Hướng tới công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang đến cơ hội cũng như thử thách cho Việt Nam, đặc biệt đối với cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, việc chủ động tiếp cận các công nghệ tiên tiến, đồng thời nắm bắt xu hướng phát triển mới của cuộc cách mạng này đang là vấn đề hết sức quan trọng.
Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ khách hàng sử dụng điện tại Tổng Công ty Điện lực miền Nam. Ảnh: CAO THĂNG
Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ khách hàng sử dụng điện tại Tổng Công ty Điện lực miền Nam. Ảnh: CAO THĂNG
Thách thức hiện hữu
“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” hay còn gọi “Công nghiệp 4.0” đang ngày càng trở nên phổ biến. Công nghiệp 4.0 với nền tảng là sự phát triển mạnh mẽ và tích hợp ở trình độ cao các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại trong lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý. Cuộc cách mạng này được dự báo sẽ làm thay đổi mạnh mẽ nền sản xuất của thế giới cũng như Việt Nam trong tương lai. Tâm điểm của cuộc cách mạng này chính là các “nhà máy thông minh”.
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương), mô hình các nhà máy thông minh sẽ giúp doanh nghiệp tăng năng suất, tính linh hoạt và hiệu quả; rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường; tăng khả năng cạnh tranh. Cùng lúc, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi ích từ các sản phẩm có chất lượng cao, giá cả cạnh tranh và đặc biệt là được cá nhân hóa theo ý muốn.
Tuy nhiên, nếu không bắt kịp được nhịp độ phát triển đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức như sự tụt hậu công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh, dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, mất an toàn thông tin, xâm phạm bản quyền cũng như khả năng xuất hiện làn sóng đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và chậm phát triển…
Trong khi đó, theo thống kê mới nhất của Bộ Công thương, hiện nay Việt Nam có 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, với mức vốn khoảng 4 - 7 tỷ đồng. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp không có nhiều điều kiện để phát triển các máy móc công nghệ mới vào sản xuất. Chưa kể, có tới 76% máy móc và công nghệ nhập khẩu từ thập niên 1980- 1990, trong đó 75% đã hết khấu hao.
Bên cạnh đó, 55,63% số chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống. Tỷ lệ ứng dụng công nghệ thông tin trong tự động hóa và quản lý sản xuất còn thấp, tập trung chủ yếu ở khu vực văn phòng. Hơn 55% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, cuộc cách mạng này có tác động rất lớn, nhưng chỉ có 12% cho biết đang triển khai, 19% đã xây dựng kế hoạch, 55% đang tìm hiểu và có tới 79%... chưa làm gì. Đây là những thách thức đang hiện hữu đối với doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
Nhanh chóng tiếp cận công nghệ
Nhằm khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trước làn sóng của công nghiệp 4.0, Chính phủ vừa hỏa tốc ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg ký ngày 5-5-2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc “Cách mạng công nghiệp 4.0”.
Cụ thể, Chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận thông tin và dữ liệu, chuyển giao công nghệ cũng như chuyển đổi sang doanh nghiệp số. Chỉ thị này cũng cụ thể hóa các giải pháp và nhiệm vụ với các bộ, ngành và địa phương, nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tiềm lực, tiếp cận với cuộc cách mạng này. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với ngành công thương trong thời gian tới.
Để chỉ thị này đi vào thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, các bộ máy hành chính được giao nhiệm vụ phải thực sự đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục hành chính… mới đáp ứng được yêu cầu công nghiệp 4.0. Bởi nếu cơ quan Nhà nước chậm đổi mới, vẫn thủ tục lạc hậu, giấy tờ rườm rà, sách nhiễu sẽ trở thành rào cản cho đầu tư và phát triển.
Vì vậy cán bộ công chức, viên chức các cấp, nhất là người đứng đầu ở các sở, ngành, địa phương phải thay đổi nhận thức từ cơ chế nền hành chính “mệnh lệnh,” “xin-cho” chuyển sang nền hành chính “phục vụ”. Có như vậy, cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân mới có thể nhanh chóng tiếp cận cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.
Trao đổi với chúng tôi, ông Marko Wald, Trưởng đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp Đức, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức, cho biết: “Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại tiềm năng vô cùng to lớn. Tuy nhiên, sự hợp tác và đối thoại chặt chẽ phải mang tính quốc gia và quốc tế để đảm bảo đạt lợi ích và tránh được các rủi ro từ nền sản xuất số hóa, tự động hóa. Điều cốt yếu là trong các suy nghĩ và hành động, con người luôn là nhân tố chính, nguồn lực chính và mục tiêu then chốt của bất kỳ sự phát triển nào”.
Theo ông Marko Wald, việc Chính phủ Việt Nam nhanh chóng ban hành Chỉ thị 16 sẽ tạo ra động lực cho doanh nghiệp tận dụng tốt lợi thế của công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, chỉ thị này cần mang đến các điều kiện thuận lợi cũng như tạo ra khuôn khổ pháp lý để doanh nghiệp có thể tự tin tham gia cuộc cách mạng này.
“Ngoài việc trông chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp cũng cần nhanh nhạy hơn nữa trong việc tiếp cận giải pháp công nghệ mới ở các nước khác, tự tạo bước đệm để phát triển nhanh và bền vững”, ông Marko Wald chia sẻ.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS Trần Minh Ngọc, Đại học Công nghiệp TPHCM, cho rằng để có thể tiếp cận và khai thác thành công những cơ hội mà công nghiệp 4.0 mang lại, về phía doanh nghiệp cần hiểu đúng, đầy đủ về cuộc cách mạng này. Hiểu về những đặc trưng của nền sản xuất trong tương lai, những yêu cầu doanh nghiệp cần phải đáp ứng nếu như không muốn tụt lại phía sau. Từ đó, mỗi doanh nghiệp xây dựng cho mình chiến lược phát triển lâu dài và những bước đi cụ thể, vững chắc để bước vào “cuộc chơi”; song song với việc vào cuộc, hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục