Hướng đi mới trong giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong trường phổ thông hiện nay đang vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bởi khung chương trình dạy học chưa có, năng lực giáo viên còn hạn chế do chưa được đào tạo bài bản nội dung cũng như phương pháp giảng dạy, mà chủ yếu dạy học bằng kinh nghiệm. 
Trước thực trạng đó, dạy học tích hợp - một trong những phương pháp dạy học tiên tiến được xem là hướng đi mới trong dạy kỹ năng sống cho học sinh. 
Hướng đi mới trong giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ảnh 1 Học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) trong một giờ học kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
 Nguồn lực tự thân còn yếu
Mới đây, trong một bài nghiên cứu về thực trạng nguồn nhân lực tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh các trường THPT trên địa bàn TPHCM, Thạc sĩ Nguyễn Huy Cường, giáo viên Trường THPT Hoàng Hoa Thám, cho biết cán bộ quản lý trường học hiện nay đánh giá cao việc phối hợp với lực lượng chuyên môn bên ngoài nhà trường trong phân công tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Cụ thể, có đến 80% cán bộ quản lý hài lòng với việc phối hợp các lực lượng chuyên môn ngoài nhà trường, 20% ý kiến tỏ ra băn khoăn và không có ý kiến phản đối. Tương tự, tại bảng khảo sát ý kiến học sinh, có đến 83,4% học sinh hài lòng với hình thức phối hợp lực lượng chuyên môn ngoài nhà trường; 68,3% ý kiến chọn giải pháp phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội ngoài trường học.
Khi phỏng vấn những học sinh này, các em cho biết thầy cô trên lớp chủ yếu lồng ghép kiến thức và kỹ năng sống thông qua bài học hoặc tiết sinh hoạt chủ nhiệm một cách qua loa, thiếu vận dụng thực hành, đặc biệt là chưa có hệ thống kiến thức rõ ràng cho từng kỹ năng. 
Đồng quan điểm, thầy Đỗ Quốc Thịnh, giáo viên Trường THCS Bình Chiểu (quận Thủ Đức), nhận định có 3 nguyên nhân khiến chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh hiện nay chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Đó là do chương trình giảng dạy còn nghiêng nhiều về kiến thức; giáo viên lúng túng khi vận dụng kiến thức kỹ năng sống trong nội dung bài dạy; nhiều thầy, cô dù vững chuyên môn nhưng chưa thật sự nắm bắt tâm lý lứa tuổi học sinh, dẫn đến khó khăn trong giảng dạy.
Ngoài ra, theo kết quả khảo sát của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Phân viện miền Nam Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, ngoài một số nguyên nhân như học sinh hiện nay dành quá nhiều thời gian cho việc học, lịch học của các em quá dày, trường học chưa có giáo viên chuyên trách dạy kỹ năng sống, thiếu chương trình giáo dục kỹ năng sống hoàn thiện…, nhiều học sinh cho biết có thể tự tìm hiểu thông tin về kỹ năng sống thông qua mạng internet và ngoài việc học, các em còn nhiều thú vui khác hơn là quan tâm giáo dục kỹ năng sống.
Qua đó cho thấy, hiệu quả của hoạt động này chưa cao do chưa có sự tin tưởng của người học vào chất lượng đào tạo của nhà trường, nhiều học sinh tỏ ra thiếu quan tâm, chưa hứng thú với hoạt động này.
Dạy kỹ năng sống mọi lúc, mọi nơi
Trước thực tế đó, Tiến sĩ Ngô Phan Anh Tuấn, Khoa Quản lý giáo dục, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM, đề xuất mô hình dạy học tích hợp trong giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông: “Dạy học tích hợp không phải là sự pha trộn cơ học của nhiều bộ môn khác nhau mà là kết hợp nhiều loại kiến thức, kỹ năng để cùng giải quyết những vấn đề mà cuộc sống đặt ra cho người học.
Trong đó, phương pháp dạy học theo mô hình học tập trải nghiệm hiện nay được nhiều giáo viên quan tâm áp dụng”. Cụ thể, trong quá trình dạy học các môn chính khóa, giáo viên bộ môn sẽ cung cấp cho học sinh một số kỹ năng sống liên quan đến môn học, giới thiệu cho các em những ưu điểm cũng như hiệu quả khi vận dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Qua đó, tích hợp giáo dục kỹ năng sống trong giờ học chính khóa sẽ đạt được mục tiêu kép: vừa nâng cao chất lượng dạy học các môn chính khóa, vừa góp phần giúp học sinh tự tin vận dụng các kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn. Mặt khác, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động giáo dục (theo nghĩa rộng) bao gồm cả hoạt động dạy học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Ngoài các tiết giáo dục kỹ năng sống chính khóa thì hoạt động đoàn, đội dưới sự dẫn dắt của giáo viên Tổng phụ trách Đội có tác dụng hỗ trợ cho giáo viên chủ nhiệm thực hiện tốt các chương trình ngoại khóa, nhằm giúp học sinh vận dụng những kỹ năng đã học vào thực tế, từ đó tự tin phát triển năng lực bản thân.
Về lâu dài, các trường kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm có khung chương trình giáo dục kỹ năng sống cụ thể cho từng bậc học để hoạt động này đi vào ổn định, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu như hiện nay.
Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ, mục tiêu giáo dục đang chuyển mạnh từ việc trang bị kiến thức sang hình thành năng lực và phẩm chất cần thiết cho học sinh.
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang xây dựng cũng theo hướng tiếp cận và phát triển năng lực người học. Điều đó đòi hỏi nhà trường phải chú trọng kết hợp cả dạy chữ và dạy người, trang bị cho học sinh các kỹ năng sống cần thiết để các em tự tin thể hiện năng lực bản thân, hòa nhập cuộc sống.
Song, trước tình trạng dạy và học kỹ năng sống ở trường học hiện nay còn nhiều hạn chế, giáo dục kỹ năng sống không chỉ lồng ghép vào các môn học mà cần được triển khai mọi nơi, mọi lúc, trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (như các hội thi, sinh hoạt tập thể, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, tham quan, dã ngoại về nguồn…), giúp các em có thêm cơ hội học tập và trải nghiệm, đúc kết kinh nghiệm sống cho bản thân.

Tin cùng chuyên mục