Italia chia sẻ cách bảo tồn di sản và phát triển kinh tế ở TPHCM

Bảo tồn Di sản và Phát triển kinh tế là một chuỗi hoạt động của SCE Project Asia phối hợp cùng Đại học Venice, Italia và Hội Kiến trúc Venice với trọng tâm thúc đẩy tầm quan trọng của việc gìn giữ những di sản kiến trúc quý báu của mỗi quốc gia.

Ngày 3-9, tại TPHCM, Tổng Lãnh sự quán Italia và Phòng Thương mại Italia (ICHAM) họp báo thông tin về Hội thảo Bảo tồn Di sản và Phát triển kinh tế. Sự kiện này được tổ chức sau thành công của hội thảo lần đầu tiên diễn ra tại Hà Nội, vào tháng 3-2019.

Italia chia sẻ cách bảo tồn di sản và phát triển kinh tế ở TPHCM ảnh 1 Ông Dante Brandi - Tổng Lãnh sự Italia (ở giữa), ông Michele D’Ercole - Chủ tịch ICHAM (trái) và ông Luigi Campanale - Giám đốc, kiến trúc sư của SCE Asia tại buổi họp báo

Hội thảo Bảo tồn Di sản và Phát triển kinh tế (HPED) là một chuỗi hoạt động của SCE Project Asia phối hợp cùng Đại học Venice, Italia và Hội Kiến trúc Venice dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao và Hợp tác Phát triển Italia, UBND TPHCM và UNESCO, với trọng tâm thúc đẩy tầm quan trọng của việc gìn giữ những di sản kiến trúc quý báu của mỗi quốc gia.

Hội thảo với mục tiêu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của những động thái bảo tồn di tích kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử và tái sử dụng những công trình hiện hữu với cách tiếp cận hiệu quả hơn cho tương lai của phát triển đô thị.

Những lợi thế của định hướng này bao gồm: Bảo tồn và phát triển văn hoá địa phương và gìn giữ bản sắc của cộng đồng; Đóng góp vào việc giảm thiểu chi phí hạ tầng và chi phí phát triển hệ thống giao thông; Thúc đẩy việc hình thành và quản lý quy hoạch khái niệm đô thị thông minh Smart city; Đóng góp thiết thực cho chiến lược tiết kiệm năng lượng; Phát triển việc làm và những hoạt động kinh tế; Ủng hộ và thúc đẩy sự phát triển của định hướng du lịch văn minh, bảo vệ môi trường.

Bảo tồn vốn kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử đem lại chất lượng sống tốt hơn cho cộng đồng, và việc chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát triển những công trình kiến trúc di sản không chỉ là một ý tưởng lãng mạn, mà còn có thể đóng góp cho sự phát triển của kinh tế và xã hội của một quốc gia.

Italia chia sẻ cách bảo tồn di sản và phát triển kinh tế ở TPHCM ảnh 2 Buổi họp báo thông tin về chuỗi hoạt động về Bảo tồn Di sản và Phát triển kinh tế 
HPED bao gồm 3 sự kiện chính quan trọng: Workshop thiết kế được tổ chức và giảng dạy bởi giáo sư của Đại học Venice diễn ra tại Đại học Kiến trúc TPHCM, Đại học Văn Lang (TPHCM).

Hai giảng viên chính là kiến trúc sư Luigi Croce và Luigi Campanale sẽ dẫn dắt workshop với kiến thức và kinh nghiệm trong quy hoạch đô thị và thiết kế bảo tồn kiến trúc của thành phố sở tại.

Một hội thảo chuyên môn với sự góp mặt của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức kỹ thuật và công nghệ có thể áp dụng trong việc bảo tồn di sản văn hoá và kiến trúc.

Hội thảo mở cửa chào đón sinh viên các trường đại học về thiết kế, kỹ thuật, các kiến trúc sư và kỹ sư, nhà thầu xây dựng có mong muốn tìm hiểu đề tài bảo tồn di sản kiến trúc.

Hội thảo phát triển kinh tế với trọng tâm tìm hiểu những cơ hội đầu tư vào dự án bảo tồn di sản kiến trúc, dành cho những đơn vị và tổ chức trong lĩnh vực đầu tư và bất động sản. Các chuyên gia kinh tế và văn hoá sẽ phân tích các lợi ích hữu hình và vô hình đến từ việc đầu tư cho dự án bảo tồn di sản.

Danh sách diễn giả ấn tượng bao gồm những đối tác chiến lược của dự án, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu và thực hành bảo tồn kiến trúc di sản: Ông Dante Brandi – Tổng Lãnh sự Italia tại TPHCM; Ông Michael Croft – Đại diện UNESCO tại Việt Nam; Ông Luigi Campanale – Kiến trúc sư, Giám đốc SCE Asia; Ông Michele D’Ercole – Chủ tịch ICHAM tại Việt Nam; Ông Luigi Croce – Giáo sư, Giám đốc Điều hành chương trình thạc sĩ về bảo tồn và phát triển văn hoá bền vững, Đại học Venice, Italia.

Chuỗi hoạt động HPED đã gặt hái nhiều thành công tại Yangon (Myanmar), Hà Nội (Việt Nam) và tháng 10-2019 sẽ diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia). Trong năm 2020, SCE Project Asia và VAA sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động ý nghĩa này tại các thành phố lớn ở châu Á như Jakarta, Singapore và Tokyo.

Tin cùng chuyên mục