Hụt hẫng sân khấu học đường

Xuất hiện tại TPHCM đã hơn 10 năm, nhưng mô hình sân khấu học đường vẫn hoạt động lẻ mẻ, rời rạc, chưa được các cơ quan hữu quan chú trọng đầu tư bài bản, lâu dài. Không ít đơn vị nghệ thuật được phân công thực hiện cũng chỉ làm được một thời gian rồi ngưng vì gặp nhiều khó khăn. Đến nay, một số cá nhân tâm huyết với chương trình vẫn đang nỗ lực trong khả năng hạn hẹp. 

Thiếu kết nối, phối hợp đồng bộ

Cách đây hơn 10 năm, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang nhận chỉ đạo của Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở VH-TT-DL (nay là Sở VH-TT TPHCM) thực hiện chương trình sân khấu học đường, hướng đến đối tượng học sinh THCS.

Trong 3 tháng đầu tiên thực hiện (năm 2007), nhà hát đã giúp các thầy cô và học sinh Trường THCS Nguyễn Du (quận Gò Vấp), THCS Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), THCS Nguyễn An Khương (huyện Hóc Môn) hiểu biết cặn kẽ hơn về quá trình hình thành và phát triển đờn ca tài tử, ca ra bộ; nguồn gốc, đặc thù của sân khấu cải lương, âm nhạc cải lương; giới thiệu các loại nhạc cụ: kìm, tranh, cò, bầu...; dạy các làn điệu cải lương tiêu biểu, vũ đạo sân khấu, kỹ thuật biểu diễn; dàn dựng, tập luyện cho học sinh các trích đoạn: Trần Quốc Toản ra quân, Sự tích bánh chưng - bánh dày, Hào kiệt anh thư, Tấm Cám, Võ Thị Sáu, Tiếng trống Mê Linh…

Để có được những buổi học sinh động, hấp dẫn, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã chủ động lập giáo trình giảng dạy phù hợp với lứa tuổi, trình độ của các em. Tuy nhiên, dự án này (dự tính kéo dài 5 năm) chỉ triển khai được vài tháng rồi ngưng vì thiếu kinh phí và nhiều lý do khách quan, dù hiệu quả chương trình khá tốt, tạo được sức hút riêng. 

Hụt hẫng sân khấu học đường ảnh 1 Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM biểu diễn chương trình sân khấu học đường tại Trường Tiểu học Lê Chí Trực, quận 3, TPHCM. Ảnh: TRUNG LINH
Nhà hát Nghệ thuật Hát bội cũng bắt tay làm sân khấu học đường nhiều năm qua, nỗ lực duy trì các suất diễn phục vụ và giới thiệu đến các em những kiến thức căn bản nhất của loại hình nghệ thuật truyền thống này. Tuy nhiên, hoạt động kết nối với các trường học đều do nhà hát tự liên hệ, hoặc nhờ sự quen biết của các nghệ sĩ với các trường học.

Khi các trường nhận lời, nhà hát mới đề xuất lên Sở VH-TT để được cấp kinh phí thực hiện. Nghệ sĩ Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc nhà hát, cho biết: “Nhà hát không kết nối với sở và phòng giáo dục - đào tạo vì phải chờ đợi rất lâu. Chúng tôi liên hệ trực tiếp các trường sẽ nhanh gọn hơn. Sau khi liên hệ, hiệu trưởng nhà trường đồng ý là chúng tôi làm liền. Chúng tôi cũng cố gắng xây dựng nhiều trích đoạn, tiết mục đa dạng để đáp ứng nhu cầu của từng trường học, phù hợp độ tuổi học sinh”. 

Một số đơn vị nghệ thuật tư nhân và nghệ sĩ tâm huyết vẫn ngày đêm âm thầm đưa nghệ thuật dân tộc, âm nhạc truyền thống vào học đường với khả năng cho phép. Họ mong mỏi làm được nhiều hơn, giúp phát huy hết những ý tưởng có giá trị thực tiễn… nhưng lại không có khả năng, điều kiện cần thiết.  

Làm tới đâu hay tới đó

Dự án sân khấu kịch học đường Tôi yêu lịch sử Việt Nam được ông bầu Huỳnh Anh Tuấn bắt tay với nhiều trăn trở vì thiếu sự đồng thuận, hợp tác và hỗ trợ từ cả hai Sở VH-TT và GD-ĐT TPHCM, dù anh đã nhiều lần liên hệ, đề xuất ý tưởng, mong có sự chung tay giúp sức để dự án này được thực hiện lâu dài và mở rộng phạm vi tổ chức.

Thực tế dù không được sự giúp sức của hai đơn vị trên, đơn vị nghệ thuật IDECAF vẫn nỗ lực thực hiện dự án theo khả năng như: Tự liên hệ với các trường học, phát tờ rơi giới thiệu chương trình đến phụ huynh học sinh, tổ chức biểu diễn bằng nguồn kinh phí hạn chế.

Đến nay, dự án vẫn tiếp tục hành trình đến với khán giả nhỏ tuổi trong các suất diễn tại các trường học, với giá vé từ 10.000 - 15.000 đồng/học sinh, trình diễn các vở kịch lịch sử: Trần Quốc Toản ra quân, Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Đinh Bộ Lĩnh, Trưng Nữ Vương… vốn là những tác phẩm sân khấu được Idecaf đầu tư chỉnh chu với kinh phí từ 60 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/vở.

Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ: “Tại TPHCM có hơn 400 trường tiểu học, chưa kể các trường THCS, THPT, nhưng số suất diễn đến với các trường còn rất khiêm tốn. Cách đây khá lâu, Thành ủy TPHCM có chỉ đạo Sở VH-TT và Sở GD-ĐT hỗ trợ IDECAF đưa kịch lịch sử phục vụ học đường, nhưng mãi vẫn không thấy hồi âm. Mỗi năm, khi bắt tay vào đợt diễn mới, chúng tôi lại cố gắng để dự án có thể duy trì và tổ chức tốt nhất trong khả năng. Chúng tôi không tính toán chuyện thu chi lời lỗ, mà chỉ mong những vở kịch lịch sử hay sẽ đến được với tất cả học sinh, giúp các em hiểu và thêm yêu lịch sử dân tộc”.

Mới đây, NGƯT Thúy Hoan đã cùng con gái là NSƯT Hải Phượng hợp tác với Trường Quốc tế Việt Úc (VAS) và Trường Nhạc PMU thực hiện khóa dạy nhạc dân tộc trong hè 2018 cho học sinh lớp 3, 4 và 5.

Đặc biệt, việc dạy nhạc dân tộc Việt Nam tại trại hè 2018 của VAS là ý tưởng của thầy Danial Thomas Hogg, Trưởng chương trình ngoại khóa và chương trình hè VAS, ông luôn muốn học sinh Việt Nam phải hiểu và biết nhiều hơn về âm nhạc dân tộc nước mình.

Hơn 80 học sinh đã có 6 tuần học liên tục với đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc và trống dân tộc do các giảng viên, sinh viên Nhạc viện TPHCM giảng dạy.

Hụt hẫng sân khấu học đường ảnh 2 Kết thúc khóa hè 2018, hơn 80 học sinh Trường Quốc tế Việt Úc đã cùng biểu diễn
các loại nhạc cụ: đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc và trống dân tộc
NGƯT Thúy Hoan tâm tư: “Tôi mong đây là một mô hình để các trường của Việt Nam suy ngẫm, vì mình có đủ phương tiện, điều kiện nhưng lại chưa đề cao mô hình giảng dạy và tôn vinh những giá trị của âm nhạc dân tộc. Tôi mừng vì hiện nay tại TPHCM có một vài trường đã thực hiện tương đối tốt công tác truyền dạy tình yêu âm nhạc dân tộc cho học sinh, như Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Phan Đình Phùng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đuốc Sống… Nhưng con số này còn quá ít”. 

Cùng một nỗi niềm về việc phải cố gắng truyền lửa, khơi dậy niềm yêu thích âm nhạc dân tộc của học sinh, từ năm 2015, nghệ sĩ Linh Trung đã phối hợp với Tổ chức Hỗ trợ Giáo dục trẻ em thiệt thòi Việt Nam - văn phòng 2 và một số mạnh thường quân, thực hiện cả trăm suất diễn phục vụ miễn phí nhạc dân tộc trong học đường, mang tên “Hãy nghe và cảm nhận nhạc dân tộc như lời ru của mẹ”, tại các trường học ở huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, quận Bình Tân…

Nghệ sĩ Linh Trung cho biết: “Khi bắt tay làm, tôi chỉ nghĩ đơn giản là làm sao để các em có thể hiểu và phân biệt được nhạc cổ, nhạc nước ngoài, biết được một số loại nhạc cụ dân tộc và hát được một vài bài đơn giản như Hò xự xang xê cống, Thu Hồ, Long hổ hội…    

Tuy nhiên, khi được hỏi các chương trình “tự phát” này sẽ được duy trì đến đâu, các nghệ sĩ tâm huyết với mô hình sân khấu học đường đều trả lời: “Chỉ biết làm đến đâu hay đến đó thôi”.

Dự án sân khấu học đường chính là nhịp cầu nối giúp học sinh, sinh viên, hiểu hơn về các loại hình sân khấu dân tộc, góp sức lưu truyền những giá trị quý giá của sân khấu và âm nhạc dân tộc.

Thế nhưng, vấn đề này đến nay vẫn chưa được xem trọng để có những dự án, chiến lược đầu tư và phát triển về lâu dài. Ngay cả việc hỗ trợ các đơn vị, cá nhân thực hiện công việc này cũng không có.

Nhìn lại lĩnh vực sân khấu nghệ thuật cải lương, hát bội và cả kịch nói trong nhiều năm qua, có thể thấy lực lượng khán giả trẻ tiếp nối, kế thừa vẫn quá ít ỏi, trong khi lớp khán giả cũ thì ngày một lớn tuổi và cứ giảm dần theo năm tháng. Lĩnh vực sân khấu truyền thống muốn tồn tại và phát triển đều phải nhờ vào khán giả.

Do vậy, bên cạnh việc duy trì và tổ chức biểu diễn tốt các loại hình nghệ thuật truyền thống, cấp thiết phải đào tạo, xây dựng một lực lượng khán giả có hiểu biết, yêu thích các loại hình nghệ thuật đó.

Cũng qua dự án sân khấu học đường, không ít đơn vị nghệ thuật còn may mắn tìm được những tài năng nhí - đội ngũ nghệ sĩ kế thừa trong tương lai. Thế nhưng, việc đào tạo khán giả trẻ thông qua dự án sân khấu học đường vẫn chưa được đánh giá cao về tầm quan trọng và hiệu quả đem lại.

Tin cùng chuyên mục