Kéo dài tuổi thơ cho trẻ

Tôi chuyển sang Bỉ định cư được hơn 7 năm, vài tháng trước nhờ facebook mới tìm lại được Sâm, cô bạn từ thời còn ở TPHCM. 
Từ xa đã nhận ra các trường mẫu giáo, tiểu học ở Bỉ bởi cách trang trí ngộ nghĩnh, hấp dẫn
Từ xa đã nhận ra các trường mẫu giáo, tiểu học ở Bỉ bởi cách trang trí ngộ nghĩnh, hấp dẫn
Hóa ra Sâm cũng theo chồng Việt kiều sang Phần Lan sống được hơn 7 năm. Chuyện trò ríu rít, đồng cảm vì đứa con đầu của cả hai đều 6 tuổi, nhưng con trai tôi ở Bỉ đã vào lớp một, còn con gái của Sâm vẫn theo học lớp mẫu giáo lớn ở Phần Lan. Không có chuyện học đúp ở đây. Đó là sự khác biệt đầu tiên khi nhắc đến Phần Lan, đất nước đang được cho là có nền giáo dục tốt nhất thế giới. Và rồi, câu chuyện xoay quanh môi trường giáo dục, điều gì là tương đồng, thứ gì khác biệt... cứ thế mở ra.

Đi học bằng taxi

Sâm khoe với tôi thùng quà của Kela (hiểu sơ là tổ chức chăm sóc an sinh xã hội ở Phần Lan) tặng khi cô mới sinh con: “Đầy đủ từ quần áo, vớ, khăn, tã vải cho đến cái cắt móng tay cho trẻ. Đây là món quà đầu tiên một đứa trẻ nhận được từ chính phủ”. Sau khi sinh xong, người mẹ bắt buộc phải nghỉ thai sản từ 9 tháng đến 3 năm. Lúc sinh con đầu lòng, Sâm chưa thực sự hòa nhập cuộc sống ở Phần Lan nên giữ con ở nhà đến 3 tuổi mới cho đi nhà trẻ. Đó là một trong những nguyên nhân khiến bé nói được tiếng địa phương không đủ tốt để vào lớp một. Câu chuyện phải đi học bằng... taxi cũng bắt đầu từ đây.

Khi con trai 6 tuổi của tôi đang ngồi lớp một ở Bỉ, bắt đầu ê a học đánh vần rồi tập đọc trôi chảy các từ đồng âm khác nghĩa thì tại Phần Lan, con gái của Sâm đang học lớp dự bị để vào lớp một. Đây là giai đoạn nhà trường đánh giá trẻ có đủ khả năng để vào lớp một khi bước sang tuổi thứ 7 hay không. Vẫn chơi là chính. Và những thứ con được học, mẹ cũng mê: dạy phân biệt vị trí trong - ngoài, phải - trái, trên - dưới..., dạy nhận diện chữ cái, dạy đếm số, dạy cộng trừ đơn giản, dạy bài hát ra dấu bằng tay, dạy cách nói chuyện với người khuyết tật... Với một đứa trẻ đã đủ tuổi vào lớp một nhưng trình độ ngôn ngữ lại chưa đạt để lĩnh hội các môn học như bạn cùng lứa, chính phủ - nhà trường và phụ huynh phải xử lý thế nào? 

Sau buổi họp đặc biệt cho con gái trở về, Sâm gọi điện cho tôi, vui vẻ kể: “Có đến 4 cô giáo ngồi họp suốt 3 tiếng đồng hồ với mình, chỉ để bàn việc học của riêng con mình. Cảm động lắm. Họ nói, việc quyết định có cho con mình vào lớp một bình thường hay lớp đặc biệt là rất quan trọng. Bốn cô giáo ấy gồm một cô đang dạy trực tiếp cho cháu, một bác sĩ tâm lý và hai chuyên gia về giáo dục khác. Trước đó, biết con mình chỉ nói tiếng Việt, họ đã ghép cháu chơi với hai bạn người Phần Lan, thấy có sự thay đổi nhanh, cháu bắt đầu nói tiếng Phần Lan nhiều hơn. Nhưng đánh giá tổng quát vẫn chưa đủ để vào học lớp một bình thường. Sau buổi họp, mình và họ thống nhất, từ nay đến đầu năm học mới còn 6 tháng để cháu luyện thêm. Nếu sau đó vẫn không có tiến bộ đặc biệt thì cháu sẽ vào lớp đặc biệt”.

Thế nào là lớp đặc biệt? Giáo dục Phần Lan giải quyết êm thấm và ấm áp thế nào cho đứa trẻ chỉ yếu kém một mặt nào đó nhưng vẫn có cơ hội theo kịp bạn bè cùng lứa? Trong lớp đặc biệt này, 10 thầy dạy 3 trò, Sâm chia sẻ. Chủ yếu là các chuyên gia ngôn ngữ. Họ tích cực luyện cho những đứa trẻ chậm về ngôn ngữ đầy đủ kỹ năng giao tiếp cần thiết, sau đó đưa chúng trở lại lớp học bình thường. Lớp học đặc biệt ấy không làm gián đoạn tiến trình tuần tự lên lớp theo tuổi của trẻ em mà giúp trẻ nhanh chóng bồi đắp kiến thức bị hổng. Yếu môn nào bổ sung môn ấy, không đánh đồng theo kiểu học đúp. Ở Việt Nam, có thể một người mẹ có con phải vào lớp đặc biệt sẽ cảm thấy ngại ngần, không muốn chia sẻ. Nhưng mỗi đứa trẻ là một tài năng đặc biệt, cách nâng niu và chăm sóc chu đáo ở Phần Lan. “Trường học cách nhà chỉ 3 phút đi bộ. Nhưng khi vào lớp đặc biệt, cách nhà khoảng 10 cây số, tổ chức xã hội cho taxi đến rước con mình đi học hàng ngày. Đều đặn, taxi sáng đón, chiều đưa về, hoàn toàn miễn phí. Ngoài tiếng Phần Lan, con mình còn được dạy thêm tiếng Việt, nếu cha mẹ yêu cầu, cũng miễn phí. Vùng mình ở có khá nhiều người Việt, họ sẽ mời người đến dạy tiếng Việt ngay trong trường cho trẻ. Điều này phù hợp những bố mẹ nhập cư không có thời gian dạy tiếng mẹ đẻ cho con. Chính phủ muốn những đứa trẻ có nguồn gốc nhập cư vào Phần Lan không quên cội rễ của mình”, Sâm sung sướng tâm sự.

Khuyến khích học muộn một năm

Thực ra, không chỉ Phần Lan áp dụng chính sách 7 tuổi vào lớp một. Mấy năm trước, tôi sang Séc thăm anh họ. Anh vui vẻ hỏi về trường lớp mẫu giáo ở Bỉ, so sánh thấy ở Séc điều kiện chăm sóc cho trẻ không hề kém cạnh, có mặt còn ưu việt hơn: “Các con cứ khoảng 3 tuổi sẽ vào mẫu giáo, mỗi lớp học chỉ 15 trò với 4 cô giáo thay nhau trông. Nghĩa là không có chuyện giáo viên bị quá tải. Trẻ đủ 6 tuổi được vào lớp một. Nhưng giáo viên bên Séc hay khuyến khích trẻ 7 tuổi hãy vào lớp một. Họ có lý do rất hay, đó là: kéo dài tuổi thơ của trẻ em”. 

Thanh, mẹ của bé Minh (5 tuổi) vốn là học sinh cũ của chị gái tôi, cách đây vài năm nhận học bổng sang Úc làm nghiên cứu sinh, tâm sự: “Chương trình học của trẻ bên này chắc chắn hấp dẫn hơn nhà mình rồi. Nhẹ nhàng hơn, phát huy tính sáng tạo, giải trí, thực tế hơn. Trẻ con được tự do trong khuôn khổ. Lớp học trang trí màu sắc và linh động, không gò bó. Kể cả các lớp lớn cũng trang trí rất nhiều màu sắc. Học như chơi, nhưng trẻ con lại nắm được nhiều kỹ năng sống, phát huy tính sáng tạo, tự tin. Các thầy cô nhìn vào sự phát triển của một học sinh theo thời gian để động viên, khích lệ, chứ không đánh giá kết quả tại thời điểm đó. Ví dụ, có lần em gặp cô để hỏi tình hình học tập của con. Cô đưa cho xem bài viết, thấy có rất nhiều lỗi. Nhưng cô bảo, so với bài đầu tiên thì con đã có tiến bộ nhiều”.

Sống ở châu Âu, thời khủng hoảng kinh tế chưa qua, lại tiếp tục khủng hoảng người tỵ nạn, nguy cơ khủng bố lan rộng... Có những lúc vợ chồng tôi mệt mỏi, tính cách chuyển về Việt Nam. Nhưng có một điều tôi biết chắc, về học ở Việt Nam lúc này con tôi sẽ không thể theo kịp trình độ học của bạn cùng tuổi. Trẻ ở đây nhìn chung học nhẹ nhàng hơn, ít áp lực hơn. Ngọc, một người bạn học cùng thời phổ thông với tôi ở quê, có thời gian nghiên cứu sinh và làm việc hơn chục năm tại Hàn Quốc, Thụy Điển, vừa trở về Việt Nam được vài năm kể, thỉnh thoảng các con của cô vẫn nhắc về những ngày tháng học hành ở Thụy Điển. Đơn giản bởi mỗi ngày đi học là một ngày vui. Giáo viên Thụy Điển rất yêu trẻ nhỏ, đối xử với trẻ một cách ngọt ngào nhất có thể. Đôi khi, Ngọc cảm thấy bản thân mình cũng không ngọt ngào, dịu dàng với con được như các cô giáo. Ở Thụy Điển, trẻ con được dạy cách thích nghi thân thiện với cuộc sống, với môi trường. Được hướng dẫn cách lắng nghe thiên nhiên, lên núi tìm chim, nghe tiếng hót và phân biệt được đâu là tiếng chim báo xuân. Được đưa vào rừng phát hiện dấu chân thỏ, sóc để lại trên tuyết. Đi hái nấm để học cách phân loại nấm độc. Học cách làm thức ăn cho chim rồi mang vào rừng treo trên các cành cây. Nói chung, bọn trẻ tha hồ hái hoa, bắt bướm, ngắm hươu, thỏa sức vẫy vùng trong nước và làm quen với thiên nga, vịt trời. Yêu thể thao, tích cực vận động là cách giáo dục mà Thụy Điển dạy cho trẻ con từ khi còn rất nhỏ. Bọn trẻ luôn được ra ngoài trời vận động hàng ngày, kể cả lúc mưa rơi, tuyết dày (trừ bão tuyết). Thời gian đầu Ngọc cũng lo con ốm. Nhưng hóa ra vận động thường xuyên khiến chúng khỏe hơn, con chỉ ốm khi bỗng dưng bị hạn chế vận động.

Điều cả tôi, Sâm, Ngọc, Thanh cùng hài lòng nhất và thấy có điểm giống nhau nhất giữa Bỉ, Séc và Phần Lan, Thụy Điển, Úc là không có bằng khen thành tích nọ kia theo học kỳ, không phải chạy đua cho con vào trường tốt khi trẻ còn nhỏ. Được kéo dài tuổi thơ cho con cũng là cách giúp cha mẹ giảm bớt áp lực của cuộc sống. Chỉ khi không căng thẳng mới là cách tốt nhất ươm mầm tài năng và bình tâm nhận ra mầm tài năng để vun trồng. 

Tin cùng chuyên mục