Hương sắc xuân miệt vườn

Hương sắc xuân miệt vườn

1. ĐBSCL, nơi được xem là mảnh đất trù phú có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với những nét bản sắc văn hóa riêng biệt, từ lâu người dân cũng đã xem Tết Nguyên đán là ngày hội không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Mọi sinh hoạt văn hóa của người Khmer đều gắn bó với chùa chiền, đạo Phật. Nói đến lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer, chúng ta có thể kể đến 3 lễ hội chính trong năm là: Tết Chol Chnam Thmay cổ truyền (Tết năm mới), lễ hội Sen Đôn Ta (Phchum Banh - lễ hội cúng ông bà tổ tiên) và lễ hội Dâng Y Kathina. Ngoài ra còn có lễ hội Ok Om Bok (cúng trăng), lễ Dâng bông, lễ Phật đản, lễ hội phum sóc…

Với đồng bào Chăm tại An Giang, bên cạnh sự cuốn hút kỳ lạ của những ngôi làng mang kiến trúc độc đáo còn phải kể đến những nét văn hóa khác, đặc biệt là các nghi thức lễ. Do theo đạo Hồi (phái Islam) nên không có khái niệm “Tết” mà thay vào đó là có nhiều lễ hội tôn giáo (lễ tục tôn giáo). Một trong những lễ hội tôn giáo mang ý nghĩa như Tết Nguyên đán, đó là lễ Ramadal (diễn ra vào giữa tháng 8 đến giữa tháng 9 hàng năm). Dù có phong tục, tập quán và tết cổ truyền khác nhau, nhưng trải qua thời gian dài gắn bó, người Khmer và đồng bào Chăm ở khắp các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cũng tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, sắm quần áo mới, vào chùa lễ Phật… trong những ngày Tết Nguyên đán.

Nghệ nhân các dân tộc trình diễn kỹ thuật làm bánh thủ công trong chương trình “Sắc xuân miệt vườn”. Ảnh: HÀM LUÔNG

2. Trước đây, xã Vĩnh Hải (thị xã Vịnh Châu) là xã nghèo, xa xôi nhất của tỉnh Sóc Trăng, giờ đường được trải bê tông, nhiều căn nhà tường kiên cố mọc lên san sát. Đón chúng tôi trong ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới, ông Danh Sen, ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải vui vẻ nói: “Được hỗ trợ nhà ở và ba công đất sản xuất, vợ chồng tôi cảm ơn Nhà nước nhiều lắm! Có nhà ở ổn định rồi, vợ chồng tôi đã mở tiệm tạp hóa nhỏ, mỗi ngày kiếm cũng được vài chục ngàn đồng. Có thêm thu nhập, năm nay gia đình đón tết sung túc hơn”. Nhìn chiếc tủ thờ bày biện mâm ngũ quả với đầy đủ các loại bánh trái đặc trưng của người dân Nam bộ cùng vài chậu mai đang hé nụ vàng trước sân, chúng tôi cảm nhận một cái tết tươi vui, ấm áp đang hiện hữu trong căn nhà của ông Danh Sen.

Không riêng Sóc Trăng mà tại Hậu Giang, không khí đón tết của bà con nơi đây cũng không kém phần rộn rã. Tương tự như các dân tộc anh em, Tết Nguyên đán cũng là dịp người Khmer sum vầy bên gia đình. Ngoài dồn sức lo cho vụ lúa đông xuân, bà con còn trồng thêm hoa màu, nuôi gà vịt để bán trước tết, chuẩn bị tiền sắm sửa quần áo cho con cháu, trang trí nhà cửa, sắm sửa đồ ăn, thức uống... Nét thú vị trong cách đón Tết Nguyên đán của bà con dân tộc Khmer là những buổi văn nghệ mang đậm nét văn hóa dân tộc và đi chùa để cầu phúc cho ông bà, cha mẹ, con cháu. Còn đối với người Chăm, Tết Nguyên đán là dịp vui chơi, sum họp gia đình chứ không thực hiện phần lễ nghi như các lễ truyền thống của dân tộc. Bên cạnh việc trang hoàng nhà cửa, mua sắm tết, bà con còn cùng nhau nấu các món truyền thống như: Món cari, làm tung lò mò (lạp xưởng Chăm) hay làm bánh rế (một loại bánh ngọt) để đãi khách và tạo không khí ấm cúng trong gia đình.

3. Theo quan niệm của người Kinh, người Khmer và các dân tộc anh em nói chung thì tết không chỉ đơn thuần là không khí sum họp gia đình mà còn là cái tết chung của tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em chung sống thuận hòa, nghĩa tình trên dải đất Việt Nam thân yêu. Hơn 10 năm trở lại đây, năm nào TP Cần Thơ cũng tổ chức chương trình “Sắc xuân miệt vườn” nhằm tái hiện lại những nét đẹp trong ngày tết cổ truyền của người dân vùng sông nước miền Tây. Đến với chương trình, khách tham quan còn được xem trình diễn nghệ thuật thư pháp và tham gia các trò chơi dân gian của các dân tộc. Những ngành nghề thủ công truyền thống có thể kể đến như: đan đát, dệt chiếu, chạm khắc. Về ẩm thực của dân tộc Việt, có đổ bánh xèo, gói bánh tét, gõ bánh in, bánh tráng, bánh phồng, bánh kẹp, chả giò, gỏi cuốn, mứt dừa, mứt gừng… Ẩm thực đặc trưng của đồng bào Khmer có gói bánh thốt lốt, bánh bí, bánh kèn. Ẩm thực dân tộc Hoa có bánh củ cải, bánh hồng đào… Không chỉ tham quan, du khách còn được tham gia vào các “công đoạn” của nghề chế biến, được trao đổi với hơn 40 nghệ nhân miệt vườn về kinh nghiệm làm bánh thủ công. Khói bếp nấu bánh tét, đổ bánh xèo, tiếng lộp cộp gõ bánh in, tiếng lách cách của cây chồi khi dệt chiếu,… và cả tiếng cười nói rộn ràng của các em nhỏ theo chân cha mẹ đến với lễ hội “Sắc xuân miệt vườn” càng làm không khí xuân thêm rộn ràng, như gợi nhớ dấu xưa trong tết nay, với nét văn hóa giao thoa độc đáo của cư dân miệt vườn sông nước.

THÚY AN

Tin cùng chuyên mục