Huỳnh Thị Huyền Như lãnh thêm án tù chung thân

Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Huyền Như mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp với bản án tù chung thân của vụ án giai đoạn 1 thành tù chung thân.
Ngày 9-2, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên Phó Phòng Quản lý rủi ro của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - viết tắt VietinBank - chi nhánh TPHCM) và Võ Anh Tuấn (SN 1972, nguyên cán bộ văn phòng Ngân hàng VietinBank - chi nhánh TPHCM) lừa đảo chiếm đoạt 1.085,5 tỷ đồng trên tài khoản tiền gửi của 5 công ty đã kết thúc. 
Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt bị cáo Huyền Như mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp với bản án tù chung thân của vụ án giai đoạn 1 thành tù chung thân; tuyên phạt bị cáo Anh Tuấn 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp với bản án 20 năm tù của vụ án giai đoạn 1 thành 27 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên bị cáo Huyền Như bồi thường toàn bộ 885,5 tỷ đồng đã chiếm đoạt của 4 công ty (gồm Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại An Lộc, Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông, Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu, Công ty cổ phần Chứng khoán Saigonbank - Berjaya). Riêng số tiền 200 tỷ đồng đã chiếm đoạt của Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Hưng Yên, hai bị cáo Huyền Như và Anh Tuấn phải liên đới bồi thường.
Trước đó, bào chữa cho bị cáo Huyền Như, luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi nêu quan điểm: hành vi của bị cáo đã bị TAND TPHCM xét xử sơ thẩm vào tháng 1-2014, tuyên án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (giai đoạn 1 của vụ án). Nay, nếu quy kết cho bị cáo thêm một án tù chung thân như công tố viên đề nghị thì vô hình trung một hành vi bị xử lý hình sự hai lần. Do vậy, luật sư Thi đề nghị HĐXX hoàn trả hồ sơ, đồng thời kiến nghị giám đốc thẩm đối với vụ án.
Tương tự, luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho bị cáo Tuấn cũng cho rằng phiên tòa là một tiến trình “tố tụng lạ lùng” khi bị cáo bị xét xử hai lần về cùng một hành vi và cùng một tội danh. Đối với quan điểm trên, HĐXX nhận định: hành vi phạm tội này đã được tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy để điều tra lại vì có dấu hiệu cấu thành tội nặng hơn. Tuy nhiên, quá trình điều tra vẫn xác định tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, việc đưa ra xử lại hành vi đã được tuyên hủy trước đó là có căn cứ, đúng pháp luật.

Tin cùng chuyên mục