Bùng nổ làn sóng Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp Mỹ

Trong bối cảnh suy giảm toàn cầu, nhìn trên mặt bằng chung, các vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) khá thưa thớt. Thế nhưng vẫn có những ngoại lệ. Nổi bật trong số ấy là những thương vụ Trung Quốc “nuốt chửng” các doanh nghiệp Mỹ, số vụ tăng nhanh đến mức bất ngờ trong năm nay.
Bùng nổ làn sóng Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp Mỹ

Trong bối cảnh suy giảm toàn cầu, nhìn trên mặt bằng chung, các vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) khá thưa thớt. Thế nhưng vẫn có những ngoại lệ. Nổi bật trong số ấy là những thương vụ Trung Quốc “nuốt chửng” các doanh nghiệp Mỹ, số vụ tăng nhanh đến mức bất ngờ trong năm nay.

AMC Entertainment (Mỹ) bị Dalian Wanda (Trung Quốc) thâu tóm với giá 2,6 tỷ USD.

AMC Entertainment (Mỹ) bị Dalian Wanda (Trung Quốc) thâu tóm với giá 2,6 tỷ USD.

Nhạy bén và chuyên nghiệp

Trong bài viết “Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp Mỹ gần chạm kỷ lục” trên tờ Financial Times có đề cập đến 7,8 tỷ USD trong các thương vụ “trao tay” từ Mỹ sang Trung Quốc trong năm 2012. Theo Trung tâm Cung cấp dữ liệu Dealogic (trụ sở ở Anh quốc), chỉ mới 8 tháng đầu năm con số này đã gần chạm đến mức kỷ lục các thương vụ M&A Trung Quốc đối với Mỹ năm 2007, là 8,9 tỷ USD. Trong đó, đình đám nhất là vụ Công ty Dalian Wanda (Trung Quốc) thâu tóm chuỗi rạp chiếu phim AMC Entertainment (Mỹ) với giá 2,6 tỷ USD hồi tháng 5 vừa qua.

Xếp thứ nhì là vụ hãng dầu khí Sinopec bỏ ra 2,4 tỷ USD để nắm phần lớn cổ phần của hãng dầu khí Devon Energy. Trong lĩnh vực ngân hàng, vụ M&A được nhắc nhiều nhất là Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) được phép mua lại Ngân hàng Đông Á của Mỹ ở New York. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc được thâu tóm một ngân hàng của Mỹ. ICBC là ngân hàng lớn nhất Trung Quốc với tài sản 2.500 tỷ USD, với 70,7% cổ phần do chính phủ nắm giữ.

Ông Joe Gallagher, Giám đốc bộ phận M&A tại châu Á của Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) nhận định: “Các vụ thâu tóm và sáp nhập mà Trung Quốc thực hiện đối với các doanh nghiệp Mỹ ngày càng tăng nhanh xuất phát từ tốc độ phát triển ấn tượng của Trung Quốc trên các lĩnh vực dịch vụ cũng như cơn khát tài nguyên của nền kinh tế đứng thứ nhì thế giới”.

Theo đánh giá của Credit Suisse, Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh, giàu có hơn và thành thạo hơn trong các tiêu chuẩn thương mại quốc tế. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí ngày càng nhạy bén, chuyên nghiệp hơn trong việc dàn xếp những thương vụ M&A bằng cách đầu tư thời gian và tiền bạc cho những công ty tư vấn chuyên nghiệp trước khi thực hiện M&A. Ngân hàng Credit Suisse là đơn vị tư vấn chính cho việc M&A của Trung Quốc với Mỹ.

Số hợp đồng thành công có sự tư vấn của ngân hàng này có tổng giá trị lên đến 5,1 tỷ USD, chiếm 65% tổng số giá trị M&A của Trung Quốc với Mỹ năm nay. Credit Suisse đã tư vấn cho Trung Quốc trong vụ Sinopec-Devon và là một trong 5 nhà tư vấn trong vụ mua AMC. Nếu tính đến các vụ M&A của Trung Quốc với các nước thì Credit Suisse là nhà tư vấn thứ ba sau Goldman Sachs và Citigroup.

Theo thống kê của Mergermarket (thuộc Financial Times Group), tổng giá trị M&A trong nửa năm đầu của Trung Quốc với doanh nghiệp toàn cầu là 48,6 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng M&A toàn cầu năm 2012 được cho là thấp nhất kể từ năm 2003. Vậy mà “sức khỏe” của hoạt động M&A Trung Quốc - Mỹ vẫn tăng đều, khả quan hơn rất nhiều nếu so với M&A chung toàn cầu lẫn riêng của Trung Quốc. “Vòi bạch tuộc” Trung Quốc sắp tới sẽ vươn dài ra nhiều doanh nghiệp nước ngoài lớn khác. Công ty Năng lượng quốc doanh CNOOC của Trung Quốc đã chào mua Công ty Nexen của Canada với giá 18 tỷ USD. Sinopec cũng muốn tiếp tục đầu tư khi đang cân nhắc chi hàng tỷ USD để mua lại tài sản của hãng khí đốt Mỹ Chesapeake Energy.

Tận dụng khủng hoảng

Còn nhớ, khi khủng hoảng tài chính chưa diễn ra, năm 2005, CNOOC đã tiết lộ tham vọng thâu tóm công ty dầu lửa Unocal của Mỹ nhưng không thành công vì vướng rào cản từ các nhà chức trách của Mỹ. Hãng điện tử viễn thông khổng lồ Huawai của Trung Quốc cũng từng có thất bại tương tự. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã có những chuyển biến có lợi cho Trung Quốc. Ge Shunqi, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế quốc tế thuộc Đại học Nam Khai, Thiên Tân cho rằng trong lúc nền kinh tế Mỹ vẫn đang cố gắng thoát khỏi những khó khăn nội tại thì việc Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư sang Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới mở rộng cửa chào đón. Giới phân tích nhận định, đầu tư của Trung Quốc sẽ đem lại nhiều tiềm năng và góp phần ổn định tốc độ tăng trưởng của Mỹ trong 10 năm tới.

Theo China Daily, tổ chức chuyên nghiên cứu phân tích xu hướng kinh tế toàn cầu Rhodium (trụ sở ở New York) đầu tháng 8 đã đưa ra báo cáo cho thấy FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) của Trung Quốc đổ vào Mỹ đạt 3,6 tỷ USD trong nửa đầu năm 2012 với 33 dự án, trong đó có 12 dự án liên quan tới hoạt động M&A và 21 dự án còn lại là đầu tư vào lĩnh vực xanh. Thilo Hanemann, Giám đốc nghiên cứu của Rhodium chuyên giám sát về đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ dự báo, vốn FDI của Trung Quốc vào Mỹ năm nay đạt 8 tỷ USD, qua mặt mức kỷ lục 5,7 tỷ USD của năm 2010.

Nếu dầu khí là lĩnh vực Trung Quốc ưu tiên đầu tư thì xếp sau là lĩnh vực không gian, ngân hàng, tái chế kim loại, nhựa, năng lượng thay thế và chuyển đổi… Theo ông Ge Shunqi, Mỹ là quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên và tiềm lực công nghệ cực mạnh nên nếu nước này mở cửa thông thoáng cho giới đầu tư nước ngoài thì đầu tư của Trung Quốc sẽ tăng đột biến trong hai lĩnh vực này, nhất là ở những ngành cần công nghệ cao.

Mặc dù các ứng cử viên tổng thống và quốc hội đều lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc vi phạm những quy định tự do thương mại, nhưng trong nỗ lực kêu gọi đầu tư thông qua nhiều hình thức, trong đó có M&A, Mỹ gần đây đã có những chính sách cũng như đề xuất tạo cơ hội cho Trung Quốc dễ tiếp cận hơn với thị trường Mỹ. Cụ thể, hồi tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc đồng ý cho Trung Quốc trực tiếp mua nợ chính phủ Mỹ mà không cần thông qua thị trường chứng khoán Wall Street.

Đây là lần đầu tiên Bộ Tài chính Mỹ quan hệ trực tiếp với một chính phủ nước ngoài. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Obama đã đề xuất tăng mức độ cấp visa cho Trung Quốc lên 40% năm 2012 và tuyên bố chính thức hoan nghênh sự tham gia của Trung Quốc vào việc phát triển cơ sở hạ tầng của Mỹ tại Đối thoại kinh tế chiến lược Mỹ - Trung hồi tháng 5 vừa qua.

Như Quỳnh (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục