Angela Merkel - Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới

Nữ thủ tướng học chuyên ngành vật lý
Angela Merkel - Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới

“Mrs châu Âu” hay “Bà đầm thép nước Đức”, Angela Merkel đã tiếp tục được vinh danh khi đứng đầu bảng xếp hạng tốp 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới do Tạp chí Forbes (Mỹ) bầu chọn. Đây là năm thứ 2 liên tiếp và là lần thứ 5 Thủ tướng Đức Merkel nắm giữ danh hiệu này.

Thủ tướng Đức A. Merkel và chồng - giáo sư Joachim Sauer.

Thủ tướng Đức A. Merkel và chồng - giáo sư Joachim Sauer.

Nữ thủ tướng học chuyên ngành vật lý

Trong bài viết “Tại sao người Đức lại yêu sự bí ẩn của bà Merkel” đăng trên tờ Guardian, tác giả Jochen Hung cho rằng bất chấp những ý kiến không mấy đồng thuận trên thế giới khi Đức nắm giữ vai trò chủ chốt để giải quyết khủng hoảng tài chính châu Âu, sự chỉ trích của phe đối lập về chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ Angela Merkel, người dân Đức vẫn đứng sau và ủng hộ bà với tỷ lệ cao.

Thống kê mới nhất từ đài ARD cho thấy, 70% người Đức tin rằng bà Merkel là nhân vật tốt nhất để cứu đồng euro. Trong một cuộc thăm dò dư luận do Tạp chí Stern tiến hành, hơn 49% người Đức quyết định chọn bà Merkel là người tiếp tục trở thành người đứng đầu chính phủ.

Sự ủng hộ này không phải là không có lý do. Nếu nhìn nhận những gì bà Merkel đã làm trong thời gian qua để cứu đồng euro tránh khỏi nguy cơ sụp đổ, không ít người sẽ nhận ra vai trò quan trọng của một nước Đức do bà Merkel điều hành. Giữa cơn khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro, Đức vẫn đứng vững và đạt được sự tăng trưởng ổn định khiến nhiều nước phải ganh tị.

Sau 7 năm tại nhiệm, bà Merkel đã cầm lái kế hoạch ứng phó với khủng hoảng tài chính của châu Âu với những đòi hỏi giảm nợ và kiểm soát kinh tế chặt chẽ hơn. Được củng cố uy tín nhờ tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, bà Merkel đã từ chối mọi lời kêu gọi từ hai phía trái ngược: một phía đòi hỏi khai trừ Hy Lạp khỏi khu vực euro, phía ngược lại đề nghị giảm nhẹ các điều kiện hỗ trợ. Với việc duy trì chính sách trung lập chống lại sức ép từ các phía, bà đặt cược rằng các nhà hoạch định chính sách châu Âu sẽ cùng tiếp tục tránh để euro giảm giá, yếu tố sẽ giúp cho bà tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 vào năm sau, qua đó san bằng kỷ lục với “bà đầm thép Thatcher”.

Ông Giles Merritt, lãnh đạo nhóm Những người bạn của châu Âu - một nhóm nghiên cứu về Liên minh châu Âu - cho rằng, bà Merkel đang củng cố các nền tảng của mình cho kỳ bầu cử mùa thu năm sau: thực hiện các nguyên tắc chặt chẽ về ngân sách mà người Đức mong muốn, đồng thời ngăn ngừa sự đổ vỡ của khu vực đồng euro - điều quá rủi ro cho nước Đức, quốc gia luôn muốn đóng vai người vận động cho sự đồng thuận hòa hợp ở châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ II. Bà đã đập tan cơn sóng ngầm chống khu vực đồng euro trong liên minh của mình, tuyên bố rằng giải pháp hiện nay là “thêm, chứ không phải bớt cho châu Âu”.

Báo giới phương Tây cũng không ít lần nhận xét, bà Angela Merkel, một hiện tượng thú vị trên chính trường Đức hơn hai thập kỷ qua với phong cách điềm tĩnh và quyết đoán. Năm 1989, nhà nghiên cứu vật lý Merkel mới chính thức bước chân vào chính trường khi đảm nhận vai trò Phó phát ngôn viên của chính phủ tạm quyền trong giai đoạn nước Đức chuẩn bị thống nhất.

Năm 1994, Merkel đảm nhận vai trò Bộ trưởng Môi trường và an toàn hạt nhân. Đây là một bước ngoặt quan trọng giúp bà có nhãn quan chính trị rộng hơn và cũng là nền tảng để xây dựng sự nghiệp chính trị sau này.

Năm 2005, bà Merkel tiếp quản chiếc ghế của ông Gerhard Schroeder để trở thành Thủ tướng Đức. Đây là một sự kiện đặc biệt tại cường quốc kinh tế số một châu Âu. Merkel không chỉ là nữ thủ tướng đầu tiên mà còn là thủ tướng trẻ nhất của nước Đức, khi lên nắm quyền ở tuổi 51. Bà cũng là người đầu tiên của thế hệ sinh ra sau Thế chiến II trở thành Thủ tướng Đức, và là người đầu tiên đảm nhận vị trí này xuất thân từ một ngành khoa học tự nhiên. Bà Merkel tiếp tục lãnh đạo nước Đức trong nhiệm kỳ thứ hai từ năm 2009, với việc thành lập một chính phủ liên minh giữa đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà và đảng Dân chủ Tự do.

Và một Merkel khác

Trải qua hai cuộc hôn nhân, Thủ tướng Đức hiện không có con. Chồng bà Merkel hiện là giáo sư hóa học nổi tiếng tại Đức Joachim Sauer. Mạnh mẽ và quyết đoán trên chính trường nhưng khi trở về nhà bà vẫn là một người phụ nữ của gia đình và thích một lối sống bình dị. Bà Merkel từng tiết lộ “phụ tá tại gia” của bà không làm hết mọi thứ. Vì thế vợ chồng bà bàn bạc để quyết định xem ai bật máy giặt, ai phơi đồ và ai đi mua sắm.

Cứ mỗi thứ sáu hàng tuần bà viết một danh sách các đồ cần mua để chồng bà đến siêu thị. Nếu có thời gian rảnh rỗi, bà hay đến một siêu thị gần nhà và xếp hàng trả tiền như các bà nội trợ khác. Bà cũng rất thích làm vườn, thích trồng các loại hoa. Người đứng đầu Chính phủ Đức còn có đam mê nấu ăn. Cuối tuần, vợ chồng bà thường cùng chuẩn bị bữa ăn, món ăn ưa thích của bà Merkel là món rau thập cẩm và thịt heo luộc, còn ông Sauer thì thích món bánh nướng. Ngoài ra họ đều là “dân nghiện” các bài hát của nhạc sĩ Richard Wagner.

Vì mối quan tâm đặc biệt đến bóng đá, hình ảnh bà Merkel thường xuyên gắn với sự kiện lớn của đội tuyển Đức. Hồi tháng 5 năm nay, khi được hỏi về khả năng các lãnh đạo quốc gia tẩy chay Euro 2012 vì lý do chính trị, Chủ tịch UEFA Michel Platini khẳng định: “Nếu Đức lọt vào trận chung kết, tôi đoán chắc bà Merkel sẽ tới dự”.

Tại sao bà Merkel lại được lấy làm ví dụ? Đơn giản, ít có nguyên thủ châu Âu nào lại có hình ảnh gắn chặt với đội tuyển quốc gia đến thế, ngay cả cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi. Trước mỗi giải đấu, nếu không tổ chức lễ xuất quân hoành tráng (như World Cup 2010) bà Angela Merkel cũng dành thời gian đến tận đại bản doanh của đội tuyển để trực tiếp động viên cầu thủ, như chuyến “vi hành” đến Gdansk, Ba Lan, ở kỳ Euro 2012 này. Những trận đấu quan trọng, bà sẽ xuất hiện trên khán đài. Sau những thất bại (các giải đấu lớn của Đức kể từ khi bà lên nắm quyền luôn kết thúc bằng thất bại), bà đứng ra bảo vệ cầu thủ và xoa dịu dư luận.

Thanh Hằng (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục