Hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Với mức hỗ trợ vốn đầu tư lên đến 200 tỷ đồng, cùng lãi suất ưu đãi kéo dài 7 năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực cơ khí đã có thể mạnh dạn đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất mới của Nhật Bản. 
 
Việc đầu tư này giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí nhân công, nâng cao dịch vụ phục vụ đối tác sản xuất. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã có thể trở thành nhà cung ứng cấp 1 trong hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu cho các tập đoàn lớn trên thế giới.
Bật dậy nhờ vốn ưu đãi

Điển hình nhất là trường hợp Công ty TNHH Cơ khí thương mại Nhật Long. Ông Nguyễn Ngô Long, giám đốc công ty, cho biết ngay sau khi nhận được hỗ trợ từ vốn kích cầu, công ty đã mạnh dạn đổi mới dây chuyền sản xuất. Đặc biệt là hệ thống máy chế tạo hoàn toàn tự động, sản xuất theo quy trình khép kín; không sinh nhiệt, không gây ô nhiễm môi trường. Ông Long nhẩm tính, với chính sách hỗ trợ vốn vay tương ứng 85% tổng giá trị đầu tư (doanh nghiệp chỉ cần vốn đối ứng 15%), lãi suất ưu đãi lên đến 7 năm là công ty hoàn toàn có thể thu hồi vốn đầu tư. Trong khi đó, tuổi đời máy của Nhật Bản sản xuất ít nhất cũng hoạt động tốt đến 30 năm. Như vậy, trong hơn 20 năm tiếp theo, doanh nghiệp đã có thể thu lãi hoàn toàn. 
Hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ảnh 1 Công nhân Công ty TNHH Cơ khí thương mại Nhật Long đang vận hành dây chuyền sản xuất mới được trang bị từ chính sách hỗ trợ vốn của UBND TPHCM
 Chưa kể, từ khi đầu tư dây chuyền sản xuất tự động, doanh nghiệp của ông Long đã tiết giảm được hơn 20 lao động, giảm giá thành sản xuất và tăng được khả năng cạnh tranh với các công ty của Đài Loan, Trung Quốc và Nhật Bản khác trong phân khúc sản xuất sản phẩm trống Honda, trống nhôm sập, trống nhôm, máy dán ống… Thông thường, những sản phẩm trên sản xuất tại Đài Loan có giá 300 triệu đồng/sản phẩm, nhưng giá sản phẩm tại công ty rất cạnh tranh, chỉ với 150 triệu đồng/máy. Hiện công ty đã trở thành nhà cung ứng sản phẩm phụ trợ cho hơn 20 doanh nghiệp Nhật Bản, Đài Loan đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam.  
Cũng nhờ chính sách hỗ trợ thiết thực của TPHCM, Công ty cổ phần Công nghiệp Minh Nguyên đã vươn lên trở thành nhà cung ứng cấp 1 trong hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu cho Tập đoàn Samsung, cung ứng hơn 200 loại sản phẩm với tối thiểu 20 triệu linh kiện trong một năm cho phía đối tác Hàn Quốc. Chia sẻ về những thành công, ông Châu Bá Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp Minh Nguyên, nhận xét, việc TPHCM ban hành Quyết định 15 về hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, có thể nói là sự hậu thuẫn rất lớn của thành phố dành cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Bởi, vấn đề nguồn vốn luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Tháo gỡ khó khăn này, thành phố đã có chương trình vay vốn hỗ trợ 50% hay 100% lãi suất cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Điều này đã giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp trong việc mở rộng phát triển các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, việc xét duyệt các dự án vay vốn cũng nới rộng hơn, thủ tục hồ sơ tinh giản hơn, giúp nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận được các gói vay kích cầu. Đổi mới sản xuất để tiếp cận thị trường Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết ngành cơ khí (chiếm tỷ trọng khoảng 17,2% giá trị sản xuất toàn ngành) tiếp tục tập trung để tăng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ; lũy kế 7 tháng đầu năm 2017 ước tăng 21,03% so cùng kỳ. Ngành cơ khí tăng cao so cùng kỳ (7 tháng năm 2016 chỉ tăng 5,6%) do 2 phân ngành tăng khá. Một là, ngành sản xuất xe có động cơ tăng nhanh (7 tháng ước tăng 47,55% so cùng kỳ) nhờ nhu cầu thị trường lớn, lượng ô tô lắp ráp trong nước tiêu thụ tăng khá do các doanh nghiệp triển khai các chương trình khuyến mãi giá xe giảm mạnh. Hai là, ngành sản xuất thiết bị điện đang có lộ trình và cơ hội phát triển (7 tháng ước tăng 25,35% so cùng kỳ) nhờ phát huy tiềm năng thị trường tiêu thụ lớn trong và ngoài nước, tốc độ tăng trưởng khá cao, khoảng 20 - 25% mỗi năm.  Các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đã sản xuất được trên 90% phụ kiện, thiết bị chính cho lưới điện. Nhiều sản phẩm thiết bị điện có tỷ lệ nội địa hóa cao; nhiều doanh nghiệp đã trở thành đối tác sản xuất thiết bị điện tin cậy của các tập đoàn hàng đầu thế giới và đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sang thị trường các nước Đông Nam Á và khu vực Nam Mỹ, châu Phi…   Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã thực hiện các chiến lược, giải pháp khác nhau nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh và đã đưa ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Chẳng hạn như Công ty CP Dây và cáp điện Việt Nam (CADIVI) đưa ra sản phẩm mới là cáp ngầm trung thế phòng chống cháy nổ, thích hợp cho các công trình ngầm. Ngoài ra, các sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật cao của công ty như cáp chịu nhiệt, chịu dầu, chống cháy… được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lựa chọn sử dụng thay thế các sản phẩm nhập ngoại.  Có thể thấy, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm phụ trợ của UBND TPHCM đã rất sát thực tế. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp phải luôn đảm bảo chất lượng theo như cam kết với khách hàng trong suốt quá trình hợp tác, thậm chí chất lượng cần được cải tiến nâng cao theo thời gian. Chất lượng ở đây không chỉ nói riêng chất lượng sản phẩm mà còn bao hàm cả chất lượng dịch vụ. Chất lượng dịch vụ thể hiện ở sự tương tác giao tiếp với khách hàng, quy trình thương thảo, tư vấn cho khách hàng giải pháp tối ưu, quá trình vận chuyển giao nhận hàng hóa, khả năng xử lý tình huống khi có phát sinh… “Tất cả đòi hỏi sự chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế trong công tác đào tạo nguồn nhân lực và quản lý vận hành, cũng như định hướng phát triển đúng đắn của doanh nghiệp lấy khách hàng làm trọng tâm, lúc đó mới có thể cạnh tranh được khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Châu Bá Long khẳng định.

Tin cùng chuyên mục