Kế thừa truyền thống “lò luyện hạt giống đỏ”

Hàng trăm “hạt giống đỏ” ngày nào là những “chiến sĩ tí hon”, nghịch ngợm, nũng nịu, học chữ, học cách đi, học nói, học làm để trang bị kiến thức, phục vụ cho Đảng, cho dân, nay vẫn đang cống hiến hết mình cho đất nước. Họ đã lên chức ông, bà và gặp nhau trong tâm trạng vui mừng lẫn bùi ngùi xúc động tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Trường Lý Tự Trọng - Khu Tây Nam bộ vừa diễn ra tại TP Cần Thơ.
Kế thừa truyền thống “lò luyện hạt giống đỏ”

Hàng trăm “hạt giống đỏ” ngày nào là những “chiến sĩ tí hon”, nghịch ngợm, nũng nịu, học chữ, học cách đi, học nói, học làm để trang bị kiến thức, phục vụ cho Đảng, cho dân, nay vẫn đang cống hiến hết mình cho đất nước. Họ đã lên chức ông, bà và gặp nhau trong tâm trạng vui mừng lẫn bùi ngùi xúc động tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Trường Lý Tự Trọng - Khu Tây Nam bộ vừa diễn ra tại TP Cần Thơ.

Cựu học sinh Trường Lý Tự Trọng gặp nhau tay bắt mặt mừng.

Trường học anh hùng

Cách đây 54 năm (1961), Khu ủy, Quân khu ủy Tây Nam bộ chủ trương tổ chức xây dựng nền giáo dục trong vùng giải phóng. Từ đó, Trường Lý Tự Trọng được thành lập tháng 7-1964. Những cô cậu tí hon từ các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau được các chú, các anh chị của Ban Tổ chức Tỉnh ủy hoặc nơi cơ quan, đơn vị ba má mình công tác đưa đi bằng nhiều con đường khác nhau đến trường tại xã Long Điền, huyện Giá Rai (nay thuộc huyện Đông Hải, Bạc Liêu). Thời gian ngắn, giặc phát hiện dùng máy bay đánh phá phải chạy vào rừng, chỗ ăn học chưa xong thì trường được lệnh chuyển địa bàn xây dựng học tập cách xa cả trăm cây số đến xã Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau).

Lúc bấy giờ, đại bộ phận học sinh, thầy cô ở trong nhà dân. Sau cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968, địch phản kích ác liệt đánh sâu vào vùng giải phóng, vùng căn cứ nhưng Trường Lý Tự Trọng vẫn tiếp tục nở nồi thêm các khóa B5, B6, B7, B8, B10, B9, B11… Lại một lần nữa trường chuyển đến địa bàn mới, đó là vùng đất mũi Cà Mau - Đầm Dơi ngày nay.

Trung tướng Nguyễn Việt Quân, nguyên Chính ủy Quân khu 9, bùi ngùi nói: “Học được cái chữ, học cách đi, cách nói, cách giao tiếp, đến khi rời khỏi ghế nhà trường, tung bay trên các nẻo đường trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, lập nên sự nghiệp, gia đình và xã hội có công danh, được làm cha mẹ, ông bà như ngày nay, chúng ta có phúc lắm…! Công đầu này thuộc về những thầy cô giáo từ miền Bắc XHCN vượt Trường Sơn vào Nam”.

Thầy Hồ Thanh Khôi, nguyên Hiệu trưởng Trường Lý Tự Trọng, những năm đầu thành lập, nay đã 80 tuổi, vẫn ân cần thăm hỏi từng đứa học trò thân yêu của mình. Thầy Khôi chia sẻ: Đây là trường vừa học vừa làm và có tinh thần chiến đấu cao. Trường đóng trên nhiều địa bàn xa nhau, tại các làng xã kháng chiến, trong điều kiện thiếu thốn, phải chịu đựng dưới lửa đạn mưa bom, đối phó với những trận càn ác liệt. học hành trong điều kiện các em lớn phải cầm súng sẵn sàng chiến đấu, chống càn, bắn máy bay địch, bảo vệ các em nhỏ hơn, cùng quân địa phương bảo vệ đồng bào.

Qua những năm tháng ác liệt ấy, nhiều em đã anh dũng hy sinh. Sau ngày thống nhất, trong thời kỳ đổi mới, các em đã có mặt trên các cương vị mới. Nhiều em tham gia cấp ủy, lãnh đạo tỉnh, thành phố, bộ ngành trung ương hoặc là tướng lĩnh trong ngành quân đội, công an, làm nhà khoa học, quản lý…

Quyết tâm truyền lửa

Anh hùng lao động Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, nói: “Lúc đó, chúng tôi rất tự giác với mục tiêu học để phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng. Rất tự hào vì thế hệ học sinh Trường Lý Tự Trọng ngày đó góp phần vào công cuộc giải phóng, xây dựng đất nước ngày càng phát triển”. Được vinh dự bầu làm trưởng ban liên lạc cựu học sinh Trường Lý Tự Trọng, bà Nga mong muốn, kêu gọi sự chung tay chia sẻ cho những người bạn học và người thân của họ đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, bệnh tật hiểm nghèo.

Thế hệ tiếp bước sau này, thầy và trò Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) luôn tâm niệm phải noi gương các thế hệ đi trước, nỗ lực không ngừng để góp phần xây dựng đất nước. Em Lê Song Vi, học sinh lớp 11C1, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, nói: Các cô chú, các bác, quý thầy cô không chỉ để lại cho chúng em bài học quý báu về bổn phận, trách nhiệm của người học sinh mà còn là tấm gương về lý tưởng sống tốt đẹp. những đóng góp to lớn của người đi trước là động lực để chúng em biết suy nghĩ, cống hiến cho gia đình, xã hội. Chúng em tự thấy rằng bản thân phải thực hiện những ước mơ ngay từ bây giờ, phải cống hiến cho đất nước ngay khi chúng em có thể lao động, chia sẻ, đồng cảm.

Cô Cao Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, cho biết: Tỷ lệ tốt nghiệp của trường thường xuyên đạt 100%; tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học ngày càng cao, năm học vừa qua đạt 98%. Hầu hết học sinh của trường khi vào đại học đã trở thành những sinh viên xuất sắc của các trường hàng đầu Việt Nam hoặc các trường đại học danh tiếng trên thế giới ở Singapore, Pháp, Úc, Bỉ, Anh, Mỹ, Canada…

Ra đời trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1964, Trường Lý Tự Trọng đã trưởng thành qua thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất Tây Nam bộ (1964 - 1975). Qua 11 năm, trường đã đào tạo được 700 học sinh cấp 1, 2 (hệ 10 năm), học sinh bé nhất 8 - 9 tuổi, lớn nhất 14 - 15 tuổi. Đến năm 1975, trường giải thể, các em về lại địa phương tiếp tục học tại các trường chính quy trong điều kiện đất nước hòa bình. Năm 2012, trường được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục