Hướng đến chợ đầu mối thực phẩm an toàn


Các chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM đang triển khai thực hiện các sản phẩm phải được truy xuất nguồn gốc (TXNG) trước khi vào chợ; đồng thời, tạo môi trường kinh doanh sạch sẽ, không gây ô nhiễm để hướng tới chợ an toàn vệ sinh thực phẩm. 
Khu nhà lồng mát kinh doanh thịt heo tại chợ đầu mối NSTP Bình Điền
Khu nhà lồng mát kinh doanh thịt heo tại chợ đầu mối NSTP Bình Điền

Theo Ban quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm (NSTP) Bình Điền, sau khi triển khai thành công đề án “Quản lý, nhận diện và TXNG thịt heo”, lượng thịt heo vào chợ đã đảm bảo 100% sản phẩm có đầy đủ thông tin. Tiếp nối thịt heo, mặt hàng thịt - trứng gia cầm vào chợ cũng đã được TXNG. Song song đó, ban quản lý chợ còn vận động thương nhân kinh doanh ngành hàng thủy - hải sản tham gia các chuỗi thực phẩm an toàn; dự kiến có chuỗi cá rô ở Hậu Giang; cá nục, cá ngừ ở Bà Rịa - Vũng Tàu; cá kèo ở Bạc Liêu; cá chẽm ở Sóc Trăng và tôm ở huyện Cần Giờ (TPHCM). Đồng thời, cũng đang triển khai toàn bộ sản phẩm vào chợ (như rau, thủy - hải sản…) phải có TXNG. Để hướng tới chợ an toàn vệ sinh thực phẩm, chợ đầu mối NSTP Bình Điền đã đưa vào hoạt động nhà lồng có trang bị hệ thống làm mát để kinh doanh thịt heo. Nhà lồng được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ thông qua dự án “Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi” với các thiết bị hiện đại và quy trình kinh doanh đảm bảo vệ sinh. 

Chợ đầu mối NSTP Hóc Môn cũng đang triển khai thực hiện các tiêu chuẩn về TXNG, môi trường kinh doanh không ô nhiễm. Đơn cử, ban quản lý chợ vừa phối hợp với Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp để kết nối vùng nguyên liệu, triển khai “đặt hàng” sản phẩm chất lượng sạch và trong tương lai sẽ ưu tiên tiếp nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, đặc biệt là sản phẩm TXNG. 

Tại chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức có thêm kế hoạch mới là triển khai bắt buộc các loại nông sản trước khi vào chợ phải được sơ chế sạch. Nguyên nhân, rác thải từ nông sản đã khiến chợ tốn nhiều kinh phí cho các hoạt động khử trùng, dọn dep, xử lý. Đầu năm 2018, ban quản lý chợ đã làm việc với Sở NN - PTNT tỉnh Lâm Đồng và đạt được sự đồng thuận về sơ chế nông sản tại nguồn. Ngay sau đó, chợ đã thí điểm một số mặt hàng (củ cải đỏ, cải thảo) để từng bước nhân rộng sang các loại nông sản khác. Vào cuối tháng 9 này, chợ sẽ không cho toàn bộ sản phẩm nông sản vào sơ chế trong nhà lồng chợ.

Trung bình mỗi ngày, 3 chợ đầu mối là Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền nhập về lượng hàng hóa khoảng 9.000 tấn/chợ. Số lượng rác thải mỗi đêm ước tính khoảng 240 tấn, trong đó 90% rác thải từ sơ chế từ nông sản và số tiền xử lý rác thải này rất cao, gây lãnh phí. Cụ thể, chợ đầu mối Thủ Đức mỗi ngày có khoảng 70 tấn rác thải nông sản, phải chi khoảng 300 triệu đồng/tháng để thuê người thu gom, đơn vị vận chuyển. Còn tại chợ đầu mối NSTP Hóc Môn có khoảng 80 tấn rác thải nông sản/ngày, tốn 160 triệu đồng/tháng để xử lý rác. Tuy là chợ chuyên về thủy - hải sản nhưng mỗi ngày chợ đầu mối NSTP Bình Điền cũng tiếp nhận 20% sản phẩm nông sản; tuy nhiên, số sản phẩm nông sản này lại chiếm đến 70% tổng lượng rác thải toàn chợ. 

Ban quản lý chợ đầu mối NSTP Bình Điền cho biết đã làm việc với các thương nhân kinh doanh mặt hàng nông sản và sắp tới sẽ không cho sơ chế trong chợ.

Tin cùng chuyên mục