“Kế hoạch hóa” trường đại học tại ĐBSCL

Thời gian qua, giáo dục - đào tạo và dạy nghề tại ĐBSCL đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực. Mạng lưới trường cao đẳng, đại học đã hình thành và phát triển nhanh. Từ số lượng ít ỏi các trường đại học công lập nặng tính bao cấp trước đây, đến hàng loạt trường cao đẳng, đại học ra đời, tạo “diện mạo mới” cho GD-ĐT khu vực ĐBSCL.

Thời gian qua, giáo dục - đào tạo và dạy nghề tại ĐBSCL đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực. Mạng lưới trường cao đẳng, đại học đã hình thành và phát triển nhanh. Từ số lượng ít ỏi các trường đại học công lập nặng tính bao cấp trước đây, đến hàng loạt trường cao đẳng, đại học ra đời, tạo “diện mạo mới” cho GD-ĐT khu vực ĐBSCL.

Hiện tại, ĐBSCL có đến 26 trường cao đẳng và 17 trường đại học. Theo quy hoạch, đến năm 2020, ĐBSCL sẽ có khoảng 70 trường cao đẳng, đại học. Tính bình quân mỗi năm vựa lúa này “đẻ thêm” ít nhất 1 trường đại học. Nhưng đáng tiếc, do nhiều trường “đẻ non” nên đến lúc phải “kế hoạch hóa”, thay đổi về chất, siết lại trật tự kỷ cương... trước khi xuất hiện “cái chết hàng loạt” như nhiều người dự báo.

Nhiều trường được mở ra, đua nhau “nâng hạng” từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học. Nhưng lên cao đẳng, đại học rồi vẫn xin chỉ tiêu được đào tạo trung cấp với nhiều lý do nghe qua rất chính đáng. Nào là tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, đội ngũ giáo viên và nhu cầu người học. Đây cũng là nguồn để các trường tiếp tục “tận dụng” xin mở thêm các lớp liên thông đại học.

Về mặt tâm lý, cho dù chỉ ngồi ở lớp trung cấp, nhưng nhiều người vẫn thích được học ở trường đại học hơn. Thực trạng này vừa gây khó khăn nguồn tuyển cho các trường trung cấp, vừa góp phần làm mất cân đối nguồn nhân lực của vùng. Trong khi ở nhiều quốc gia, quy mô đào tạo bậc trung cấp luôn chiếm tỷ lệ nhiều hơn cao đẳng, đại học, thì ở ta làm ngược lại. Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” ở ĐBSCL càng đáng lo ngại hơn theo tỷ lệ “hình chóp ngược”.

Dù hình thức khác nhau nhưng các trường này đều có một đặc điểm chung là thiếu điều kiện cơ sở vật chất, thiếu trang thiết bị hiện đại và thiếu lực lượng giảng viên cơ hữu. Vì vậy, trong điều kiện “chân ướt chân ráo” lên đại học, các trường phải chọn đào tạo những ngành nghề không đòi hỏi nhiều trang thiết bị hiện đại để nghiên cứu thực hành và nhất là những ngành dễ tìm giảng viên thỉnh giảng. Sự nở rộ các ngành nghề trùng lắp của các trường đã chia sẻ lượng thí sinh dường như không tăng hàng năm. Vì vậy, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn tuyển sinh là không tránh khỏi.

Trên thực tế, nhiều trường đại học ở ĐBSCL đang đào tạo cái mình có chứ không phải cái xã hội cần. Thời gian qua, mặc dù Bộ GD-ĐT đã rất kiên quyết để chấn chỉnh việc các trường cao đẳng, đại học đào tạo trung cấp, nhưng nhiều trường “kêu ca”, xin được “gia hạn”, nên phải giãn lộ trình. Tất nhiên, để khắc phục tình trạng đào tạo theo kiểu “anh giành phần em” phải có nhiều giải pháp đồng bộ, phải dựa vào chiến lược nguồn nhân lực quốc gia, của ngành, vùng và từng địa phương. Ngành GD-ĐT và ngành LĐTB-XH cần phối hợp sắp xếp lại hệ thống các trường, thay đổi cơ cấu đào tạo để đảm bảo phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực.

Do sinh sau đẻ muộn và thiếu cơ sở vật chất nên những ngành nghề kỹ thuật cao ở các trường đại học chiếm không nhiều, chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Trường ĐH Cần Thơ là trường đại học duy nhất của ĐBSCL được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo chương trình tiên tiến ở hai ngành: Công nghệ sinh học và Nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng, 6 năm qua, trường rất khó tuyển sinh, mặc dù đây là chương trình đào tạo trong nước gần với chương trình đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới. Một trong những nguyên nhân khó tuyển sinh là trình độ tiếng Anh của nhiều thí sinh chưa đạt yêu cầu, trong khi chương trình này sẽ học các học phần chuyên môn bằng tiếng Anh. Bằng tốt nghiệp sẽ do Trường ĐH Cần Thơ cấp và sinh viên có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, vững vàng về chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, có cơ hội việc làm cao hơn tại một số đơn vị nước ngoài. Điều này lại đặt ra thêm một câu hỏi về chất lượng của giáo dục phổ thông tại các tỉnh, thành ĐBSCL. Đó cũng là lý do vì sao nhiều người bức xúc việc thiếu đầu tư cải thiện chất lượng đào tạo hiện có, chăm lo cho những bậc học nền tảng cấp dưới mà chăm chăm vào tăng số lượng sinh viên.

Từ rất lâu rồi, cụm từ “thiếu nhân lực” luôn được nhắc đi, nhắc lại ở ĐBSCL khi người ta dựa vào con số thống kê tỷ lệ sinh viên/vạn dân làm định hướng. Để rồi, địa phương nào cũng muốn có trường đại học. Sau đó lại xin thêm những cơ chế đặc thù mở ngành, xét tuyển ưu tiên, thực chất cũng chỉ là nới lỏng đầu vào tối đa để mở lớp, đảm bảo chỉ tiêu, nguồn thu. Nhiều nhà giáo có tâm huyết đặt vấn đề: Tại sao không đầu tư, xây dựng Trường ĐH Cần Thơ trở thành trường trọng điểm của vùng, với những thế mạnh và tiềm năng hiện có như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo trong buổi làm việc với Cần Thơ mới đây mà chỉ chăm chăm mở thêm trường đại học; hay làm giống như ĐH An Giang, xây dựng chiến lược trở thành trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM?

Cùng với Chiến lược nguồn nhân lực quốc gia và các tỉnh, ĐBSCL rất cần một chiến lược nguồn nhân lực cho vùng. Quy hoạch phát triển hệ thống các trường cao đẳng, đại học, trường nghề… phải dựa trên chiến lược này. Cần “hướng cầu” là thị trường lao động, nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong vùng làm động lực phát triển hơn là chủ yếu dựa trên năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất của các trường và yếu tố “tình cảm” cho “bằng chị bằng em” giữa các tỉnh, thành với nhau.

HÀM LUÔNG

Tin cùng chuyên mục