Ì ạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ liên tục chỉ đạo đẩy nhanh cổ phần hóa (CPH), thế nhưng công tác CPH doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn từ năm 2016-2018 đã bị chựng lại.
Tại TPHCM, một thời gian dài chưa có doanh nghiệp (DN) nào hoàn thành CPH. Nhìn lại hoạt động sắp xếp đổi mới, CPH DNNN trong giai đoạn trước đến nay, hiệu quả vẫn chưa như mong đợi…
Ì ạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ảnh 1 Vận hành hệ thống máy phát điện tại một đơn vị đã cổ phần hóa. Ảnh: CAO THĂNG
Hiệu quả thấp 
Cả giai đoạn từ năm 2013-2015, TPHCM có 32 DN CPH (đã có 4 DN đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán). Hiện 31 DN đã CPH tiếp tục xây dựng lộ trình, kế hoạch thoái hóa vốn theo chỉ đạo của UBND TP (1 DN chuyển sang mua bán nợ) để kéo giảm tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ, phù hợp với tiêu chí trong Quyết định 58/2016/QĐ-TTg.
Mục tiêu của đổi mới sắp xếp lại DNNN nhằm nâng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động; tạo ra bộ máy điều hành đổi mới, linh hoạt, nhạy bén trong ứng biến với thị trường; giúp DN chủ động đầu tư đổi mới công nghệ và thu hút nguồn vốn, kinh nghiệm, thị trường, nhân lực; cải thiện dần hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN. Do vậy, vấn đề đặt ra là sau CPH, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN có hiệu quả hơn không? Báo cáo của Ban Đổi mới Quản lý DN TP cho thấy, vốn điều lệ tăng hơn 2.100 tỷ đồng (tăng 67%) so với trước CPH, thế nhưng doanh thu giảm 129 tỷ đồng (giảm 1,47%) so với trước CPH và số tiền nộp ngân sách nhà nước chỉ tăng được 20 tỷ đồng (tăng 4%) so với trước CPH. Trong đó, đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế giảm 118 tỷ đồng (giảm 30%) so với trước CPH. Mặc dù, DN CPH đã tinh giản lao động, số lượng lao động giảm 1.400 người (giảm gần 15%) so với trước CPH nhưng thu nhập người lao động chỉ tăng nhẹ 224.000 đồng (tăng 3,4%) so với trước CPH.
Trong giai đoạn 2016-2018, TPHCM đề ra chỉ tiêu phải CPH 51 DN. Dù UBND TPHCM đã thành lập 45 ban chỉ đạo CPH và có 39 DN chấp thuận chọn đơn vị tư vấn. Thế nhưng, đến giờ đã đi được nửa đoạn đường của giai đoạn 2016-2018, nhưng TP vẫn chưa hoàn thành CPH được DNNN nào. Nguyên nhân, vẫn là những vướng mắc cũ như thiếu quy định pháp luật hướng dẫn về định giá lợi thế đất đai, xác định giá trị thương hiệu… Liên quan đến đất đai chính là điểm nghẽn lớn nhất trong công tác CPH DNNN tại TPHCM, bởi giá trị đất đai tại TP quá lớn và việc xác định giá quá phức tạp. Tính riêng công tác chuyển giao tài sản, mặt bằng cho DN CPH hiện nay làm rất chậm, mất nhiều thời gian, nhất là trong việc xin ý kiến cơ quan thẩm quyền các tỉnh, thành khác đối với tài sản, đất của DN CPH đang quản lý, sử dụng ngoài địa bàn TPHCM.
Thế nhưng, nguyên nhân chính yếu lại do yếu tố con người như lãnh đạo DN sợ “mất ghế” nên không quyết liệt thực hiện CHP, sợ trách nhiệm nếu để xảy ra thất thoát…
Chưa hấp dẫn nhà đầu tư
Đối với những DN sau CPH, nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ vốn trên 50% thì gần nhưng không hấp dẫn nhà đầu tư do chưa chuyển đổi được “chất” của DN khi người quản trị cũ còn đó thì hoạt động quản trị khó có thể đổi mới được. Trong khi hầu như công tác quản trị DN của các DNNN chậm thay đổi, lạc hậu. Nếu nhà nước nắm trên 50% vốn và vẫn nắm quyền kiểm soát DN thì dù đã CPH nhưng vẫn mô hình quản trị cũ, nếu có thì việc thay đổi mô hình quản trị vẫn mang tính hình thức, chưa làm thay đổi chất lượng thật sự.
Do vậy, ở các DN có số cổ phần nhà nước giữ tỷ lệ chi phối cao vẫn chưa khuyến khích được nhiều nhà đầu tư tham gia đấu giá mua cổ phiếu phát hành ra công chúng. Cụ thể, thời gian qua nhiều DNNN có tỷ lệ cổ phiếu bán ra qua sàn giao dịch chứng khoán so với phương án CPH đạt rất thấp. Điển hình như Công ty cổ phần Satra Tây Nam chỉ bán được 0,15%, Công ty cổ phần Thương mại Sài Gòn 5 chỉ bán được 0,03%... Mặt khác, một số DN có nhà đầu tư chiến lược có năng lực, nhưng vẫn không phát huy được vai trò, vị trí theo cam kết đối với quy định về nhà đầu tư chiến lược. Đó là lý do nhiều cổ đông chiến lược khi xác định mua cổ phần chủ yếu chỉ tập trung vào tài sản của DN CPH chứ ít chú trọng vào phương án hoạt động của DN sau CPH. 
Ngoài ra, hiện nay chưa có quy định hướng dẫn về biện pháp chế tài, trách nhiệm vật chất đối với các đơn vị tư vấn xác định giá trị DN, tư vấn xây dựng phương án CPH trong trường hợp xác định không đúng giá trị tài sản hoặc phương án CPH không có nhà đầu tư tham gia, tỷ lệ cổ phiếu bán ra không đạt theo phương án phê duyệt… nên nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước vẫn còn cao. Do vậy, cần xác định thoái vốn ở mức độ có thể làm thay đổi quản trị DN để thu hút, vận dụng nguồn lực của nhà đầu tư chiến lược nhằm nâng chất DN sau CPH là vấn đề cần xem xét trong giai đoạn mới.

Tin cùng chuyên mục