Kết nối các địa danh lịch sử với du lịch

Theo ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, không chỉ ở Cần Thơ hay Sóc Trăng, mà nhiều tỉnh, thành khác trong khu vực cũng có những di tích lịch sử quan trọng.
Một góc bến Ninh Kiều, Cần Thơ. Ảnh: TRÂN ANH THẮNG
Một góc bến Ninh Kiều, Cần Thơ. Ảnh: TRÂN ANH THẮNG

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở ĐBSCL diễn ra nhiều sự kiện trọng đại, nhưng đáng nhớ nhất là cuộc giành chính quyền ở tỉnh Cần Thơ và việc đón đoàn tù chính trị từ Côn Đảo về đất liền. Giờ đây, những tên đất, tên người đã trở thành các địa danh lịch sử, hàng năm thu hút đông đảo du khách đến thăm.

1. Cuối tháng 8-1945, sau thắng lợi trong các cuộc biểu tình của quần chúng cách mạng, quân Nhật ở Cần Thơ phải ra lệnh tập trung toàn bộ lực lượng về phòng thủ, bảo vệ sở chỉ huy tại thị xã. Ngày 25-8-1945, nhiều đoàn người mang biểu ngữ, cờ Thanh niên Tiền phong, cờ Việt Minh từ phía ngoại ô kéo vào trung tâm thị xã Cần Thơ. Sáng 26-8-1945, hơn 20.000 đồng bào ở thị xã và các quận lân cận kéo về tập trung tại sân vận động (cơ quan Thành ủy Cần Thơ ngày nay).

Sau khi nghe lời hiệu triệu của đại diện Ủy ban Dân tộc giải phóng, đoàn biểu tình vũ trang tuần hành khắp đường phố và tập trung tại dinh Xã Tây (nay là trụ sở UBND TP Cần Thơ, đóng tại quận Ninh Kiều), yêu cầu tên tỉnh trưởng tay sai giao chính quyền cho Ủy ban Dân tộc giải phóng tỉnh Cần Thơ. Trước khí thế hừng hực của quần chúng, tên Tỉnh trưởng Lưu Văn Tào buộc phải chấp nhận yêu cầu của nhân dân, ra lệnh giải tán chính quyền bù nhìn.

Thắng lợi từ quận Ninh Kiều nhanh chóng lan ra các quận, huyện khác, cổ vũ lực lượng cách mạng tiến công, vây ép địch ở khắp nơi. Ngày 28-8-1945, Ủy ban Hành chính tỉnh Cần Thơ được thành lập. Tỉnh Cần Thơ hoàn toàn được giải phóng, tạo đà cho nhiều tỉnh ĐBSCL nổi dậy giành chính quyền. Cũng tại bến Ninh Kiều, ngày 25-9-1945, đoàn tù chính trị Côn Đảo được đón về đây sau khi các đoàn trước đã được đón ở Sóc Trăng, trở thành điểm mốc lịch sử đáng nhớ của Cần Thơ.

Kể từ mùa Thu năm đó, những địa danh lịch sử trên địa bàn quận Ninh Kiều đã trở thành trung tâm chính trị, hành chính của TP Cần Thơ. Cách không xa những địa danh lịch sử đó là các khu du lịch, khu vui chơi giải trí, thu hút đông đảo du khách tham quan, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng số khách đến tham quan tại địa bàn quận đạt 3,2 triệu lượt người; trong đó khách quốc tế chiếm hơn 144.700 lượt; doanh thu đạt hơn 929 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trung Nhân, Bí thư Quận ủy Ninh Kiều, chia sẻ: “Tiếp nối trang sử hào hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Ninh Kiều coi trọng giáo dục truyền thống cách mạng thông qua các di tích, địa danh lịch sử. Địa phương thường xuyên quan tâm kết hợp bảo tồn, kết nối di tích lịch sử trên địa bàn, vừa góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, vừa tri ân, tưởng nhớ công lao của thế hệ cha anh, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”.

2.  Trên đường Tôn Đức Thắng, thuộc địa bàn phường 6, TP Sóc Trăng, có một trường học mang tên Trường Trung học Phổ thông Lê Lợi (hiện nay là Trường Trung học phổ thông Ischool Sóc Trăng). Trong ngôi trường này, vào tháng 9-1945 đã diễn ra một sự kiện lịch sự hết sức quan trọng: Nơi đón tiếp, an dưỡng đoàn quân cách mạng, những tù chính trị từ nhà tù Côn Đảo được Đảng, Chính phủ giao cho Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng thay mặt nhân dân cả nước đón tiếp và chăm sóc chu đáo. 

Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, vào 7 giờ tối ngày 23-9-1945, một đoàn khoảng 2.300 người (trong đó có 1.825 tù chính trị) được đón từ Côn Đảo về đến tỉnh lỵ Sóc Trăng và được đưa ngay về trường Taberd. Sáng hôm sau, ngày 24-9-1945, một cuộc mít tinh lớn chào mừng đoàn được tổ chức tại sân trường Taberd, cuộc mít tinh đã trở thành một cuộc biểu dương lực lượng ủng hộ chính phủ lâm thời do cụ Hồ Chí Minh đứng đầu, kiên quyết đánh Pháp để giữ vững đất nước độc lập. Ngày 30-9-1945, đoàn chiến sĩ Côn Đảo lên đường về Cần Thơ để nhận nhiệm vụ mới.

Cùng ngày, một đoàn chiến sĩ Côn Đảo về sau, cập bến Cần Thơ, tại đây, cũng diễn ra cuộc đón tiếp như ở Sóc Trăng. Từ điểm dừng ở quê hương Sóc Trăng, những người tù chính trị Côn Đảo tỏa ra khắp nơi để tiếp tục cuộc đời hoạt động cách mạng, chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì lý tưởng cộng sản. Nhiều đồng chí được bổ sung vào hàng ngũ lãnh đạo các cấp của Đảng và ngày càng tỏ rõ bản lĩnh kiên cường của những người cộng sản đã được trui rèn qua biết bao nhà tù đế quốc thực dân. Trong đó, có không ít đồng chí trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Phan Trọng Tuệ v.v...

Hiện trong khuôn viên trường có nhà Trưng bày di tích lịch sử Đón đoàn tù chính trị Côn Đảo về Sóc Trăng. Bên trong nhà trưng bày được chia thành 2 gian. Gian chính là phần trưng bày các sơ đồ, hình ảnh về nhà tù Côn Đảo, cảnh ghi lại hình ảnh đón tiếp đoàn tù chính trị, cảnh sinh hoạt của tù chính trị trong sân trường, mô hình chiếc ca nô do Bác Tôn lái cùng 12 chiến sĩ từ nhà tù trở về đất liền. Ngoài ra, còn có một số hiện vật do nhân dân Sóc Trăng quyên góp, dùng để rửa vết thương cho các chiến sĩ Côn Đảo; một gian nhỏ hơn để trưng bày một một số hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác Tôn. Năm 1992, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra Quyết định công nhận di tích trường Taberd tỉnh Sóc Trăng là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.

Theo ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, không chỉ ở Cần Thơ hay Sóc Trăng, mà nhiều tỉnh, thành khác trong khu vực cũng có những di tích lịch sử quan trọng. Vấn đề là ngành du lịch phải thường xuyên tổ chức các tour, tuyến kết nối các địa danh lịch sử, để vừa quảng bá cho hình ảnh địa phương, thông qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh bảo vệ quê hương của các thế hệ ông cha.

Tin cùng chuyên mục