“Made in China” và chiến lược khôi phục lòng tin

Trung Quốc được biết đến như “công xưởng” lớn nhất thế giới của các dòng sản phẩm hàng hiệu nổi tiếng toàn cầu. Hàng hóa “made in China” (sản xuất tại Trung Quốc) đang tràn ngập khắp nơi, song có lẽ chưa bao giờ các sản phẩm “made in China” lại đối mặt với nguy cơ và thách thức khá nghiêm trọng trước thái độ của người tiêu dùng toàn cầu như hiện nay. Đứng trước thách thức trên, Trung Quốc đã áp dụng các giải pháp quyết liệt để lấy lại lòng tin đối với thương hiệu quốc gia.
“Made in China” và chiến lược khôi phục lòng tin

Trung Quốc được biết đến như “công xưởng” lớn nhất thế giới của các dòng sản phẩm hàng hiệu nổi tiếng toàn cầu. Hàng hóa “made in China” (sản xuất tại Trung Quốc) đang tràn ngập khắp nơi, song có lẽ chưa bao giờ các sản phẩm “made in China” lại đối mặt với nguy cơ và thách thức khá nghiêm trọng trước thái độ của người tiêu dùng toàn cầu như hiện nay. Đứng trước thách thức trên, Trung Quốc đã áp dụng các giải pháp quyết liệt để lấy lại lòng tin đối với thương hiệu quốc gia.

  • Thói quen tiêu dùng mới

Mặc dù nhiều người cho rằng, khi đã vào cửa hàng hiệu chính hãng, tất nhiên chất lượng của sản phẩm đã được đảm bảo cho nên xuất xứ hàng hóa không còn quan trọng nữa. Nhưng lối suy nghĩ này đã thực sự thay đổi đối với hàng hóa “made in China”.

Theo Asia Week số ra gần đây, trước đây các sản phẩm “made in China” của Trung Quốc từng làm mưa làm gió tại thị trường châu Âu và Mỹ, thì hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng. Tại thị trường Mỹ, hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc không còn được ưa chuộng.

Susan, một người Mỹ, cho biết mua hàng ở siêu thị, nếu như có thể lựa chọn, hầu hết người Mỹ đều tránh mua sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc. Điều này đã trở thành thói quen mua sắm và còn là định hướng tiêu dùng của người Mỹ. Ngay cả người Trung Quốc đến Mỹ cũng vậy.

Trần Hiểu Dương, một du khách Thượng Hải lần đầu tiên đến Mỹ, trong tay cầm một danh sách mua hàng và lựa chọn hàng tại cửa hàng Marshalls chuyên bán hàng hiệu giảm giá. Cô rất thích một chiếc túi xách, song vẫn đành phải bỏ lại bởi nó được sản xuất tại Trung Quốc.

Trần Hiểu Dương cho biết, “đến Mỹ mua hàng, nguyên tắc thứ nhất là tránh mua nhầm sản phẩm “made in China” bởi nếu không sẽ bị người khác chê cười”. Bạn bè Trung Quốc muốn mua máy ảnh tại Mỹ, nhất định đòi mua hàng sản xuất tại Nhật Bản, dù giá cả có thể cao hơn chứ tuyệt đối không mua hàng sản xuất tại Trung Quốc.

Người tiêu dùng lưỡng lự trước sản phẩm “made in China” tại một cửa hàng ở Anh.

Người tiêu dùng lưỡng lự trước sản phẩm “made in China” tại một cửa hàng ở Anh.

Tự lúc nào một bộ phận người tiêu dùng trên thế giới đã hình thành một thói quen khi đi mua sắm, đó là lúc nào cũng lật mặt trong của áo để xem hàng làm tại đâu. Nếu hàng “made in China” thì hầu hết không thích cho lắm. Tại khu chợ nổi tiếng bán hàng điện tử Akihabara ở Tokyo, hầu hết khách mua sắm đến đây đều cố gắng chọn mua cho mình những sản phẩm “made in Japan”.

Du khách Trung Quốc cũng vậy. Họ cũng lắc đầu đối với những chiếc máy quay phim, máy chụp hình do chính nước mình sản xuất, mặc dù những sản phẩm tương tự nhưng mang “made in Japan” giá đắt hơn nhiều.

Tạp chí Insight China và Phòng khảo sát truyền thông Thanh Hoa (Trung Quốc) tiến hành thăm dò dư luận vào đầu năm 2011 cho thấy: 70% dân Trung Quốc không tin hàng nội địa. Vấn đề này đang tạo ra thách thức to lớn đối với sản phẩm “made in China” từng một thời vang dội trên các thị trường.

Tại các trung tâm mua sắm lớn ở thành phố Yokohama, nhiều mặt hàng “made in China” còn có thêm dòng chữ “hàng này chỉ xuất khẩu cho thị trường Nhật Bản”. Có lẽ đây là cách khẳng định chất lượng để “trấn an” người tiêu dùng!

Nếu như trước đây, tại một số siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ ở Mỹ, sản phẩm “made in China” chiếm ưu thế tuyệt đối, thì hiện nay những sản phẩm được sản xuất từ các nước khác ngày càng nhiều hơn, từ chiếc bấm móng tay đến các sản phẩm điện máy bắt đầu tiến vào thị trường Mỹ một cách có quy mô.

Theo Asia Week, ví dụ như Wal-Mart, hệ thống siêu thị loại lớn từng xem Trung Quốc là nơi cung cấp hàng chủ yếu, bắt đầu từ năm 2009 đã chuyển đơn đặt hàng trị giá 11 tỷ USD sang Ấn Độ, đồng thời từng bước tăng tỷ lệ mua hàng từ Ấn Độ lên 30%. Những năm trước, các mặt hàng Wal-Mart bán ra từng có tới 70% yếu tố Trung Quốc trong đó, song xét đến sự lựa chọn của người tiêu dùng, tập đoàn này đã bắt đầu tăng lượng hàng hóa không phải do Trung Quốc sản xuất.

Đứng trước thách thức này, Công ty Sony Nhật Bản đã chuyển dây chuyền sản xuất máy ảnh kỹ thuật số cho thị trường Mỹ, vốn đặt tại Thượng Hải, về Nhật Bản. Hãng Olympus cũng điều chỉnh sản xuất máy ảnh kỹ thuật sang các nước Đông Nam Á, chuyển một số hạng mục sản xuất của sản phẩm cao cấp quay trở về trong nước. Tập đoàn Canon cũng đã đưa một phần dây chuyền sản xuất máy ảnh kỹ thuật số và máy in từ Trung Quốc về Nhật Bản.

  • Chiến lược khôi phục lòng tin

So sánh với các nước đang phát triển khác, chính quyền Trung Quốc ổn định và có tiềm năng cho đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, do các lĩnh vực sử dụng lao động phổ thông, chi phí thấp đang dịch chuyển sang các lĩnh vực đòi hỏi nhân công có trình độ cao hơn, chi phí cao hơn, Trung Quốc sẽ không chỉ chuyển sang sản xuất hàng hóa với giá trị gia tăng cao hơn, mà còn chuyển sang các ngành dịch vụ như thiết kế, dịch vụ, tài chính.

Vì vậy, làn sóng rút lui của các doanh nghiệp nước ngoài khỏi các ngành sản xuất dựa vào lao động giá rẻ, không hẳn là tai họa đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Việc các doanh nghiệp nước ngoài rút đi sẽ để lại cho Trung Quốc một không gian và nguồn lực để nâng cấp ngành nghề, bắt đầu cho một làn sóng phát triển kinh tế mới. Các doanh nghiệp Trung Quốc đang thực hiện bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tìm kiếm những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, những ngành sản xuất mới.

Chính quyền các địa phương dọc vành đai ven biển đã năng động soạn thảo các quy định mới, khuyến khích các công ty hoạt động tại địa phương chuyển sang sản xuất sản phẩm có giá trị cao. Các công ty ở Giang Tô – thủ phủ của tơ lụa và hàng dệt may - bắt đầu sang Nhật Bản tìm mua máy sản xuất sợi hóa học siêu nhỏ.

Khi các ngành tập trung sức lao động của Trung Quốc nổi lên từ sự thay đổi của chính các ngành này, người Trung Quốc hy vọng sẽ được thấy các doanh nghiệp với quy mô rộng hơn, đầu tư nhiều hơn vào sự đổi mới và có ảnh hưởng lớn hơn tới nền kinh tế và các chính sách kinh doanh. Vì vậy, người tiêu dùng hy vọng, trong tương lai “made in China” sẽ không mất đi vị thế của mình trên trường quốc tế.

Cách đây 4 năm, khi xảy ra scandal sữa bẩn nhiễm malemine, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố: “Chúng tôi sẽ làm tan biến mọi lo lắng về sản phẩm “made in China” và tạo uy tín với nhân dân Trung Quốc và nhân dân toàn thế giới”.

Từ thời điểm đó đến nay, người ta cũng nhận thấy mỗi khi các mặt hàng “made in China” bị phát hiện không đạt chất lượng, giới chức Trung Quốc không còn quy trách nhiệm cho những cơ sở nước ngoài đầu tư hay liên doanh sản xuất và nhận lỗi do chính quyền và cơ quan chức năng không kiểm soát tốt.

Để ngăn chặn hiện tượng các công ty nước ngoài chạy theo lợi nhuận, hạ thấp chất lượng gây thiệt hại cho “made in China” lẫn người tiêu dùng, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng quản lý phần sản xuất nội địa bằng hệ thống 2.000 bộ luật liên quan từ trung ương đến địa phương.

Chính phủ cũng đã chi gần 9 tỷ NDT (khoảng 2 tỷ USD) để tăng cường hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra và phát hiện kịp thời các vấn đề trong quản lý chất lượng. Trung Quốc cũng đã cộng tác với các cơ quan liên quan của Mỹ và Liên minh châu Âu về an toàn sản phẩm.

Bên cạnh chiến lược nắm chắc lại chất lượng sản phẩm, tạo dựng lại uy tín cho sản phẩm, chính phủ Trung Quốc còn đẩy mạnh thực hiện bài trừ tham nhũng trong các cơ quan thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật ở nước này. Chính phủ Trung Quốc gọi đây là “cuộc chiến tranh đặc biệt” để cứu vãn uy tín của hàng hóa “made in China”. 

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục