Scandal mới về biến đổi khí hậu

“Climategate” của thời đại
Scandal mới về biến đổi khí hậu

Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 17 (COP 17) diễn ra ở Durban, Nam Phi (từ ngày 28-11 đến 9-12) trong không khí đầy mâu thuẫn. Ngoài những bất đồng giữa các nhóm nước về giai đoạn 2 của Nghị định thư Kyoto, yếu tố then chốt, ảnh hưởng đến quyết tâm của các nước là nhìn nhận và đánh giá chính xác về mức độ nguy hiểm thật sự của biến đổi khí hậu. Trong khi hội nghị đang diễn ra, hàng ngàn bức thư trao đổi giữa các nhà khoa học liên quan đến vấn đề này đã bị rò rỉ, tạo nên một scandal mới.

Người dân Nam Phi xuống đường kêu gọi vì một COP 17 hiệu quả với những thỏa thuận thiết thực. Ảnh: AFP

Người dân Nam Phi xuống đường kêu gọi vì một COP 17 hiệu quả với những thỏa thuận thiết thực. Ảnh: AFP

“Climategate” của thời đại

Cuối tháng 11, hơn 5.000 tài liệu nghiên cứu về khí hậu cùng những trao đổi của các nhà khoa học thuộc Đại học Đông Angila của Anh với nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã bị rò rỉ trên mạng. Đây là lần thứ hai sự việc này xảy ra. Trước đó, năm 2009, cũng tại đại học trên, ngay đúng thời điểm chuẩn bị diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Copenhagen, hơn 3.000 tài liệu cũng đã bị phát tán rộng rãi.

Những thông tin trong vụ rò rỉ thứ hai được cho là xuất hiện cùng thời điểm năm 2009, tức không phải những khám phá mới nhưng điều quan trọng là cả hai vụ xảy ra ở thời điểm nhạy cảm dần hé lộ bức màn bí mật về việc nhiều nhà khoa học đã cố tình ngụy tạo số liệu, ém nhẹm những dữ liệu của các nhà khoa học bất đồng chính kiến, nhằm bảo vệ lập luận rằng con người là một trong những tác nhân chính gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bộ phận nghiên cứu khí hậu của Đại học Đông Angila (CRU) được quốc tế công nhận là một trong những nguồn thông tin quan trọng nhất về biến đổi khí hậu. Ủy ban Liên chính phủ về khí hậu của LHQ (IPCC) đã dùng nguồn thông tin này làm cơ sở đối phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu.

Vì thế, vụ rò rỉ thông tin được cho là đòn giáng mạnh mà những nhà khoa học theo phái “đa nghi khí hậu” (không thừa nhận mối quan hệ giữa con người và biến đổi khí hậu) dành cho những người đồng nghiệp không cùng quan điểm. Người ta ví 2 vụ này như vụ Watergate rò rỉ thông tin chính trị ở Mỹ khiến tổng thống Richard Nixon phải từ chức và đặt cho nó cái tên Climategate.

Những thông tin trên được đưa lên hệ thống máy chủ đặt tại Nga có tên Sinwt.ru và được định dạng ở tập tin nén ZIP. Sau đó, chúng được tải lên những trang blog khai thác thông tin về biến đổi khí hậu như The Air Vent (có thể tìm đọc ở địa chỉ http://noconsensus.wordpress.com/).

Thực tế hay thổi phồng

Trả lời phỏng vấn tờ Daily Mail, nhà khoa học Andreas Schmittner thuộc Đại học bang Oregon, Mỹ cho biết, những dự báo đáng sợ của các nhà hoạt động môi trường cho rằng lượng khí carbon dioxide (CO2) sẽ tăng gấp đôi, dẫn đến nhiệt độ tăng 100C là điều không có cơ sở. Theo ông, thực chất, nhiệt độ tối đa có thể tăng nếu giả thuyết trên xảy ra là 2,60C.

Andreas Schmittner cũng đã có bài viết trên tạp chí khoa học uy tín Science chỉ ra nghiên cứu của ông cùng các cộng sự (do Quỹ Khoa học quốc gia tài trợ) về sự tác động của việc thay đổi lượng khí CO2 đến nhiệt độ trong suốt quá trình kéo dài từ kỷ băng hà đến nay.

Ông Andreas Schmittner cho biết: “Khi tái lập mức nhiệt bề mặt trên biển và đất liền từ mức đỉnh trong thời kỳ băng hà cuối cùng cách đây 21.000 năm (thường được gọi là nhiệt độ tối đa thời kỳ băng hà cuối), đem so với các mô hình mô phỏng khí hậu thời kỳ đó ta có bức tranh toàn cảnh rất khác biệt”.

Ông cũng cho biết nếu các đặc điểm cổ khí hậu này tác động tới tương lai như mô hình mà nhóm nghiên cứu dự đoán thì kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng thay đổi khí hậu cực đoan sẽ thấp hơn so với các nhà khoa học đã từng suy đoán.

Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh rằng hiện tượng ấm lên toàn cầu là có thực và nồng độ CO2 trong khí quyển đã tăng lên gấp đôi so với tiêu chuẩn thời kỳ tiền công nghiệp. Hiện tượng này sẽ có nhiều tác động nghiêm trọng tới môi trường Trái đất. Vì thế, Trái đất vẫn phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu và những tác động nghiêm trọng nhưng mức độ nguy cơ không quá bi quan và căng thẳng như các nhà khoa học đã dự báo.

Ông Schmittner lưu ý rằng rất nhiều nghiên cứu trước đây chỉ tìm hiểu các thời kỳ từ năm 1850 tới nay, nghĩa là không xem xét đầy đủ các dữ liệu cổ khí hậu trên quy mô toàn cầu. Trong khi đó, nghiên cứu ông thực hiện cùng nhiều đồng nghiệp dựa trên cơ sở dữ liệu nhiệt độ bề mặt đại dương và đất liền thời kỳ băng hà thu thập được nhờ tìm hiểu lõi băng, các lỗ thủng do nước triều lớn, lớp trầm tích ở thềm biển và các yếu tố khác.

Theo ông, Trái đất từng rất khác, với các tảng băng lớn ở Bắc Mỹ và Bắc Âu, nhiều băng và tuyết trên biển hơn, hệ thực vật khác biệt, mực nước biển thấp và bụi trong không khí nhiều hơn. Điều này cho thấy thậm chí những thay đổi nhỏ trong nhiệt độ bề mặt đại dương cũng có thể ảnh hưởng rất lớn đến nhiều nơi khác, đặc biệt là đất liền và các khu vực ở vĩ độ từ trung đến cao.

Nghiên cứu của ông cũng đưa ra cảnh báo, rằng việc tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ dẫn đến tình trạng nước biển bề mặt ấm lên như hiện nay.

Vì ai?

Phía được lợi khi xảy ra vụ rò rỉ thông tin không ai khác là những nước không mặn mà với những thỏa thuận cắt giảm khí hậu gây hiệu ứng nhà kính, nhất là những nước sống nhờ xuất khẩu dầu mỏ. Saudi Arabia là một ví dụ. Nước này từng cho rằng vụ rò rỉ đã làm cho mức độ lòng tin bị ảnh hưởng nghiêm trọng và kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế đối với những ai tham gia vào việc thổi phồng thông tin.

Thế nhưng, đằng sau đó là mục đích bảo vệ lợi ích, không muốn giảm mức xuất khẩu 4.000 tỷ USD từ nay đến năm 2030.

Nhiều nhà khoa học bảo vệ giả thuyết mối quan hệ chặt chẽ và duy nhất giữa con người và khí hậu cho rằng những vụ rò rỉ thông tin này là do những kẻ cơ hội tạo ra và khẳng định đã ảnh hưởng xấu đến khoa học. Tuy nhiên, đứng về phía những nhà khoa học chỉ vì khoa học, đây là vấn đề cần được đưa ra thảo luận và xem xét một cách công bằng cùng lúc diễn ra những trao đổi của các nhà lãnh đạo liên quan đến biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hơn hết, người dân trên toàn cầu đang ngày càng thấy được hậu quả nghiêm trọng mà họ phải gánh chịu khi thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn. Đặc biệt là đối với những quốc gia đói nghèo ở châu Phi, nhu cầu thiết yếu là lương thực cũng bị đe dọa vì yếu tố thời tiết.

Đính kèm những dữ liệu được công bố trong vụ rò rỉ lần này là tập tin readme.txt có đoạn viết: “Hơn 2,5 tỷ người trên toàn cầu đang sống dưới 2 USD/ngày. Đói nghèo là “án tử” cho tất cả mọi người. Cho đến năm 2030, các quốc gia phải bỏ ra số tiền khổng lồ là 37.000 tỷ USD đầu tư cho công nghệ năng lượng để giữ cho mức khí thải nhà kính ở mức an toàn và ổn định.

Vì thế, bất cứ quyết định đầu tư nào của chúng ta cũng phải dựa trên điều kiện thông tin đầy đủ, minh bạch. Phải tìm biện pháp thích hợp chứ không phải bỏ tiền chạy theo sự thổi phồng một cách thái quá”.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục