Dễ như đi trộm tranh!

Thị trường chợ đen chuyên tiêu thụ những bức tranh quý bị trộm từ các viện bảo tàng, nhà trưng bày đã trở thành một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận, chỉ đứng sau thị trường buôn bán ma túy và vũ khí. Theo Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), đã có khoảng 6 tỷ USD thu được từ hoạt động này trên toàn cầu. Hồ sơ trộm cắp tranh quý mới đây phải nhập thêm vụ trộm bức họa “Hoa anh túc” của danh họa Hà Lan Van Gogh trị giá hơn 50 triệu USD tại Bảo tàng Mahmoud Khalil, ở thủ đô Cairo của Ai Cập.
Dễ như đi trộm tranh!

Thị trường chợ đen chuyên tiêu thụ những bức tranh quý bị trộm từ các viện bảo tàng, nhà trưng bày đã trở thành một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận, chỉ đứng sau thị trường buôn bán ma túy và vũ khí. Theo Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), đã có khoảng 6 tỷ USD thu được từ hoạt động này trên toàn cầu. Hồ sơ trộm cắp tranh quý mới đây phải nhập thêm vụ trộm bức họa “Hoa anh túc” của danh họa Hà Lan Van Gogh trị giá hơn 50 triệu USD tại Bảo tàng Mahmoud Khalil, ở thủ đô Cairo của Ai Cập.

Trộm tranh quy mô nhất

Tháng 5 vừa qua, những người yêu tranh trên thế giới sững sờ sau khi biết tin vụ trộm tranh xảy ra vào đêm 20-5 tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại quốc gia, nằm bên bờ sông Seine (gần tháp Eiffel) tại thủ đô Paris của Pháp. Hậu quả là 5 bức tranh của các họa sĩ lừng danh trưng bày trong bảo tàng này đã biến mất. Tổng trị giá của các bức tranh bị đánh cắp trên lên tới 500 triệu EUR (618 triệu USD). Trong số những bức tranh bị lấy cắp có cả tác phẩm của danh họa Picasso, người có tranh được định giá cao nhất thế giới hiện nay, đồng thời cũng là họa sĩ có tranh bị đánh cắp nhiều nhất trong vài năm gần đây.

Dễ như đi trộm tranh! ảnh 1

Phòng triển lãm Whitworth ở Anh được canh gác lỏng lẻo đã trở thành địa điểm đột nhập lý tưởng của kẻ trộm

Vụ trộm được các nhân viên bảo tàng phát hiện vào sáng hôm sau, khi họ tới nơi làm việc. Tại hiện trường, kính cửa sổ của một phòng trưng bày đã bị cắt, chiếc khóa cổng vào khu vực này bị phá. Camera quan sát đã ghi lại cả quá trình thực hiện hành vi của kẻ trộm. Cảnh sát cho biết, tên trộm đã hành động rất bình tĩnh. Chỉ mất vỏn vẹn 5 phút để hắn hoàn tất mọi công đoạn. Tất cả là “nhờ” vào hệ thống an ninh của bảo tàng trên đã gặp trục trặc và đang chờ đợi sửa chữa từ cuối tháng 3. Từ trước đó, các cơ quan có trách nhiệm của cảnh sát đã không ít lần nhắc nhở về khả năng bảo vệ không được đảm bảo của các bảo tàng tại Pháp, đặc biệt là tại Paris. Và dường như tên trộm đã nắm được kẽ hở này để lấy trộm từng bức tranh đang trưng bày, không một chút vội vã.

Vụ trộm tranh khác gây thiệt hại lớn khác đã xảy ra ở Boston vào năm 1990. Từ sáng sớm, hai tên trộm dùng một chiêu khá cũ nhưng vẫn có tác dụng đó là đóng giả cảnh sát tuần tra xuất hiện tại bảo tàng và nói với những người gác cửa là được báo ở đây có chuyện rắc rối. Sau đó, bất ngờ chúng áp vào khóa tay những người gác cửa vào lan can rồi đột nhập vào trong bảo tàng, lấy đi một loạt các tác phẩm của Vemeer, Rembrant và Manet trị giá 300 triệu USD. 5 triệu USD được treo thưởng cho ai tìm được hoặc cung cấp thông tin về các bức tranh.

Những nguyên nhân bất ngờ

Năm 1911, bức họa Mona Lisa của danh họa nổi tiếng Leonardo da Vinci đã không cánh mà bay. Vụ việc được phát hiện vào ngày hôm sau (22-8) khi họa sĩ có tên Louis Béroud đến bảo tàng Louvre để chiêm ngưỡng bức họa. Lúc đó, tại vị trí treo bức Mona Lisa, ông chỉ thấy 4 cái móc sắt. Ngay lập tức, Louis báo cho đội bảo vệ của bảo tàng. Những người này đã rất bình tĩnh trả lời Louis rằng có lẽ bức tranh đã được đưa ra ngoài chụp ảnh tư liệu. Vài giờ sau, Louis liên hệ được với người phụ trách khu vực đó và được biết bức tranh không hề có ở chỗ những nhà nhiếp ảnh.

Dễ như đi trộm tranh! ảnh 2

Bức tranh Hoa anh túc của danh họa Van Gogh

Hai năm sau, kẻ trộm thực sự lộ diện. Một người xưng tên là Leonardo đã viết thư cho Alfredo Geri, người buôn tranh nổi tiếng ở Italia và cho biết mình đang sở hữu bức Mona Lisa bị đánh cắp. Dù không tin những gì Leonardo nói nhưng Geri vẫn liên lạc với Giovani Poggi, Giám đốc Bảo tàng Uffizi (ở Florence, Italia). Theo kế hoạch, Geri sẽ yêu cầu Leonardo cho ông xem bức tranh trước khi định giá.

Ngày 10-12-1913, Leonardo có mặt tại văn phòng của Geri ở Florence. Lenardo ra giá nửa triệu lire (hơn 300.000 USD) cho bức tranh mà hắn đang giữ. Ngày hôm sau, Geri cùng Poggi đến gặp Leonardo ở khách sạn và ông được hắn cho xem bức tranh Mona Lisa thật chứ không phải là bản sao như Geri từng nghĩ. Ngay sau đó, Leonardo bị bắt giữ. Tên này thực ra là Vicenzo Peruggia, nhân viên bảo tàng Louvre. Vicenzo đã đánh cắp bức tranh rồi giấu nó trong áo khoác và lẻn ra khỏi bảo tàng. Vicenzo giải thích rằng hắn đánh cắp bức Mona Lisa vì hắn là một người Italia yêu nước và muốn bức tranh phải được đưa quay trở lại trưng bày trong một bảo tàng của Italia.

Họa sĩ được trộm chú ý nhất

Các tác phẩm của Picasso hiện dẫn đầu trong danh sách những kiệt tác bị bọn trộm tranh ngắm đến. Theo một vài nguồn tin, số tranh của danh họa Picasso bị đánh cắp lên tới con số gần 500 bức. Nếu bức tranh bị đánh cắp còn chưa rơi vào tay một nhà sưu tập nào đấy thì vẫn còn cơ may truy tìm được. Nhưng để tìm ra thì phải mất rất nhiều thời gian, có khi mất hàng chục năm trời. Năm 1991, trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh vùng Vịnh, 9 bức tranh của Picasso đã “biến mất” khỏi lâu đài một tiểu vương ở Kuwait. Tất cả các bức tranh bị đánh cắp được định giá từ 1,5 triệu USD trở lên. Đáng giá nhất là bức “Người đàn bà xấu xí” lên tới 15 triệu USD.

Vào năm 1993, một số tranh của ông biến mất khỏi Viện Bảo tàng nghệ thuật hiện đại ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển. Một năm sau, nhóm 4 người thuộc một băng tội phạm quốc tế đã vét trọn sạch nhà hầm của Viện Bảo tàng tranh Max Bollag ở Thụy Sĩ. Trong số những bức tranh bị đánh cắp có bức tranh “Người phụ nữ đang ngủ” và bức “Chúa Jesus ở Monmartre” là hai bức đã bị đánh cắp vào năm 1991 và rồi tìm lại được và được cất giữ tại bảo tàng trên.

Thị trường chợ đen chú ý đặc biệt đến tranh của Picasso bởi cho tới nay, ông vẫn là một trong những danh họa được đánh giá cao nhất và tranh được nhiều người mua nhất. Trong số những bức tranh được mua với giá cao nhất trong lịch sử các cuộc bán đấu giá thì có đến 7 bức là của Picasso.

“Cám ơn vì an ninh kém”

Đối với vụ trộm mới nhất tại Cairo, Ai Cập, hệ thống theo dõi và cảnh báo tại viện bảo tàng lưu trữ tranh lớn nhất thế giới này đã gặp sự cố trong thời gian dài mà không ai biết chính xác trục trặc này có từ khi nào. Khi vụ trộm xảy ra, hệ thống chuông báo động bảo tàng hoàn toàn tê liệt và chỉ có 7/43 camera còn hoạt động. Hai kẻ bị cho là ăn cắp tranh đã tận dụng lúc nửa đêm khi mọi nhân viên trong bảo tàng, kể cả nhân viên an ninh đang làm lễ cầu nguyện ở phòng bên cạnh. Năm 1978, bức tranh quý này cũng đã bị đánh cắp và được trả lại 10 năm sau đó.

 Nhiều người cho rằng bức tranh được trả lại lúc ấy là bức tranh sao chép. Công tố viên Abdel-Meguid Mahmoud cũng cho biết, cuối năm ngoái, văn phòng của ông đã gửi văn bản yêu cầu bảo tàng Ai Cập thực hiện các biện pháp kiểm soát an ninh nghiêm ngặt hơn sau hàng loạt vụ mất cắp tranh quý trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, yêu cầu này dường như đã bị bỏ qua. Các biện pháp an ninh vẫn không được cải thiện và hầu hết các vụ lấy cắp tranh đều diễn ra với cách thức tương tự nhau.

Một trường hợp khó tin nhưng có thật để một lần nữa chứng minh hệ thống an ninh tại các viện bảo tàng, nơi lưu trữ những bức tranh quý, kém an ninh ở mức báo động là vụ đột nhập phòng triển lãm Whitworth (Manchester, Anh) vào năm 2003. Kẻ trộm đã “hô biến” 3 bức tranh của các doanh họa Van Gogh, Picasso và Gauguin, trị giá hơn 6,3 triệu USD. Mặc dù phòng triển lãm được trang bị camera theo dõi lẫn chuông báo động, cùng với đội tuần tra làm việc 24/24, vụ trộm vẫn được thực hiện trót lọt. Bất ngờ nhất trong lịch sử các vụ trộm tranh đó là, chỉ một ngày sau vụ mất cắp, người ta đã tìm lại được cả 3 bức tranh. Chúng được giấu trong chiếc ống đặt ở sau một nhà vệ sinh công cộng. Nhóm trộm tranh để lại một mẩu giấy giải thích động cơ của vụ trộm chỉ nhằm chứng minh tình trạng an ninh quá kém tại phòng triển lãm.

Hay trước đó, vào năm 1994, hai tên trộm đột nhập vào một phòng triển lãm tranh ở thủ đô Oslo (Na Uy) và lấy đi bức “Tiếng thét”, tác phẩm nổi tiếng nhất của Edward Munch. Lúc đó, chuông báo động đã reo nhưng nhân viên bảo vệ lại làm ngơ. Vụ trộm được thực hiện quá dễ dàng đến mức trước khi rời khỏi phòng triển lãm, 2 tên trộm còn để lại lời nhắn: “Cảm ơn vì an ninh kém”.

Theo thống kê của Interpol (Tổ chức Cảnh sát chống tội phạm quốc tế), chỉ khoảng 15% số lượng tranh quý bị mất cắp được tìm thấy hoặc được trả lại ở một nơi dễ thấy nào đó, còn lại là đã được chuyển sang tay trót lọt. Vì sao thị trường đen với đa dạng tranh của nhiều danh họa vẫn diễn ra sôi nổi? Một giả thuyết được nhiều chuyên gia đưa ra có vẻ gần thực tế là những bức tranh trên đã được những nhà sưu tầm nào đó thuê những tên trộm lấy những bức tranh mà mình yêu thích để sau đó có thể tự do chiêm ngưỡng… trong bí mật!

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục