Châu Á: Nơi thiên tai bắt đầu

Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới sắp tiếp tục tranh luận về việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại Hội nghị biến đổi khí hậu ở Nam Phi từ ngày 28-11 đến 9-12 tới, thì tác động của biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hơn 7 tỷ cư dân trên hành tinh xanh.
Châu Á: Nơi thiên tai bắt đầu

Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới sắp tiếp tục tranh luận về việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại Hội nghị biến đổi khí hậu ở Nam Phi từ ngày 28-11 đến 9-12 tới, thì tác động của biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hơn 7 tỷ cư dân trên hành tinh xanh.

  • Thiệt hại khổng lồ trước mắt

Theo nghiên cứu vừa công bố của Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên hiệp quốc (OHCHR) thì châu Á, ngôi nhà chung của 60% dân số thế giới, sẽ là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của việc biến đổi khí hậu trong tương lai gần. Trong danh sách 16 quốc gia có nguy cơ bị tàn phá nghiêm trọng vì môi trường thay đổi trong vòng 30 năm tới của Cơ quan tư vấn rủi ro toàn cầu Maplecroft, có tới 10 nước thuộc châu Á.

Theo Trung tâm Quốc tế về giám sát di tản nội địa (IDMC), 90% thảm họa xảy ra trên thế giới vào năm 2010 có liên quan đến thiên tai, chủ yếu là lũ lụt và bão, khiến 210 triệu người (chiếm 3% dân số thế giới) phải di cư. Số người bị ảnh hưởng cao hơn hẳn con số 50 triệu người mà trước đó Chương trình môi trường LHQ đã dự báo. Các nhà khoa học ước tính rằng đến năm 2060, từ 114 đến 192 triệu người châu Phi và châu Á sẽ phải sống trong các khu đô thị thuộc đồng bằng ngập nước lũ.

Giám đốc Ban giảm nghèo, bình đẳng giới và phát triển xã hội của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Bart Édes, cho biết chỉ riêng tại Đông Nam Á, thiên tai có thể gây thiệt hại kinh tế mỗi năm lên đến 230 tỷ USD, tương đương 6,7% GDP toàn khu vực. Theo ước tính, chi phí để thích ứng với biến đổi khí hậu hàng năm ở châu Á và Thái Bình Dương vào khoảng 40 tỷ USD.

Người dân Thái Lan đang tình nguyện dọn dẹp một con đường chính ở thủ đô Bangkok vào ngày 20-11. Tính đến nay, trận lũ lịch sử đã khiến hơn 600 người Thái thiệt mạng.

Người dân Thái Lan đang tình nguyện dọn dẹp một con đường chính ở thủ đô Bangkok vào ngày 20-11. Tính đến nay, trận lũ lịch sử đã khiến hơn 600 người Thái thiệt mạng.

  • Các quốc đảo hứng chịu đầu tiên

Do địa lý đặc trưng của Thái Bình Dương, trong khoảng 30.000 hòn đảo thì hơn 1.000 đảo có cư dân sinh sống, nên mực nước biển đang dâng cao tuy chỉ tính bằng milimét hàng năm nhưng cũng đang ảnh hưởng rất lớn đến những người nghèo sống ở các vùng đất thấp ven biển hoặc các quốc đảo nhỏ.

Tuy nhiên, dù Thái Bình Dương trải rộng 1/3 diện tích bề mặt Trái đất, nhưng trong nhiều cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu, các nhà lãnh đạo trên thế giới thường “nhắm mắt làm ngơ” khi đề cập đến cư dân của các quốc đảo ở đây. Trong khi các nhà nghiên cứu nói rằng, khi mực nước biển dâng cao thêm 1m, cuộc sống của 100 triệu người sẽ đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Hầu hết trong số đó lại thuộc 30 quốc đảo đang phát triển và các đồng bằng châu thổ như Ai Cập, Bangladesh, Niger và Việt Nam. Những quốc đảo ở Thái Bình Dương như Kiribati, Samoa, Tuvalu, Vanuatu và quần đảo Solomon là những nơi kém phát triển nhất thế giới, đồng nghĩa với việc họ không đủ nguồn lực để hỗ trợ các nạn nhân khi thiên tai xảy ra.

Thực tế, trong những năm đầu thế kỷ 21, các đảo quốc này thường xuyên bị lũ lụt tàn phá. Cơ sở hạ tầng, nhà ở của người dân nghèo ở đây vốn đã không thể chịu được trước những thảm họa thiên nhiên, giờ đây còn đối mặt với nguy cơ lớn hơn là mực nước biển dâng cao.

  • Vấn đề tỵ nạn môi trường

Khi thiên tai xảy ra, người dân thường có xu hướng di chuyển tới các khu đô thị lớn, điều này càng làm tăng gánh nặng cho các thành phố. Do đó, các chính phủ đã ra sức ngăn chặn dòng người di cư đến các đô thị. Bên cạnh đó, khi quyền lợi của những người di tản vẫn chưa được ràng buộc về mặt pháp lý, họ sẽ phải thường xuyên bị phân biệt đối xử. Người di tản bị tước đoạt các quyền hưởng các dịch vụ xã hội, nhà ở, tiện ích và tài sản.

Theo Giáo sư chính trị Andre Geddes thuộc Đại học Sheffield (Anh), những chính sách như thế cực kỳ nguy hiểm. Giám đốc IDMC Kate Halff cho rằng trước mắt từng nước nên có chiến lược cụ thể để bảo đảm về việc di tản vì môi trường, nhất là khi các vùng xảy ra thảm họa khó có khả năng khôi phục trong thời gian ngắn. Các phương pháp này phải bao gồm cả hệ thống giám sát di chuyển để theo dõi tình hình dân số, đảm bảo đáp ứng kịp thời đầy đủ những cách tiếp cận chung bằng cách giảm rủi ro thiên tai, phát triển bền vững và có đội ngũ cứu trợ chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách đã phớt lờ người di tản hoặc thậm chí không thừa nhận họ. Khi báo cáo lên LHQ, nhiều chính phủ còn dùng từ “người bị ảnh hưởng” hoặc “người vô gia cư” để thay cho “người di tản vì thiên tai”. Ngoài ra, vì bất bình đẳng giới, những vấn đề của người phụ nữ di tản càng không được đề cập đến tại nhiều quốc đảo.

Trong tương lai, dòng người di cư vì thiên tai ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục tăng cao. Do đó, việc tìm hiểu về tỵ nạn môi trường là hết sức quan trọng để áp dụng chính sách và triển khai các chương trình hỗ trợ. Nhiều khía cạnh sẽ phát sinh trong các chính sách di cư, đặc biệt là các giải pháp tài chính để vừa bảo đảm cuộc sống cho các dòng người di cư, vừa bảo đảm lợi ích cho những nơi có người đến tỵ nạn.

Ngoài ra, tại các đô thị ở châu Á, điều kiện về cơ sở hạ tầng cũng như việc bảo đảm hệ thống vệ sinh sạch sẽ, nước sạch và năng lượng vô cùng yếu kém. Do đó, theo Giáo sư kinh tế môi trường Neil Adger của Đại học East Anglia (Anh), các chính phủ phải ưu tiên một phần kinh phí đối phó với tác động của biến đổi khí hậu cho việc này. Và trên hết, trách nhiệm chung của cả nhân loại là phải đảm bảo nhiệt độ Trái đất chỉ tăng từ 1,5 đến 20C trong thế kỷ 21. Để ổn định ở con số đó, có thể phải tranh luận khốc liệt hoặc tích cực triển khai mọi biện pháp hữu hiệu. 

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục