Hương xưa, vị mới

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”… những món ăn luôn có mặt trong ngày Tết Cổ truyền đã có mặt trong văn thơ, như nhắc nhở về những giá trị của văn hóa truyền thống. Và một sự đa dạng không thể thiếu trong mâm cỗ những ngày đầu năm mới, đó chính là bánh mứt.

Cuộc sống hiện đại và đủ đầy, ít nhiều cũng làm những hương vị xưa cũ bị mờ nhạt, bánh mứt xưa liệu có còn hiệu hữu trong ngày xuân mới?

Mứt xưa trong ngày tết

Bánh mứt không chỉ là món ăn vặt hấp dẫn cho trẻ con ngày tết mà cả người lớn cũng chuộng. Khách đến thăm nhà, chúc tết, gia chủ thết đãi đầu tiên là khay mứt cùng bình trà ngon, nóng hổi, xúm xít câu chuyện, rôm rả ngày đầu năm.

Một khay mứt vuông - tròn với nhiều hương vị từ các loại củ, quả khác nhau, không chỉ bắt mắt về hình thức mà còn hội tụ đủ: ngọt, chua, cay, nồng, bùi… như bốn mùa hương sắc của đất trời. Mứt gừng nồng ấm, mứt dừa ngọt ngào, mứt sen sang trọng, hay mứt tắc (quất) vàng óng với chút chua, ngọt thanh vị…

Thực ra, không phải đợi đến tết người ta mới có thể thưởng thức mứt, tuy nhiên chỉ có thưởng thức vào những ngày tết thì mới cảm nhận được vị mứt một cách trọn vẹn nhất. Bởi đâu đó trong miếng mứt nhỏ, xanh xanh, đỏ đỏ với chút ngon ngọt, thơm béo… còn phảng phất một nét văn hóa truyền thống trong nếp ăn uống, thưởng thức ẩm thực ngày xuân từ bao đời của người Việt.

Với nhiều người, tết nay vẫn phải có những hương vị xưa. “Mua gì thì mua chứ tết nhất trong nhà cũng phải có đĩa mứt, có cái để cho tụi nhỏ nhâm nhi, rồi khách tới chơi có mứt mà mời. Đâu phải ai cũng có thời gian để ngồi với nhau ăn bữa cơm mừng năm mới, nên bánh mứt dọn lên vừa tiện vừa nhanh”, chị Thanh Yên (33 tuổi, nhân viên văn phòng ở quận 3) chia sẻ.

Khay mứt hiện hữu trong những ngày đầu xuân không chỉ thể hiện sự phong phú, độc đáo của ẩm thực ngày tết, đó còn là sự vun vén khéo léo của người phụ nữ trong gia đình. Mứt tết đặc biệt hơn không chỉ phụ thuộc vào sự khéo léo của người làm mứt mà cả hình thức bày trí cũng được nhiều người chú trọng. Vì mứt thường nằm chễm chệ ngay trên bàn, trong phòng khách nên khay, đĩa, hộp… đựng mứt cũng chọn những kiểu dáng hoa văn cầu kỳ hơn, cho thật đẹp, thật sang.

“Tết năm nào cũng phải dành một buổi để lựa hộp, đĩa đựng mứt. Đồ dùng đẹp để mứt cũng thấy ngon hơn, đem ra mời khách cũng sang trọng, tươm tất”, chị Thu Nguyệt (36 tuổi, ngụ quận 11) chia sẻ.

Hương xưa, vị mới ảnh 1 Nhiều bạn trẻ tranh thủ tham gia lớp học làm mứt tết
Mùa sản xuất mứt tết thường bắt đầu từ tháng 10 Âm lịch vì phải trải qua nhiều công đoạn: chọn nguyên liệu, sơ chế, sên đường, sấy, ép hay phơi khô… để kịp đến gần tết mang ra tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, với cuộc sống hiện đại và đầy đủ tiện nghi hôm nay, sự ồ ạt của bánh kẹo ngoại nhập, mứt công nghiệp được bày bán nhiều hơn và thông tin bánh mứt truyền thống “bẩn” tràn lan mỗi ngày, khiến nhiều người không còn niềm tin với các loại bánh mứt truyền thống. Chút hương vị củ, quả khó mà sánh kịp với nhiều loại bánh kẹo ngoại nhập sang trọng, đắt tiền.

Vị xưa trong chiếc áo mới

Nói là vậy, nhưng mứt tết truyền thống vẫn có một vị trí và giá trị riêng. Nhiều loại mứt truyền thống được làm thủ công tại nhà vài năm trở lại đây được khách hàng ưa chuộng, chủ yếu được tiếp thị qua mạng xã hội, các kênh mua sắm trực tuyến - một xu thế mua sắm đang chiếm lĩnh thị trường trong thời buổi thương mại điện tử phát triển mạnh. Mứt tết truyền thống cũng từ đây mà được chăm chút, biến tấu với nhiều hình thức, hương vị mới lạ để phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại.

“Khoảng 2 tháng trước tết hoặc sớm hơn là tiệm bắt đầu nghiên cứu chọn nguyên liệu, các loại trái cây rồi hương vị, màu sắc nào đang được khách hàng chuộng. Vì mứt làm thủ công theo kiểu truyền thống nên chủ yếu là để tự nhiên hoặc nhuộm màu theo màu các loại trái cây hoặc bột ca cao, bột trà xanh.

Một loại trái cây nhưng có khi làm đến 2 - 3 kiểu mứt như sấy khô, sấy dẻo hoặc vừa sên đường vừa sấy khô, để phù hợp với ý thích của nhiều khách. Rồi hình dáng mứt cũng tìm cách làm mới, hình tròn, vuông, sợi dài, sợi nhuyễn… đủ kiểu để khách hàng có nhiều lựa chọn khi mua”, chị Thanh Thị (35 tuổi, chủ cửa hàng bánh mứt trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3) cho biết.

Không chỉ đầu tư vào chất lượng sản phẩm, các loại mứt thủ công truyền thống còn được thiết kế những túi đựng sang trọng. Bên cạnh đó những loại trà ngon cũng được nhiều cửa hàng chào mời - một yếu tố quan trọng làm nên vị ngon của những món mứt.

Theo chị Đặng Trúc Hiền (25 tuổi, quản lý một thương hiệu mứt truyền thống được trưng bày tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TPHCM) cho hay: “Mứt đựng trong lọ thủy tinh hay hộp giấy được lòng khách hàng hơn vì khách mua có thể thưởng thức hoặc làm quà biếu rất sang trọng. Đặc biệt là hộp gồm mứt và trà được nhiều khách hỏi mua. Vì mứt vị ngọt, nên thưởng thức cùng trà nóng sẽ ngon hơn và không gây cảm giác ngọt gắt, khó chịu ở cổ”.

Một số cửa hàng còn tận dụng lợi thế không gian rộng rãi, tranh thủ mở ra những buổi workshop (lớp học ngắn) học làm mứt tết. Người đăng ký chỉ cần đóng tiền, mọi nguyên liệu, dụng cụ làm mứt được các tiệm chuẩn bị sẵn, chi phí cho mỗi buổi học dao động khoảng 500.000 đồng cho 1-2 buổi học và sau mỗi buổi học người tham gia có thể mang về thành phẩm. 
Khá bận bịu với công việc cuối năm, nhưng chị Mỹ Hạnh (32 tuổi, nhân viên một thẩm mỹ viện tại quận 5) vẫn tranh thủ tham gia lớp học làm mứt tết. “Mua mứt bên ngoài không an tâm, mà tết nhất thì trong nhà cũng phải có đĩa mứt, để cúng ông bà rồi mời khách tới chơi nữa. Vì vậy, tôi tranh thủ đi học rồi tự mình làm mứt cho cả nhà dùng đảm bảo an toàn”.

Chiều lòng khách hàng, nhiều tiệm bánh mứt liên tục mở các lớp học ngắn theo từng loại mứt khác nhau và nhiều khung giờ học trong một tuần để phù hợp với lịch cá nhân của khách. Không chỉ kết hợp những nguyên liệu ngoại nhập để làm phong phú thêm món mứt truyền thống, nhiều tiệm còn sử dụng thêm các loại máy móc hỗ trợ như máy sấy khô mứt, sấy lạnh làm dẻo, để khách sau khi tham gia buổi học có thể mang sản phẩm hoàn chỉnh về nhà.

Nhiều khách hàng tìm đến những tiệm mứt “nhà làm” hay những lớp học làm mứt thủ công không chỉ vì chuyện an toàn thực phẩm, mà còn bị cuốn hút bởi nét tinh túy của vị mứt xưa truyền thống. Tại buổi học làm mứt dừa của một cửa hàng bánh mứt trên đường Lê Thị Riêng (phường Bến Thành, quận 1), vừa cắt cơm dừa, chị Vũ Thị Hiền (26 tuổi, chuyên viên dinh dưỡng, ngụ quận Bình Tân) chia sẻ: “Mứt mua ngoài chợ thì dễ rồi, nhưng mứt làm kiểu công nghiệp số lượng lớn rồi bán ra thị trường, ăn không ngon bằng mứt nhà làm. Làm thủ công tuy hơi cực, phải canh từng công đoạn, nhưng vị mứt thơm, ngọt rất riêng không giống như mứt bán đại trà”.

Dù cuộc sống có hiện đại và thay đổi đến đâu, khay mứt, tách trà vẫn là những thứ luôn hiện hữu bên cạnh bánh chưng, bánh tét, dưa hấu, mai, đào… trong mỗi dịp tết. Và ngày tết, nếu thiếu đi một đĩa mứt trong nhà, sẽ thiếu đi vị tết xưa truyền thống.

Tin cùng chuyên mục