảnh hưởng lên Iraq, kể cả về quân sự lẫn chính trị. Iran sẽ đẩy mạnh tài trợ và ủng hộ các nhóm chính trị của người Shi’ite thân Iran.

Tehran không sợ Mỹ tấn công

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad gần đây đã đề nghị làm bạn với Mỹ và ông đã tự tin khi nói rằng, Washington thiếu những động cơ thực sự để tấn công Iran và Mỹ cũng sẽ không được hưởng lợi từ sự thù địch. Ông khẳng định: “Làm bạn với Iran tốt hơn nhiều so với việc duy trì thái độ thù địch với Tehran”.

Hồi đầu tháng, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đô đốc Mike Mullen nói rằng quân đội Mỹ có một kế hoạch tấn công Iran, mặc dù ông cho rằng một cuộc tấn công quân sự có thể là ý tưởng tồi, có thể tạo ra hậu quả không lường trước. Tuy nhiên, ông vẫn nói nguy cơ Iran phát triển vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được, đồng thời tái khẳng định “lựa chọn quân sự” vẫn nằm trên bàn của chính quyền Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Al-Sharq của Qatar đăng tải ngày 21-8, trả lời câu hỏi về phản ứng của Tehran trong trường hợp một cuộc tấn công như vậy, Tổng thống Iran Ahmadinejad nói: “Các lựa chọn của chúng tôi sẽ không có giới hạn... Chúng sẽ đụng chạm tới toàn bộ hành tinh này”. Các nước thù địch với Iran - Mỹ và Israel chưa bao giờ loại trừ khả năng tấn công quân sự Tehran nhằm buộc nước này phải ngừng chương trình hạt nhân gây tranh cãi mà họ và các cường quốc phương Tây khác nghi ngờ nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân.

Các kế hoạch tấn công mà Mỹ tiết lộ thường dùng không quân tấn công trước, các máy bay ném bom phá boonke sẽ oanh tạc những nhà máy trọng yếu, các căn cứ quân sự. Nhưng trước khi tấn công họ sẽ cho quân biệt kích đột nhập để chỉ điểm mục tiêu. Iran hiện đang nằm giữa Iraq và Afghanistan, như vậy trên thực tế, với việc chiếm đóng hai nước này, Mỹ đã bao vây toàn bộ biên giới đất liền của Iran từ phía Đông lẫn phía Tây. Việc biệt kích đột nhập Iran là điều không khó khăn gì. Nói chung kế hoạch tấn công Iran không có gì mới về mặt chiến thuật so với những cuộc tấn công vào Iraq, Afghanistan trước đây.

Về phía Iran, ngày 17-8, một quan chức quân sự cấp cao của Iran vừa tiết lộ 3 phương án đáp trả khi bị Mỹ tấn công. Trước hết, ngay sau khi có tin tình báo Mỹ chuẩn bị tấn công Iran, Iran sẽ phong tỏa eo biển Hormuz. Eo biển Hormuz là con đường duy nhất dẫn từ vịnh Persia ra đại dương. Nếu bị phong tỏa, không có một tàu dầu nào từ vùng Vịnh đi ra đại dương được. Phương án thứ hai là sẽ làm tê liệt lực lượng của Mỹ tại Iraq và Afghanistan. Phương án thứ ba là Israel là sân sau của Mỹ, vì vậy họ sẽ gây nhiễu loạn hòa bình ở Israel bằng cách: cứ một quả bom nhắm vào Iran thì sẽ có một quả bom nhằm vào Israel từ Iran.

***

Mỹ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc Iran công bố các xuồng tấn công cao tốc trang bị tên lửa và máy bay oanh tạc không người lái mới, đồng thời cảnh báo rằng việc tăng cường các loại vũ khí của Tehran sẽ khiến các nước láng giềng tập hợp chống lại quốc gia Hồi giáo này. Phát biểu trước các phóng viên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley nói: “Đây là điều khiến chúng tôi cũng như các quốc gia láng giềng của Iran quan ngại”.

 Nhưng có lẽ một cuộc tấn công của Mỹ trong tương lai gần chưa xảy ra. Tờ The New York Times đưa tin Mỹ đã thuyết phục Israel rằng phải mất một năm hoặc lâu hơn để Iran có thể chế tạo vũ khí hạt nhân, điều này làm giảm bớt khả năng xảy ra một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Thế nhưng Israel vẫn có vẻ rất nôn nóng. Bởi theo Israel, chỉ vài tháng nữa thôi Iran sẽ sản xuất được vũ khí hạt nhân. Nên đã có báo dự đoán về khả năng Israel đi ngược lại mong muốn của Mỹ trong việc chủ động tấn công một đất nước 70 triệu người.

Dư luận giới chức quân sự Mỹ cũng khác nhau, có người yêu cầu nên tấn công trước khi Iran sở hữu vũ khí hạt nhân vì nếu khi họ có vũ khí rồi thì có thể họ sẽ sử dụng nó. Nhưng cũng có ý kiến nói rằng không có lý do chính đáng để tấn công nước này nếu họ không sản xuất vũ khí hạt nhân, vả lại Mỹ đang gánh hai cuộc chiến tại Iraq và Afganistan trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nay chưa đủ sức gánh thêm một cuộc chiến tranh quy mô lớn nữa.

HUY QUỐC tổng hợp

Tin cùng chuyên mục