Huyện Nhà Bè phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Là huyện ngoại thành có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng UBND huyện Nhà Bè (TPHCM) vẫn phối hợp với các sở ngành ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp, thực hiện các giải pháp đồng bộ để tiếp tục xây dựng nông thôn mới (NTM) trong quá trình phát triển.
Nông dân huyện Nhà Bè áp dụng mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rau thủy canh
Nông dân huyện Nhà Bè áp dụng mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rau thủy canh

Tôm nước lợ - sản phẩm chủ lực

Hiện chỉ có xã Hiệp Phước được quy hoạch thành khu đô thị cảng. Đây cũng chính là vùng sản xuất nuôi tôm lớn nhất cả huyện và do vướng quy hoạch đã làm cản trở con tôm phát triển. Nhân khu đô thị cảng chưa thực hiện quy hoạch, UBND huyện Nhà Bè thống nhất với Ban quản lý Khu Nam và Công ty CP Công nghiệp Hiệp Phước khoanh vùng sản xuất nông nghiệp tập trung hiệu quả, giúp nông dân an tâm sản xuất, tiếp tục phát triển các mô hình nuôi tôm lót bạc đáy ao và ứng dụng công nghệ cao. Nhờ vậy, sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, đủ tiêu chuẩn phân phối vào siêu thị, thay vì chỉ bán ra chợ như trước, giá cả bấp bênh, sản lượng không ổn định. Ngoài ra, huyện Nhà Bè còn hướng dẫn, tạo điều kiện cho HTX Tôm Hiệp Thành xây dựng trạm đóng gói bao bì, sản phẩm.

Nhằm đảm bảo nguồn nước, UBND huyện thường xuyên quan trắc, cảnh báo môi trường theo định kỳ 2 lần trong tháng để thông tin kịp thời cho nông dân về biến đổi chất lượng môi trường nước trong vùng nuôi, cảnh báo tình hình dịch bệnh nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra. UBND huyện đã thành lập hội đồng thẩm định và tổ tư vấn giúp việc khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị huyện Nhà Bè giai đoạn 2017-2020, thực hiện phương án nuôi tôm với diện tích 2,3ha/hộ, tổng số vốn vay có hỗ trợ lãi suất là 4,2 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, diện tích thả nuôi tôm là 118ha với số lượng giống 96 triệu con, ước tính thu hoạch được 94ha với sản lượng 564 tấn, năng suất bình quân 6 tấn/ha.

Về trồng trọt, huyện hỗ trợ Công ty TNHH Nông nghiệp Nhất Thống đầu tư 12ha đất để sản xuất 176 loại rau củ quả theo mô hình rau hữu cơ, được cấp chứng nhận châu Âu và Hoa Kỳ. Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, tiên tiến rất cần cho huyện phát triển trước mắt cũng như lâu dài, tránh để đất hoang, gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Hay mô hình trồng nấm tại xã Long Thới và xã Nhơn Đức phát triển và sản xuất ổn định, UBND huyện đang vận động và tạo điều kiện cho các hộ sản xuất nông nghiệp thành lập HTX và bước đầu có 7 hộ đăng ký tham gia thành lập HTX nông nghiệp trồng nấm công nghệ cao.

Quy hoạch theo hướng phù hợp

Hiện UBND huyện Nhà Bè đang thực hiện cắm mốc quy hoạch sau khi các đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng NTM trên địa bàn các xã được phê duyệt, ngoại trừ xã Hiệp Phước. Để thực hiện công tác quy hoạch, huyện Nhà Bè đã tách quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng xã NTM thành 2 đồ án độc lập. Trong đó, đồ án quy hoạch sử dụng đất được lồng ghép các nội dung về kế hoạch sử dụng đất (theo Luật Đất đai), đồ án quy hoạch chung xây dựng xã NTM theo tỷ lệ 1/5.000 được lồng ghép các nội dung quy hoạch sản xuất (theo Luật Xây dựng). Ngoài ra, huyện Nhà Bè còn thường xuyên rà soát nhằm điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 không còn phù hợp.

Với mục tiêu khai thác quỹ đất nông nghiệp chưa được đầu tư phát triển đô thị, UBND huyện đã quy hoạch quỹ đất sản xuất được khoanh vùng, xác định tập trung tại các xã Nhơn Đức, Phước Lộc, Long Thới với quy mô 280ha và lồng ghép các nội dung xây dựng, sản xuất, hạ tầng kỹ thuật tại đồ án quy hoạch chung xây dựng NTM. Nếu người dân có đất trên khu vực này không sản xuất thì cho thuê, chuyển nhượng, chứ không thể chuyển sang đất thổ cư.

Hiện tổng số công trình theo đề án của huyện được phê duyệt thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây NTM mới giai đoạn 2016-2020 là 64 công trình với tổng mức đầu tư 573,6 tỷ đồng, vốn dân đóng góp 73,2 tỷ đồng. Trong đó, chú trọng công trình xây dựng cầu số 3, cầu Thầy Cai thuộc xã Hiệp Phước và một số tuyến đường nội đồng. Song song đó, huyện đang điều chỉnh lại phương án một số tuyến rạch cho phù hợp với chủ trương khôi phục lại các rạch.

Đặc biệt, huyện chú trọng xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đạt tiêu chuẩn về môi trường. Thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ 170 cơ sở, doanh nghiệp, hộ gia đình…, bảo vệ môi trường không phát sinh chất thải, nước thải sản xuất chưa qua xử lý.

Tin cùng chuyên mục