Châu Âu tuyên chiến với hàng giả

64% hàng giả đến từ Trung Quốc
Châu Âu tuyên chiến với hàng giả

Ngày 1-8, Ủy ban châu Âu (EC) chính thức phát động cuộc vận động chống hàng giả với tên gọi “Đừng để một tai nạn làm hỏng mùa hè của bạn”. EC cho biết, phần lớn hàng giả có xuất xứ từ Trung Quốc, đặc biệt là mặt hàng đồ chơi và đồ dùng trẻ em.

Ủy viên châu Âu phụ trách công nghiệp Antonio Tajani đưa ra một sản phẩm đồ chơi từ Trung Quốc tại buổi phát động chiến dịch chống hàng giả.

Ủy viên châu Âu phụ trách công nghiệp Antonio Tajani đưa ra một sản phẩm đồ chơi từ Trung Quốc tại buổi phát động chiến dịch chống hàng giả.

64% hàng giả đến từ Trung Quốc

Chương trình vận động chống hàng giả của châu Âu đưa ra một cuốn video hướng dẫn, kèm theo một loạt lời khuyên, ví dụ như: đừng mua đồ chơi không mang nhãn hiệu CE (của cộng đồng châu Âu), đừng tặng đồ chơi tháo rời cho trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, vì chúng có thể nhét vào miệng, lựa chọn cẩn thận xuất xứ, đọc kỹ các ghi chú, cảnh báo trước khi sử dụng…

Tại lễ phát động ở trụ sở EU, Ủy viên châu Âu phụ trách công nghiệp, Antonio Tajani, đã dẫn ra những mối nguy hại lớn từ hàng giả Trung Quốc với người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em. Ông đưa ra một ví dụ về giày dép trẻ em giả nhãn hiệu châu Âu nhưng sản xuất tại Trung Quốc có hàm lượng chrome (chất gây ung thư) vượt quá 6 lần mức cho phép.

Theo các thống kê hàng năm do EC công bố, khoảng 58% mặt hàng được coi là nguy hiểm tại châu Âu có xuất xứ từ Trung Quốc. Nước này cũng là nơi cung cấp hàng giả lớn nhất khi chiếm đến 64% tổng số hàng giả bị EU thu giữ. Cuối tháng trước, hải quan EU công bố thống kê cho thấy trong năm 2011, EU đã chặn được 115 triệu sản phẩm, trị giá khoảng 1,6 tỷ USD hàng giả, trong đó có đến 73% trong số này đến từ Trung Quốc, bao gồm nhiều mặt hàng nguy hiểm đối với sức khỏe con người như quần áo, giày dép, các vật dụng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày...

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tân dược giả hiện đang chiếm tới 30% thị trường thuốc ở các nước đang phát triển. Nhật báo Le Figaro tháng trước cảnh báo có hơn 10 tỷ điếu thuốc lá, chiếm 24% số lượng thuốc lá được tiêu thụ tại Pháp trong năm 2011 là thuốc giả, hơn năm 2010 tới 1 tỷ điếu. Theo Tổ chức Hải quan quốc tế, mỗi năm Trung Quốc sản xuất 190 tỷ điếu thuốc lá giả và chủ yếu nhắm vào thị trường châu Âu.

Nếu chia thành từng ngành công nghiệp, Trung Quốc chiếm lĩnh hơn 90% nguồn cung cấp giày giả mạo các nhãn hãng nổi tiếng tại châu Âu, 81% các nhãn hàng điện tử và hơn 72,5% các nhãn hiệu quần áo.

Theo Cao ủy phụ trách công nghiệp EU (Antonio Tajani, có gần 500 tỷ EUR hàng giả, thuộc gần như tất cả các lĩnh vực, đang lưu hành trên thế giới hiện nay và dự kiến con số này sẽ tăng vọt lên gấp đôi trước năm 2015.

Châu Âu kêu gọi cảnh giác đồ chơi trẻ em không có nguồn gốc rõ ràng.

Châu Âu kêu gọi cảnh giác đồ chơi trẻ em không có nguồn gốc rõ ràng.

Cung cấp hàng giả số 1 thế giới

Đây không phải lần đầu tiên EU phát động chiến dịch tẩy chay hàng giả từ Trung Quốc. Liên tục trong những năm gần đây, EU cũng nhiều lần cảnh báo Trung Quốc về các sản phẩm tiêu cực này. Tháng 9-2010, EU đã yêu cầu chính phủ Trung Quốc cần phải thực hiện nhiều hành động thiết thực hơn nữa nhằm ngăn chặn các dòng chảy đưa các mặt hàng giả từ Trung Quốc vào thị trường thế giới hoặc châu Âu. Mặc dù cả EU và Trung Quốc đã ký một hiệp định chống hàng giả vào năm 2009 tại Thượng Hải, nhưng việc thực hiện các hiệp định ký kết này vẫn chưa hiệu quả. Chính vì thế từ nhiều năm nay, giữa châu Âu và Trung Quốc đã không ít lần xảy ra tranh cãi, va chạm về thương mại do EU cáo buộc Trung Quốc đã không có những hành động cụ thể để đấu tranh chống hàng giả. Và lần này, EC - cơ quan hành pháp của EU - chính thức phát động “cuộc tổng tấn công” vào hàng giả Trung Quốc.

Việc một thị trường tiêu dùng lớn như châu Âu phát động chiến dịch chống hàng giả Trung Quốc thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng đã được đề cập lâu nay trên khắp thế giới. Hàng giả của Trung Quốc nói riêng, hàng giả trên thế giới nói chung, đã thực sự trở thành vấn đề nghiêm trọng khi chúng không chỉ ngày càng “giống như thật” mà lan tràn ngày càng nhiều.

Trong bản báo cáo gửi tới đại diện thương mại Mỹ tại Trung Quốc hồi đầu năm nay, Liên minh quốc tế chống hàng giả, một tổ chức do các công ty quốc tế lập ra khẳng định Trung Quốc “vẫn là nguồn cung cấp hàng giả số 1 thế giới”. Nói về mức độ tinh vi của các tổ chức làm hàng giả, các chuyên gia châu Âu cho biết, các cơ sở sản xuất hàng giả Trung Quốc ngày càng nhiều và đã tồn tại nhiều năm qua ngay trong lòng châu Âu, thậm chí có khi các nhà máy sản xuất này được đặt ở các khu công nghiệp dưới vỏ bọc sản xuất một loại sản phẩm hợp pháp.

EC sẽ đưa ra một kế hoạch hành động trong giai đoạn 2013-2015 để tăng cường kiểm soát các thị trường châu Âu. Yếu tố mấu chốt là phải nắm được xuất xứ của hàng hóa. Tuy nhiên, theo ông Tijani, các quy tắc dù chặt chẽ thế nào cũng không đủ để bảo đảm an toàn. Vấn đề quan trọng là các quốc gia thành viên cần hành động để áp dụng các quy tắc do châu Âu đưa ra.

Hạnh Chi (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục