Xung quanh việc sử dụng biểu tượng thương hiệu trái luật ở Jetstar Pacific, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải kết luận:

Jetstar Pacific phải xây dựng lại biểu tượng thương hiệu mới

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Văn bản số 5622/BGTVT-VT về việc sử dụng biểu tượng thương hiệu của Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines -JPA (Báo SGGP đã có loạt bài phản ánh), đồng thời căn cứ văn bản báo cáo đề xuất ngày 22-10 của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), chiều ngày 2-11, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức cuộc họp với Hãng Hàng không Jetstar Pacific (JPA) và cổ đông lớn nhất của JPA là Tổng Công ty Quản lý vốn nhà nước SCIC.
Jetstar Pacific phải xây dựng lại biểu tượng thương hiệu mới

(SGGPO).- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Văn bản số 5622/BGTVT-VT về việc sử dụng biểu tượng thương hiệu của Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines -JPA (Báo SGGP đã có loạt bài phản ánh), đồng thời căn cứ văn bản báo cáo đề xuất ngày 22-10 của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), chiều ngày 2-11, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức cuộc họp với Hãng Hàng không Jetstar Pacific (JPA) và cổ đông lớn nhất của JPA là Tổng Công ty Quản lý vốn nhà nước SCIC. 

Tại cuộc họp, các vấn đề khúc mắc về việc sử dụng biểu tượng thương hiệu trái luật của JPA đã được đưa ra bàn thảo, trong đó có cân nhắc nhiều đến yếu tố cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Cuối cùng, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng kết luận: Yêu cầu JPA trong thời gian tái cơ cấu (từ nay đến hết năm 2010) phải xây dựng biểu tượng thương hiệu mới. Bộ GTVT, Cục HKHVN và các cơ quan hữu quan sẽ phối hợp, hỗ trợ và giúp đỡ để JPA thực hiện tốt việc xây dựng biểu tượng thương hiệu mới. Theo đó, biểu tượng thương hiệu mới phải phù hợp với 4 luật hiện hành có liên quan bao gồm: Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Hàng không và Luật Sở hữu trí tuệ. Bộ GTVT vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng JPA hiện đang sử dụng 2 biểu tượng chính là Jestar và Jet với hình ngôi sao khiến khách hàng sử dụng dịch vụ có thể bị nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng với dịch vụ của các hãng hàng không nước ngoài khác.

Jetstar Pacific phải xây dựng lại biểu tượng thương hiệu mới ảnh 1

Jetstar Pacific phải xây dựng lại biểu tượng thương hiệu mới. Ảnh: Việt Dũng

Theo qui định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, các hãng hàng không nước ngoài (bao gồm Jetstar Airways) không được cấp thương quyền kinh doanh vận chuyển hàng không nội địa Việt Nam. Đây là thông lệ được tất cả các nước trên thế giới áp dụng. Ngoài ra, theo pháp luật của các nước trên thế giới cũng như theo thông lệ quốc tế trong lĩnh vực hàng không, mọi hoạt động mua bán, quảng cáo, tiếp thị gây nhầm lẫn cho khách hàng đối với quyền, phạm vi kinh doanh và dịch vụ vận chuyển hàng không đều không được phép. Tương tự, các hãng hàng không chi phí thấp với mô hình liên doanh, liên kết như JPA đang hoạt động tại các quốc gia trong khu vực đều không sử dụng biểu tượng theo kiểu trùng lắp như JPA. Trong khi đó, tại VN, mặc dù chưa được đăng ký chính thức vào giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không do Bộ GTVT cấp nhưng hiện nay JPA đang sử dụng tràn lan biểu tượng “Jetstar”, “Jet và hình ngôi sao” cho việc cung cấp dịch vụ của mình. 

Có thể nói, với việc hầu như chỉ sử dụng hình ảnh, biểu tượng và thương hiệu của Jetstar Airways thay vì Jetstar Pacific trong hoạt động quảng cáo, tiếp thị khiến khách hàng lầm tưởng đây là công ty con hoặc chi nhánh của Jetstar Airways là trái với pháp luật Việt Nam và thông lệ kinh doanh hàng không trên thế giới. Điều này có thể sẽ tạo tiền lệ xấu cho hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng không tại Việt Nam cũng như đe dọa đến quyền lợi và sự phát triển của các hãng hàng không thực sự của Việt Nam, đặc biệt là các hãng hàng không mới ra đời như Indochina Airlines, VietJet Airway… khi phải cạnh tranh trực tiếp với một thương hiệu hàng đầu thế giới ngay trên sân nhà. Các hoạt động nói trên của Jetstar Pacific đi ngược với chính sách của Chính phủ trong việc khuyến khích các nhà đầu tư trong nước tham gia vào hoạt động kinh doanh vận tải hàng không. Việc làm của JPA khiến dư luận cảm thấy khó hiểu và tiếc cho thương hiệu Pacific Airlines vốn đã có từ 17 năm trước và được định giá tới 150 triệu USD giờ bỗng dưng bị biến mất. 

JPA cho rằng mình có quyền tiến hành kinh doanh vận chuyển hàng không hoàn toàn dưới các thương hiệu, nhãn hiệu của Jetstar Airways (Úc), với lý do là đã hoàn tất thủ tục đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ và Bộ Công thương về nhượng quyền thương hiệu và nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên pháp luật về thương mại và sở hữu trí tuệ không thay thế cho các pháp luật chuyên ngành khác mà JPA có nghĩa vụ phải tuân thủ. JPA không thể dùng các giấy chứng nhận đó để thực hiện hoạt động kinh doanh trái với quy định của pháp luật về hàng không dân dụng. Bởi theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Jetstar Airways không được cấp quyền vận chuyển hàng không (thương quyền) nội địa ở Việt Nam và thương quyền quốc tế từ Việt Nam đi các nước (trừ thương quyền quốc tế trên đường bay giữa Việt Nam và Úc mà Jetstar Airways được cấp trên cơ sở Hiệp định hàng không song phương giữa Việt Nam và Úc).

JPA là hãng hàng không Việt Nam, kinh doanh vận chuyển hàng không theo thương quyền được cấp theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, do vậy JPA phải xây dựng biểu tượng theo nguyên tắc là biểu tượng riêng của JPA và không thể hiện sự trùng lặp với biểu tượng của bất kỳ một hãng hàng không nào khác.

Thu Tuyết - Bích Quyên

Thông tin liên quan

>> Việc sử dụng biểu tượng thương hiệu ở Jetstar Pacific: Trái với thông lệ quốc tế 
>> Quản lý hoạt động hàng không đang bị buông lỏng?
>> Sai thì phải sửa
>> Khi hành khách lên tiếng...
>> Các chuyên gia và cơ quan quản lý nói gì?
>> Tiếng nói của những người lao động    
>> Bài 1: Những chuyện rắc rối xung quanh Jetstar Pacific
>> Bài 2: Khi tài nguyên quốc gia bị “chảy máu”

Tin cùng chuyên mục