Kè biển đầu tư 80 tỷ đồng vừa làm xong đã hỏng ở Bình Định: Không thể chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm

Một kè biển đầu tư đến 80 tỷ đồng nhưng mới đưa vào sử dụng đã “nát bươm”. UBND huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) đã mời chuyên gia, ngành chức trách đến điều tra nguyên nhân rồi cuối cùng đổ hết cho thiên tai, sóng biển, bùn cát… Còn địa phương chỉ xin kiểm điểm, rút kinh nghiệm và tiếp tục xin kinh phí để khắc phục kè mới, khiến dư luận bức xúc.
Kè chắn sóng Tam Quan tốn kém gần 80 tỷ đồng đầu tư, mới đưa vào sử dụng đã vỡ tan hoang
Kè chắn sóng Tam Quan tốn kém gần 80 tỷ đồng đầu tư, mới đưa vào sử dụng đã vỡ tan hoang

Hàng loạt sai phạm

Hơn 1 năm trôi qua, người dân dọc bờ biển Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) vẫn chưa hết xôn xao khi nhắc về công trình kè chống xói lở bờ biển Tam Quan, đầu tư gần 80 tỷ đồng nhưng chưa kịp đưa vào sử dụng đã “nát bươm”. Việc một kè biển gần 80 tỷ đồng bị sóng đánh tan như thế khiến nhiều người dân đặt nghi vấn do làm ẩu hoặc bị “rút ruột”. 

Theo ghi nhận tại hiện trường, dọc bờ biển 2 thôn Thiện Chánh 1, Thiện Chánh 2 (Tam Quan Bắc), gần 1.000 mét kè bê tông chắn sóng bị sóng biển đánh gãy thành từng khúc. Có nhiều vị trí bị sóng đánh vỡ toác, đổ sập, trôi ra biển mất dấu. Dọc bờ biển, xác kè nằm ngổn ngang, gò đống mặc cho sóng biển tấn công đe dọa dân làng.

Ông Diệp Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), thừa nhận: “Bà con người ta nói cũng có cái lý của họ, bởi kè mới làm đã bị sóng đánh tan như vậy… Ngay cả những người dân nơi khác đến tắm biển cũng xôn xao về dự án này. Hiện địa phương đã kiến nghị cấp trên sớm khắc phục lại kè biển này bởi đây là tuyến đường huyết mạch nối các xã biển với nhau. Ngoài ra, nếu không có kè thì sóng biển sẽ tiếp tục uy hiếp đến khu dân cư và các công trình quan trọng tại địa phương…”. 

Cuối năm 2018, UBND tỉnh Bình Định đã có kết luận chính thức về nguyên nhân khiến kè biển Tam Quan bị hư hỏng. Kết luận này do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu ký, chỉ ra hàng loạt lỗi từ nhà thầu là Công ty TNHH Tân Lập (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) đã tự ý thay đổi biện pháp thi công; đơn vị thiết kế là Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng SPQD (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) thiếu kinh nghiệm trong thiết kế các công trình kè biển nhất là với các công trình kè đối với bãi ngang, bờ biển biến động mạnh; đơn vị thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công và dự toán là Trung tâm Tư vấn và chuyển giao công nghệ thủy lợi (thuộc Tổng cục Thủy lợi) thiếu trách nhiệm trong thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình; đơn vị giám sát là Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và phát triển Bình Định đã không tiến hành giám sát, lập biên bản báo cáo chủ đầu tư và các bên liên quan khi đơn vị thi công thay đổi biện pháp thi công, chưa thực hiện hết trách nhiệm; ban quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng (ĐTXD) huyện Hoài Nhơn (đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý dự án) không hoàn thành nhiệm vụ được giao khi không phát hiện được những sai sót trong thiết kế, các thay đổi biện pháp thi công để báo cáo kịp thời cho chủ đầu tư; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định phải chịu trách nhiệm về thẩm định dự án đầu tư và thiết kế cơ sở của công trình.

Phải làm rõ nguyên nhân

Mãi cho đến cuối tháng 1-2019, UBND huyện Hoài Nhơn mới có văn bản báo cáo về việc kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến vụ việc này. Tuy nhiên, trong báo cáo của huyện này gửi lên UBND tỉnh Bình Định chỉ tập trung mổ xẻ, quy nguyên nhân kè biển Tam Quan hư hỏng là do yếu tố khách quan như thiên tai, sóng biển, bùn cát… Đồng thời, có “đá nhẹ” sang trách nhiệm đơn vị thiết kế, tư vấn, nhà thầu. Qua đó, UBND huyện Hoài Nhơn đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm về lỗi chủ quan của các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, đơn vị thi công và Ban quản lý dự án ĐTXD huyện. Còn đối với 982m kè hỏng, huyện Hoài Nhơn… xin thêm kinh phí để làm mới lại.

Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết thêm: “Do cửa biển Tam Quan Bắc bị bồi lấp, trước đó huyện cho nạo vét đến 200.000m3 cát. Việc nạo vét này là yêu cầu tất yếu, bởi với khoảng 2.500 tàu ở địa phương trong khi đó cảng biển lại bị bồi lấp. Khi nạo vét cát ở luồng vào cảng cá thì lượng cát ở bên bờ biển phía Nam bồi lấp, sụt lún khiến cho kè chắn sóng bị hư hỏng. Chúng tôi đã không đánh giá hết việc này”. 

Về ý kiến của dư luận cho rằng, công tác chỉ đạo, xử lý của UBND huyện Hoài Nhơn có xu hướng bao che, quá nhẹ đối với các đơn vị sai phạm. Việc này, ông Cao Thanh Thương, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, lý giải: “Trước đó, chúng tôi đã mời đơn vị tư vấn độc lập là Viện Kỹ thuật của Trường Đại học Thủy lợi (Hà Nội) về để kiểm tra, làm rõ nguyên nhân kè biển Tam Quan bị hư hỏng. Qua đó, họ đã có kết luận hư hỏng là do các nguyên nhân khách quan như thủy triều, xâm thực, bồi lấp, nạo vét cửa biển… và cả do biến đổi khí hậu từ năm 2016 và mưa bão năm 2017. Đâu phải riêng Hoài Nhơn mà cả Quảng Bình, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, các kè biển đều bị sạt lở. Bây giờ, huyện mới  gửi báo cáo kiểm điểm lên tỉnh thôi, còn  phải chờ ý kiến xem xét của tỉnh nữa”. 

Ngày 22-3, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: “Về vấn đề này, ở địa phương họ mới chỉ đề nghị rút kinh nghiệm và làm kiểm điểm. Tuy nhiên, sắp tới UBND tỉnh Bình Định sẽ họp lại một lần nữa rồi sẽ có thông báo cụ thể. Quan điểm của chúng tôi, phải làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để kiểm điểm trách nhiệm rõ ràng. Huyện họ chú trọng hơn về mưa bão, thiên tai cái đó cũng có một phần đúng. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do không có kinh phí làm kéo dài thời gian làm kè, phương án thi công cũng chưa đảm bảo. Đơn vị thi công, nhà thầu cũng có lỗi trong này nhưng không lớn lắm, chủ yếu là đơn vị thiết kế…”.

Tin cùng chuyên mục