Ì ạch bệnh viện cửa ngõ

Từ năm 2007, UBND TPHCM chỉ đạo Sở Y tế triển khai chủ trương quy hoạch cụm các bệnh viện cửa ngõ của TP nhằm hút bệnh nhân từ các tỉnh, giảm áp lực quá tải cho các bệnh viện nội thành. Theo đó, cụm bệnh viện đa khoa ở các quận huyện: 7, Củ Chi, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh và Bệnh viện Nhi đồng 1, Chấn thương chỉnh hình… được nâng cấp, xây mới lên thành hạng 1 và 2 với quy mô mỗi bệnh viện đạt 500 – 1.000 giường bệnh. Tuy nhiên, đã qua gần 5 năm và 3 đời giám đốc Sở Y tế, vẫn chưa một dự án nào trở thành hiện thực.
Ì ạch bệnh viện cửa ngõ

Từ năm 2007, UBND TPHCM chỉ đạo Sở Y tế triển khai chủ trương quy hoạch cụm các bệnh viện cửa ngõ của TP nhằm hút bệnh nhân từ các tỉnh, giảm áp lực quá tải cho các bệnh viện nội thành. Theo đó, cụm bệnh viện đa khoa ở các quận huyện: 7, Củ Chi, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh và Bệnh viện Nhi đồng 1, Chấn thương chỉnh hình… được nâng cấp, xây mới lên thành hạng 1 và 2 với quy mô mỗi bệnh viện đạt 500 – 1.000 giường bệnh. Tuy nhiên, đã qua gần 5 năm và 3 đời giám đốc Sở Y tế, vẫn chưa một dự án nào trở thành hiện thực.

  • Đợi và đợi

Dù đã được duyệt quy hoạch và thậm chí đã tổ chức thi thiết kế công trình từ giữa năm 2010 nhưng đến nay, khoảng đất trống của dự án xây mới, nâng cấp Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức vẫn chỉ có… cỏ và cây.

Nhìn tấm ảnh phác họa mô hình của bệnh viện mới hoành tráng treo trang trọng trong phòng làm việc, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức Trần Vĩnh Hưng thở dài: “Bệnh viện hiện hữu đang có dấu hiệu xuống cấp và chật chội, lượng bệnh nhân tăng lên nên luôn quá tải. Nhiều năm qua, chúng tôi mong chờ dự án bệnh viện mới nhưng không biết bao giờ mới khởi công”.

Là bệnh viện khu vực giáp ranh tỉnh Bình Dương, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức đang thu hút khá đông bệnh nhân tìm đến chữa trị nhờ thời gian qua áp dụng thành công nhiều tiến bộ kỹ thuật như mổ sọ não, u bướu, thần kinh, mổ nội soi… “Bệnh viện đã có kế hoạch xây dựng đội ngũ y bác sĩ kế cận, đồng thời chuyển giao nhiều kỹ thuật mới, hiện đại về ngoại khoa nên hơn ai hết, chúng tôi mong muốn dự án trên sớm được khởi công” - BS Trần Vĩnh Hưng nói.

Với quy mô nâng lên thành bệnh viện 1.000 giường bệnh, dự án xây mới mở rộng Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức đảm nhiệm vai trò đón đầu một lượng lớn bệnh nhân từ các tỉnh miền Trung, Đông Nam bộ và Tây Nguyên, giúp giảm áp lực rất lớn cho các bệnh viện nội thành và giao thông đô thị.

Không còn giường, bệnh nhi phải nằm ra hành lang Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: TG.LÂM

Không còn giường, bệnh nhi phải nằm ra hành lang Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: TG.LÂM

Tương tự, cuối năm 2010, dự án xây mới mở rộng Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi đã được hội đồng xét tuyển chọn được đơn vị tư vấn thiết kế nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Trong khi đó, mỗi ngày, Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi phải gồng gánh không ít bệnh nhân từ các tỉnh Tây Ninh, thậm chí cả nước bạn Campuchia sang.

  • Vướng đền bù giải tỏa

Với diện tích quy hoạch 1,8ha, dự án Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn cũng đã được xét duyệt tư vấn thiết kế. Mới đây, dự án này đã có kế hoạch ghi vốn đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Một trong những lý do khiến dự án Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi bị chậm cũng vì “vướng” vài ngàn mét vuông đất cần giải phóng để làm đường…

Đáng nói hơn, hiện một số dự án bệnh viện chuyên khoa khác nằm ở cửa ngõ cũng tiến thoái lưỡng nan. Điển hình như dự án xây mới Bệnh viện Nhi đồng 1 ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh với diện tích 33ha nhưng vẫn chưa đền bù, giải phóng mặt bằng được. Theo một cán bộ phụ trách dự án này, hiện đang thẩm định giá đền bù.

Điển hình là Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (mới) đã được UBND TP giao đất tại khu 6A thuộc Ban Quản lý khu Nam, huyện Bình Chánh từ 2 năm qua nhưng đến nay vẫn đang trong giai đoạn giải tỏa đền bù. Dù rằng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (mới) đã chọn được phương án thiết kế xây dựng trên diện tích hơn 30.000m², quy mô 500 giường bệnh và được xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao nhưng những vướng mắc trong đền bù giải tỏa khiến dự án chưa khởi công được.

Tương tự, hiện một số bệnh viện khác cũng đang trần ai với công tác đền bù giải phóng mặt bằng như Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2) ở quận 9, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Truyền máu và huyết học, Bệnh viện Tâm thần…

Ông Đặng Quang Mỹ, phụ trách xây dựng cơ bản Sở Y tế TPHCM, cho biết, với cơ chế áp giá đền bù đất nông nghiệp theo quy định khiến những hộ dân nằm trong dự án không chịu di dời. Theo ông Mỹ, với tình trạng như hiện nay, sớm nhất cũng phải đến năm 2012 mới hy vọng khởi công được một dự án.

“Đó là chưa kể do các dự án thuộc nhóm A, phải trình các bộ ngành phê duyệt nên nếu UBND TPHCM không có phương án tháo gỡ, xúc tiến thì các bệnh viện cửa ngõ lại tiếp tục chờ… xây” - ông Mỹ cho biết.

Theo ông Huỳnh Văn Biết, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đầu tư xây dựng các cơ sở y tế ngoại thành là phù hợp trong điều kiện hiện nay của TP nhằm hạn chế ùn tắc giao thông đồng thời hình thành một mạng lưới y tế cơ sở phủ đều và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân TP cũng như ngoại tỉnh.

QUỲNH CHI

Tin cùng chuyên mục