Huawei đi nước cờ pháp lý mới

Ngày 29-5, Tập đoàn Huawei đã nộp đơn kiến nghị yêu cầu tòa án Mỹ dỡ lệnh cấm các cơ quan trong Chính phủ Mỹ mua thiết bị của tập đoàn này vì cho đó là vi hiến. 
Nông dân Mỹ bị ảnh hưởng lớn bởi lệnh cấm Huawei. Ảnh: Asia Times
Nông dân Mỹ bị ảnh hưởng lớn bởi lệnh cấm Huawei. Ảnh: Asia Times

Các nhà phân tích nhận định, Huawei đang đi một nước cờ pháp lý mới ngăn nguy cơ bị gạt khỏi cuộc đua xây dựng mạng 5G trong tương lai

Tăng tốc phản kích

Trưởng phòng Pháp chế Huawei Tống Lục Bình cho biết, Huawei đã nộp đơn kiến nghị lên Tòa án Liên bang Mỹ ở Plano, Texas, yêu cầu bãi bỏ lệnh cấm các cơ quan trong chính phủ liên bang mua sản phẩm của Huawei. Lệnh cấm mà ông Tống đề cập là Điều 889 trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) 2019 được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký tháng 8-2018. Trong đó, yêu cầu các cơ quan liên bang và nhà thầu Mỹ không mua thiết bị và dịch vụ từ Huawei hay hợp tác với bên thứ 3 là khách hàng của tập đoàn Trung Quốc này.

Washington ngày 15-5 đã cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông bị coi là rủi ro với an ninh quốc gia. Bộ Thương mại Mỹ sau đó cũng đưa Huawei và khoảng 68 chi nhánh của tập đoàn này vào danh sách cấm mua các bộ phận và linh kiện từ Mỹ, khiến tập đoàn hàng đầu Trung Quốc này đứng trước nguy cơ bị cô lập về công nghệ.

Huawei lập luận rằng, lệnh cấm được nêu trong Điều 889 NDAA là vi hiến khi trừng phạt một người hoặc một nhóm mà không cần xét xử.

Tại buổi họp báo của Huawei, ông Tống cho biết: “Chính phủ Mỹ không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy Huawei là mối đe dọa an ninh. Chẳng có lửa cũng không có khói, chỉ toàn là suy đoán. Huawei tin vào sự độc lập, toàn vẹn của hệ thống tư pháp Mỹ và hy vọng tòa án sẽ sửa chữa những sai lầm trong NDAA”.

Đơn kiến nghị này của Huawei đề nghị thẩm phán tòa án liên bang ra quyết định tóm lược nhằm nhanh chóng giải quyết khiếu nại của họ dựa trên những thông tin đã được cung cấp mà không cần phải trải qua tiến trình xét xử đầy đủ.

Các động thái trên mặt trận pháp lý của Huawei ở tòa án Mỹ cho thấy tập đoàn này sẵn sàng sử dụng mọi phương thức để ngăn nguy cơ bị gạt khỏi cuộc đua xây dựng mạng 5G trong tương lai. Tòa án quận Đông Texas dự kiến mở phiên xử vào ngày 19-9, đồng nghĩa với việc Huawei tiếp tục chịu áp lực từ NDAA trong vài tháng tới. Mục đích của Huawei là tăng tốc quá trình tìm phán quyết có lợi cho mình, loại bỏ Điều 889 NDAA, dỡ bỏ một phần của luật mà không cần trích xuất toàn bộ luật.

Kẻ được, người mất

Hãng tin Reuters dẫn một báo cáo do Công ty Nghiên cứu Gartner công bố ngày 28-5 cho thấy, Huawei vẫn duy trì được vị trí số 2 về doanh số trên thị trường điện thoại thông minh (smartphone) toàn cầu trong quý 1 năm nay, bất chấp sức ép ngày càng lớn từ Mỹ.

Báo cáo cũng ghi nhận, Huawei tiếp tục thu hẹp khoảng cách với Samsung - đối thủ Hàn Quốc đang giữ thị phần số 1 smartphone toàn cầu, dù cảnh báo rằng tốc độ tăng trưởng doanh số smartphone của Huawei sẽ bị hạn chế trong ngắn hạn do tác động từ biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Gartner cho biết Samsung chiếm 19,2% thị phần smartphone toàn cầu trong quý 1 năm nay, trong khi Huawei đạt tốc độ tăng trưởng doanh số so với cùng kỳ năm ngoái cao nhất trong tốp 5 (gồm Samsung, Huawei, Apple, Oppo và Vivo). Trong 3 tháng đầu 2019, Huawei bán được 58,4 triệu smartphone trên toàn cầu. Huawei đạt kết quả đặc biệt tốt tại châu Âu và Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Công.

Theo New York Times, Huawei đóng vai trò rất quan trọng cho nhiều nhà mạng mở rộng vùng phủ sóng, phục vụ những vùng dân cư thưa thớt, vì thiết bị của họ thường có giá rẻ hơn so với các thiết bị khác cùng tầm phủ sóng, nên lệnh cấm của Chính phủ Mỹ cũng đang ảnh hưởng sâu sắc đến nông thôn nước này.

Hiệp hội Không dây nông thôn, nhóm thương mại đại diện 55 nhà mạng nhỏ ở Mỹ, ước tính các thành viên sẽ tiêu tốn từ 800 triệu đến 1 tỷ USD để thay thế thiết bị Huawei, ZTE hay của các công ty Trung Quốc khác. Nhiều nhà mạng ở nông thôn muốn mở rộng vùng phủ sóng nhưng lại phụ thuộc vào trợ cấp từ Ủy ban Truyền thông liên bang. Cơ quan này đã đề xuất cắt khoản tiền trợ cấp với các đơn vị dùng thiết bị của Huawei và ZTE với lý do mạng lưới cần được bảo mật, không chỉ cho thành thị mà còn cả nông thôn.

Tin cùng chuyên mục