ITE-HCMC trước thềm hội nhập: Nơi nối kết các điểm đến

ITE-HCMC trước thềm hội nhập: Nơi nối kết các điểm đến

Chuẩn bị cho các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) có hiệu lực trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng vừa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 92/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới. Trong đó, mục tiêu đặt ra là phát triển ngành du lịch TP thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa TPHCM thành trung tâm du lịch của cả nước. Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM năm 2015 diễn ra tại thời điểm nóng này đã giúp quảng bá, xúc tiến và liên kết du lịch giữa các vùng, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới...

Hội tụ vùng, dù không cùng địa giới

Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM (ITE-HCMC) năm 2015 sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn, quận 7, TPHCM từ ngày 10 đến 12-9. Đây là sự kiện du lịch quốc gia, mang tầm khu vực, nhằm mục đích quảng bá, xúc tiến và thu hút khách du lịch đến Việt Nam; giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là những sản phẩm du lịch đặc trưng của TPHCM. Quy mô của hội chợ được mở rộng, thu hút rất nhiều quốc gia tham gia. Nếu năm 2007, ITE-HCMC có chủ đề “Ba quốc gia - Một điểm đến” (Campuchia, Việt Nam, Lào), thì đến năm 2012, hội chợ đã mở rộng mối quan hệ hợp tác thêm thành viên mới là Myanmar, nên nâng chủ đề thành “Bốn quốc gia - Một điểm đến” và từ năm 2013 đã nâng lên “Năm quốc gia - Một điểm đến” với sự tham gia của Thái Lan.

Du khách khám phá du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, một sản phẩm du lịch mới ở TPHCM

Qua 10 năm tổ chức hội chợ, ITE-HCMC là nơi hội tụ vùng, mở ra cơ hội cho 5 quốc gia thuộc hạ nguồn sông Mê Kông: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam - với sự liên kết mật thiết của 5 thành phố là các trung tâm du lịch lớn là Phnôm Pênh, Viêng Chăn, Yangon, Bangkok và TPHCM. ITE-HCMC lần này thu hút 250 gian hàng, 320 đơn vị đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng doanh nghiệp từ nhiều tỉnh, thành của Việt Nam tham gia. Năm nay, hội chợ dự kiến đón trên 25.000 lượt khách tham quan, đồng thời thu hút khoảng 220 đơn vị mua quốc tế (gồm các hãng lữ hành nước ngoài từ các thị trường quốc tế trọng điểm), 100 đơn vị mua nội vùng (các hãng lữ hành của 5 quốc gia Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan).

Để tạo hiệu quả cho các cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp bên mua và bên bán, hệ thống lên lịch hẹn trực tuyến (PSA) sẽ cung cấp miễn phí cho các doanh nghiệp tham dự. Hệ thống đã được mở trước một tháng diễn ra hội chợ để phục vụ việc sắp xếp, lên lịch gặp gỡ giữa người mua và người bán theo đúng yêu cầu. Phục vụ việc đi lại của khách hàng tham gia hội chợ, Ban tổ chức còn tổ chức đoàn xe buýt đưa đón du khách từ trung tâm TP đến hội chợ và ngược lại.

Dịp này, TPHCM cũng giới thiệu thêm 2 sản phẩm du lịch đường thủy, gồm du lịch trên kênh nội thị và tuyến đường thủy từ trung tâm TP đến huyện Cần Giờ. Để quảng bá sinh động các điểm đến du lịch, sau hội chợ, báo chí quốc tế sẽ được đi khảo sát các loại hình du lịch biển đảo và du lịch sông nước tại các vùng đồng bằng sông Cửu Long và biển miền Trung. Đồng thời, du khách còn có buổi khảo sát tuyến du lịch đường thủy nội đô kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - nét đặc trưng riêng của TPHCM đang được tập trung đầu tư trong những năm gần đây - nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của du lịch thành phố, góp phần đưa hình ảnh thân thiện, hấp dẫn, an toàn đến các nước trong khu vực và quốc tế, tạo cơ hội thúc đẩy du lịch thành phố phát triển.

Ngoài ra, hội chợ cũng quy tụ nhiều công ty du lịch lớn, tham gia chương trình giảm giá, kích cầu, bán những tour du lịch xuyên Việt giảm giá, bốc thăm trúng vé giá rẻ, khuyến mãi từ các hãng hàng không… dành tặng khách tham quan. ITE-HCMC còn có triển lãm ảnh giới thiệu đất nước, con người ASEAN nhằm giới thiệu đất nước, con người, văn hóa, điểm đến của các quốc gia ASEAN, tăng cường hữu nghị giữa các quốc gia ASEAN.

Cuộc gặp 3 bên

Với mục đích là điểm gặp nhau giữa cơ quan quản lý nhà nước với bên mua, bên bán, nên hội chợ tổ chức 7 cuộc hội thảo để các bên gặp nhau, lắng nghe tiếng nói của nhau. Cụ thể, hội thảo liên kết phát triển các nước tiểu vùng sông Mê Kông với chủ đề “Con đường di sản Mê Kông: Quang Nam - Siemreap - Luanprabang - Chiangmai - Bagan”. Hội thảo sẽ giới thiệu chi tiết, sinh động về những tiềm năng hấp dẫn, độc đáo các di sản văn hóa thế giới tại các quốc gia cũng như khả năng kết nối giữa các di sản trong khu vực đến với người mua; giới thiệu các điểm đến thuộc Tổ chức Xúc tiến du lịch các thành phố châu Á - Thái Bình Dương (TPO), các sản phẩm và dịch vụ du lịch tại các thành phố Incheon, Gimhae, Goyang, Andong, Iksan và TPHCM. Đây cũng là nơi giao lưu giữa doanh nghiệp thành viên TPO và doanh nghiệp Việt Nam.

Hội thảo giới thiệu thị trường du lịch Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Italia. Đây chính là nơi các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp gặp nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong thu hút khách, định hướng thị trường, làm cơ sở trong quảng bá xúc tiến du lịch, thu hút ngày càng nhiều khách quốc tế đến Việt Nam. Thị trường du lịch Indonesia, India cũng được giới thiệu giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường khách trọng điểm giàu tiềm năng này. Đồng thời, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm cho các doanh nghiệp du lịch đã và đang khai thác thị trường này… Kết thúc mỗi hội thảo là ký kết các cam kết song phương và đa phương nhằm phát triển thế mạnh du lịch của mỗi bên.

Là nơi gặp nhau của những đơn vị du lịch, ITE-HCMC sẽ là diễn đàn giao thương lý tưởng cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch giới thiệu sản phẩm và dịch vụ đến thế giới. Đây là sân chơi hàng năm cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước để cùng trao đổi, thảo luận và hợp tác về thị trường du lịch inbound và outbound tại Việt Nam và khu vực Mê Kông.

NHI HOÀNG

Tin cùng chuyên mục