HTX vận tải, nông nghiệp gặp khó

Chiều 15-8, đồng chí Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM đã chủ trì cuộc họp với các hợp tác xã (HTX) vận tải và các sở ngành liên quan đến hoạt động vận tải trên địa bàn TPHCM.
HTX vận tải, nông nghiệp gặp khó
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hiện trên địa bàn TP có 179 HTX hoạt động trên các lĩnh vực như: vận tải hành khách theo tuyến cố định, hợp đồng, du lịch bằng xe ô tô, taxi, xe buýt, vận tải hàng hóa bằng xe tải và container. Trong số này có 8 HTX chưa tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012. Một trong những khó khăn chính của các HTX vận tải hiện nay chính là khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng để đổi mới phương tiện vận tải, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh… 

Phản ánh thêm về các vướng mắc hiện tại, đại diện HTX xe buýt Quyết Thắng cho biết, từ nhiều năm nay TP áp dụng mức khoán doanh thu trên số ghế mà chưa quan tâm tới số hành khách thực sử dụng xe buýt nên HTX gặp nhiều khó khăn. Vừa qua TP có chủ trương hỗ trợ các HTX vận tải hành khách công cộng thay xe buýt cũ bằng xe buýt mới sử dụng khí CNG làm nhiên liệu để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, năm 2017 tiền trợ giá lại giảm. Đã vậy, sản lượng hành khách khoán cho các HTX tăng từ 7% - 11% . Vì thế, hầu hết các đơn vị đã đầu tư xe mới nói chung, xe CNG nói riêng đều gặp khó khăn. 

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Trương Thị Ánh cho rằng, nghe các HTX phản ánh mới thấy phần nào những khó khăn, vất vả trong quá trình hoạt động, kinh doanh. Cuộc họp lần này để tìm dữ liệu nhằm xây dựng, kết cấu chương trình “Lắng nghe và trao đổi” vào tháng 9 tới. “Đề nghị các sở, ngành lưu ý theo dõi, giúp đỡ các HTX về giải pháp thực thi, gỡ khó vướng mắc, tạo điều kiện để các HTX hoạt động có hiệu quả. Song song đó, đối với mỗi HTX cũng nên chủ động nghiên cứu, tự đổi mới, cải thiện chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng”, đồng chí Trương Thị Ánh yêu cầu. 

Cùng ngày, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM đã có buổi làm việc với Sở NN-PTNT cùng các sở ngành liên quan về “Động lực phát triển HTX trên địa bàn TPHCM”. Đại diện Sở NN-PTNT cho biết, đến ngày 14-8, TPHCM có 68 HTX đăng ký hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, nhưng chỉ còn 41 HTX hoạt động. Trong số này có 24/41 HTX hoạt động hiệu quả (58,5%), 15 HTX hoạt động chưa hiệu quả (36,6%) và 2 HTX hoạt động không hiệu quả (4,9%). Có 7/41 HTX tham gia chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Nhà nước và TPHCM có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện giúp HTX nông nghiệp phát triển như: đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng KHKT và công nghệ mới; tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX; ưu đãi về tín dụng... Tuy nhiên, các HTX nông nghiệp vẫn đang đối diện với các khó khăn: nhận thức, vốn và cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, tiêu thụ sản phẩm, đất đai, cơ chế và chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

HTX Phước An (Bình Chánh) kiến nghị cho xã viên xây nhà tiền chế trên đất sản xuất với diện tích nhỏ (4m²) để làm nơi chứa vật tư nông nghiệp cũng như sơ chế, đóng gói; HTX Hiệp Thành (Nhà Bè) vướng trong việc được chứng nhận VietGAP do nằm trong vùng quy hoạch khu đô thị - cảng Hiệp Phước; HTX Mai Hoa (Hóc Môn) đã được huyện cho thuê đất làm nhà sơ chế nhưng 1 năm nay vẫn chưa thể xúc tiến do chưa có sự đồng ý của ngành chức năng. Trong khi đó, HTX Phú Lộc và HTX chăn nuôi Tiên Phong lại vướng về vốn để mở rộng sản xuất…

Theo ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, tổ chức lại sản xuất thông qua HTX giúp nông dân trụ vững trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, tỷ lệ nông dân tham gia HTX còn rất thấp. Để cho HTX có thể tiếp cận các chính sách, nhất là về nguồn vốn, dù TP đã có nhiều chính sách nhưng vẫn cần phải tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tế. Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, ông Nguyễn Văn Dũng đề nghị các sở ngành giải quyết đứt điểm những kiến nghị và vướng mắc các HTX; cho rằng, động lực để phát triển HTX là hệ thống chính sách phù hợp, thực tế và sự tự thân phấn đấu của các HTX. 

Tin cùng chuyên mục