“Hương thầm” trên đường Trường Sơn

Bản hùng ca Trường Sơn bất tử, không chỉ bởi những giai điệu của sự hào hùng, bất khuất, quật cường của cả dân tộc, với hào khí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - mà lòng phơi phới dậy tương lai”, mà còn bởi bao dấu lặng nhẹ nhàng được viết bởi những “Hương thầm”.

Thời học cấp 3 và đại học, thỉnh thoảng, tôi vẫn thường ôm đàn guitar nghêu ngao câu hát “khung cửa sổ hai nhà cuối phố, chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ…”.

Không chỉ thuộc làu bài hát, say sưa giọng ca như rót mật của ca sĩ Bảo Yến, mà tôi còn không thể nào quên được giai điệu của đoạn intro đầu ca khúc “Hương thầm”.

Mãi sau này, tôi mới biết đó là ca khúc được nhạc sĩ Vũ Hoàng sáng tác năm 1984, phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Bài thơ được ra đời cách đó gần 20 năm và đã được tặng giải nhì cuộc thi thơ của tuần Báo Văn nghệ năm 1969.

Thời gian trôi qua, ca khúc ấy cũng không còn được nhiều người trẻ hát. Tôi cũng không còn hát bài hát ấy nhiều như một thời. Bởi, trong nhịp sống hiện đại có phần vội vã, mỗi khi ôm đàn, cất lên những bài hát được nhiều người biết đến thì cuộc vui mới vui. Tôi cứ nghĩ tuổi thọ của các tác phẩm nghệ thuật cho dù cao siêu thế nào rồi cũng phải tuân thủ theo quy luật tự nhiên “tre già măng mọc”.

Tháng 5, tôi nhận lời viết kịch bản và làm đạo diễn cho chương trình nghệ thuật tuyên truyền lưu động “Trường Sơn - Vang mãi bản hùng ca” cho đơn vị TPHCM tham dự liên hoan nhân Kỷ niệm 60 ngày mở đường Hồ Chí Minh và Truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 - 16-5-2019) do cục Văn hóa cơ sở - Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương có đường Hồ Chí Minh đi qua tổ chức.

Đọc tài liệu, tìm kiếm ca khúc, phim ảnh để tìm hình tượng nghệ thuật cho chương trình, nhiều ca khúc cũ, ca khúc mới được chúng tôi đưa đo đếm sao cho hiệu quả, tập duyệt và được góp ý của lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, chúng tôi tiếp tục chỉnh sửa, nâng cấp và “hành quân”.

Theo con đường Trường Sơn năm xưa, 32 đội tuyên truyền lưu động của các tỉnh, thành trên cả nước cùng “hành quân” trên chính các cung đường ấy và điểm tập kết cuối cùng là Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đoàn TPHCM tập trung quân và xuất phát từ Bình Phước, nơi có điểm cuối cùng của con đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ.

Sau đêm diễn khai mạc, sáng hôm sau, chúng tôi quần áo chỉnh tề cùng các đoàn bạn tập trung dâng hương tại tượng đài chiến thắng ở Bình Phước. Phút mặc niệm dành cho các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn như thổi vào chúng tôi một sức mạnh vô hình, chúng tôi muốn đi nhanh, đi nhiều hơn để được dâng hương, để được diễn, để được trải nghiệm và tri ân dù có muộn màng.

“Hương thầm” trên đường Trường Sơn ảnh 1 Đạo diễn Hoàng Duẩn và đội tuyên truyền lưu động TPHCM trong chuyến "hành quân"
Theo cung đường Trường Sơn năm xưa, chúng tôi "hành quân" đến các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, với phương châm “ngày đi, đêm diễn”. Đường đi thật dài, qua những ngọn đèo quanh co, ngoằn ngoèo, không biết bao lần làm cho các thành viên trong đoàn phải giật thót mình vì độ nguy hiểm. Thế nhưng, mỗi khi nhìn thấy tấm biển Đường Hồ Chí Minh, trong tôi lại bùng lên một cảm giác khó tả.

Đã xem nhiều, đọc nhiều, đã tưởng tượng hơn những gì xem và đọc về con đường Trường Sơn năm xưa, nhưng khi ngồi trên chiếc xe hiện đại, có điều hòa và đi trên con đường này, tôi lại nhận ra một điều rằng, trí tưởng tượng của mình ngày xưa là quá kém cõi.

Tôi không ngủ được. Cơn mưa ập đến đúng lúc xe băng qua những đoạn có dòng suối. Mùa này, nước tuy không nhiều nhưng trong tôi lại hiện ra không biết bao nhiêu câu hỏi: làm sao các bậc tiền nhân lại có thể nghĩ ra cách làm con đường này? họ làm như thế nào? lúc các bác, các chú, các cô làm đường đúng vào mùa mưa hay gặp lúc quân đội Mỹ cho tạo những cơn mưa lũ nhân tạo để cản trở việc làm đường nhằm ngăn bước tiến của bộ đội vào Nam thì những người lính, những thanh niên xung phong phải sống như thế nào?

Tôi cố phóng mắt ra xa xuống các vực, lên vách núi để tìm dấu tích của những đoạn đường cũ, những vết sẹo trên đất do bom đạn chiến tranh để lại… Bởi, tôi biết nếu không trải nghiệm thì không thể nào hiểu hết, mà cho dù có trải nghiệm như tôi hôm nay thì cũng không thể nào hình dung được hết những gì mà thế hệ đi trước đã trải qua.

Sáng 15-5, tất cả chúng tôi tập kết tại nghĩa trang huyện A Lưới để dâng hương. Buổi tối, chúng tôi tập trung cho đêm diễn báo cáo tổng kết. Thú thật, mục đích chính của tôi trong chuyến đi không phải là giải thưởng của chương trình mà là được trải nghiệm trên con đường Trường Sơn huyền thoại và điều mong mỏi nhất là được thắp nén hương trên ngôi mộ của các anh, các chị, những người đã ngã xuống trên đường Trường Sơn năm xưa.

Dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng tôi vẫn bất ngờ khi bước vào cổng của nghĩa trang. Có thể thấy, khuôn viên nghĩa trang A Lưới quá bé so với nghĩa trang Trường Sơn hay nghĩa trang Đường 9 và một số nghĩa trang khác trên đường Trường Sơn.

Thế nhưng, điều làm tôi tò mò lại là một tấm bia đá lớn được đặt bên phải khi bước vào. Vài người tranh thủ đến đó vui vẻ tạo dáng để có những tấm ảnh kỷ niệm.

Từ xa, tôi nhìn thấy hai chữ “Hương thầm” được khắc trên bia đá, những dòng chữ ngay trên đầu tấm bia “Tưởng nhớ các liệt sĩ và em trai Phan Hữu Khải đang an nghỉ tại nghĩa trang A Lưới” làm tôi xúc động vô cùng.

“Hương thầm” trên đường Trường Sơn ảnh 2 Đạo diễn Hoàng Duẩn bên tấm bia đá khắc bài thơ "Hương thầm"
Bần thần bên bia đá, tôi đọc như chưa bao giờ được đọc bài thơ này, từng câu chữ thấm vào như chưa bao giờ tôi được nghe ca khúc “Hương thầm”.

“Cửa sổ hai nhà cuối phố
Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ
Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp
Cây bưởi sau nhà, ngan ngát hương đưa…”

Giờ đây, tôi mới biết được đây chính là bài thơ do nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn viết tặng người em trai Phan Hữu Khải của mình trước khi nhập ngũ vào Nam. Từ chiến trường, người em trai tình cờ nghe phát thanh viên của Đài tiếng nói Việt Nam ngâm bài thơ, anh viết thư gửi về cho chị gái.

Nhưng nhà thơ chưa kịp hồi âm lá thư ấy để kể cho người em biết rằng đó là bài thơ viết từ chính câu chuyện của em và viết để tặng em thì người lính Phan Hữu Khải đã hy sinh.

Để đất nước thống nhất, để Nam - Bắc về chung một mái nhà Việt Nam, biết bao người con đã ngã xuống. Trong nghĩa trang này và những nghĩa trang khác, hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ chưa được người thân tìm thấy...

Đâu đó trên những vùng đất của Tổ quốc, còn có biết bao liệt sĩ chưa được về cùng với đồng đội tại các nghĩa trang. Điều đó cũng đồng nghĩa với biết bao khung cửa sổ vẫn mỏi mòn chờ đợi, không khép mà chẳng thấy người về, có những đôi bạn mãi mãi lẻ đôi vì một người đã nằm xuống trên chiến trường xưa, lời chia tay chưa kịp nói cho người ở lại.

Là một trong vài người rời nghĩa trang sau cùng khi đã dâng hương,  tôi sợ có những ngôi mộ xa xa kia chưa được thắp hương. Bỗng nhiên, có một giọng nói vang lên: “Anh yên tâm đi, kiểm tra rồi, đủ hết!”. Trước khi rời nghĩa trang, tôi đến bên tấm bia khắc bài thơ, lặng người một lúc. Khoảnh khắc ấy thật đáng trân quý với tôi.

Bản hùng ca Trường Sơn luôn bất tử, không chỉ bởi những giai điệu của sự hào hùng, bất khuất, quật cường của cả dân tộc, với hào khí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - mà lòng phơi phới dậy tương lai”, mà còn bởi bao dấu lặng nhẹ nhàng được viết bởi những “Hương thầm” sâu sắc.

Chiều xuống trên A Lưới, tôi nghe lại ca khúc vang bóng một thời với tiếng hát Bảo Yến, mới thấy “Hương thầm” hay và xúc cảm đến lạ!

A Lưới, Thừa Thiên - Huế, một chiều tháng 5

Tin cùng chuyên mục