Hướng mở trong sáng tác, lưu hành tác phẩm nghệ thuật

Ngày 31-10,  tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo “Hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay”. 
Quản lý biểu diễn nghệ thuật sẽ giảm thiểu thủ tục rườm rà
Quản lý biểu diễn nghệ thuật sẽ giảm thiểu thủ tục rườm rà
Nhiều giải pháp đã được các nhà quản lý đưa ra, với mong muốn tạo một hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi hơn cho người hoạt động nghệ thuật.
Bớt tiền kiểm, tăng hậu kiểm
Hiện nay, hoạt động sáng tác, phổ biến, lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc diễn ra vô cùng sôi động, đa dạng với sự xuất hiện ngày càng dày đặc các chương trình truyền hình về sáng tác, biểu diễn, tìm kiếm tài năng nghệ thuật hay đơn thuần chỉ là nghệ thuật giải trí. Với sự trợ giúp phổ biến, lưu hành vô cùng tốc độ và hiệu quả của truyền thông trên môi trường internet. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động này cũng bộc lộ một số hạn chế, từ việc xây dựng, hoàn thiện chính sách cho đến việc áp dụng, thực thi trong đời sống; cả về nâng cao nhận thức, định hướng phong cách thưởng thức, đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng… 
Chia sẻ về nội dung này, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên cho biết giữa các văn bản pháp lý và trong thực tế hoạt động nghệ thuật, sáng tác, biểu diễn vẫn còn nhiều độ chênh để điều chỉnh dần. Song xu hướng chung là sẽ quản lý bằng cách bớt tiền kiểm, tăng hậu kiểm, giảm bớt các thủ tục hành chính nặng nề. Ví dụ như nếu trước đây, các ca sĩ ở nước ngoài xin về nước biểu diễn với công ty tổ chức sự kiện nào thì công ty đó xin giấy phép và ca sĩ ấy chỉ được diễn cùng công ty ấy, muốn biểu diễn trong sự kiện khác, nơi khác lại phải làm thủ tục xin phép tiếp. Sắp tới, có thể sẽ thay đổi theo hướng cấp phép thẳng cho ca sĩ để họ tự do hoạt động nghệ thuật như các nghệ sĩ trong nước, Thứ trưởng nói. 
Chia sẻ những khó khăn trong vấn đề cấp phép biểu diễn nghệ thuật, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở VH-TT Hà Nội cũng cho rằng, đôi lúc việc này mang nặng tính hình thức. Cụ thể như khi xin cấp phép, các ca khúc chỉ cần nộp một bản photo bản nhạc, tức là duyệt trên giấy, đến khi tổng duyệt mới thực sự được nghe bài đó ra sao, âm nhạc thế nào… Ngôn từ thì không có vấn đề nhưng âm nhạc thì đủ các thể loại từ rap, rock… lộn nhào với nhau. Đại diện Sở VH-TT Hà Nội cũng đề nghị, nên linh hoạt hơn đối với các trường hợp tổng duyệt mà đơn vị biểu diễn xin đổi bài (thay vì phải làm đủ thủ tục 5 ngày), có thể duyệt ngay, cấp phép ngay. 
Đồng tình quan điểm này, ông Vương Duy Biên cũng cho hay, nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn than rằng, để làm một chương trình bán vé phải làm truyền thông trước hàng tháng, thế nhưng mãi đến lúc tổng duyệt xong mới được cấp phép, khi đó mới được làm quảng cáo… khó khăn vô cùng. Vì thế, phương án tăng hậu kiểm, gắn kèm đó nhiều hình thức chế tài mang tính răn đe, có lẽ sẽ khả thi hơn nhiều. 
Khoảng trống kiểm duyệt trên internet
Cùng với sự phát triển của công nghệ số, internet trở thành mảnh đất màu mỡ gieo mầm cho âm nhạc. Dù chưa hẳn là toàn bộ thực tế, song thế giới ảo đã cho thấy hoạt động biểu diễn ca nhạc hiện nay rất đa dạng. Đây là điều đáng mừng cho sự phát triển của nghệ thuật biểu diễn, nhưng lại là điều lo cho nhà quản lý.
Bên cạnh nhiều tác phẩm có nội dung tốt, có chất lượng nghệ thuật, cũng có những tác phẩm phổ biến ra công chúng nhưng không có chất lượng nghệ thuật, nội dung ca từ nhảm nhí. Song để hạn chế tối đa các sản phẩm âm nhạc này là chuyện không đơn giản, ông Lê Minh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, nói.
Cùng chung lo lắng này, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Châu chia sẻ: Nếu vở opera cách mạng Lá đỏ có gần 2.000 lượt xem sau nửa năm đưa lên website của Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì ca khúc Lạc trôi của Sơn Tùng đạt mốc hơn 100 triệu view (lượt xem) chỉ sau 2 tháng xuất hiện trên YouTube. Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, sở dĩ có độ chênh như vậy một phần do nhà quản lý chưa thực sự nắm bắt được những gì diễn ra trong đời sống và khi nó bùng nổ thành hiện tượng, lập tức vào cuộc chữa cháy, thậm chí là cấm đoán... Đời sống âm nhạc phải phong phú, đa dạng nhưng chúng ta đang sợ đa dạng, bị ép đi một chiều, chúng ta sẽ mất giới trẻ. Quản lý cần đa dạng và làm cho môi trường âm nhạc tốt lên.
Đối với việc cấp phép phổ biến các bài hát trước năm 1975, có nên “đẩy quả bóng” về cho địa phương khi chưa xây dựng được khung chuẩn cấp phép, Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết: Hướng chuyển cấp phép phổ biến các bài hát này về địa phương vẫn đang được trao đổi. Khi nghị định chưa thay đổi thì những quy định vẫn được thực thi như trước. Tuy nhiên, với những ca khúc đã quen thuộc, xét thấy nội dung bài hát không vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hóa của Việt Nam, sẽ đề nghị đơn vị xin phép xin cấp tại địa phương. Trong trường hợp các tác giả của ca khúc còn sống, họ nhận thấy và tự nguyện chỉnh sửa lời cho phù hợp thì sẽ được ghi nhận và ủng hộ.

Tin cùng chuyên mục